Tuy nhiên, chính cuộc đời giản dị, cô độc đó đã hết lòng một người vì mọi người, đưa y học hiện đại vào VN và chiến thắng được dịch hạch - thần chết của thế giới...
Có một câu chuyện rất đặc biệt rằng những năm chiến tranh, nơi Yersin yên nghỉ ở vùng núi rừng Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa là chiến địa rất ác liệt, thường xuyên bị oanh tạc và cài mìn dày đặc. Tuy nhiên, mộ phần của vị bác sĩ nước ngoài này lại không bao giờ bị trúng một viên đạn, trái bom nào. Tại sao lại có sự kỳ lạ đó?
Phóng to |
Bác sĩ Yersin |
Sự thật của lòng kính trọng
Những lần có dịp ra Nha Trang, chúng tôi cố gắng tìm hiểu sự thật của câu chuyện có vẻ như huyền bí này. Một lần, tình cờ ngồi với bác sĩ Kiều Xuân Cư, 93 tuổi, từng là “bạn nhỏ thân thiết” của vị bác sĩ người Pháp, chúng tôi mới hiểu đó là sự thật giản đơn của trái tim. Những người lính cả hai chiến tuyến đều kính trọng Yersin và không ai muốn bom rơi đạn nổ vào nơi ông yên nghỉ! Bác sĩ Cư tham gia cách mạng từ thời kỳ đầu, từng bị chính quyền miền Nam kết án tử hình, có thể xác nhận cho điều đó.
Nhớ lại thuở thơ ấu ở Nha Trang, bác sĩ Cư thường vào đọc sách “tủ hồng” dành cho thiếu nhi trong thư viện mở của Yersin và được bác sĩ tặng kẹo. Ông cảm nhận rất rõ tình nhân ái của Yersin với người khác mà nhất là trẻ em, người nghèo khó, bệnh tật và tấm lòng kính trọng của mọi người đối với ông. Rồi cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt.
Việc người Pháp đến xâm lược quê hương luôn rực lửa trong mỗi người lính Việt Minh, nhưng Yersin ở Nha Trang vẫn được an toàn và kính trọng. Không chỉ nhân dân mà cả những người trong lực lượng Việt Minh như bác sĩ Cư cũng sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ vị bác sĩ người Pháp đặc biệt này...
Còn thái độ binh lính Sài Gòn thì được chính bác sĩ Henri H. Mollaret là nhân chứng kể lại tỉ mỉ: “Năm 1970, từ Manila trở về, tôi ghé qua Sài Gòn và dự tính đến phần mộ của Yersin ở Suối Dầu; nhưng Suối Dầu là một vùng mất an ninh tôi không thể đến đó được. Khi ấy, tôi lang thang ở Nha Trang: tôi gặp lại Viện Pasteur, ngôi nhà của Yersin, vòm quan sát của ông; tôi nhìn thấy hoạt động của các ngư dân và các trò nô đùa của trẻ con.
Ở nơi này nơi nọ, tôi hình dung ra Yersin và đó chính là chìa khóa mở đường cho tôi đến mộ phần của ông. Bằng cách nào mà trong thành phố và nhất là bên ngoài thành phố, lời đồn đại về việc một người Pháp muốn đến thắp nhang nơi am thờ ông Năm (Yersin - PV) được lan truyền? Thế là có người tình nguyện dẫn đường cho tôi, bảo đảm là phía trước mặt tất cả đều yên tĩnh.
Hôm sau đúng giờ hẹn, dưới một cơn mưa như thác đổ, tôi lên đường đến Suối Dầu. Phải trèo qua những hàng rào kẽm gai có treo lủng lẳng lựu đạn và vỏ đồ hộp. Ở một số đoạn, người dẫn đường của tôi bước chậm lại và dặn dò tôi cẩn thận bước theo dấu chân của anh ta để tránh mìn.
Tôi ướt nhem, mắt dán xuống đất bước theo và rồi chúng tôi đến chỗ đỉnh đồi. Đấy là chốn mộ phần. Bốn người lính dẹp súng máy của họ sang bên và đứng lặng lẽ, cách xa. Cái miếu nhỏ vẫn còn che giữ tấm ảnh của Yersin. Tôi thắp nhang xong đi vòng quanh ngôi mộ, và qua màn mưa cố đoán nhìn phong cảnh Yersin từng rất yêu mến. Mấy người lính nhìn tôi chằm chằm. Mưa vẫn không dứt.
Cuối cùng, người dẫn đường bảo với tôi đã đến lúc ra về. Trước khi trở xuống, tôi nhìn lại lần cuối nơi an nghỉ của con người đã từng nói vào tuổi 26: Sống mà không hoạt động thì không phải là cuộc sống”.
Nhưng đó là câu chuyện của những năm sau 1943, khi Yersin đã qua đời với nguyện vọng được nằm lại ở xa quê hương, tức đất nước VN đã được ông xem như chính là quê nhà mình!
Phóng to |
Rời bỏ Paris, bác sĩ Yersin trở thành bác sĩ hàng hải và đến VN - Ảnh tư liệu |
Cuộc đời bình thường mà không bình thường
... Ngược trở lại mùa thu năm 1890, Yersin đã làm đồng nghiệp Viện Pasteur, Paris ngỡ ngàng với quyết định giã từ “tháp ngà” y học thế giới, để làm một chân bác sĩ hàng hải quèn cho Hãng vận tải Messageries Maritimes. Tuy nhiên, có một người không bất ngờ chút nào chính là giáo sư Pasteur.
Từng là thầy, đồng nghiệp, kể cả nhiều lần va chạm chuyên môn với Yersin, Pasteur thầm hiểu bác sĩ trẻ này có thiên hướng nghiên cứu y học xuất sắc nhưng cũng rất khác người, không chấp nhận những chuẩn mực, thước đo sự nghiệp, danh vọng xã hội.
Năm ấy Yersin mới 27 tuổi đã là bác sĩ y khoa, từng đăng nhiều công trình nghiên cứu trên tạp chí danh giá của Viện Pasteur, trong đó có cả những nghiên cứu về vi trùng lao là nỗi ám ảnh thời kỳ này. Đồng thời Yersin cũng là điều chế viên của Viện Pasteur và được mời giảng dạy nhiều khóa học mà học viên gồm cả các giáo sư đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Theo dõi bước đi Yersin, giáo sư Pasteur đã thấy đỉnh cao sự nghiệp chờ đón người bác sĩ trẻ, nhưng cũng thầm đoán Yersin sẽ không chọn con đường êm đềm. Sinh ở Thụy Sĩ, Yersin trải qua các trường học Thụy Sĩ, Đức và Pháp. Sở dĩ ông có quốc tịch Pháp vì luật nước này quy định phải nhập quốc tịch mới được hành nghề y.
Tính cách Yersin từ trẻ đã khác người với cuộc sống khép kín, hướng nội hoàn toàn. Trong lúc bạn bè sinh viên lao vào các cuộc vui rượu chè và tranh luận sôi nổi, Yersin lặng lẽ tập trung học hành, nghiên cứu thực nghiệm.
Tuy nhiên, trái ngược với cuộc sống có vẻ cô đơn, lạnh lẽo đó, Yersin lại có trái tim rất tình cảm. Trong một thư gửi mẹ, Yersin kể lại cảnh tình cờ gặp đứa trẻ nghèo khó đang nô đùa trước một cửa tiệm thì bị người chủ quất roi trúng mắt. Xúc động thương đứa bé đau đớn, khóc lóc, Yersin đã chăm sóc y tế cho nó rồi dẫn về nhà. Sau đó, Yersin còn giúp trẻ nghèo khó này kiếm được chút đỉnh bằng chính những đồng tiền vốn rất hạn hẹp của mình khi cho nó việc đánh giày, ủi quần áo.
Tâm sự chuyện này, bác sĩ Kiều Xuân Cư cũng có kỷ niệm trở thành “bạn nhỏ” của Yersin lúc ông đã lớn tuổi, bận rộn nhiều việc, nhưng vẫn thường thấy ông hết lòng yêu thương trẻ em. Những trẻ vào nô đùa trong nhà ông ở Nha Trang vô tình làm hư hoa, nát cỏ bị người giúp việc la mắng đều được ông bênh vực: “Đừng làm người ta sợ”.
Trở lại năm 1890, Yersin giã từ Paris, xuống tàu Oxus ở cảng Marseille với đích đến chính là Sài Gòn. Hành lý ông chỉ vài bộ quần áo nhàu nhĩ nhét vội, nhưng kính hiển vi, thuốc thử, bộ đồ nghề y và sách vở được sắp đặt ngăn nắp.
Khởi hành ngày 21-9-1890, tàu Oxus đến mũi Vũng Tàu vào ngày 18-10-1890 để vào Sài Gòn. Là bác sĩ hàng hải, Yersin còn tiếp tục rong ruổi nhiều hải trình qua Philippines, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc... rồi các thương cảng dọc nước Việt, các miền đất huyền bí trên đại ngàn Trường Sơn, nhưng cuối cùng một làng chài nhỏ ở Nha Trang đã giữ chân ông ở lại.
Tuy nhiên, chính tại xóm Việt nghèo khó này, Yersin đã lặng lẽ đi tới thành tựu y học vĩ đại mà không cần điều kiện này nọ, cũng không màng người ta vinh danh, tặng thưởng cho mình ra sao...
__________________
Trong lúc đoàn bác sĩ nghiên cứu bệnh dịch hạch khác được trang bị đầy đủ, Yersin chỉ làm việc một mình nhưng vẫn dấn thân đến “thành phố chết” và phải bí mật tìm thi hài bệnh nhân để khám phá vi trùng tử thần!
Kỳ tới: Vào “thành phố chết”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận