11/03/2011 06:27 GMT+7

Hành trình cà phê Việt - Kỳ 1: Đánh thức Tây nguyên

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Trong khuôn khổ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm nay, chiều 10-3 đã diễn ra lễ khai mạc hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê. Để làm nên vị thế trên thị trường quốc tế, cà phê Việt đã trải qua hành trình khai phá nhọc nhằn hơn 100 năm.

Bz8n6tiA.jpgPhóng to
Thu hoạch cà phê ở Di Linh, Lâm Đồng - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi người Pháp mở mang đồn điền cà phê trên đất Việt. Thương hiệu cà phê VN, đặc biệt là vùng Tây nguyên, nay đã danh tiếng thế giới và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia.

Câu chuyện cây cà phê sinh sôi trên đất Việt là cả một hành trình khai phá và mồ hôi nhọc nhằn của bao lớp người ...

Chưa rõ những ly cà phê sớm nhất ở VN đã được các nhà truyền giáo và thương nhân phương Tây pha thế nào. Nhưng khoảng giữa thế kỷ 19, rễ cà phê đầu tiên mới bắt đầu bám xuống đất Việt.

Lịch sử truyền giáo phương Tây kể lại rằng đó là những cây cà phê trà arabica theo các linh mục đến trồng tại miền Bắc.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp mới dần phát triển đồn điền cà phê trên vùng đất đỏ Tây nguyên...

Ông nhẹ nhàng pha ly cà phê “cổ điển”. Ly cà phê mà ông đã được cha truyền dạy cách pha từ cách đây gần 80 năm trước. Hạt cà phê tuyển chọn từ những trái chín mọng của vườn nhà. Rồi tự tay ông xay, pha với chỉ chút bơ, đường và muối mà không lẫn phụ gia, tạp chất nào.

Nhìn những giọt cà phê phin đen sánh, nhỏ giọt như chiếc đồng hồ chảy thời gian, ông xúc động hồi tưởng quá khứ xa xưa, thuở làm đồn điền cà phê trên đại ngàn ...

Khai phá miền đất đỏ

“Thuở ấy núi rừng Đắk Lắk còn tĩnh mịch, hoang vu. Rừng cây cổ thụ to hàng vòng tay người ôm. Nhiều buổi sáng sương mù dày đặc, người ta phải đốt đuốc mới thấy đường đi. Nhưng chỉ sau ít năm khai hoang, các vườn cà phê đã xuất hiện bạt ngàn. Mùa hoa cà phê nở trắng miền đất đỏ, hương thơm ngát cả núi rừng...”. Vừa nhấm nháp ly cà phê, ông Hồ Hoàng Yến vừa chậm rãi kể tôi nghe chuyện xưa.

Nay đã 82 tuổi, nhưng ký ức cà phê của ông còn được truyền lưu bởi chính người cha từng trồng những cây cà phê đầu tiên ở Buôn Ma Thuột.

QgJdTpWn.jpgPhóng to

Ông Hồ Hoàng Yến bên vườn cà phê - Ảnh: Quốc Việt

Đó là những năm của thập niên thứ hai, thứ ba thế kỷ 20, núi rừng Đắk Lắk bị đánh thức bởi hàng loạt đồn điền người Pháp. Những tên tuổi như Công ty Nông nghiệp châu Á (Cada), Công ty Cao nguyên Đông Dương (CHPI), Padovani, Morit, Maillo, Auger, Reni Rossi... đã trở thành tên các đồn điền có diện tích rộng từ hàng chục đến hàng trăm hecta.

Đó cũng là thời gian ông Hồ Hoàng, cha ông Hồ Hoàng Yến, cùng các người bạn của mình rời miền Trung cát sỏi lên làm phu đồn điền cho người Pháp. Ông Yến vẫn nhớ lời cha kể: “Quê mình đất đai cằn cỗi, suốt ngày đổ mồ hôi mà cũng khó kiếm đủ hạt gạo để đầy chén cơm. Còn ở đất Buôn Ma Thuột, cây mì sai nặng củ đến vác oằn lưng, lá đậu trồng to như cái quạt. Miền đất màu mỡ này đã giữ chân cha lại”.

Lang thang lên miền cao nguyên, ông Hồ Hoàng vào làm cho CADA. Bạn bè ông nhiều người sang làm cho đồn điền CHPI gần đó. Đây là hai đồn điền có diện tích gần 30.000ha trải dài trên quốc lộ 21 đi Nha Trang, và trong nhóm những đồn điền trồng cà phê đầu tiên ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, thời kỳ đầu diện tích cà phê còn ít, mà chủ yếu là trà, cao su.

Dần dần cây cà phê lấn lướt các cây khác. Người Pháp đã chọn đúng miền đất đỏ badan màu mỡ thích hợp nhất cho cây cà phê ở VN. Sự thành công còn vượt cả mong đợi của chủ đồn điền khi các mẫu cà phê thương phẩm đầu tiên sang Pháp đã chinh phục ngay thị trường tiêu thụ cà phê sành điệu và khó tính này.

Từ giấc mơ phiêu lưu khai phá, các ông chủ đồn điền đi đến kế hoạch trồng cà phê quy mô lớn để bán về chính quốc.

Khi ông Yến lớn lên, biết cầm cái cuốc vun xới gốc cà phê trong thập niên thứ tư của thế kỷ 20 thì CADA vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích cà phê cùng các đồn điền khác. Quản lý CADA là ông Noel Mercurio, người Pháp. Còn ông Antoine Delfante, gốc Ý, làm quản trị viên, tổng giám đồn điền CHPI. Họ đam mê nông nghiệp và biết tổ chức công việc khoa học.

Thuở đầu, phu đồn điền phải ở trên các nhà sàn để tránh thú dữ, đặc biệt là hổ. Ngày ngày họ đi phát cây rừng còn rậm rạp dọc quốc lộ 21 để mở rộng diện tích cà phê. Sau cà phê trà arabica trồng đầu tiên, các đồn điền trồng thêm nhiều cà phê vối robusta.

Học nghề từ người pháp

Đến giờ dù đã trở thành một người trồng cà phê danh tiếng Buôn Ma Thuột, nhưng ông Yến vẫn nhớ người Pháp đã có kỹ thuật canh tác cà phê rất tốt cách đây cả thế kỷ. Họ chọn đất rất kỹ, chỉ vùng bazan nào phù hợp với cà phê mới trồng. Sau đó, đất còn tiếp tục được cày sâu, xới tơi.

Mỗi hố đều đào sâu 50cm, rộng 60cm mới hạ cây giống được tuyển chọn từ những cây tốt nhất. Hàng lối thẳng tắp như thước kẻ. Mỗi gốc cà phê cách đều nhau 3m. Mỗi hàng cà phê dài 30 gốc, rộng 30 gốc tạo thành từng mảnh vườn hình vuông. Bên ngoài là lối đi rộng cho người làm công.

Trong các mảnh vườn, người Pháp còn cho trồng xen thêm cây cao, tán lớn để giữ bóng râm, độ ẩm và lá rụng tạo mùn cho tầng cà phê bên dưới. Phu đồn điền làm việc dưới các tán cây này cũng đỡ mất sức trong mùa Tây nguyên nóng gắt.

Đặc biệt, người Pháp có đồn điền rộng, nhưng để dành phần lớn diện tích giữ rừng, giữ độ ẩm, mưa tự nhiên điều hòa nên hầu như trồng trọt không phải tưới. Phân bón cũng rất ít sử dụng. Còn thuốc trừ sâu chủ yếu chỉ là xà bông pha lẫn dầu lửa hoặc phèn xanh pha loãng với vôi, nhưng cũng hiếm khi phải dùng đến.

Cha mẹ ông Yến là những thế hệ phu đầu tiên học nghề trồng cà phê từ chính người Pháp. Để mở mang diện tích, giới chủ mộ phu ở tận các làng quê. Sau những dòng người đi làm đồn điền sớm, đến nửa thập niên thứ 5 của thế kỷ 20 lại có một lớp người di cư mới.

Hồi tưởng thuở đầu này bà Phạm Thị Sáu, nay đã 80 tuổi, đang có tiệm gạo Trường Sơn ở đường Phan Bội Châu, vẫn nhớ chi tiết những tháng ngày làm việc ở đồn điền. Rời quê Hải Hậu, Nam Định từ năm 1942, gia đình bà vào miền Trung, rồi lên Buôn Ma Thuột làm đồn điền CADA.

Ông Mercurio phân cho bà Sáu ở một căn xây sẵn trong dãy nhà dành cho lao động. Nước sạch dẫn đến bể sau nhà. Đồn điền có máy phát điện suốt ngày đêm và các nhà phu đều có bóng điện thắp sáng.

Khi bà đến đây, nhiều người đã ở đó từ trước. Chủ yếu đàn ông làm việc, lãnh lương chính. Phụ nữ thường ở nhà chăm con, nhưng nhiều người như bà Sáu cũng có việc làm lựa hạt cà phê, hái trái để nhận lương tháng. Người lao động có phiếu phát gạo, kể cả suất trẻ em. Ngoài ra, họ cũng được tự trồng trọt thêm rau củ ở đất hoang.

Ký ức ông Yến, bà Sáu vẫn nhớ ngày ấy các đồn điền CADA, CHPI có hàng trăm gia đình phu ở, làm việc trong đồn điền nhưng vẫn thiếu lao động. Mùa thu hoạch, giới chủ phải đến các buôn làng thuê thêm đồng bào dân tộc. Họ rời làng, đi làm đồn điền 20 ngày rồi về. Được phân ở trong các nhà dài dựng sẵn, họ tự nấu ăn. Lương do chủ buôn nhận rồi phát cho từng người.

Bà Sáu nhớ mỗi mùa thu hoạch, cà phê chất đống, ngập cả đầu gối trên đường đi. Vỏ cà phê thải phải đốt bỏ, lửa cháy âm ỉ hàng tháng chưa dứt. Phu muốn nghỉ việc phải có giấy do chủ đồn điền ký và được xem như giấy thông hành đi đường.

-------------------------------------------------------

Không chịu mãi cảnh làm phu, nhiều người Việt đã tự mình xây dựng đồn điền để tạo nên những thương hiệu cà phê danh tiếng và cạnh tranh với chính người Pháp...

Kỳ tới:Cuộc khai phá của điền chủ Việt

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên