07/05/2011 11:31 GMT+7

Những chuyến tàu đặc biệt

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Ít ai biết có những chuyến tàu đặc biệt của hải quân đảm trách công việc cũng vô cùng đặc biệt và đầy gian truân: chuyên chở vật liệu để xây dựng các công trình ở đảo xa.

Xqr0B5Xh.jpgPhóng to
Tàu Trường Sa 08 chuyển đá hộc xuống xuồng công binh để xây dựng âu tránh bão cho ngư dân ở đảo Song Tử Tây tháng 3-2008 - Ảnh: Phan Tiến Dũng

Trong phòng làm việc của đại úy Võ Minh Thắng, chính trị viên tàu Trường Sa 04, có một kỷ vật rất đặc biệt: một viên gạch in hình quốc huy nước CHXHCN Việt Nam. Anh Thắng kể: “Đây là một trong những viên gạch đầu tiên mà anh em tàu Trường Sa 04 chúng tôi vận chuyển ra xây dựng chùa ở đảo Song Tử Tây, ngôi chùa đầu tiên của quần đảo Trường Sa”.

Viên gạch được thiết kế rất đặc biệt và được nung theo đơn đặt hàng riêng: gạch chỉ có hai lỗ, rất dày và nặng khoảng 1kg. Điểm nhấn ấn tượng nhất là được in nổi hình quốc huy nước CHXHCN Việt Nam .

Tại sở chỉ huy lữ đoàn 125 hải quân, anh Thắng sôi nổi kể về chuyến tàu đặc biệt nhất này trong 20 năm đời hải quân của mình. “Chúng tôi rời quân cảng Hải đoàn 129 từ ngày 15-8-2008, thời điểm thường xuyên có nhiều sóng to gió lớn. Trong kế hoạch, hành trình chỉ kéo dài một tháng sẽ trả hết hàng. Nhưng vừa ra khỏi cửa biển Vũng Tàu, sóng gió đã ào ào nổi lên...”.

30 ngày và 124 ngày

Sóng lớn. Gió giật. Mưa dày. Tàu neo khá gần đảo Song Tử Tây, cách đảo chỉ 1 hải lý nhưng việc đưa gạch từ hầm hàng xuống xuồng và chuyển vào đảo rất khó khăn. “Gạch xây chùa Song Tử Tây là loại gạch được đặt hàng riêng, rất đặc biệt. Dù đã được đóng trong bao nhưng khi cẩu hàng đưa xuống xuồng, anh em phải nâng niu, cẩn trọng từng động tác. Chúng tôi bố trí hai người ôm từng bao gạch đặt xuống xuồng chứ không dám để cẩu đặt xuống. Nhưng sóng gió lớn quá, xuồng dao động liên tục.

Giữ thăng bằng cho người đã khó, lại còn lo chuyện ôm từng bao gạch để không vỡ một viên nào. Anh em bảo nhau: đây là chuyến hàng rất ý nghĩa, là tài sản và ý chí của nhân dân, phải bảo vệ hàng tới cùng. Ngoài gạch còn có mấy trăm tấn ximăng. Khi sóng gió lớn cấp 7, cấp 8, nếu đưa ximăng lên đảo sẽ bị ướt, hỏng hết” - trung úy Nguyễn Thanh Tùng, trưởng ngành hàng hải tàu Trường Sa 04, tiếp lời.

Những ngày nắng, ngoài biển mặt trời lên sớm hơn đất liền 20 phút. Thế nên mới 5g sáng anh em đã chuyển hàng từ dưới hầm cẩu lên xuồng tải để công binh chở vào đảo. Khi mới chuyển gạch và 200 tấn ximăng lên đảo thì lực lượng công binh xây dựng đảo không thể tiếp tục chuyển hàng lên đảo được, xin gửi hàng lại tàu. Vừa sóng gió lại mưa nhiều, ở trên đảo công binh xây móng chùa không kịp, yêu cầu làm hết bao nhiêu bốc hàng bấy nhiêu.

Anh em trên tàu chuẩn bị tâm lý hành trình sẽ kéo dài ba tháng, bốn tháng. Việc trả hàng diễn ra nhỏ giọt. Cứ sóng gió yên lúc nào là ráo riết trả hàng ngay lúc đó. Có khi trả hàng được mấy chục phút, tàu kéo neo vào lại thả neo ra vì sóng cuộn lên đánh dữ dội. Có thời gian cả tuần, tàu vừa cơ động (nhổ neo cho tàu chạy để giữ độ lắc của tàu, không để sóng đánh lắc tàu) vừa trả hàng.

jhGacZY6.jpgPhóng to

Tàu Trường Sa 08 chuyển đá hộc xuống xuồng công binh để xây dựng âu tránh bão cho ngư dân ở đảo Song Tử Tây vào tháng 3-2008 - Ảnh: Phan Tiến Dũng

Rồi hai cơn bão dồn dập ập tới, chỉ trong tháng 11-2008: bão số 9 (ngày 7-11) và bão số 10 (ngày 17-11). Cơn bão đầu hình thành từ áp thấp nhiệt đới, sóng giật cấp 8, cấp 9. Còn cơn bão sau ngay từ đầu sóng giật tới cấp 9, cấp 10. Có khi mưa bão dầm dề cả tuần tàu không neo được, phải nổ máy suốt bảy ngày để chống sóng, chống dông, chống lắc. Đã có lúc suốt mười ngày, thậm chí cả tháng không nhìn thấy đảo vì mưa mù mịt.

Trong đảo sợ anh em bị say, lúc nào liên lạc được là gọi điện thoại di động hoặc dùng hệ thống sóng ngắn hỏi thăm và động viên. “Ở trên tàu, độ lắc chậm hơn ngồi dưới xuồng nên dễ say và say ngấm rất lâu. Có anh em ói không ăn được gì mấy ngày liền, chỉ uống nước cầm hơi nhưng vẫn không rời nhiệm vụ của mình” - trung úy Tùng cho biết.

Sóng gió giảm một chút công binh đã đi xuồng mang thịt, rau người dân trồng trên đảo tặng anh em chiến sĩ. Thực phẩm dự trữ trên tàu chỉ đủ cho một tháng rưỡi. “Mỗi người đều có thực phẩm dự trữ riêng. Khi thiếu thốn thì tất cả là của chung. Lúc biển lặng, anh em câu cá làm thức ăn thay rau. Có khi anh em nấu mì tôm làm canh” - anh Thắng kể.

Mỗi khi có cơn mưa dông, anh em cầm bạt lớn căng ra, đứng dưới mưa hứng nước. Nhiều khi 3g sáng có mưa, mọi người phải dậy tắm. Mỗi người dùng bình nước lọc 20 lít hứng mấy can để dành tắm, giặt. Có khi đang gội đầu, chưa kịp xả nước thì hết mưa. Bảy ngày anh em mới dám tắm, giặt một lần.

Gần tới tháng thứ tư, vì tàu cơ động nhiều nên rất mau hết dầu. Quân chủng và lữ đoàn 125 phải lệnh cho tàu Trường Sa 14 cấp dầu hai lần. Ban ngày, tàu Trường Sa 14 phải chuyển hàng, hai chiếc xuồng máy và xuồng tải dùng cho việc chở hàng vào đảo. Thế nên anh em chiến sĩ tàu Trường Sa 04 chỉ được lấy dầu từ lúc 17g-22g.

Cuối tháng 12-2008. Đoàn công binh quyết định chuyển hết hơn 120 người lên tàu, hàng để lại. Nhưng ngay sau đó, quyết định này đột ngột thay đổi ngược lại do nhận thấy sóng có thể yên lặng trong vòng 3-4 giờ. Lợi dụng ánh trăng, đèn hải đăng và đèn công suất lớn của tàu, mới 3g sáng anh em đã bắt đầu công việc.

Gian truân và “đau tim” nhất là khi chuyển chiếc máy phát điện công suất lớn - trị giá hàng tỉ đồng - và máy trộn ximăng từ đảo xuống xuồng, đưa lên tàu về đất liền. Các cán bộ của đoàn công binh đã ra tận âu tàu theo dõi việc vận chuyển. Mất ba giờ mới chuyển được máy vì trên đảo không có cẩu, phải dùng sức của ít nhất 20 bộ đội chuyển bằng tay xuống xuồng. Đến ngày 16-12-2008, tàu Trường Sa 04 mới về đến Vũng Tàu, hoàn thành hành trình đầy gian truân.

6TUUEuK6.jpgPhóng to

Chính trị viên tàu Trường Sa 04 Võ Minh Thắng và viên gạch đặc biệt có in hình quốc huy nước CHXHCN Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Học để làm người...”

“Tôi luôn nhớ câu nói của Bác Hồ: Học để làm người, làm việc và làm cán bộ. Tất cả những gì đơn vị trang bị cho tàu là tài sản của nhân dân, phải sử dụng đúng mục đích và tiết kiệm. Đó cũng là cách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - trung úy Phan Tiến Dũng, hiện là phó thuyền trưởng tàu HQ 513, nói. Suy nghĩ đó đã thấm nhuần trong máu, trong suy nghĩ của từng chiến sĩ hải quân như anh. Mỗi chuyến hàng vượt trùng trùng sóng dữ là một lần âu lo và thêm một niềm vinh dự khi hoàn thành.

Anh Dũng vẫn không quên được chuyến tàu chở 1.000 tấn đá hộc và vật liệu xây dựng ra xây dựng âu tránh bão cho ngư dân ở đảo Song Tử Tây vào tháng 7-2007. Vừa ra khỏi cửa biển Cam Ranh, cơn bão số 2 ập tới. Sóng cấp 7, 8. Có ngày sóng đập vào mũi tàu, bắn nước xối xả trắng xóa lên cabin buồng lái.

Tàu Trường Sa 08 đi ngược nước, ngược gió, tròng trành băng xuyên qua bão. Hành trình từ Cam Ranh ra đảo Song Tử Tây kéo thành ba ngày hai đêm. Ra tới đảo, tàu phải neo suốt ba tuần vì sóng gió quá dữ dội. Mưa mù mịt không thấy đảo! Thủy triều lên ban đêm, ban ngày lại rút nên không thể trả hàng được. Hết tuần con nước lại tới dông bão. Mọi người nơm nớp sợ đứt neo.

Đến ngày thứ 22 mới có thể chuyển hàng lên đảo. Tốc độ chuyển hàng chạy đua với từng phút, từng giờ theo thay đổi khó lường của sóng gió, mưa bão. Tàu neo chống bão cả tháng mà vẫn không trả hết 1.000 tấn hàng. Khi đổ đá xuống xuồng, do sóng gió nên xuồng luôn bập bềnh làm nghiêng hẳn một bên. Xuồng lật, chìm ngay. Chiếc áo phao của một chiến sĩ trẻ bị đầu sắt móc vào, kéo chìm xuống biển. Anh em trên tàu trở tay không kịp!

Có người theo thói quen bám vào mạn xuồng khi sóng lớn. Khi chiếc xuồng bị sóng dồn ép vào mạn tàu đã nghiến gãy cả bàn tay! Có người bị đá hộc lớn lăn đè giập chân, nát tay. Có chuyến xuồng, khi chỉ còn cách đảo 100m, sóng lồng lộn dữ dội. Đắm xuồng! Hai chiến sĩ phải bỏ xuồng, bỏ hàng nhảy xuống biển bơi vào đảo. Các cột gỗ dùng để xây dựng âu tàu và cả chiếc xuồng bị sóng đánh dạt vào bờ. Vừa thoát nguy hiểm xong, các chiến sĩ công binh tiếp tục vận chuyển hàng.

Nối bước cha

“Hành trình ghi nhiều dấu ấn nhất với tôi là chuyến tàu chở đá ốp bia chủ quyền ra đảo Song Tử Tây đầu năm 2008. Loại đá này rất dễ vỡ nên anh em phải giữ gìn rất cẩn thận. Chúng tôi dùng nhiều vải mềm lót, bọc từng viên đá để tránh va đập tối đa. Khi vận chuyển từ tàu xuống xuồng tải, anh em không dám dùng cẩu mà phải dùng tay đưa từng tấm chuyền xuống xuồng” - thiếu úy Vũ Xuân Đăng, chiến sĩ tàu Trường Sa 16, nói.

Anh Vũ Xuân Đăng, sinh năm 1983. Cha anh là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604, hi sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại khu vực đảo Gạc Ma. Hôm nay con trai của người liệt sĩ anh hùng ấy đang có mặt ở cảng Cam Ranh, trên tàu Trường Sa 16. Chỉ vài ngày nữa, chuyến hàng đầu tiên chở nguyên vật liệu xây dựng của tàu Trường Sa 16 sẽ ra đến đảo Song Tử Tây. Trước đây, Xuân Đăng đã tham gia nhiều chuyến tàu chở nguyên vật liệu cho việc xây dựng nhà cửa, công trình công cộng, trường học ở các đảo của Việt Nam.

“Mỗi khi chở hàng ra Trường Sa, tôi mong ước một lần được đến khu vực bố đã hi sinh để đốt nén nhang cho bố và các chú...” - Xuân Đăng nói giọng run run xúc động. Đó là mong ước lớn nhất của Đăng, người gắn với đời hải quân vì ngưỡng mộ tấm gương anh dũng của cha mình.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên