23/02/2012 10:30 GMT+7

Phá rừng theo con nước

Đ.NAM - T.VŨ - H.PHÚC
Đ.NAM - T.VŨ - H.PHÚC

TT - Khi các lòng hồ thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam chặn dòng tích nước cũng là lúc nhiều tuyến đường thủy được mở ra giúp sức cho lâm tặc tàn phá rừng đầu nguồn. Đây là hệ lụy chưa được lường hết khi triển khai xây dựng các công trình thủy điện.

pexzVMsg.jpgPhóng to
Hơn 100m3 gỗ lim quý hiếm đã bị lâm tặc đốn hạ tại khoảnh 9, tiểu khu 123 nằm giáp ranh Nam Giang và Tây Giang - Ảnh: Đ.Nam

Sáng sớm, lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) ngập trong lớp sương mù dày đặc. Từ ngầm Nước Mỹ (xã Phước Hiệp, Phước Sơn), chúng tôi ngược về phía thượng nguồn sông Đắc Mi 4. Thoáng nhìn, cả một vành đai của dãy rừng xanh ngút ngàn bao bọc lòng hồ thủy điện.

Nước lên thì rừng nát

Nhưng khi thuyền cập bến, theo lối “con lươn bò” trong rừng, chịu khó lội sâu vào rừng, leo lên đồi cao dựng đứng chứng kiến cảnh tàn sát rừng mới biết thị giác của mình đã bị đánh lừa. Cách mép sông hơn 100m, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi hiện trường phá rừng quá quy mô. Nhiều gốc cây giổi có đường kính hơn 1m vừa bị chặt hạ không thương tiếc.

Gỗ xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp rừng. Lâm tặc chỉ chọn những loại gỗ tốt nhất mới đưa ra ngoài. Các cây cổ thụ đổ ngã đã kéo theo vô số cây nhỏ cũng bị băm nát.

Khi thủy điện Đắc Mi 4 tích nước vào thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua cũng chính là lúc rừng ở khu vực bãi Đà Lạt (thuộc khoảnh 7, tiểu khu 687, xã Phước Kim) bị phá tan tành. Gỗ sau khi rọc phách, theo đường “con lươn bò” từ độ dốc cao được chuyển xuống lòng hồ. Tại con suối nhỏ có lán trại lợp bạt, bên trong còn chứa lương thực, thực phẩm và các vật dụng nấu ăn.

Theo cơ quan chức năng, hơn 55m3 gỗ đã bị phát hiện được khai thác trái phép sau khi lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 tích nước vào cuối năm 2011.

Ông Trần Lanh - phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn - cho biết lâm tặc đã dùng ghe thuyền tẩu tán toàn bộ số gỗ đã triệt hạ. Theo ông Lanh, sở dĩ kiểm lâm địa phương mãi đến giữa tháng 1 vừa qua mới phát hiện là do lực lượng mỏng, phương tiện tuần tra, chốt chặn bằng đường thủy chưa được trang bị nên đối tượng đã nắm rõ lỗ hổng này.

“Đây là vụ án có khối lượng và quy mô gỗ lớn, lại chưa tìm thấy dấu vết nào của đối tượng, trong khi thời gian và quyền hạn điều tra của cơ quan kiểm lâm có hạn nên chúng tôi chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ án cho cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện” - ông Lanh tỏ ra bất lực.

Thảm sát rừng lim

Tiếp tục ngược lên phía tây Quảng Nam, nơi những cánh rừng ngút ngàn nằm giáp ranh hai huyện Nam Giang và Tây Giang, chúng tôi một lần nữa tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá vô tội vạ mà mục tiêu triệt hạ của lâm tặc chính là thảm rừng lim xanh quý hiếm duy nhất còn sót lại.

Theo lời người dẫn đường là Bnước Tư ở thôn Brum B (xã Zuôi, huyện Nam Giang), khu vực rừng lim xanh còn lại vừa bị triệt hạ nằm phía thượng nguồn của suối Lăng. “Không lâu nữa, tất cả khu vực này đều chìm xuống nước hết bởi đây là rốn của lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Nhưng khu vực rừng lim nơi các anh định đến không nằm trong lòng hồ đâu”, Bnước Tư khẳng định.

Phải hơn ba giờ men theo con suối Lăng ngược lên phía Tây Giang, chúng tôi mới đến được bìa rừng lim. Nhìn dòng suối nước trong veo với những mảnh rừng xanh ngút mắt, không ai nghĩ rằng không lâu nữa tất cả sẽ biến mất trong lòng hồ. Từ mép suối Lăng, Bnước Tư cắt rừng băng ngược lên đỉnh núi. Tại đây những bãi gỗ lim mà lâm tặc vừa triệt hạ vẫn còn nguyên dấu vết ngổn ngang. Tất cả đều là lim xanh - một loại gỗ thuộc nhóm 2A quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn.

Tại hiện trường rất nhiều phách gỗ lim đã được xẻ thành từng khối ngắn chuẩn bị rời rừng. Theo người dẫn đường, việc vận chuyển gỗ này là thả trôi theo suối. Còn nếu không được thì cứ để đó chờ ngày thủy điện tích nước sẽ đóng bè thả về hạ lưu. Tiếp tục ngược lên phía đỉnh, ống kính phóng viên đã ghi lại vô số thân gỗ lim đường kính gần 1m bị đốn hạ, phân ra từng lóng... với vết cưa vẫn còn mới nguyên, thậm chí có nhiều gốc cây nhựa sống vẫn còn ứa chảy.

Theo xác nhận của hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tây Giang, ông Ria Trao, khu vực rừng lim vừa bị đốn hạ thuộc khoảnh 9, tiểu khu 123 - vùng rừng giáp ranh giữa Nam Giang và Tây Giang - và số lượng gỗ lim bị tàn phá lên đến hơn 117m3. “Dù rừng thuộc địa phận Tây Giang quản lý, nhưng dân địa phương ở xã Zuôi (Nam Giang) cứ cho rằng rừng của họ nên vô tư chặt hạ. Muốn đến được đây, chúng tôi phải đi vòng qua Nam Giang mới đến được” - ông Trao nói.

Cũng theo lời xác nhận của ông, khu vực rừng lim bị đốn hạ nói trên nằm hoàn toàn bên ngoài lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 nên không thể nói là tận thu gỗ được. “Hiện chúng tôi đang tập trung thu gom số gỗ bị đốn hạ, đồng thời đăng ký làm việc với chính quyền huyện Nam Giang xem xét lại ranh giới thuộc về ai để có hướng xử lý” - ông nói.

Lòng vòng trách nhiệm

Trước đây, khi lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 chưa tích nước, lâm tặc chủ yếu chọn đường Hồ Chí Minh để vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên, từ ngày lòng hồ tích nước đến lưng chừng núi, lòng hồ Đắc Mi 4 đã trở thành tuyến đường huyết mạch cho lâm tặc tuồn gỗ lậu về xuôi, nhất là vào ban đêm.

Mới đây, lực lượng kiểm lâm huyện Phước Sơn đã tịch thu hai thuyền máy vận chuyển gỗ lậu trên lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4, khởi tố hai vụ án phá rừng ở đầu nguồn thủy điện Đắc Mi 4, khu vực xã Phước Chánh và Phước Kim.

Tuy nhiên, do cơ chế phối hợp chưa nhịp nhàng nên “quả bóng” trách nhiệm giữ rừng lại đá lòng vòng. Ông Đoàn Văn Thông - phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho rằng địa phương rất khó kiểm soát việc người dân lợi dụng các phương tiện tàu thuyền đi lại, đánh cá, hoặc làm rẫy để vận chuyển gỗ lậu. Khi lòng hồ tích nước đã gây ngập cục bộ một số khu vực đi lại bằng đường bộ nên việc người dân sử dụng phương tiện đi lại trên sông, hoặc để mưu sinh là hoàn toàn chính đáng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho rằng nên cấm toàn bộ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên lưu vực lòng hồ, trừ một số phương tiện đưa đón khách đi lại chính đáng của người dân nhưng phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

Còn phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trần Lanh khẳng định: “Rất khó xác định ai là người quản lý mặt hồ thủy điện Đắc Mi 4 nên gặp trực tiếp người quản lý dự án rất khó. Đó là chưa kể có nhiều người, nhiều cơ quan tham gia quản lý lòng hồ thủy điện”.

Mời bạn đọc xem thêm phóng sự trên trang Truyền hình Tuổi Trẻ tại địa chỉ tv.tuoitre.vn.

Đ.NAM - T.VŨ - H.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên