09/03/2011 06:55 GMT+7

Từ Lý Tự Trọng đến những trang sử đoàn - Kỳ 5: Trăn trở tương lai

LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ
LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ

TT - 66 tuổi, đã nghỉ hưu, nhưng thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp ông lên xuống Ban Nghiên cứu lịch sử Đoàn với cả chồng sách vở. Thời còn đi làm, có lúc ông làm cho NXB Thanh Niên nổi đình đám với những đợt sách tốt, những cú đột phá và cả thành công khi hoàn tất căn bản toàn bộ hệ thống sách lịch sử Đoàn thanh niên.

gq0OVhLd.jpgPhóng to

Ông Bùi Văn Ngợi - Ảnh: Lan Phương

Trang sử cuộc đời

Ông Bùi Văn Ngợi, sinh năm 1945, là cán bộ chuyên trách của Đoàn thanh niên từ tháng 9-1966. Năm 1977, ông về làm phóng viên ở tạp chí Thanh Niên của Trung ương Đoàn. Ông làm giám đốc NXB Thanh Niên từ năm 1998 cho đến khi nghỉ hưu năm 2001. Suốt thời gian chiến tranh, ông đã đi cùng TNXP đến nhiều vùng nguy hiểm, cùng chung tay xây dựng đường sắt Bắc Nam những năm 1976-1977. Trong thời gian làm giám đốc NXB Thanh Niên, ông đã thúc đẩy hoàn thành việc biên soạn và in ấn bộ sử của Đoàn thanh niên.

Ông Bùi Văn Ngợi, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên, mở đầu câu chuyện về sử Đoàn của mình: “Đã có thời mình đi thanh niên xung phong (TNXP) ở Quảng Bình, Quảng Trị, thấy rất nhiều cái phải tổng kết nhưng mọi người cứ để nó qua đi. Mình lẳng lặng làm xem như tài liệu cá nhân thôi”.

Năm 1966-1967, ông theo các đội TNXP ra chiến trường sau khi được Trung ương Đoàn đào tạo cho một khóa học bảy ngày về công tác thanh niên. Những cung đường nóng và những thành tựu, hi sinh của người thanh niên bấy giờ cứ ào ào trôi qua với lửa đạn và lịch sử. Ông Ngợi, vì nhu cầu rất đơn giản là viết để khỏi quên cách viết, đã góp tay xây dựng những bản tổng kết thông tin rất quan trọng cho người viết sử Đoàn thanh niên sau này.

Nhiều câu chuyện quan trọng đã góp phần không nhỏ trong việc định hình nhiều cá nhân, vấn đề trong dòng chảy của lịch sử đấu tranh. Khi những đồng nghiệp viết sử ở Trung ương Đoàn ngồi với nhau, họ hay hỏi ông về một người lính tên Hoàng Lộc. Ông Ngợi trầm ngâm: “Hoàng Lộc được Hà Nội công nhận là anh hùng mấy tháng nay rồi”.

Trong ký ức những ngày là TNXP, ông nhớ đến đại đội trưởng Hoàng Lộc của đại đội mà ông trực tiếp đi cùng từ Hà Nội vào Hà Tĩnh để cứu đường Quyết Thắng, ngay km20, dốc Long Đạt. Hoàng Lộc, người đại đội trưởng trẻ tuổi ấy đã anh dũng ngã xuống vì một quả bom gây sát thương mạnh. Ông Ngợi nhớ lá cờ dùng trong lễ kết nạp Đảng của ông mấy hôm trước trở thành cờ phủ lên thi hài đồng đội. Người đại đội trưởng quá trẻ hi sinh trong những khoảng quá ngắn của cuộc giao tranh đã in sâu vào tâm trí ông. Chuyện như thế, với một người cứ đi, nhìn và ghi chép như ông tưởng không thể nào quên được trong đời. Tự thân, ông Bùi Văn Ngợi đã ghi lại nhiều điều trong trang viết của mình, như một nhu cầu để không quên một ai đã nằm xuống như anh Hoàng Lộc. Từ năm 22 tuổi, ông đã kiên trì bắt đầu những ghi chép ấy.

Đến năm 1977, những ngày làm việc đầu tiên ở tạp chí Thanh Niên, theo yêu cầu của Trung ương Đoàn, ông Ngợi quan sát lịch sử của người trẻ dưới một góc nhìn mới mẻ và nhiều trách nhiệm hơn là một ý thức cá nhân.

Hãy đến để biết

Bài viết quan trọng đầu tiên khiến tạp chí Thanh Niên nhớ đến ông là một tổng kết về công tác xây dựng đường sắt Thống Nhất mà ông có tham gia trong khoảng 1976-1977. Bài viết nói về yêu cầu của thanh niên khi tham gia công trường lớn, việc cần phải tổ chức họ ra sao để đạt hiệu quả cao trong công việc. Một năm sau đó ông về làm phóng viên cho tạp chí Thanh Niên.

Ông Ngợi đặt câu hỏi: “Trung ương Đoàn nói vậy thì cơ sở họ làm cái gì? Trung ương Đoàn phát văn bản ra, chỗ này chỗ kia đều nghe hết, biết hết. Thế nhưng họ làm thế nào?”. Câu hỏi đó theo đuổi ông, buộc ông phải dành thời gian xuống trường học, đến nông thôn, đi gặp công nhân.

Một lần ông đi gặp anh bí thư Huyện đoàn Thanh Oai (trước thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội) tên Nguyễn Đăng Tiến. Nghe đồn anh Tiến đưa giống khoai tây và lúa mới về huyện, ông Ngợi tò mò tìm đến gõ cửa xem có gì hay. Lần ấy, anh phóng viên lóc cóc xe đạp đã không tìm thấy bí thư huyện đoàn ở văn phòng. “Anh ta là bí thư huyện đoàn ở đồng ruộng chứ không phải văn phòng”. Ông Ngợi phải ra ruộng tìm anh, phải đến nhà anh nói chuyện ban đêm, nghe anh kể chuyện khoai tây với lúa, kể chuyện làm sao vận động thanh niên đi làm.

Nửa tháng sau, đã gửi lại lời hẹn trước, ông Ngợi vẫn mỉm cười bất ngờ kể lại: “Hẹn ở văn phòng anh ấy cũng không về được. Anh ấy không phải người đi tiếp khách, lúc nào cũng ở trên đồng ruộng. Phải ra ruộng tìm”. Cứ như thế, những câu chuyện thành tích, khen thưởng được địa phương đưa về Trung ương Đoàn qua tay ông là ông đi xem cả. Nhờ thế, đến lúc Trung ương Đoàn cần cán bộ, ông chính là người giới thiệu anh Nguyễn Đăng Tiến làm phó ban thanh niên nông thôn.

Đến khi thủy điện Sông Đà xây dựng, mỗi năm ông lang thang khắp công trường ba tháng. Sáu năm liên tiếp, ông Ngợi thành quen mặt với công trường. Ông đi chỗ này chỗ kia, cùng làm và chạm vào con người trên ấy, ăn cơm của công trường ấy. Nhiệm vụ phóng viên ông hoàn thành bằng những chuyến đi. Và khi công trường tổng kết, toàn bộ báo cáo của thanh niên sông Đà được ông tình nguyện nhận viết giúp. Ngay sau đó, năm 1986, ông đã làm hẳn một quyển sách riêng cho thủy điện Sông Đà.

Ông có thể kể hàng trăm câu chuyện về thời của ông, với TNXP, với sông Đà, đường sắt, sự sống, cái chết và những sự tượng hình của cuộc sống mới. Ông tóm lại hàng chục năm mình đi trong dòng chảy lịch sử: “Thời kỳ xây dựng các công trình thanh niên cộng sản là thời kỳ tôi thích nhất. Đó là thời kỳ đóng góp nhiều nhất những con người tinh túy cho đất nước sau này.Thời gian đó đã tạo ra một hệ thống công trình và cả độ trưởng thành ghê gớm của chuyên gia VN”.

Đến năm 1998, khi về làm giám đốc NXB Thanh Niên, mỗi năm cầm trong tay 300 triệu đồng Nhà nước cấp, ông dành ưu ái hẳn cho những pho sách sử Đoàn mà ban biên soạn lịch sử vẫn đang loay hoay tìm cách in. Ông tóm lại: “Thời của mình, mình tự hào vì đã làm xong bộ sử của Đoàn, giờ chỉ bổ sung những thời gian mới thôi”.

Ông cười sảng khoái nhấp ngụm trà. Về hưu rồi, ông lại tăng tốc vì đã nhận viết tiếp nhiều chuyên đề lịch sử cho tổ biên soạn sử Đoàn mà ông trót gắn bó với những đồng nghiệp già ở đây. Thời của ông, thời của họ, một lịch sử rất lớn đã đi cùng.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Chân dung người tiếp lửaKỳ 2: Di sản người anh hùng trên đất TháiKỳ 3: Phút bừng sángKỳ 4: Gia đình của những trang sử Đoàn

_______________________

Có một người đã trở ngược thời gian, dựng lại những ký ức hào hùng của TNXP, giúp tuổi trẻ hôm nay nhìn rõ hơn về ngọn lửa đã hun đúc nên cả tinh thần dân tộc ngay từ trong gian khó...

Kỳ cuối: Người viết sử cho TNXP

LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên