16/07/2011 08:48 GMT+7

Bò tót lại thăm bò nhà

NGUYỄN VIỄN SỰ - SƠN LÂM
NGUYỄN VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Năm thứ ba liên tiếp, con bò tót đực nặng gần 1 tấn ở vườn quốc gia (VQG) Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận) lại về làng gặm cỏ với bò nhà.

OQN5ThZX.jpgPhóng to
Con bò tót to gấp nhiều lần bò nhà ung dung gặm cỏ ngay sát nhà sàn của người Raglay vào chiều 11-7 - Ảnh: Viễn Sự

Kỳ 1: Dấu vết giữa rừngCuộc chiến người và thú

Dù đã từng gặp con bò tót này vào mùa mưa năm trước, nhưng thông tin bò tót xuất hiện lần này vẫn làm chúng tôi háo hức vượt rừng đến VQG Phước Bình. Bởi lẽ trong khi tại vùng Nam Cát Tiên và nhiều vùng rừng khác phải dùng bẫy ảnh hàng tháng trời mới ghi được hình ảnh không rõ nét về bò tót thì tại Phước Bình, mọi người có thể thoải mái tiếp cận bò tót trong khoảng cách 10-20m.

Trình dự án bảo tồn bò tót lên WWF và IUCN

Chiều 15-7, ông Nguyễn Công Vân cho biết đã lập dự án sơ khảo bảo tồn bò tót tại VQG Phước Bình lên Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) và Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Dự án bao gồm: điều tra vùng phân bổ bò tót tại VQG Phước Bình; tính toán số lượng bầy đàn, cá thể và phương án bảo vệ bò tót; theo dõi tập tính, nguồn thức ăn và khả năng lai tạo giữa bò tót và bò nhà. Theo đó, nếu không được tài trợ toàn bộ thì sẽ cố gắng xin kinh phí để thực hiện một trong các điểm của dự án. Vì “đây là cơ hội quá hiếm hoi, không thể chần chừ được nữa”, ông Vân khẳng định.

Hết “khổ vì bò tót”

Không cần phải đi quá xa, vừa đến đầu tiểu khu 20 của VQG Phước Bình, ngay trong bãi cỏ nối giữa rẫy bắp và dãy nhà sàn của bà con Raglay đã nhìn thấy bò tót đang thong thả gặm cỏ chung với đám bò cái nhà. Vẫn vóc hình đen trũi, cặp sừng dài cong vút to gấp ba, bốn lần bò nhà đứng cạnh, nhưng lần này bò tót đã không còn trợn mắt và mài sừng đe dọa khi thấy người như những năm trước.

Đây quả là điều rất đặc biệt, bởi ngay lần đầu tiên về làng vào tháng 9-2008, con bò tót này đã húc bị thương ba người, húc chết một con bò kéo và phá nát gần 20ha rẫy bắp, đậu. Đến năm 2010, dù có “quen hơi người” hơn nhưng bò tót vẫn rất hung hãn, gần như toàn bộ rẫy của bà con Raglay sát tiểu khu 25, nơi bò tót xuất hiện lúc đó, đều phải bỏ hoang vì bị bò tót đe dọa khi làm rẫy.

Anh Phạm Văn Thành, trạm trưởng trạm kiểm lâm Pạc Rây, cho biết năm nay bò tót xuất hiện sớm hơn hai năm trước. Ngay từ những trận mưa đầu mùa vào cuối tháng 6, bò tót đã ra khỏi rừng. Tần suất xuất hiện rất đều đặn: buổi trưa từ rừng về rẫy gặm cỏ và đêm xuống lại vào rừng ngủ. Theo ông Nguyễn Công Vân - giám đốc VQG Phước Bình, đây chính là điểm đáng lưu ý nhất vì chứng tỏ sau ba năm xuất hiện, con bò tót này đã tạo cho mình một tập tính sinh hoạt ở địa bàn kiếm ăn mới. Đồng thời, sự hiền lành của bò tót cũng chứng tỏ con vật đã cảm nhận được sự an toàn mà con người dành cho mình.

Điều gì đã khiến con bò tót - loài vật chỉ đứng sau hổ về sức mạnh và sự hung bạo - trở nên gần gũi như vậy? Ông Vân cho rằng: “Không có gì khác ngoài sự đối xử tử tế của người dân. Nếu không có họ, chắc chắn VQG Phước Bình không thể có cơ hội tiếp cận với bò tót dễ dàng như bây giờ”. Theo ông Vân, ở nhiều vùng rừng khác, chỉ cần bò tót xuất hiện tại vùng rừng đệm đã khó thoát khỏi họng súng của thợ săn chứ đừng nói là về ngay trong rẫy.

Tuy nhiên, tại Phước Bình dù lúc đầu bò tót điên cuồng tấn công nhưng người dân đã được tuyên truyền và ý thức rất cao về việc bảo vệ mình và không được xâm hại tính mạng bò tót. Sau đó, người dân cùng với kiểm lâm còn tự lập một tổ cảnh báo và bảo vệ bò tót. Dù có những gia đình phải nhận lương thực hỗ trợ vì rẫy đã bị bò tót phá nát nhưng ba năm qua, con bò tót này vẫn luôn an toàn và ngày càng trở nên hiền lành.

Cơ hội quý giá

Bò tót về sống chung với bò nhà - hiện tượng chưa từng được ghi nhận tại Việt Nam - đã mở ra cơ hội tiếp cận, nghiên cứu quý giá cho các nhà khoa học. VQG Phước Bình nhận định với vóc dáng gần 1 tấn, có thể đây chính là con bò tót đầu đàn, sau một cuộc “tranh chấp quyền lực” đã bị đào thải, không thể nhập bầy và về làng sống với bò nhà.

Với riêng con bò tót, điều đó không có lợi, tuy nhiên về mặt sinh thái lại là tín hiệu vui vì chứng tỏ quần thể bò tót sống tại VQG Phước Bình đang phát triển, tạo ra sự cạnh tranh bầy đàn. Khảo sát gần nhất vào năm 2008 chỉ xác định được tại VQG Phước Bình có ba bầy bò tót với khoảng 40 con nhưng không khẳng định được đặc điểm của quần thể bò tót này.

Sau một thời gian bò tót sống chung với bò cái của người dân, hiện VQG Phước Bình đã khoanh vùng ba con bê con hơn một tuổi có vóc dáng và tập tính khác lạ với bò nhà, được nghi ngờ là con lai của bò tót. Theo quan sát của chúng tôi, ba con bê con này có màu lông đen nâu, đặc biệt là có bờm chạy dọc từ cổ xuống lưng và sừng đã cao gần 20cm - điều không thấy ở các con bê khác tại Phước Bình.

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, chủ của một trong ba con bê nghi là lai bò tót, cho biết bê đã đến tuổi xỏ mũi nhưng thực hiện nhiều lần đều không thành công vì chúng quá hiếu động và khỏe, không giống như các con bê khác. Hiện VQG Phước Bình đang lập dự án, xin kinh phí để mua thêm bò cái trưởng thành thả vào khu vực bò tót xuất hiện để theo dõi và hi vọng sẽ có con lai bò tót chào đời.

Rất nhiều thông tin quý giá về bò tót Việt Nam đang có cơ hội được khơi mở từ con bò tót tách bầy ở VQG Phước Bình. Tuy nhiên, cơ hội quý giá này dường như đang bị thờ ơ. VQG Phước Bình đang muốn thực hiện rất nhiều nghiên cứu như gắn chip lên bò tót để xác định được đường di chuyển của bò khi về rừng vào ban đêm và trong những tháng mùa khô.

Từ đây, có thể xác định được nguồn thức ăn của bò tót và đặc biệt là xác định chính xác phạm vi quần thể bò tót đang sinh sống để lên kế hoạch bảo tồn tổng thể.

Đơn giản hơn là xác định ADN cho ba con bê nghi là lai bò tót mà nếu đúng sẽ bảo vệ được nguồn gen độc đáo, lai tạo với bò nhà. Tuy nhiên, ngoài 25 triệu đồng hỗ trợ để bảo vệ bò tót của UBND tỉnh Ninh Thuận, suốt ba năm qua, VQG Phước Bình vẫn phải tự “bơi” trong việc bảo vệ và nghiên cứu con bò tót này, không đủ kinh phí cũng như chuyên môn để thực hiện những nghiên cứu đang ấp ủ.

Ông Nguyễn Công Vân tiếc nuối: “Đã gõ cửa nhiều nơi nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được sự trợ giúp. Mùa khô tới bò tót lại về rừng, không biết còn ra lại nữa không”.

wE0OVarX.jpgPhóng to

Hai cán bộ kiểm lâm VQG Phước Bình cùng PV Tuổi Trẻ tiếp cận bò tót ở khoảng cách rất gần - Ảnh: Sơn Lâm

Ký ức bò rừng

Theo cách gọi của những toán thợ rừng, bò tót còn có tên là con min. Uy dũng hơn, trong tiếng Raglay, bò tót là kvây - con vật “hung dữ và to lớn”. Bây giờ, tìm đỏ mắt trong những cánh rừng nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với cao nguyên Lâm Viên, Bidoup... mới mong thấy bò tót. Dù rất nhiều già làng và thợ rừng vẫn còn nguyên ký ức những ngày chưa xa về sự phong phú của bò tót.

Ông Chammale Âu, nghệ nhân dân gian và cũng là thợ săn nổi tiếng ở vùng rừng Ma Nới (Ninh Sơn, Ninh Thuận), rút trong bọc cói cây kèn motova - loại nhạc cụ của người Raglay, bảo: “Bằng sừng con kvây đó, cái kèn này tao làm hồi sau giải phóng (năm 1975). Hồi đó, kvây nhiều lắm, bắn một con cả làng ăn no. Nhưng giờ Ma Nới này chỉ còn cái motova này của tao bằng sừng kvây nữa thôi”. Vốn là một du kích của chiến khu Anh Dũng (vùng rừng Ma Nới, Phước Hà của Ninh Thuận ngày nay), ông Chammale Âu từng tận mắt thấy nhiều đoàn bò tót xé gió lao đi giữa rừng.

Thời đó, bò tót nhiều đến nỗi đứng cách hàng cây số vẫn nhận biết được qua bước di chuyển làm tiếng cây rừng xào xạc như gió bão và mùi nước tiểu khai nồng bốc lên. Ký ức về bò tót của Chammale Âu vì thế rất nhiều, nhưng hãi hùng nhất là câu chuyện về người bạn Đá Mài Phân, một du kích ở cùng chiến khu Anh Dũng đã bị một con bò tót đầu đàn móc lủng ngực. Dù trước đó Đá Mài Phân đã xả hết nửa băng súng AK nhưng bò tót vẫn đủ sức lao vào. Lần đó, sau khi xẻ thịt bò tót đã phải huy động tới hơn 20 du kích mới gùi nổi xương, thịt của con bò này về lán.

Gần hơn nữa, ông Trần Công Thắng, một cán bộ lâm nghiệp ở Ninh Sơn, bảo rằng vào đầu những năm 1990, mỗi sáng lái xe reo vào rừng vẫn còn thấy chi chít dấu chân của những bầy bò tót ăn đêm cắt đường đi qua. “Thời đó chắc bò tót chưa được đưa vô sách đỏ, quản lý cũng còn lỏng lẻo nên có ngày thợ săn bắn đến ba, bốn con, đem ra cửa rừng xẻ thịt bán rẻ như cho” - ông kể.

Từ rừng Phước Hà đến rừng Ma Nới rồi lên cao nữa là Phước Bình, Bidoup... - những cánh rừng bậc thang nối nhau từ Ninh Thuận, Khánh Hòa lên cao nguyên Lâm Viên, nơi trú ngụ của bò tót cứ bị thu hẹp dần. Và nói như ông Nguyễn Công Vân, bò tót Nam Trung bộ đã “cùng đường” vì vùng rừng Pạc Rây, nơi con bò tót đang xuất hiện, đã là nấc thang sinh tồn cuối cùng.

Chuyện một con bò tót về làng ở Phước Bình những ngày này vì thế mang đến niềm vui vì bò tót vẫn còn sinh trưởng, vẫn còn chút “niềm tin” ở con người để bạo gan ra khỏi rừng. Nhưng cũng chứa đầy nỗi ngậm ngùi trong suy nghĩ của rất nhiều người như ông Chammale Âu, ông Trần Công Thắng... Bởi câu chuyện ly kỳ về những bầy kvây - bò tót mà các ông từng chứng kiến chỉ mới đây thôi đã trở thành ký ức quá nhanh.

NGUYỄN VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên