01/03/2012 06:11 GMT+7

Giữ lại chứng nhân

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Hai cây cầu hiện đại trên sông Hàn là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) sẽ chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng. Cùng với cầu Thuận Phước, cầu quay sông Hàn và cầu Tuyên Sơn, con sông Hàn (Đà Nẵng) sẽ là dòng sông của những cây cầu hiện đại.

kPZehZDt.jpgPhóng to

Cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện vẫn đảm bảo việc lưu thông của một phần TP Đà Nẵng - Ảnh: T.Vũ

Thế nhưng, chính quyền TP Đà Nẵng vừa chính thức quyết định giữ lại cây cầu thép Nguyễn Văn Trỗi cũ kỹ để biến nó thành cây cầu dành cho đi bộ. Ý tưởng đó đã làm nức lòng người dân Đà Nẵng, bởi chứng nhân của một thời lửa khói ấy đã được giữ gìn, tôn tạo...

Cây cầu ký ức

Chỉ riêng màu vàng của thân cầu bị phủ bụi xám xịt, những ống thép uốn cong lưng tôm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi là không lẫn vào đâu của mấy mươi năm trước. Cây cầu từng là điểm cao nhất để nhìn ra lau lách hai bờ sông Hàn giờ đây bị khuất lấp trong những cao ốc sừng sững chọc trời xanh.

Ông Nguyễn Phu hì hục xách nước tưới những luống cải, xà lách vừa trồng phía trước sân nhà thờ bên kia đầu cầu. Định mệnh đã gắn liền cuộc đời ông già tuổi ngoài 70 với cây cầu này từ thời niên thiếu.Đặt cái xô xuống nền đất ẩm thấp, ông Phu nhìn về chiếc cầu nơi bên kia Đảo Xanh (khu đô thị Đảo Xanh) rồi hồi tưởng một thời xuân xanh. “Năm 1965, quân đội Mỹ bắt đầu cho xây chiếc cầu này. Công binh của họ làm từ ngày sang đêm, mọi việc diễn ra trong hối hả. Mấy tháng sau cây cầu sừng sững hiện ra thay thế cây cầu tạm” - ông Phu kể.

Từ Quảng Trị chạy loạn vào Đà Nẵng từ những năm 1950, lại ở gần cầu nên ông Phu được tuyển vào Bộ tư lệnh cảnh sát khu I với nhiệm vụ gác cầu. “Tôi là một thượng sĩ nhưng không ra trận mà suốt ngày ngồi ở đầu cầu này chỉ để quay cái biển xanh - biển đỏ cho từng đoàn xe nhà binh chạy qua. Có hôm xe chạy cả ngày, có lúc giữa khuya xe chạy từ quân cảng Tiên Sa âm thầm vào sân bay, qua phố rồi lên tận Tây nguyên” - ông Phu nhớ lại. Dẫn chúng tôi ra đầu cầu, ông Phu chỉ những nơi từng là hàng rào thép gai bung dọc thành cầu, thép gai quấn chặt dưới lòng sông. Ngày đất nước thống nhất, ông Phu lại chứng kiến cảnh từng đoàn xe tăng của quân giải phóng vun vút lao qua cầu tiến về phía bán đảo. “Cây cầu đã góp phần giải phóng nhanh TP” - ông bảo. Cuộc chiến kết thúc, ông Phu về quê mấy năm trời rồi hình như nhớ quá Đà thành nên ông quay lại để rồi cuối đời lại tỉ mẩn chăm chút từng luống cải bên mép sông xưa.

Kỷ vật chiến tranh

Những người trẻ như chúng tôi chỉ biết cây cầu qua dáng hình kỳ lạ. Công năng của cây cầu bắt đầu giảm dần theo thời gian và dần được thay thế. Nhưng đối với những người lớn tuổi ở TP này thì cây cầu đã quá đỗi thân quen, như là một phần máu thịt của họ. Nhấp ly cà phê bên sông trong chiều sắp tắt, nhà văn Thái Bá Lợi kể: “14g ngày 29-3-1975, tôi đã có mặt trong TP này, ít giờ sau thì người ta tuyên bố giải phóng Đà Nẵng. Khi đó, TP rất ít cao điểm để ngắm, cầu Nguyễn Văn Trỗi cùng với Bệnh viện Bình An bên kia sông là những nơi như vậy. Những ngày đó, từng đoàn quân giải phóng cờ tung bay lần lượt qua cầu”.

Không phải đến lúc này người ta mới tính chuyện giữ lại cây cầu. Câu chuyện giữ lại cây cầu manh nha từ những trí thức, nghệ sĩ cách đây hơn một năm, khi nhiều khuyến cáo được phát đi về độ an toàn của nó. Có lẽ người ta nghĩ đến sứ mệnh của cây cầu cũ này đã kết thúc, tất cả phải nhường chỗ cho sự phát triển của TP.

Nhà văn Thái Bá Lợi nói: “Khi nghe ý tưởng gỡ bỏ cây cầu, tôi thấy tiếc nuối. Thật ra cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những kỷ vật thời chiến cuối cùng còn sót lại của TP này. Khi nghe anh Hạng (nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng) ngỏ ý làm đơn gửi TP giữ lại cầu, tôi xung phong ký tên ngay”.

Hì hục vẽ, tạo dáng tìm điểm nhấn trang trí cho chiếc cầu Rồng theo lời mời của chính quyền Đà Nẵng, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng vẫn bảo lưu ý kiến về việc giữ lại và tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi. Từng đặt chân đến những cây cầu nổi tiếng thế giới, ông Hạng cho rằng TP phải có lịch sử của nó. Giữ lại cầu là điều chính quyền làm, còn tôn tạo, giải pháp ứng xử với cầu thuộc về các nhà chuyên môn, nghệ sĩ... “Cầu “tình” ở Prague (Cộng hòa Czech), cầu gỗ sông Seine (Paris, Pháp), cầu thủy tinh ở Venice (Ý), cầu âm nhạc ở Singapore hay cầu vải ở Nga... dưới bàn tay và tình yêu các nghệ sĩ, những cây cầu đã tạo thành điểm nhấn đầy thẩm mỹ cho các TP này”.

Ông Hạng thổ lộ hàng loạt ý tưởng: “Đến lúc già, nếu được tôi xin tình nguyện làm người giữ cầu, trông coi cây cầu cho TP này. Khi ấy cây cầu sẽ được tôn tạo là nơi để trưng bày, là sân khấu ánh sáng, hòa nhạc, cây cảnh, giải khát, nơi bày bán hàng đá Non Nước, nơi bày biện mộc Kim Bồng... Cầu sẽ là nơi hội ngộ, hò hẹn, cầu nghệ thuật, cầu ánh sáng... sẽ là nơi hát hò khoan đối đáp, nơi hát bài chòi... Thi vị làm sao khi cây cầu đi bộ này luôn được thay đổi như một sự vận động không ngừng của sự phát triển, góp phần tô điểm đô thị. Có thể mời chính nhà sản xuất chiếc cầu quay lại đây gắn biển cho cây cầu và cùng với TP bảo dưỡng nó. Kỷ vật chiến tranh biến thành điểm nhấn hòa bình, tại sao không?”.

Phục vụ cho du lịch

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết chính quyền TP đã quyết định giữ lại cầu sắt Nguyễn Văn Trỗi và đang tìm cách biến nó thành cầu đi bộ phục vụ du lịch. Để đảm bảo độ thông thuyền (do gầm cầu này thấp), các chuyên gia cầu đường đang tính đến việc lắp đặt các thiết bị kích để nâng nhịp giữa của cầu lên cao khi có tàu thuyền lớn qua lại.

Theo tài liệu lưu trữ của Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng thì cầu Nguyễn Văn Trỗi xây dựng năm 1965 và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Trước đó năm 1960, cầu Trần Thị Lý (có tên cũ là Trịnh Minh Thế) đã được xây dựng cách 70m về phía thượng lưu, song đây là cầu đường sắt, sau năm 1975 mới cải tạo thành cầu đường bộ. Mục đích ban đầu của cây cầu này là phục vụ việc vận chuyển khí tài từ cảng Tiên Sa vào Đà Nẵng nên quân đội Mỹ chỉ xây dựng theo kiểu dã chiến.

Quân đội Mỹ thuê kỹ sư Úc đảm trách thiết kế đến nhân lực và thiết bị thi công. Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,50m, phần xe chạy 8,50m, không có lề dành cho người đi bộ. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bêtông cốt thép. Năm 1996, thay bêtông cốt thép bằng các tấm thép để giảm trọng lượng bản thân phần thượng bộ (do kết cấu móng bị yếu), lớp mặt cầu rải bêtông nhựa dày 5 cm.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên