14/10/2011 07:01 GMT+7

Làm dâu xứ Hàn - Kỳ 3: Tiền và cạm bẫy

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Khoảng 90% cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc là vì mục tiêu kinh tế, mong giúp đỡ mẹ cha nơi quê nhà. Với những cô dâu bất hạnh, họ chỉ có hai lựa chọn: hoặc chấp nhận ở lại làm người đẻ mướn không công cho chồng, hoặc chấp nhận rũ bỏ tất cả, chạy trốn số phận để gầy dựng lại cuộc đời.

Read this on Tuoitrenews.vn

c9djL9Xl.jpgPhóng to
Các cô dâu Việt đi làm thêm bằng nghề cạy hàu để có tiền gửi về cho gia đình - Ảnh: Hải Triều

Kỳ 1: Lạc lối ở SeoulKỳ 2: Chuyện từ nhà tạm lánh

“Con Thơm ngày xưa đã chết!”

Ngoài những nguyên nhân khác, câu chuyện đổ vỡ của nhiều cô dâu nơi xứ Hàn một phần do áp lực kinh tế từ quê nhà. Phần lớn gia đình chú rể không tin tưởng cô dâu Việt nên kinh tế họ quán xuyến hết, muốn mua gì cũng phải ngửa tay xin chồng. Với họ, lấy vợ về là để lo việc nội trợ, sinh con đẻ cái nên không muốn cho vợ đi làm thêm. Trong khi đó, các cô dâu lại chịu nhiều áp lực từ gia đình, thường xuyên nhận những cuộc điện thoại từ cha mẹ, anh em xin hỗ trợ tài chính. Trước chữ tình và chữ hiếu, nhiều cô đã chấp nhận hi sinh chữ tình để trọn chữ hiếu với mẹ cha.

Ở cảng cá Busan, người ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những cô dâu Việt trong bộ đồ dày cộm ngồi móc lưỡi câu thuê trong những chiếc lều bạt giữa trời đông gió tuyết.

Lâm Thị Huệ, một cô dâu làm ở đây, cho biết: “Đã nhiều lần xin chồng đi làm thêm ở nhà máy nhưng chồng không cho, em mới đợi khi chồng đi làm rồi lén ra đây làm thêm vài giờ, chiều lại tranh thủ về nhà cơm nước trước khi chồng tan ca. Mỗi ngày ngồi phơi mình giữa biển giá rét như thế này tụi em cũng chỉ nhận được hơn 200.000 đồng tiền Việt. Tích cóp cả tháng trời cũng chỉ được vài trăm đô gửi về lo cho mấy đứa em ăn học!”.

Giáo sư So Quang Suk, một người thường giảng ở những khóa học dành cho các gia đình đa văn hóa, nói: “Khác biệt về động cơ hôn nhân là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tan vỡ đối với những gia đình đa văn hóa. Cô dâu thì hôn nhân vì tiền, chú rể thì cần một người vợ để sinh con đẻ cái.

Để khắc phục cần phải có sự sẻ chia từ cả hai phía. Gia đình chồng cần phải hiểu và thông cảm cho áp lực kinh tế của cô dâu, cô dâu và gia đình ở VN không nên quá kỳ vọng vào sự đổi đời từ hôn nhân. Trước tiên phải xây dựng hạnh phúc, bản thân có hạnh phúc, có tương lai thì mới giúp đỡ được gia đình...”.

Sau nhiều ngày trốn đi làm thêm, cuối cùng thì Huệ cũng bị chồng phát hiện, vợ chồng lục đục rồi chia tay. Bởi nếu tiếp tục cuộc sống hôn nhân thì cô không có cơ hội lo cho những đứa em ở quê nhà, đó là mục đích duy nhất khi cô đặt chân đến Hàn.

Huệ nói chua chát: “Cứ xem như thân mình chẳng còn, hi sinh để lo cho mấy đứa em ăn học mong thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn...”.

Tại thành phố Ansan, chúng tôi gặp rất nhiều cô dâu Việt phải chấp nhận chạy trốn khỏi hôn nhân để kiếm tiền lo cho gia đình. Mỗi người một cảnh, nhưng họ có một điểm chung đó là nỗi canh cánh lo cho mẹ già, em thơ nơi chốn quê nghèo. Đồng hành cùng họ trên con đường tìm đến tương lai là một vết thương lòng khó có thể lành hẳn bởi năm tháng...

Với cô dâu Ngô Thị Bích Thơm cũng vậy. Thơm lập gia đình năm 2003, khi cô vừa mới bước qua tuổi 18 được hai ngày. Những tưởng bước chân đến Hàn sẽ có được tiền gửi về giúp mẹ cha ở quê nghèo Tây Ninh, ai ngờ thực tế không như cô mong đợi.

Qua Hàn, Thơm gặp phải người chồng không tốt, lại làm nông cơ cực, không có tiền giúp mẹ cha nên cô bỏ ra ngoài để đi làm. Cô tâm sự: “Thường những người qua lấy vợ Việt không phải là giàu có, thu nhập lại thấp. Vả lại, họ nghĩ gia đình tôi đã nhận được một khoản tiền lớn sau đám cưới, nhưng trên thực tế số tiền đó các công ty môi giới lấy hết, nhà tôi chỉ được vài triệu đồng mà thôi... Vì nghĩ thế nên mỗi lần tôi ngỏ ý xin tiền gửi về cho cha mẹ là họ lại xỉ vả, dằn vặt, thậm chí đánh đập. Nhiều người dù chồng cho đi làm thêm nhưng tiền lương mẹ chồng giữ hết, muốn mua gì cũng phải ngửa tay xin. Trong khi đó ở quê nhà thường xuyên gọi điện qua xin tiền, họ đâu biết được nỗi khổ tâm của chúng tôi...?”.

Sau khi ly dị, để lại đứa con 6 tuổi cho gia đình chồng, Thơm phải một mình bươn chải. Trải qua nhiều ngày long đong nơi xứ người, Thơm tìm về Ansan rồi làm thuê cho một tiệm bán điện thoại do người Hàn làm chủ.

Hằng ngày cô tìm quên trong công việc, nhiều đêm hết khách nhưng cô vẫn nán lại ở cửa hàng bởi cô sợ phải về nhà, sợ phải đối diện với chính mình trong căn phòng trọ cô độc. Thậm chí cô còn không dám treo cả ảnh con mình trong căn phòng ấy, dù nỗi nhớ nhung giày vò cô hằng đêm.

Thơm nói trong nước mắt: “Đối với tôi, con Thơm ngày xưa đã chết rồi. Bây giờ nghĩ lại thấy thương bản thân mình lắm. Chỉ mong ở quê nhà những bậc mẹ cha hiểu và chia sẻ với nỗi vất vả của chúng tôi, đừng vì kinh tế mà đẩy chúng tôi vào đường cùng...”.

Cạm bẫy

Ở bất cứ trường hợp nào, sau sự đổ vỡ hạnh phúc thì người chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là các cô dâu. Họ phải đối diện với nhiều cạm bẫy của cuộc sống nơi xứ lạ. Người thì chấp nhận làm vợ hờ cho một công nhân người Việt đã có vợ con ở quê nhà. Người thì sống cuộc sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một ai đó để có miếng ăn và chỗ trọ giữa mùa đông giá rét. Cô dâu Trần Thị Hiền, quê ở An Giang, là một trường hợp như thế.

Chia tay với chồng, Hiền đành tìm về thành phố Ansan để mưu sinh. Với hai bàn tay trắng, vốn liếng tiếng Hàn ít ỏi, cô gõ cửa nhiều cửa hàng người Việt để xin việc nhưng chẳng ai dám nhận vì sợ nhỡ chồng Hiền đến gây sự... Sau nhiều tháng long đong, Hiền được một ông chủ người Hàn Quốc nhận vào bán hàng tại một cửa hàng bán thực phẩm.

Quần quật từ sáng sớm đến 10 giờ đêm giữa gió tuyết, nhưng mỗi tháng Hiền cũng chỉ kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống.

Để tồn tại nơi xứ người, Hiền chấp nhận sống với một lao động người Việt theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Cô không giấu giếm mục đích của mình: “Phần lớn các cô dâu khi bỏ ra ngoài đều phải cặp với một ai đó để có bờ vai nương tựa bởi cuộc sống ở ngoài phức tạp và khó khăn lắm.

Tiền lương lao động nữ thường thấp, hằng tháng cũng chỉ đủ trang trải chi phí nhà trọ, ăn uống. Không có người khác chia sẻ tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt, lấy đâu ra tiền mà gửi về cho gia đình...?”. Khi hỏi về tương lai, Hiền im lặng một lúc lâu rồi bật khóc...

Dù sao được như Hiền cũng đã là may mắn. Với những cuộc tình tạm bợ, nhiều người đã phải ngậm ngùi đắng cay khi có con ngoài ý muốn. Mọi việc vỡ lở, người chồng hờ bỏ trốn, chỉ còn lại một mình họ vật lộn để nuôi con. Nhiều cô dâu khác còn bị rủ rê, bắt ép hoặc chấp nhận nhắm mắt đưa chân ở những quán karaoke trá hình...

Tại thành phố Incheon và Ansan, chúng tôi chứng kiến một số cô dâu như vậy. Với những đồng tiền dễ dàng kiếm được đó, họ lại đốt mình trong những cuộc chơi đỏ đen, hút xách mà giới anh chị đã giăng sẵn bẫy...

__________________

Tuy nhiên, vẫn có những cặp vợ chồng chọn cho mình một tổ ấm tuyệt vời giữa những miền quê xa hút, đích đến của họ chính là một tình yêu đích thực...

Kỳ tới: Hạnh phúc bình dị

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên