Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Lạc lối ở Seoul Kỳ 2: Chuyện từ nhà tạm lánh Kỳ 3: Tiền và cạm bẫy
Phóng to |
Cô dâu Phạm Thị Huỳnh Nga hạnh phúc bên hai đứa con gái của mình - Ảnh: Thế Anh |
Mái ấm của “tiều phu”!
Ngôi nhà của đôi vợ chồng anh Kim Seong Choel và chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga khá đơn sơ, nằm lọt thỏm bên sườn đồi phủ đầy tuyết của một làng quê hẻo lánh tại Dangjin. Lúc cao điểm, ngôi làng nhỏ này có đến hơn 200 cô dâu Việt sinh sống. Đây là ngôi làng nghèo khó trên đất Hàn mà chúng tôi tiếp cận trong hành trình. Vì khó khăn nên số cô dâu Việt bám trụ được trên mảnh đất này không nhiều, hiện chỉ còn lại vài chục cô dâu Việt sống rải rác ở các thung lũng. Phần lớn đều có cuộc sống đạm bạc, vất vả với nghề nông một nắng hai sương...
Nga sinh năm 1986, quê ở thị trấn Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Gia đình Nga đông anh chị em, nguồn sống của cả nhà chỉ trông chờ vào bờ ao, góc ruộng. Nhà nghèo, Nga phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Lớn lên, thấy bè bạn cùng trang lứa đi lấy chồng Hàn Quốc, Nga cũng bấm bụng đánh liều. Nga tâm sự: “Với một cô gái quê mùa ít học như tôi, nhan sắc lại không thuộc diện nổi trội, chắc gì ở quê nhà đã kiếm được tấm chồng nên thân? Ngày ra đi tôi chỉ mong có được một mái ấm thật sự”.
Điều may mắn cho Nga là gặp được một người chồng tử tế, hiểu biết dù chỉ là nông dân bình thường. Chồng Nga sinh năm 1970, hơn Nga đến 16 tuổi. Hoàn cảnh của anh Kim Seong Choel cũng khá đặc biệt. Anh mồ côi cha từ nhỏ, sớm phải bươn chải để mưu sinh, phụ giúp mẹ già. Quê anh cách thành phố Dangjin này gần 200km. Căn nhà bình dị này là thành quả của anh sau hơn 20 năm miệt mài làm thuê, làm mướn...
Anh từng có một đời vợ và hai đứa con, nhưng chẳng may người vợ xấu số ấy qua đời vì căn bệnh ung thư. Sau sự mất mát đó, anh định ở vậy nuôi con. Nhưng rồi những người bạn khuyên anh nên đến VN cưới một người vợ để bầu bạn lúc tuổi già. Khi đến VN anh chủ động nhờ người phiên dịch nói rõ hoàn cảnh của mình với Nga. Theo lệ thường, công ty môi giới đưa anh gặp những cô gái có nhan sắc trước khi gặp Nga. Nhưng gặp ai anh cũng lắc đầu, anh nói với người môi giới: “Tôi cần một người vợ chứ không phải cần một diễn viên trong nhà!”.
Đáp lại sự chân tình đó, Nga cũng nói thật là muốn có một người chồng tử tế để xây dựng tương lai, không nhất thiết phải giàu có. Họ trao nhau lời hẹn ước rồi đưa nhau về Dangjin này xây dựng hạnh phúc từ năm 2005 đến nay. Gia tài của vợ chồng Nga chỉ có mấy sào ruộng. Vào ngày mùa thì chồng cày vợ cấy. Khi tuyết phủ trắng đồng thì Nga ở nhà lo cho con, còn chồng ra phố làm thuê. Những ngày không có ai thuê thì anh đi đốn củi bán cho những người quanh vùng.
Không chỉ lo lắng cho gia đình từng mớ củi sưởi ấm khi đông về, anh Kim Seong Choel còn là người bạn, người thầy của Nga trong những ngày đầu chập chững làm dâu xứ lạ. Anh chỉ cho Nga từ lời ăn tiếng nói, nhẫn nhịn và cảm thông cho vợ trong những lúc cáu gắt. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời, niềm hạnh phúc trong ngôi nhà bình dị ấy lại được nhân lên gấp bội. Nghỉ tay sau khi bốc hết xe củi cho khách, anh chia sẻ: “Điều may mắn của tôi là có được một người vợ biết sẻ chia với những khó khăn của chồng, biết nhìn về hạnh phúc tương lai chứ không quá đặt nặng chuyện tiền bạc. Tôi cũng muốn nói với những ông chồng người Hàn rằng cần chia sẻ với những áp lực của vợ nhiều hơn, đừng toàn quyền sở hữu họ như một món đồ...!”.
Dù khó khăn và vất vả để lo cho gia đình cùng các con nhưng vài năm anh Kim Seong Choel vẫn thu xếp cho vợ con về quê thăm quê ngoại một lần. Ở thị trấn Châu Thành, Tây Ninh, chồng của Nga luôn được nhắc đến như một người rể Hàn Quốc thân thiện, tốt bụng. Anh học hỏi phong tục tập quán của quê vợ để hiểu và thông cảm với vợ hơn. Trong những lần về thăm quê vợ, thấy mẹ vợ đi cấy anh chẳng nề hà xuống ruộng phụ giúp. Kim Seong Choel nói rằng anh yêu vợ và quê vợ vì sự chân chất của chốn quê. Và trong kế hoạch của đời mình, anh nói rằng sẽ có ngày anh đưa vợ về Tây Ninh sống khi các con đã khôn lớn. Đó là phần thưởng anh sẽ dành cho vợ sau những năm tháng vất vả làm dâu nơi xứ người...
"Cô dâu vàng"
Tại thành phố Pocheon, cô dâu Phạm Thị Huỳnh Nga (quê huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) luôn được nhắc đến như một cô dâu vàng người Việt. Đón chúng tôi trong một ngày đông giá rét, mẹ chồng cô hồ hởi: “Chúng tôi rất tự hào về Nga, và cảm thấy may mắn khi có một đứa con dâu như thế!”.
Nga qua làm dâu ở thành phố Pocheon này từ năm 2006. Chồng cô là anh Pak Dong Chin, sinh năm 1972, lái xe cho một công ty dịch vụ vận tải gần nhà. Hiện họ đã có hai mặt con, một lên 3, một lên 4 tuổi. Nga và chồng cô không phải quen biết nhau qua công ty môi giới, mà nhờ sự mai mối của người thân sau khi đã biết rõ hoàn cảnh cả hai phía.
Để được gia đình chồng thương yêu, để có được hạnh phúc, để hòa nhập được cuộc sống nơi xứ người, Nga đã phải cố gắng rất nhiều. Cố gắng từ lời ăn tiếng nói, cố gắng học hỏi phong tục tập quán của quê chồng, cố gắng nhẫn nhịn... Nhiều đêm Nga không ngủ được khi nghĩ về quê nhà, nơi ấy có cha mẹ già còn nhiều khó khăn với ruộng đồng. Nơi ấy những anh chị em ruột thịt còn chật vật với cuộc sống hiện tại. Tuy vậy, chưa một lần Nga ngỏ lời với chồng xin xỏ tiền bạc để gửi về quê. Nga tâm sự: “Để có thể giúp đỡ gia đình, anh em còn khó khăn ở quê nhà thì điều trước tiên mình phải có cuộc sống ổn định và một gia đình hạnh phúc. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi ở đây là phải vượt qua được sự xung khắc giữa mẹ chồng, nàng dâu. Vì đa số các bà mẹ chồng cảm thấy bị mất mát, tổn thương sau khi con lấy vợ”.
Nga đã có thể làm được những món ăn làm hài lòng gia đình chồng, quen dần với nếp sống trên đất khách. Cô được đích thân mẹ chồng dẫn đi học những lớp về ngôn ngữ, văn hóa dành cho các cô dâu người nước ngoài. Thỉnh thoảng mẹ chồng còn khuyên cô ra ngoài giao lưu với bạn bè người Việt cho đỡ nhớ nhà. Dần dần gia đình chồng đảm nhiệm việc chăm nom các cháu để Nga đi làm phụ thêm kinh tế cho gia đình ở VN...
Cứ một vài năm, gia đình chồng cô lại mời sui gia từ VN qua để được gần gũi những đứa cháu ngoại. Trong gia đình này, Nga luôn được bố mẹ chồng khuyến khích dạy các con những bài hát Việt, những lời chào hỏi đơn giản bằng tiếng Việt để các cháu giao tiếp với ông bà ngoại.
__________
Dù vất vả nơi xứ người, nhiều cô dâu Việt vẫn cố gắng học hành để trở thành cảnh sát ở Hàn Quốc, có người gầy dựng tương lai từ một trang trại rau Việt nổi tiếng ở Suwon...
Kỳ tới: Đổi thay số phận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận