Phóng to |
Đảo Trường Sa sau ngày giải phóng - Ảnh tư liệu |
Chuyến tàu tiên phong
“Cuối năm 1975, khi đất nước thống nhất chưa được bao lâu, Bộ Quốc phòng đã muốn phát triển một đội công binh tinh nhuệ chuyên xây dựng công trình trên đảo. Trung đoàn 83 khi đó là một đơn vị chủ lực của Bộ tư lệnh công binh từng làm sân bay, làm đường, cầu cảng...” - ông Cát kể.
Thời đó đất nước khó khăn. Xăng dầu rất hiếm. Tàu ra đảo rất ít và là tàu nhỏ. Bộ đội ra đảo chỉ có ba loại tàu: trọng tải 400 tấn, 200 tấn và 75 tấn. Đây là ba loại tàu chở hàng cũ từ thời chiến tranh để lại, hễ sóng đánh là lắc và giật như ngồi trên xe khách gặp ổ gà.
Vật liệu ngày ấy chỉ có ít ximăng, thanh hầm bêtông và đá dăm. Khi đó Việt Nam rất ít thép, chủ yếu còn dựa vào lượng thép viện trợ còn sót lại sau chiến tranh.
"Lớp thế hệ chúng tôi ngày trước chỉ biết “Tổ quốc” và “cống hiến” chứ không nghĩ đến thứ gì khác. Thế hệ trẻ bây giờ cũng phải có ý thức đó, đặt “Tổ quốc” và “cống hiến” lên hàng đầu. Chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã cụ thể hơn tình yêu với đất nước này" |
Lúc đầu, tàu chưa chở cát vì thời gian đi quá gấp và mọi người cứ nghĩ cát có sẵn ngoài đảo. Có lúc hết nước ngọt, công binh phải lấy cả nước lợ trộn ximăng. Làm được 15 ngày thì hết nguyên vật liệu! Công binh nghĩ ra cách phá tầng san hô cứng lấy đá lót nền thay đá chẻ. Mãi đến năm 1978, tình trạng thiếu nguyên vật liệu mới chấm dứt. Trong hai năm chờ đợi ấy, kỹ sư của trung đoàn 83 đã thiết kế lại các cấu kiện để kịp tiến độ.
Mỗi bữa cả một đại đội chỉ có 4-5 hộp thịt hộp đánh tan ra, hòa với nước mắm hoặc nước muối, ăn với cơm. Chỉ có 3-4 ngày đầu ra đảo còn có rau ăn. Anh em vì thế mà bị kiết lị, táo bón...
Sau gần một năm gắn với đảo, đại úy Lê Nhật Cát đã phát hiện trong nhiều bản vẽ thiết kế có những hạng mục nằm ngay trên mép đảo. Công trình sẽ không ổn định do cát hay bị xói lở (nhiều lô cốt xây trước đó chỉ sau hai năm đã bị nghiêng), phải thiết kế chống đỡ hoặc dời vị trí khác.
Năm 1977, anh em công binh làm thêm một nhiệm vụ rất mới: mở luồng để đưa xuồng cập vào tận mép đảo. Muốn đánh bộc phá san hô phải có hệ số độ cứng của tầng san hô. “Tôi và kỹ sư Nguyễn Văn Năng trong ban thi công đến Viện Hải dương học Nha Trang hỏi nhưng không có - ông Cát cho biết - Anh em nghĩ ra cách rất thủ công là đặt từng đợt bộc phá 100g, 200g, 1kg để xem sức công phá xuống tầng san hô sâu bao nhiêu. Cứ mày mò làm vài lần rồi lấy thông số chung mà tìm ra được hệ số của san hô”. Cuối cùng, công binh đã mở thành công hai luồng ở Trường Sa và Nam Yết.
“Chúng ta xin thề trước hương hồn tổ tiên, trước hương hồn cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với thế hệ mai sau: quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta” (Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại lễ mittinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập hải quân nhân dân VN tại Trường Sa tháng 5-1988).
|
Ảnh: Nguyễn Viết Thái
Nắng, gió và...Tháng 11-1979, thiếu úy Hoàng Duy Lập với vai trò trợ lý tham mưu của trung đoàn 83 được giao nhiệm vụ đi kiểm tra và dựng nhà ở năm đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Đi trên tàu có năm đại đội, mỗi đại đội phụ trách xây một nhà ở một đảo. Vật liệu chở ra Trường Sa xây nhà khi ấy rất đơn giản: chỉ có ít cát vàng, thép, ximăng và đá dăm.
“Khi đó chưa có máy định vị, tàu đi từ Cam Ranh ra đảo Song Tử Tây mất 42-48 tiếng. Thuyền trưởng dựa vào kinh nghiệm là chính, kèm theo la bàn, nhìn đường chân trời và sao mà đoán hướng đi” - ông Lập cho biết. Hình ảnh về “nhà” đầu tiên hiện ra trong mắt người thiếu úy trẻ 32 năm trước là nhà tôn dành cho bộ đội giữ đảo kiểu “nửa chìm nửa nổi”: tức một nửa nhà âm dưới đất 1,5m. Một số đảo làm nhà vòm. Nhiệm vụ của công binh lần này là làm nhà nổi cho anh em giữ đảo ở. Mỗi căn nhà chỉ cao 2,8m, rộng 4,2- 4,5m và dài 9-10m.
“Hồi ấy một năm chỉ có vài chuyến tàu ra: một chuyến của đảo ra tăng cường lương thực trước tết và một chuyến của công binh dựng nhà! Khi tàu đến Song Tử Tây, chỉ huy của đảo tập trung tất cả bộ đội đứng chào và đón đồng đội từ đất liền ra trên vị trí “cầu cảng”, thật ra là đầu luồng nước! Chuyến xuồng đầu tiên chở thuyền phó và một chính trị viên cùng... thư vào đảo. Khi đó do đi lại khó khăn, nguy hiểm, chỉ có ba người trên tàu được phép vào đảo: thuyền trưởng, thuyền phó và chính trị viên. Anh em trên đảo ai cũng đen đúa, tóc xơ cháy vàng. Nhìn thấy đồng đội từ đất liền ra, ai cũng mừng. Nhiều người ôm chầm lấy anh em, rớt nước mắt” - ông Lập kể lại, giọng đầy xúc động.
Do tàu nhỏ lại ít chuyến ra Trường Sa nên ngày ấy cát vàng là một thứ xa xỉ ở đảo. Công binh xây nhà chủ yếu dùng cát san hô, rất mịn. Do ngấm nước biển nên loại cát đặc biệt này không đổ bêtông được, chỉ dùng để xây tường bao, tường chắn. Chỉ một ít cát vàng ưu tiên cho việc đổ các cột bêtông. Nước ngọt quá hiếm hoi, công binh phải lấy nước lợ từ giếng đào trên đảo lọc qua cát san hô rồi trộn xi-măng. Khi đó, hàm lượng ximăng phải tăng thêm 15% để chất lượng bêtông đảm bảo.
Chuyến đầu tiên ra xây nhà ở Trường Sa lần ấy chỉ kéo dài một tháng. Nhưng những chuyến sau đó cho tới năm 1984, tàu ít, công trình nhiều nên có những khung, công binh phải ở lại đảo từ 2-3 năm để xây các công trình tại những đảo khác.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Quân lệnh đêm 30 tếtKỳ 2: Thử thách đại dươngKỳ 3: Làng xây đảoKỳ 4: Sống chết cùng Tiên NữKỳ 5: Niềm tự hào Tốc Tan Kỳ 6:Chinh phục đại dươngKỳ 7: Bơi về nơi đất Mẹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận