Phóng to |
Con tàu này rồi sẽ ra khơi, từ Cổ Lũy - Ảnh: Q.V. |
Dẫn tôi đi thăm xưởng đóng tàu Cổ Lũy danh tiếng của quê hương hải đội Hoàng Sa, truyền nhân làng nghề đóng tàu lịch sử này không giấu vẻ tự hào: “Những chiếc tàu tổ tiên chúng tôi đóng xa xưa đã chinh phục sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa. Và những chiếc tàu chúng tôi đóng hôm nay tiếp tục thẳng tiến ra đó”.
Danh tiếng làng nghề
Cổ Lũy là một làng cổ ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ra miền Trung, tôi tìm ngôi làng này không khó bởi hình như bất cứ ngư dân nào cũng biết. Từ lâu, Cổ Lũy đã nổi danh là làng đóng tàu cá lớn nhất Quảng Ngãi và thuộc hàng đầu cả nước. Các bậc cao niên kể rằng biến động thời cuộc, chiến tranh, ly loạn đã làm làng nghề thăng trầm, phải tạm dịch chuyển quanh vùng, nhưng sự truyền nối nghề nghiệp của tổ tiên trên Cổ Lũy chưa bao giờ đứt mạch. Và hầu như tất cả những người thợ ở đây đều là hậu duệ của các gia tộc ít nhất đã năm, mười đời nối nghiệp nghề đóng tàu.
Buổi chiều, tôi ghé nhà người thợ đóng tàu già Nguyễn Tấn Viện cũng là lúc ông vừa góp ý con cháu chuẩn bị đóng mới chiếc tàu đánh cá xa bờ cho ngư dân từ Vũng Tàu ra. Đó là chiếc tàu lớn sẽ hoạt động trên ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa với chiều dài 22m, ngang 6m, cao 3,4m và có công suất máy 650 CV, chịu được sóng gió cấp 6, cấp 7... Tết này ông Viện 87 tuổi, là anh cả trong gia đình có ba anh em trai đều theo nghề đóng tàu mà người em út Nguyễn Tấn Trà nay cũng đã sang tuổi 77. Cẩn thận cho tôi xem những chiếc cưa, chiếc đục đóng tàu được gìn giữ như “gia bảo”, ông Viện kể mình học nghề cha chú, còn cha chú thì được ông nội, ông cố truyền lại. Nếu tính đến đời con cháu vẫn đang theo việc tổ tiên thì nhà ông chính xác đã bảy đời truyền nối giữ nghiệp. Còn nếu theo ký ức được người xưa truyền kể thì gia tộc này đã trên 10 đời sống chết cùng nghề đóng tàu.
Ông nội Nguyễn Tấn Dương của ông Viện mới gần 30 tuổi đã trở thành thợ cả tài hoa nhất, nhì Quảng Ngãi. Đến nỗi khi ông Dương mất sớm, bạn nghề ở lại tiếc khóc: “Tại Dương tài hoa quá nên ông trời khiến bạc mệnh”. Còn ông Nguyễn Tấn Xuân, cha ông Viện, từng tham gia các thương thuyền ngược xuôi Bắc - Nam. “Ông già tôi chở gạo, mắm ra Hải Phòng, Hà Nội bán, rồi đem tơ sợi, vải vóc vào xứ Sài Gòn. Mỗi chuyến ông đi dài hai, ba tháng tùy theo cơn gió thổi buồm và hàng hóa bán được nhanh hay chậm” - ông Viện hồi tưởng chuyện xưa.
“Tuy nhiên, làng này không chỉ nhà tôi mà nhiều gia tộc khác cũng gắn bó với cái cưa, cái đục, đóng tàu đi biển. Đời chúng tôi chính là những người đã chuyển giao từ đóng ghe buồm sang tàu máy đầu tiên ở biển miền Trung. Và con cháu chúng tôi là thế hệ đang tiếp bước đóng những chiếc tàu đánh bắt xa bờ lớn hiện nay”. Hồi tưởng quá khứ, ông Viện kể mình 18 tuổi đã thành thợ cả trong thập niên 1940 đầy biến động. Ông được cha chú dẫn vào nghề, tập tành đóng chính những chiếc ghe buồm truyền thống mà các hải đội Hoàng Sa đã từng sử dụng. Tuy nhiên, loại ghe thời kỳ này đã được đóng tăng cỡ để trở thành ghe bầu đi buôn đường dài.
Là một trong những người cuối cùng đã đóng nên chiếc ghe buồm lớn nhất Quảng Ngãi giữa thế kỷ 20, ông Viện tự hào kể từ xưa làng nghề xứ Quảng này đã nổi danh với những chiếc tàu bền chắc, vượt bão táp đại dương. Khoảng giữa thập niên 1960, ông Viện và bạn bè chính là lớp thợ đầu tiên chuyển từ đóng ghe buồm sang đóng tàu máy. Việc đóng vỏ tàu không khó, họ chỉ bỡ ngỡ ở phần ráp máy. Nhưng sau vài chục ngày học lại thợ từ Đà Nẵng, Tam Kỳ vào, ông Viện và 25 đồng nghiệp Cổ Lũy đã tự tách đóng riêng được chiếc tàu máy hoàn chỉnh. Đó là con tàu dài 17m, ngang 4m và cao hơn 2,5m, gắn máy 40 CV. Từ đây, làng đóng tàu Cổ Lũy rẽ sang bước ngoặt mới hiện đại hơn...
Trên đầu sóng ngọn gió
Làng đóng tàu Cổ Lũy sau nhiều lần phải dịch chuyển vì chiến tranh đã về thôn Cổ Lũy vào khoảng thập niên 1970. Đến năm 1977, làng chuyển sang mô hình hợp tác xã, trở thành một trong những làng nghề đầu tiên cả nước bước vào giai đoạn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ với tâm huyết rất nhiều của các bậc thợ cả cao niên như ông Viện, ông Trà, ông Lâm... Đến nay thì chính những người thợ ở đây cũng không thể nhớ từng đóng được bao nhiêu chiếc tàu vì tổng số đã lên đến hàng ngàn chiếc các loại. Hiện Cổ Lũy có 47 xã viên chính và 20 đội. Mỗi đội có một thợ cả, nhiều thợ chính và hơn 200 lao động để có thể đóng cùng lúc nhiều chiếc tàu. Trung bình mỗi năm hợp tác xã này đóng được 45-50 tàu xa bờ. Và những tên tuổi thợ cả hiện nay như Vương, Sinh, Bên, Cường, Huy, Sớt, Mạo, Bảo, Thành, Thanh, Nuôi... đã tự hào nối tiếp cha ông trở thành uy tín của làng nghề.
Hôm tôi ghé thăm đội trưởng thi công Nguyễn Tấn Huy cũng là lúc anh đang chỉ huy cùng đóng bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ và chuẩn bị hạ thủy hai chiếc cho ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi. Chúng đều được trang bị máy có công suất lớn nhất của ngư dân miền Trung hiện nay với 450-650 CV, thậm chí có chiếc đã đến gần 1.000 CV. Là thế hệ con của anh em ông Nguyễn Tấn Viện, năm nay ông Huy 45 tuổi, đã từng đứng riêng chỉ huy đóng gần 40 chiếc tàu cho ngư dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam đến đặt đóng. Tạm lơi tay việc, người thợ cả có vóc dáng chắc khỏe, kiên cường của ngư dân nhìn xa xăm ra biển và tâm sự: “Tôi cũng từng đi biển, từng treo mình trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa, Trường Sa, nên khi vào nghề đóng tàu tôi rất thấm thía công việc mình làm. Những con tàu đó chở theo sinh mạng, ý chí đồng bào mình”.
Lặng nhìn người đàn ông biển cả đậm nét dạn dày sóng gió, tôi nghe lời tâm sự chân chất lòng ái quốc của anh bằng chính sự cố gắng đóng những con tàu thật tốt để xông pha sóng gió đại dương. Ông Huy kể mình theo học nghề cha bốn năm thì được lên làm thợ cả. Đường học khá nhanh vì hình như nghề này đã thấm vào dòng máu gia tộc. Lần đầu ông được tự tay dựng cây gỗ xỏ mũi tàu, việc quan trọng và ý nghĩa nhất trong đóng tàu, cha ông đã dặn dò: “Từ hôm nay, con đã chính thức nối nghiệp tổ tiên, đóng những con tàu xông pha bão táp. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải giữ lấy tâm nghề, giữ lấy truyền thống của gia tộc, của làng Cổ Lũy và dân tộc để luôn kiên cường trước sóng gió đại dương”.
Phía trước người thợ cả, những con tàu Cổ Lũy vừa hạ thủy đang tiến thẳng ra biển cả của Tổ quốc...
-----------------------------------------------
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa Kỳ 3: Câu chuyện của người thợ cả Kỳ 4: Trong mắt một thuyền trưởng Mỹ Kỳ 5: Thủy quân triều Nguyễn Kỳ 6: Người Việt xuất ngoại Kỳ 7: Những người đi biển quả cảm
-----------------------------------------------
Đón đọc số tới: Số phận những kho báu Chăm ở Lâm Đồng Có một ngày cách đây lâu lắm, ở vùng Phan Rang, Phan Rí có chiến tranh. Cả vùng rừng núi Tà In, Tà Năng cũng xôn xao thức dậy khi vua Chăm dẫn theo vô số quân lính và người nhà chạy qua lánh nạn. Sau khi làm nhà để đồ đạc và những hộp Klon, họ gửi lại tất cả cho đồng bào Churu rồi tiếp tục ra đi, về đâu không rõ. Đó là những gì dân làng Sóp ở Lâm Đồng còn nhớ được về lịch sử những ngôi đền chứa báu vật Chăm nơi đây. Nó ở đâu? Có gì trong những ngôi đền này? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận