13/03/2011 05:50 GMT+7

Hành trình cà phê Việt - Kỳ 3: Bước ngoặt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Năm 1975 đánh dấu mốc kết thúc các đồn điền cà phê. Cùng nhiều người khác, cha con điền chủ Hồ Hoàng Yến hiến tặng 25ha cà phê cho Nhà nước. Bạn bè ông, người thì tự hiến tặng, người được yêu cầu giao lại đất.

Các đồn điền cà phê bạt ngàn của người Pháp cũng chuyển đổi thành nông trường. Chỉ các vườn cà phê nhỏ được tiếp tục canh tác...

R5ckjYko.jpgPhóng to

Các thiết bị dùng chế biến cà phê tại Nông trường cà phê Phước An giai đoạn 1977-1978 -Ảnh: T.B.D. chụp lại ảnh tư liệu

Kỳ 1: Đánh thức Tây nguyên Kỳ 2: Cuộc khai phá của điền chủ Việt

Cuộc chạy đua diện tích

Dẫn tôi thăm vườn cà phê đang mùa hoa nở, ông Hồ Hoàng Yến trầm ngâm kể: “Sau năm 1975, tôi được mời tham gia chương trình phát triển quy mô diện tích cà phê Đắk Lắk. Một cuộc cách mạng thật sự về cây cà phê. Suốt đầu thế kỷ 20 đến năm 1975, diện tích cà phê chỉ lên được khoảng 8.000ha ở Đắk Lắk. Nhưng vài năm sau 1975, chỉ tiêu quyết liệt phải mở rộng thêm 10.000ha cà phê. Một chính sách lớn, tạo việc làm cho nhiều người, thu được ngoại tệ trong lúc đất nước khó khăn. Nhưng những người nhiều năm trồng cà phê như chúng tôi thì biết đó là thách thức rất lớn...”.

Một dòng người mới, mà nhiều nhất từ miền Bắc và Sài Gòn, ồ ạt đổ lên Tây nguyên xây dựng kinh tế mới. Theo ông Yến, chỉ riêng Đắk Lắk đã có 11 nông trường với quy mô mỗi đơn vị cả 1.000ha. Đất đồn điền từ trước không đủ, phải đẩy mạnh khai phá rừng để trồng cà phê.

Ông Yến cùng một số người nhiều năm kinh nghiệm làm đồn điền, nông trại cà phê được mời cố vấn kỹ thuật. “Rất nhiều cuộc họp sôi nổi. Các lãnh đạo từ trung ương vào họp với địa phương và quyết liệt chỉ đạo phải thành công trong chiến lược mở rộng cà phê này. Các lãnh đạo địa phương cũng ào ào hưởng ứng, khẳng định quyết tâm thắng lợi. Còn chúng tôi thì lo thầm...”.

Lợi thế của giai đoạn này là được Nhà nước bảo đảm đầu vào của vật tư, nguyên liệu và bao tiêu hoàn toàn đầu ra. Nhưng vì phải làm quá nhanh trên diện tích quá rộng nên các kỹ thuật trồng cà phê đã không được bảo đảm.

Không chỉ ồ ạt làm trên cả các phần đất không thích hợp với cà phê mà ngày xưa người Pháp đã bỏ để trồng loại cây khác, sự cẩu thả còn thể hiện ngay từ khâu cày xới quá nông trên mặt đất.

Ông Yến góp ý phải cày đạt độ sâu 50-60cm như kinh nghiệm các đồn điền, nhiều ý kiến nói ngược lại cày như vậy mất thời gian và không cần thiết. Có người còn nói làm như vậy chỉ tốn kém xăng dầu vốn đã khan hiếm như vàng trong thời kỳ này.

Ông Yến tâm sự những lần đi thực địa thấy nhiều đơn vị khoán từng công nhân trồng đến 300 cây cà phê trên diện tích 3.000m2 mỗi ngày. Đây là chỉ tiêu cao hơn nhiều lần các đồn điền, nông trại ngày trước.

Để trồng hết, công nhân phải làm ẩu. Hố đào quá nông. Thậm chí họ còn không xé cả bao nilông bọc gốc cây giống để rễ ăn được vào đất trồng. Ngay khâu thu hoạch cũng có nhiều đơn vị khoán công nhân hái đến 300kg mỗi ngày.

Hái kỹ không đạt chỉ tiêu, thế là họ làm ẩu. Họ hái ào ào cả trái xanh, trái hư làm cà phê thành phẩm không đạt chất lượng. Nhiều người còn tuốt luôn cành lá khiến hư hại cây...

Ngoài ra còn thực tế khác là không ít cán bộ lẫn công nhân không hề có kinh nghiệm trồng cà phê. Nhiều thị dân Sài Gòn lần đầu đi kinh tế mới và nông dân các tỉnh thuần lúa đất chật người đông ở miền Bắc vào Đắk Lắk còn chưa phân biệt nổi cây cà phê hay... cây rừng. Họ vô tư trồng trọt theo kiểu cứ cắm xuống đất là xong. Còn ngày mai cây sống chết thế nào là chuyện “mốt mới tính”.

Rồi vì phát triển ào ào diện tích theo chỉ tiêu mà quên mất nguồn nước tưới. Thế là nhiều vườn cà phê mới chưa kịp thu hoạch đã xác xơ vì thiếu nước.

Đến giờ, những người cao tuổi là chứng nhân các giai đoạn phát triển cà phê ở Tây nguyên trước và sau năm 1975 như ông Yến, bà Triều, bà Sáu, ông Khuyến... vẫn nhớ: “Chỉ một ít diện tích cà phê trồng mới có năng suất. Còn hầu hết các cây tươi tốt đều có nguồn gốc trồng từ trước năm 1975 hoặc các mảnh vườn nhỏ của người dân được chăm sóc kỹ”.

Họ từng là chứng nhân của một giai đoạn phải rút kinh nghiệm sâu sắc, nhiều diện tích cà phê buộc phải tái trồng mới hoặc chăm sóc phục hồi thật sự tốn kém...

Cà phê thời... ngăn cách!

Cùng với giai đoạn phát triển quy mô diện tích, một bước ngoặt lịch sử mới cũng diễn ra với cây cà phê. Đó là những năm nửa cuối thập niên 1970 và đầu 1980 của chính sách kinh tế bao cấp, “ngăn sông cấm chợ”.

Đặc biệt, cà phê lại càng bị quản lý chặt hơn vì lúc đó mặt hàng này được xuất đi Đông Âu, thu ngoại tệ về cho đất nước.

Vai trò thương lái người Hoa và một ít người Pháp, Việt trước năm 1975 đã kết thúc. Toàn bộ đầu ra sản phẩm cà phê thời kỳ này do công ty nhà nước đảm nhiệm.

Đã bước sang tuổi 83, ông Vũ Hữu Khuyến ở đường Phan Bội Châu, Buôn Ma Thuột, người từng trồng cà phê suốt từ năm 1954, kể: “Có hai thị trường cà phê cùng tồn tại. Chính thức là do công ty ngoại thương đảm nhiệm. Còn lén lút là của “con buôn” nhỏ. Một ký cà phê bán lọt cho họ thường bằng năm, bảy ký bán cho Nhà nước, thậm chí gấp chục lần”.

Ký ức ông Khuyến vẫn nhớ mãi cảnh kiểm soát, bắt bớ gắt gao mặt hàng này. Bán cho Nhà nước giá thấp quá, những người trồng cà phê sau khi giao xong “chỉ tiêu sản lượng” cho công ty ngoại thương, cố giấu giếm một ít để xoay xở cuộc sống thời khó khăn. Họ sử dụng cả những hầm chống bom đạn thời chiến để cất cà phê. Cán bộ địa phương cầm cây sắt đi xăm tìm.

Còn đem về giấu ở nhà thì phải lén lút đủ cách. Có khi họ giấu dưới thúng khoai mì, rau lang được trồng xen canh cà phê để cải thiện bữa ăn. Lắm lúc họ phải giấu dưới đáy xe cút kít, phủ qua tấm nhựa, rồi đổ đất đá lên trên đẩy về nhà.

Tuy nhiên, việc kiểm soát nhà vườn vẫn không gắt bằng đường vận chuyển. Ông Khuyến nhớ mỗi lần về TP.HCM chỉ mang lọt 2-3kg cà phê là đủ chi phí. “Rất tức cười là hồi đó nhiều bà buổi tối bụng còn xẹp lép, sáng hôm sau đã lặc lè “có bầu” vì cà phê bó quanh bụng. Thời thiếu ăn, giò cẳng nhiều cô khẳng khiu như cây sậy bỗng mây mẩy, căng tròn”.

Ông Khuyến kể người ta còn “động não” nhiều cách che giấu như xẻ dọc phía dưới trái chuối để bỏ ruột, rồi cho cà phê vào và may lại. Trái bí, trái bầu cũng có ruột là cà phê. Từng nhúm cà phê được nhét vào các tay áo, túi quần cột lại, rồi bỏ lẫn vào giỏ quần áo đi đường.

Nhiều chuyến xe lúc nào cũng nồng nặc mùi dầu gió, dầu khuynh diệp của bà bầu để người kiểm soát không ngửi thấy mùi cà phê.

Đến giờ những tài xế già tuyến Buôn Ma Thuột - TP.HCM vẫn ám ảnh thời phải qua hàng chục trạm kiểm soát cố định lẫn cơ động. Ngay bến xe đã có trạm kiểm soát, rồi mỗi tỉnh đều có trạm kiểm soát riêng, thậm chí nhiều trạm. Chỉ từ Buôn Ma Thuột ra đến Nha Trang đã có đến gần chục trạm kiểm soát ở Phước An, km 50, đầu đèo Phượng Hoàng, giữa đèo, cuối đèo...

Người mang ít cà phê bị tịch thu, người mang nhiều bị tạm giữ. Nhiều chuyến xe đi suốt ngày đêm vẫn chưa về tới TP.HCM.

______________________

Sau cuộc chạy đua diện tích, những người trồng cà phê trở lại đầu tư chất lượng chiều sâu. Và cánh cửa đổi mới cũng đem đến sinh khí mới cho mặt hàng chiến lược của Tây nguyên...

Kỳ tới: Khúc chuyển mình của cà phê Việt

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên