25/05/2011 07:38 GMT+7

Theo dấu chân bò tót - Kỳ cuối: Cuộc chiến người và thú

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Nhiều nhân viên kiểm lâm tại Cát Tiên tâm sự với chúng tôi rằng không ít lần họ bắt gặp thợ săn súng ống ngồi mai phục bò tót. Chỉ trong vòng ba năm từ 2006-2009, có 10 bộ xương bò tót được phát hiện. Cũng có trường hợp bò chết do bệnh tật, nhưng phần nhiều là do dính bẫy.

Read this on Tuoitrenews.vn

XAAjRmU2.jpgPhóng to
Xác một chú bò tót đang trong giai đoạn trưởng thành bị sát hại tại vườn quốc gia Cát Tiên - Ảnh tư liệu VQG Cát Tiên

Từ bẫy

Anh Phạm Thanh Nhàn, trạm phó trạm kiểm lâm Đắk Lua, cho biết hồi tháng 8-2002 trong lúc đi tuần ở khu vực Ba Quả Đồi cách trạm gần chục cây số, anh và đồng đội đã tự tay tháo bẫy và trả về rừng một chú bò tót đực nặng khoảng 4 tạ.

“Chúng tôi đang đi dưới núi thì nghe tiếng gầm thét thảm thiết. Đến nơi thấy một chú bò tót đang cố vùng vẫy thoát khỏi sợi dây cáp thắt vào cổ chân sau. Năm người đè con vật xuống, riêng tôi vòng ra phía sau chặt sợi dây cáp. Vừa xong, con vật to lớn vùng dậy chạy bạt mạng”-anh Nhàn nhớ lại.

Kỹ sư Bạch Thanh Hải lục tìm kho ảnh mà anh và cộng sự đã chụp được từ các vụ bẫy giết bò tót. Trong những hình ảnh này, ngoài những bộ xương khô đã thối mục còn có rất nhiều hình ảnh bò vừa mới chết xác chưa phân hủy.

Lật cuốn sổ ghi chép, anh Hải cho tôi xem chi tiết các vụ sát hại bò tót đã diễn ra tại Cát Tiên: “Ngày 26-12-2006, một bộ xương bò chết khoảng hai năm được phát hiện tại khu vực ao cá Núi Tượng. Ngày 22-10-2007, một con bò mới chết, xác vẫn còn nguyên được phát hiện tại khu vực trạm kiểm lâm Sa Mách, chân phải phía sau vẫn còn dính bẫy cáp chùm. Tháng 6-2008, ba bộ xương bò đã phân hủy được phát hiện tại cùng địa điểm, tất cả đều chết do dính bẫy...”.

Kỹ sư Bạch Thanh Hải kể khi phòng tiến hành thu thập mẫu xác con tê giác Java bị săn trộm gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, mỗi ngày có khoảng 50 cuộc điện thoại lạ gọi vào máy của anh hỏi mua các bộ phận như răng, da, xương tê giác.

Có người thậm chí trả hàng chục triệu đồng để có được một chiếc răng. Riêng đối với các bộ phận của bò tót như da, đầu, mật vốn từ lâu được săn tìm với giá cao.

Ngoài ra, có những vụ săn bắn táo tợn đến nỗi khi bẫy được bò những kẻ săn trộm còn tổ chức chặt đầu con vật xấu số đem bán, hoặc lột da rồi ngang nhiên để lại các dụng cụ như dao phay, đá mài ngay bên cạnh xác bò. Mỗi lần bẫy được bò, thợ săn chỉ chặt lấy đầu và lột da, rút mật vì đây là các bộ phận có giá rất cao trên thị trường.

Ông Trần Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết trung bình hằng năm cán bộ kiểm lâm của vườn phát hiện và thu giữ trên 5.000 bẫy thú các loại. Đặc biệt thời gian gần đây nhiều người dân còn mua dây cáp về tự chế loại bẫy thắt rất nguy hiểm, không loài thú lớn nào có thể thoát khỏi cái chết khi vô tình đạp phải loại bẫy này, ngoại trừ voi.

Ông Thành cho hay từ trước đến nay vườn có phát hiện một số bộ xương bò tót, trong đó nhiều vụ được xác định là chết do bị bẫy. Tuy nhiên, ông cho biết chưa có vụ bức hại bò tót nào được đưa ra khởi tố do “bò tót chưa được đặt vào hàng quan tâm đặc biệt như tê giác”.

Không chỉ đối diện với mối hiểm nguy săn bẫy mà hiện tại đàn bò tót tại Cát Tiên cũng đang chịu nhiều áp lực lớn khác đe dọa đến sự tồn tại của bầy đàn, như tình trạng phá rừng dẫn đến việc môi trường sống bị thu hẹp, sự xâm lấn của cây mai dương, sự lai tạp nguồn gen...

Cho tới người

Kỹ sư Bạch Thanh Hải cho rằng việc một loạt dự án hiện đang được triển khai trên sông Đồng Nai như công trình thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4... và một tuyến đường kéo dài gần 10km xuyên qua rừng dẫn về trung tâm xã Đồng Nai Thượng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quần thể đàn bò tót tại vườn quốc gia Cát Tiên.

“Các dự án này nếu triển khai ít nhiều sẽ có tác động đến vườn quốc gia Cát Tiên, trong đó có quần thể đàn bò tót là loài hết sức nhạy cảm với môi trường sống. Cần phải có những đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc khi tiến hành bất kỳ dự án nào có liên quan đến VQG Cát Tiên, bởi đây là tài sản vô giá, một khi mất đi thì khó lấy lại được”- ông Trần Văn Thành nói.

Ông Trần Văn Thành cho hay những năm trước, một trong những sức ép đe dọa trực tiếp đến quần thể bò tót chính là các ngôi làng của dân di cư tự do nằm ngay trong lõi vườn. Kiểm lâm Nguyễn Văn Soạn, thành viên đội kiểm lâm cơ động, chạy xe máy dẫn tôi vào trực tiếp khu vực Đa Bông Kua và không quên cho xe dừng tại các khu vực rừng mà người dân đã phá nát để trồng điều. “Đấy, ở đâu có người thì ở đó có phá rừng, làm hết cách rồi mà vẫn không ngăn được chặt đốt, thấy mà tức không chịu được!”.

Triệu Văn An, một người dân ở bản Dao, đứng ở cửa gãi đầu: “Dân làng mình mấy hôm nay không còn ai đi bẫy thú nữa đâu cán bộ ơi!”. Nói là vậy nhưng sau vài ba câu chuyện anh An thật thà: “Ngày 30-6 này Nhà nước sẽ dẫn dân làng mình đi, nhưng hiện giờ vẫn cần phải sống nên dân mình thỉnh thoảng có người vào rừng săn thú đấy!”.

Hỏi đã bao giờ thấy bò tót về làng chưa, anh An kể tỉnh bơ: “Ồ, mấy năm trước thì nhiều lắm, ban đêm chúng thường kéo cả đàn về khu vực bàu sen giữa làng ăn cỏ và giẫm nát lúa của bà con. Dân mình đốt lửa xua đuổi nhưng được một thời gian chúng quay lại. Lúc đó nhiều người phải mua chó săn về nuôi. Từ ngày có loài chó này, vài năm nay không thấy bò tót về nữa”.

Cách Đa Bông Kua chừng 40km đường rừng là Trạm kiểm lâm Đắk Lua. Trạm phó Phạm Thanh Nhàn cho biết trạm cũng vừa tiến hành di dời một ngôi làng với 36 hộ dân ra khỏi khu vực rừng để trả lại môi trường cho đàn bò tót. Anh kể người dân ở đây xưa cũng phá rừng, bẫy thú, từ ngày bà con chuyển đi rừng bình yên hẳn.

Anh Nhàn hồ hởi khoe: “Mấy hôm nay đi tuần thỉnh thoảng anh em chúng tôi lại bắt gặp bò tót tìm ra các trảng cỏ để kiếm ăn, điều này trước đây không hề có”.

Bắt đầu từ năm 2006 một dự án bảo tồn đàn bò hoang dã tại vườn quốc gia Cát Tiên đã được cấp bách triển khai. Dự án này do Bộ Ngoại giao Pháp và Quỹ Môi trường toàn cầu (FFEM) của Cộng hòa Pháp đồng tài trợ. Thời gian hoạt động kéo dài từ năm 2006-2009 với tổng kinh phí tài trợ 580.000 euro.

Hành động này nhóm lên một tia hi vọng đưa đàn bò tót trở lại với lãnh địa mà lẽ ra đã thuộc về chúng từ lâu.

___________________

Đón đọc số tới: Đế chế FIFA

Ngày 1-6 này, đại hội đồng FIFA sẽ bầu vị chủ tịch mới cho nhiệm kỳ tới trong một làn sóng chỉ trích dữ dội. Chưa bao giờ xung đột tại tổ chức bóng đá quyền lực nhất hành tinh này lại gay gắt như bây giờ. Mời bạn đón đọc loạt bài phân tích cội nguồn xung đột của FIFA.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên