08/06/2011 07:48 GMT+7

Sống giữa biển Đông - Kỳ cuối: Đội tự quản giữa trùng khơi

HÀ LINH - QUỐC NAM
HÀ LINH - QUỐC NAM

TT - Bảy giờ sáng, chiếc tàu mang số hiệu VN-0099KN có công suất 385CV của tỉnh Quảng Trị với 10 chiến sĩ biên phòng cùng cán bộ lực lượng thanh tra và bảo vệ nguồn lợi thủy sản rồ ga, cắt sóng hướng ra ngoài khơi vùng biển đảo Cồn Cỏ. Tàu tuần tra ghé bến âu thuyền đảo Cồn Cỏ sau hai giờ.

Ghé thăm trạm rađa 540 đóng trên huyện đảo Cồn Cỏ, trạm trưởng Nguyễn Duy Dũng nói đây là cửa ngõ của vịnh Bắc bộ nên luôn “nóng".

2KcbUaoL.jpgPhóng to
Ngư dân Võ Văn Lới và người cháu chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi dài ngày - Ảnh: Hà Linh

Trụ giữa biển trời

Vừa cập vào âu thuyền Cửa Việt sau chuyến đi khơi dài ngày, thuyền trưởng tàu QT - 93539 Võ Văn Lới (trú thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) giọng rặt Quảng Trị phấn khởi: “Bữa ni ngư dân ra khơi đã yên tâm hơn vì luôn có lực lượng thanh tra và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển rồi lực lượng hải quân sát cánh, tuần tra, túc trực 24/24”. Theo ông Lới, mỗi tàu cá khi ra khơi đều “thủ” riêng cho mình số liên lạc của lực lượng cứu hộ biên phòng, hay đội thanh tra và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bởi ngư dân là tai mắt, báo tin khi phát hiện tàu đánh bắt trái phép hay có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải.

Suốt hơn 45 năm hành nghề ngang dọc trên biển Đông, ông Lới thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, những trận cuồng phong, sóng dữ và có lúc bị tàu nước ngoài hung hãn đe dọa. Ông bảo giữa trùng khơi, nếu không có kinh nghiệm và niềm tin vào lẽ phải thì khó mà trụ vững để làm ăn.

Ở làng chài này có hàng chục ngư dân đã bỏ mạng khi mưu sinh trên biển, thế nhưng con cháu họ vẫn can trường vượt biển khơi buông lưới, thả câu. Ông Hồ Văn Tuy (trú khu phố 2) bị nạn chết trên biển, ba người con trai của ông tiếp tục đóng tàu “đạp sóng” ra khơi theo nghiệp bố.

Nghiệt ngã vẫn chưa buông tha gia đình ngư dân này khi tàu cá của người con trai đầu ông Tuy là anh Hồ Văn Phụ bị sóng biển đánh chìm trên vùng biển Quảng Trị vào năm 1997. Sau một tuần bão dữ đi qua, người dân Thừa Thiên - Huế mới phát hiện thi thể anh Phụ dạt vào bờ. Tay thoăn thoắt phăn những vòng lưới vây rút, kiểm tra trước khi ra khơi, anh Hồ Văn Thu tâm sự. “Dù cha và anh trai tôi tử nạn trên biển nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình bỏ nghề biển. Nghề biển là cái nghiệp bám riết gia đình tôi, nuôi sống cả nhà, mình phải bám lấy nó!”.

Về Cửa Việt, chúng tôi được nghe kể vô số chuyện về nghề nghiệp, cứu nạn, chống bão của ngư dân nơi đây. Chuyện buồn vui xen lẫn những hành trình ra khơi cả tháng trời.

Ông Bùi Thúy - bí thư Đảng ủy thị trấn Cửa Việt - kể: “10 năm trước, người dân làng chài Cửa Việt chỉ có thuyền công suất nhỏ, đánh bắt manh mún ở ven bờ. Mỗi khi nghe đài báo biển động là cả làng chài thất nghiệp vì không ra biển được. Nhưng chừ thì khác, ngư dân không còn đói nghèo mà vươn lên đứng đầu toàn tỉnh về nghề cá, bởi họ đã dám vay tiền đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Hàng trăm tàu công suất lớn trụ vững ngoài khơi cả tháng trời, sản lượng thủy sản mỗi năm đánh bắt gần 5.000 tấn, nhiều hộ ngư dân đã có tài sản cả chục tỉ đồng, nghề đánh bắt xa khơi là hướng phát triển mũi nhọn”.

Dân hùng, chủ quyền sẽ mạnh

Hơn 40 năm bám biển, lão ngư Võ Văn Quyền, 62 tuổi, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, là một trong những người tiên phong trong phong trào liên minh vượt khơi xa. Ông Quyền luôn tâm niệm: “Nước xa không cứu được lửa gần”, do đó giữa biển khơi nghìn trùng, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, ngư dân phải tự bảo vệ mình bằng cách đoàn kết, phòng thủ, phải thật khéo léo để tồn tại và phát triển. Chủ quyền lãnh hải luôn gắn liền với hình ảnh ngư dân, ngư dân có hùng mạnh thì chủ quyền mới vững bền. Ông Quyền dồn toàn tâm lực để gây dựng nên đội tàu hùng mạnh, có thể vươn xa khơi, bám trụ biển Đông nhiều ngày để bắt được nhiều tôm cá.

Gắn bó suốt cuộc đời với biển, ông Quyền luôn ấp ủ dự tính làm sao để có những con tàu công suất lớn đi được dài ngày, đủ sức chống chọi với sóng dữ, bão tố. Năm 1998, ông dốc toàn bộ tài sản của gia đình, vay thêm tiền đóng mới hai con tàu đánh bắt xa bờ, trị giá gần 3 tỉ đồng. Làm ăn hiệu quả, ông đã trả hết nợ và tiếp tục liên minh góp vốn với một người anh em đóng tiếp con tàu thứ ba công suất 220CV trị giá gần 2 tỉ đồng, để thực hiện dự định lập nên một mô hình “tập đoàn gia đình” đánh bắt xa khơi.

Ba năm nay ông Quyền làm thủ lĩnh trên bờ, trực tiếp chỉ đạo ba tàu đánh cá ngoài khơi do con trai, em trai làm thuyền trưởng. Thông qua máy Icom, hằng ngày ông nắm bắt tình hình ở các ngư trường, dõi mắt vào sa bàn để chỉ dẫn tọa độ điểm đánh cá, hướng dẫn tàu trú ẩn khi có bão. Ông còn làm cầu nối giữa đất liền với những tàu đánh bắt ở ngoài khơi. Phát hiện tàu thuyền gặp nạn cần ứng cứu, ông Quyền sẽ điện đàm cho các tàu ở gần đến giải cứu, đồng thời kết nối thông tin với bộ đội biên phòng khi có tình huống xấu xảy ra.

Ở Cửa Việt, vài năm trở lại đây có đến hàng trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ được đóng mới, hàng chục đội tàu liên minh, liên kết của gia đình, anh em, dòng họ đã hình thành khai thác có hiệu quả cao. Đó là đội tàu đánh bắt xa bờ của ba anh em Võ Văn Tứ, Võ Văn Anh, Võ Văn Thanh; bốn anh em Bùi Đình Cảm; ba cha con ông Võ Văn Lới; hộ ông Lê Quý... ”Những đội tàu này đã liên kết lại để tương trợ nhau trong hoạt động đánh cá, cứu nạn, giúp nhau cùng trụ vững trên biển Đông” - ông Lới chia sẻ. Để tạo dựng “đội tàu gia đình”, ông Lới đầu tư gần 4 tỉ đồng, đóng mới hai chiếc tàu vây rút công suất 220CV giao hai người con trai cầm lái. Con trai út Võ Văn Đức mới tốt nghiệp trung cấp điện máy về, tập làm thuyền trưởng để kế nghiệp ông.

Cùng với mô hình liên minh “đội tàu gia đình”, ở Cửa Việt còn có mô hình đội tàu tự quản tại khu phố 2, khu phố 5 với số lượng hơn 50 tàu đánh bắt xa bờ. Ở những đội này, ngư dân đã tự nguyện góp quỹ rủi ro để hỗ trợ những trường hợp hoạn nạn khi hành nghề trên biển. Toàn bộ số tàu đánh bắt xa bờ đều được trang bị máy Icom, nên dù các nhóm đánh bắt cách nhau hàng chục hải lý vẫn có thể dễ dàng ứng cứu và chia sẻ ngư trường mỗi khi thành viên gặp luồng cá, nhờ vậy đội tàu trụ vững trên biển, không còn thành viên nghèo đói.

“Người dân vùng cát quê tôi bao đời nay sống chết nhờ biển, có miếng ăn cũng nhờ biển. Vậy nên nhiều hộ ngư dân bị bão đánh tan tàu, người chết không tìm thấy xác, nhưng con cháu họ vẫn gạt nước mắt, vay tiền đóng lại tàu mới để tiếp tục ra khơi...”- ông Bùi Thúy khẳng định.

Với giọng hào sảng, lão ngư Võ Văn Lới căn dặn con cháu: “Biển của mình thì dù khó khăn mấy cũng phải bám, phải giữ để làm ăn. Mai này cháu chắt còn có chỗ để buông câu, thả lưới...”.

Kỳ 1: Ký ức đại dương Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếp Kỳ 3: Sống giữa biển đông Kỳ 4: Ngư ông và bão dữ Kỳ 5: Điểm tựa Cồn Cỏ Kỳ 6: Mở lòng ra như biển

______________

Đón đọc số tới: Hành trình Bình Minh

Đó là một hành trình lặng thầm đầy tâm huyết của bao thế hệ. Giữa đại dương bao la, họ đã đánh đổi cả tuổi trẻ và xương máu của mình cho những kỳ vọng về tương lai đất nước. Hành trình của tàu Bình Minh đã bắt đầu bằng những khát vọng như thế...

HÀ LINH - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên