26/02/2012 10:15 GMT+7

Đạo của ngành y

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Đạo ở đây là tên riêng của bác sĩ Trần Đoàn Đạo. Những gì ông làm được ví như giữ cho chữ đạo của ngành y luôn được trong trẻo, để khiến mọi người tin rằng không phải bác sĩ nào cũng nhận phong bì, cũng lôi kéo bệnh nhân về phòng mạch tư gây hoen ố hai từ y đức.

VbK25Tro.jpgPhóng to
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo hỏi thăm bệnh nhân Bé Hai, một trường hợp bị phỏng nặng - Ảnh: Tiến Thành

Hơn 10 năm nay, trong ngăn kéo bàn làm việc của bác sĩ Trần Đoàn Đạo - trưởng khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - luôn có một góc riêng cất những khoản tiền có được ngoài lương như tiền thưởng, tiền mổ... để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo nằm điều trị tại khoa phỏng.

Bệnh nặng nhất, nghèo nhất

"Tôi chỉ đơn giản muốn xoa dịu những nỗi đau thể xác của người bệnh, đưa một con người trở về với cuộc sống thật sự của con người..."

BS Trần Đoàn Đạo

Một lần tình cờ đến khoa phỏng để tìm hiểu về một bệnh nhân nghèo, tôi nghe người bệnh kháo nhau câu chuyện bác sĩ Đạo giúp bệnh nhân nghèo tiền mua máu, mua cơm, tiền phẫu thuật. Tôi từng nhiều lần có ý định viết bài về ông nhưng bác sĩ Đạo luôn từ chối. Sau nhiều lần thuyết phục, lấy lý do là viết đến ông để nhiều người biết đến tập thể khoa phỏng, để giúp bệnh nhân nghèo thì ông mới chịu.

Là một bác sĩ làm việc tại khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy từ khi thành lập (năm 1991) đến nay, bác sĩ Đạo nhận ra một điểm chung ở hầu hết bệnh nhân phỏng đó là bệnh rất nặng nhưng rất nghèo. Trung bình chi phí điều trị cho một ca phỏng mất hàng chục triệu đồng, có khi đến hơn 100 triệu đồng nhưng bệnh nhân hoặc người thân bệnh nhân chỉ đi làm thuê kiếm từng đồng, chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh!

Bác sĩ điều trị là người biết rõ bệnh nhân đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết mà không cứu được bệnh nhân thì đau lòng lắm. Nhưng nếu chữa miễn phí cho tất cả bệnh nhân nghèo tại khoa phỏng thì bệnh viện không thể kham nổi. Vậy tìm nguồn chi phí ở đâu để giúp những bệnh nhân nghèo này? Câu hỏi ấy luôn đè nặng trong suy nghĩ của ông hằng ngày.

Bác sĩ Đạo hiểu rõ một mình ông dù cố gắng đến đâu chăng nữa cũng không thể giúp rất nhiều bệnh nhân nghèo đang hằng ngày cần được giúp đỡ, điều trị. Để giúp họ cần nhiều con người có tấm lòng hảo tâm và có điều kiện về kinh tế. Ông nhớ về một ngày thật xa nhưng đã trở thành dấu mốc đáng nhớ cho ông và những bệnh nhân nghèo tại khoa phỏng. Đó là một bữa ăn tối mà ông cùng với những người bạn thân, trong đó có những người đã trở thành doanh nhân thành đạt, giàu có.

Chính trong lúc ăn uống vui vẻ đó, ông chạnh nhớ đến những bệnh nhân nghèo, những người khi đến bệnh viện điều trị còn không có tiền mua nổi một suất cơm, những người từng đứng trước ông xin được xuất viện, nước mắt lưng tròng, thú thật gia đình đã hết tiền để chữa bệnh.

Ông kể cho những người bạn của ông về những hoàn cảnh đáng thương ấy. Nghe xong, một người bạn của ông lên tiếng: “Khi nào trong khoa có bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ cứ gọi cho tui”. Vậy là đã có một tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ. Sau đó, có gần 10 người bạn nhận lời giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Bác sĩ Đạo cười bảo theo thời gian tình thương cũng được nhân lên, số người hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân nghèo nhiều hơn, có người còn chủ động gặp ông để bày tỏ nguyện vọng muốn giúp bệnh nhân nghèo. Ông vẫn nhớ có một nữ doanh nhân rất giàu có trong lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc. Lần đó, chị bị phỏng nhẹ vào điều trị tại khoa phỏng. Có lẽ trong những ngày nằm viện điều trị chị đã thương cảm những bệnh nhân đáng thương này, nên trước khi xuất viện đã tìm ông nhờ khi nào có bệnh nhân nghèo mong ông báo giúp để chị được giúp đỡ họ. Là cầu nối giữa những nhà hảo tâm và những bệnh nhân nghèo nhưng bác sĩ Đạo luôn có một nguyên tắc là ông không bao giờ trực tiếp cầm tiền mà chỉ báo cho những nhà hảo tâm đến tận nơi trao tiền cho những bệnh nhân cần được giúp đỡ.

Hạnh phúc đong đầy

Đã giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân nghèo, nhưng bác sĩ Đạo vẫn nhớ như in hình ảnh một phụ nữ ở Nha Trang đi chăm chồng bị phỏng nặng tại khoa phỏng. Một buổi sáng ba năm về trước, người vợ trong dáng dấp tiều tụy đã đến gặp ông rưng rưng nước mắt nói: “Xin bác sĩ cho chồng tôi về vì gia đình tôi không còn tiền để chữa bệnh nữa”. Trong khi bác sĩ biết rõ bệnh của người chồng rất nặng, nếu không điều trị chắc chắn sẽ tử vong. “Cô cứ để chồng cô ở đây điều trị tiếp, tôi sẽ gọi cho các nhà hảo tâm để xin giúp đỡ”, bác sĩ Đạo quyết định như vậy. Đến ngày người chồng được xuất viện, người phụ nữ ấy đã tìm gặp bác sĩ Đạo và quỳ ngay xuống đất lạy ông. Ông lúng túng bảo chị đứng lên rồi nói chuyện nhưng chị nhất định không chịu. Chị bảo: “Bác sĩ là ân nhân của gia đình tôi vì đã cứu sống chồng tôi. Cả cuộc đời này tôi và gia đình tôi sẽ mãi mang ơn bác sĩ”. Hình ảnh người phụ nữ quỳ sụp xuống làm ông suy nghĩ mãi. Nó giúp ông hiểu rõ hơn sự giúp đỡ hằng ngày của mình quan trọng thế nào đối với một con người, thậm chí là cả hạnh phúc của một gia đình.

Mỗi buổi sáng đến khoa thăm bệnh nhân, bác sĩ Đạo vẫn bắt gặp những bệnh nhân bị phỏng rất nặng, quấn băng trắng khắp người, chỉ còn hở ra mỗi gương mặt nhưng lại có những ánh mắt rất mãnh liệt, tha thiết lắm với cuộc sống này. Chiều 20-2, ông dẫn tôi đến thăm một bệnh nhân 26 tuổi, đang nằm điều trị tại khoa phỏng. Cô ấy cũng là một bệnh nhân mà chỉ nhìn vào ánh mắt thôi đã cảm nhận được “cả một trời hi vọng” vào cuộc sống này. Ông nói với bệnh nhân: “Tôi sẽ giúp cô, nhưng bản thân cô cũng phải cố gắng nhé, cố gắng để vượt qua giai đoạn điều trị khó khăn này”. Người phụ nữ này nói: “Em phải cố gắng sống chứ bác sĩ, sống để còn nuôi đứa con nhỏ nữa”... Ông nói vẫn đang tìm cách giúp người phụ nữ này 15 triệu đồng để điều trị bệnh. Một bệnh nhân kề bên cũng mới được ông trích 5 triệu đồng trong tổng số 6 triệu đồng được bệnh viện thưởng cuối năm 2011 để giúp có thêm tiền điều trị.

Tuổi thơ nghèo

“Từ khi nào ông đã hiểu và thương yêu người nghèo đến như vậy?”, tôi hỏi. Bác sĩ Đạo bảo tình thương đó đã có từ khi ông còn rất nhỏ và đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Ông kể ông sinh ra trong một gia đình lao động nghèo gồm chín anh em ở xã Trường Lệ, Hội An, Quảng Nam. Ngày ông còn nhỏ, xã ông nghèo lắm, người dân xung quanh cùng nghèo khổ. Cái đói, cái nghèo của gia đình, của những người dân lam lũ xuyên suốt tuổi thơ ông. Ba ông kể lại rằng ông nội ông qua đời cũng vì mắc bệnh mà không có tiền điều trị. Ngày mẹ ông nhập viện điều trị bệnh bướu cổ, hình ảnh người bác sĩ đã trở thành những vị anh hùng trong lòng ba ông - một công nhân của ngành đường sắt lúc ấy. Từ đó, ba ông luôn đau đáu một ước mong là có một người con theo ngành y. Thấy gia đình mình rất nghèo, ba mình cả đời làm việc vất và chỉ có một mong ước duy nhất ấy. Là người con học giỏi nhất nhà, ông đã âm thầm biến ước mơ của ba ông thành hiện thực.

Ông đỗ vào Trường đại học Y dược TP.HCM năm 1975 và ra trường năm 1981, sau đó đi bộ đội năm năm rồi về công tác tại khoa ngoại Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 1991, ông được chuyển sang khoa phỏng và năm 2000 nhận chức trưởng khoa đến nay.

Năm nay bác sĩ Đạo 56 tuổi, chỉ còn bốn năm nữa sẽ về hưu. Điều ông lo lắng là làm sao phát triển được đội ngũ bác sĩ khoa phỏng vì hầu hết bác sĩ làm việc tại khoa đều có thâm niên trên 10 năm. Khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi luôn nhận bệnh nhân nặng, bệnh nhân nghèo và không mở được phòng mạch nên rất khó thu hút bác sĩ về công tác. Trong khi trong khoa luôn có trung bình 50-60 bệnh nhân phỏng nằm điều trị.

Khi tôi đang viết bài này thì bác sĩ Đạo đã về Đà Nẵng thăm cha mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Trong lúc nhớ về cha, ông viết: “Ước mơ của tôi thật đơn sơ và nhỏ bé, tôi chỉ đơn giản muốn xoa dịu những nỗi đau thể xác của người bệnh, hàn gắn những vết thương để đưa một con người trở về với cuộc sống thật sự của con người...”.

Tâm sự của người bệnh

Ngồi bên giường bệnh của vợ là bà Trần Thị Sáu (63 tuổi, Long An), có những lúc ông Nguyễn Văn Chơn tưởng rằng phải đưa vợ về vì không có tiền điều trị. Thế nhưng, người bác sĩ trưởng khoa đã lẳng lặng đến bên giường bệnh đưa ông 5 triệu đồng để ông có điều kiện thuốc thang cho vợ. Sáng 25-2, gặp chúng tôi tại khoa phỏng, ông Chơn xúc động kể: “Gia đình tôi nghèo, phải viết đơn nhờ chính quyền địa phương xác nhận hoàn cảnh khó khăn để bệnh viện xem xét giảm viện phí cho vợ tôi. Nào ngờ bác sĩ Đạo đọc đơn biết hoàn cảnh của vợ tôi...”.

Chị Phạm Thị Bé Hai (23 tuổi, Trà Vinh) bị phỏng đèn dầu gần hết cả người, khắp người quấn băng trắng toát, nằm cùng phòng với bà Sáu cũng rưng rưng kể: “Mỗi lần bác sĩ đến hỏi thăm bệnh đều động viên tôi ráng điều trị để sống mà nuôi con. Nhà nghèo, từ bé đến lớn giờ tôi mới vào bệnh viện điều trị và không ngờ may mắn gặp được một bác sĩ tốt như vậy. Bác sĩ Đạo còn hứa sẽ nhờ các nhà hảo tâm giúp cho tôi 15 triệu đồng để trị bệnh”.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên