Giấc mộng về những món tiền khổng lồ từ “báu vật” kỳ nam giữa đại ngàn đã khiến nhiều làng xóm ở miền Trung rơi vào xáo động. Ở đó, cạnh vài giấc mơ tỉ phú trở thành hiện thực sau một chuyến đi rừng là rất nhiều cảnh đời rơi vào bi kịch và xóm làng xáo trộn, bất an...
Từ chân ruộng đến quán cà phê bên đường, đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán xì xầm về trầm, kỳ... và lẫn trong ấy là những mẩu chuyện hư hư thực thực về những giấc mộng đã đưa đường dẫn lối cho các “điệu” (người tìm kỳ nam).
Phóng to |
Phóng to |
“Lộc” của cha
Cả một tuần nay, ngày nào nhà chị Vân (mẹ của Nguyễn Văn Sỹ) ở làng Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cũng cửa đóng then cài kín mít. Sỹ là một trong những người được đồn đãi trúng kỳ nam từ vài tỉ tới vài chục tỉ đồng trong những ngày vừa qua.
Cảnh mẹ góa con côi, nay lại có tin giang hồ khắp xứ tụ về chờ cơ hội để “xin đểu” khiến mấy mẹ con chị ăn ngủ không yên. Phải tác động từ nhiều người, cuối cùng chị Vân mới đồng ý mở cửa tiếp chúng tôi.
“Em nó (cu Sỹ) có trúng nhưng đâu nhiều như đồn đoán chú ơi. Cực khổ cả đời, giờ thấy đồng tiền nên run quá mà sợ”. Lấy chồng năm 20 tuổi với gia tài là mảnh ruộng sau vườn của cha mẹ để lại, nhưng cả hai vợ chồng chị Vân, anh Dũng vẫn không cất mặt lên được. Năm 21 tuổi chị Vân sinh cu Sỹ trong hoàn cảnh túng thiếu triền miên. Mong kiếm thêm chút sữa cho con uống, anh Dũng quyết định “sắm chuyến” theo đám thanh niên trong làng cắt núi tìm trầm... Hết rừng Gia Lai đến rừng Kon Tum, nhưng hết chuyến này đến chuyến khác anh Dũng vẫn về không.
Thế rồi một chiều mưa rừng mấy mẹ con chị Vân ở nhà nhận được hung tin anh Dũng chết do lũ trên núi, thi thể đang được các “điệu” cáng về. Anh Dũng chết khi chưa một lần tận mắt thấy cục kỳ nam. Còn chị Vân sau mất mát quá lớn ấy đã hứa với lòng mình là không bao giờ cho thằng Sỹ theo cái nghề “điệu” bạc phận ấy nữa.
Cho đến một ngày đầu tháng 5-2011. Sỹ khăn gói qua nhà chú ruột của mình xin được đi “điệu” một chuyến. Thương chị dâu mẹ góa con côi cũng rất muốn nhận lời, nhưng nhìn thấy đứa cháu lọt thỏm sau chiếc balô ông Một e ngại. Cuối cùng, ông Một quyết định: “Không làm được thì ở lại lán nấu cơm”, vậy là lên đường.
Năm người trong làng cùng hai chú cháu ông Một khoác balô nhắm thẳng hướng núi KumKro (An Khê, Gia Lai) mà tiến và nhiệm vụ của Sỹ sau khi cả nhóm hạ trại là phục vụ cơm nước. Thế rồi cũng một chiều mưa rừng... trong lúc đang cặm cụi kiếm củi về thổi cơm thì Sỹ vô tình nhặt được một khúc củi mục đen sì, đem về trại cho vào lửa đốt thì bất ngờ một làn hương thơm ngào ngạt tỏa lên. Linh tính mách bảo, Sỹ lập tức dập lửa rồi lao khỏi lán đi tìm chú Một...
Đêm đó cả lán không sao chợp được mắt bởi đây là lần đầu tiên họ tận mắt chứng kiến những cục kỳ nam đen trũi nằm sâu bên dưới một thân cây mục nát chỉ cách lán chưa đầy 100m.
Đàn kiến và kho báu
Miếu Bà Chúa Ngọc nằm trên con đường bêtông dẫn vào làng Nghĩa Tây của xã Đại Nghĩa mấy hôm rồi nghi ngút khói hương. Bà Thành, nhà cạnh miếu Bà Chúa Ngọc, bảo: “Dạo này nhiều người đến viếng thắp hương cho Bà lắm, nhất là dân đi “điệu” đến thắp hương để xin phép Bà trước khi đi đấy. Bà linh thiêng lắm nên dân trong làng cũng có mà dân nơi khác về xin Bà cũng có, nhiều nhất là cánh Đại Phong, Đại Tân bên kia sông”.
Đang nói chuyện thì một nhóm thanh niên tay xách nách mang lễ vật đến cúng. Một chiếc bàn nhỏ được bày ra rồi giấy tiền vàng bạc đốt lên theo gió tung bay khắp trời lẫn trong tiếng khấn lầm rầm: “Cầu mong Bà Chúa phù hộ cho chúng con đi đến nơi về đến chốn, lộc trải quanh người...”.
Ông Võ Văn Thu - ở thôn 5, làng Nghĩa Tây, vốn là dân “điệu” gốc, là một trong 50 thành viên của nhóm “ăn theo” vụ kỳ nam vào trung tuần tháng 6-2011 - thật thà kể lại: “Cũng nhờ lộc làng mà trong thôn hai năm liền ai cũng trúng kỳ. Người trúng lớn thì tiền tỉ, còn như tụi tui hôm rồi mỗi người cũng kiếm được 100 triệu đồng”.
Nói rồi ông Thu chỉ tay về hướng miếu Bà Chúa Ngọc: “Cả làng này đều nhờ Bà phù hộ đấy, nghe đâu bà cho làng hưởng lộc ba năm”.
Không biết thực hư xung quanh câu chuyện miếu Bà Chúa Ngọc ban lộc cho làng ba năm là như thế nào, nhưng trên thực tế suốt hai năm qua rất nhiều nhóm đi “điệu” ở làng Nghĩa Tây liên tục trúng kỳ, trầm là chuyện hoàn toàn có thật. Không riêng gì miếu Bà Chúa Ngọc, rất nhiều đình, miếu khác trong làng cũng hương khói ngút trời.
“Cứ mỗi dạo đi về là các “điệu” lại góp tiền cúng miếu cúng đình, nhờ vậy mà các di tích này liên tục được nâng cấp”, bà Thành cười vui vẻ. Câu chuyện “lộc làng ba năm” tuy không được ai xác nhận cụ thể, thế nhưng trong tâm linh của mỗi người dân đi tìm trầm, kỳ ở Đại Nghĩa thì ai cũng tin vào điều đó. Chính vì thế mà rất nhiều thanh niên trong làng đã quyết định “sắm chuyến” ra đi với niềm tin: một ngày nào đó sẽ đổi đời.
Câu chuyện về một nhóm trúng kỳ nam khác cách đây bốn năm ở tận vùng rừng giáp với huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) cũng mang âm hưởng liêu trai không kém. Nguyễn Thanh - một “điệu” cự phách ở Đại Tân (Đại Lộc) chuyên đi núi với nhóm người H’Rê ở Ba Tơ - kể lại trong một lần nằm ngủ trên tảng đá cạnh suối, một “điệu” của nhóm đã bật dậy đi theo đàn kiến chỉ dẫn.
Quanh co, vòng vo mãi cuối cùng người thanh niên H’Rê phát hiện một gốc cây mục bên suối. Linh tính mách bảo, tay “điệu” kỳ nam này liền lấy hộp quẹt trong túi ra đốt, lập tức hương thơm bên trong khúc củi mục tỏa ngào ngạt. Biết trúng đậm kỳ nam, cả nhóm lập tức chuyển hàng xuống núi.
Về sau người thanh niên dân tộc H’Rê này kể lại trong giấc ngủ ấy anh ta chiêm bao thấy một đàn kiến đang tranh giành một kho báu bên suối, thức dậy anh liền lần theo đàn kiến tìm kho báu. Đến tận bây giờ dân buôn trong giới trầm, kỳ ở miền Trung vẫn bảo nhau rằng vụ trúng kỳ nam của nhóm người H’Rê ấy là vụ trúng kỳ nam lớn nhất nước từ trước đến nay với số lượng hơn 170kg.
________________________
Đi lấy “của rừng” thì dựa trên màu sắc tâm linh, nhưng khi “trúng lộc” thì phải đối diện với những bất trắc từ chính lòng tham con người. Đã có những cuộc bủa vây và giải cứu kỳ nam như trong phim hình sự.
Kỳ tới: Những cuộc giải cứu ngoạn mục
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận