08/03/2011 08:57 GMT+7

Từ Lý Tự Trọng đến những trang sử đoàn - Kỳ 4: Gia đình của những trang sử Đoàn

LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ
LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ

TT - Mùa đông rét đậm, trong ngôi nhà tập thể nhỏ ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội, nhà sử học Văn Tùng đã kể say mê về hành trình 55 năm theo đuổi “nghề” nghiên cứu lịch sử của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

ndjlgynj.jpgPhóng to
Nhà sử học Văn Tùng với quyển sách Lịch sử Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam. - Ảnh: Lan Phương

Kỳ 1: Chân dung người tiếp lửaKỳ 2: Di sản người anh hùng trên đất TháiKỳ 3: Phút bừng sáng

Nhà sử học Văn Tùng với quyển sách Lịch sử Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam.

Đây là tập sách viết về Đoàn thanh niên cứu quốc, là một trong năm tổ chức Đoàn thanh niên từng tồn tại. Tư liệu đã giúp ông Nguyễn Lam và ban biên soạn lịch sử của Trung ương Đoàn có thêm thông tin để chọn đúng ngày 26-3 là ngày kỷ niệm thành lập Đoàn. Toàn bộ nội dung quyển sách đã được đưa vào tập lịch sử chính thức của Đoàn.

Đi tìm quyển sử Đoàn đầu tiên

Trước Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3-1961), ông Nguyễn Lam (khi ấy là bí thư Trung ương Đoàn) và ông Văn Tùng có một lần trao đổi với nhau về ngày kỷ niệm thành lập Đoàn. Ông Tùng buột miệng hỏi: “Tại sao ta không kỷ niệm ngày của Đoàn thanh niên phản đế mà lại kỷ niệm Ngày thanh niên cứu quốc?” - câu chuyện dừng ở đó, không phát triển gì thêm. Khi những trăn trở lớn hơn, trực tiếp ông Nguyễn Lam đặt vấn đề với Ban thường vụ Trung ương Đoàn về việc có nên nghiên cứu kỹ lại để thay đổi ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hay không. Ban nghiên cứu lịch sử Đoàn là nơi nhận nhiệm vụ quan trọng đó trước thềm đại hội toàn quốc.

Ông Văn Tùng đã đeo balô bắt đầu một hành trình dài nhiều tháng lên Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên để đi tìm những vết tích lịch sử mà chính ông chưa hề biết rõ.

Ông Tùng phải mất một tuần mới từ Hà Nội đến Cao Bằng. Đó là một mùa đông khủng khiếp, nhất là với một người miền Trung còn chưa kịp quen với thời tiết khắc nghiệt ở miền núi phía Bắc. Suốt ba tháng, ông Tùng phải đi hết Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, gặp những nhân chứng sống, đoàn viên, đội viên từ xưa, nghe lại câu chuyện của họ. Ông nhớ lại một cách lo lắng: “Tài liệu sống thì rất nhiều, nhưng tài liệu văn bản không tìm thấy bất cứ gì cả!”.

Đi bộ khắp nơi, ở nhà dân, phỏng vấn và nghe những câu chuyện, nhưng mọi con đường đến với những tài liệu cần thiết cho ra thông tin về một ngày quan trọng sẽ được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn vẫn còn mịt mù. Chính lúc ấy ông Văn Tùng nhớ tới lời ông Nguyễn Lam: “Đại hội Đoàn lần thứ I diễn ra ở Đại Từ, Thái Nguyên”. Ông lên đường về Thái Nguyên, hi vọng tìm kiếm cạn dần theo con đường dài vô vọng.

Ông Văn Tùng kể lại: “Tôi trở lại nơi diễn ra đại hội I, hội trường Tám Mái, với cây cổ thụ bao quanh được tận dụng làm hội trường. Tôi ở lại Cao Vân, Đại Từ, Thái Nguyên, đi vào lại Suối Lê. Tôi đinh ninh nhất định tài liệu phải ở nơi này, không thể khác được”.

Những người làng, cán bộ nghe chuyện ông đi tìm tài liệu liền dắt ông đến nhà một người dân tộc thiểu số tên Thường, huyện ủy viên huyện Đại Từ. Sau năm 1954, Trung ương Đoàn về lại Hà Nội. Trên đường về có ghé một số gia đình ở nơi này. Nhà ông Thường cũng là một trong số đó. Ông Văn Tùng ăn với gia đình ông Thường một bữa cơm, vợ chồng ông Thường mới lục từ kho cũ ra một bao tải bằng gai đầy những tài liệu. Bao gai cũng đã cũ và lên mốc.

Ông Tùng không thể quên được khi lôi từ trong bao tải đầy những đồ đạc ấy ra một quyển sổ khổ vừa, sậm màu, vốn được đóng tận dụng từ mặt sau của một tờ báo. Văn bản trong sổ viết bằng bút mực xanh. Dòng chữ “Lịch sử Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam” viết thật đậm bằng mực xanh trên trang đầu quyển sách.

Không ngần ngại, ông Văn Tùng vứt bỏ cả balô của mình, lấy bao tải bỏ hết tài liệu vào rồi dùng gùi tải lên lưng về lại Hà Nội.

Chính văn bản quan trọng đầu tiên ấy đã chính thức được sử dụng như một nguồn thông tin quan trọng, cùng với những thông tin mà các thành viên Ban nghiên cứu lịch sử Trung ương Đoàn tìm được ở các kho lưu trữ tại Hà Nội, đã khiến Đoàn thanh niên đổi ngày kỷ niệm hằng năm từ 20-4 thành 26-3, cho phù hợp và đúng đắn với tất cả các lớp thanh niên đi sau đi trước trong những ngày lịch sử đầu tiên của Đoàn.

“Hậu phương” người làm sử

Trong suốt quá trình gắn bó với ban biên soạn lịch sử của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Văn Tùng còn có một “hậu phương” rất đồng cảm và chia sẻ suốt nhiều năm qua.

Một buổi sáng chúng tôi đến thăm Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam trên phố Nguyễn Quý Đức, Hà Nội. Bà Trần Thị Kim Duyên, chuyên viên của bảo tàng, trực tiếp dắt những vị khách từ đoàn làm phim Người tiếp lửa vào phòng trưng bày của bảo tàng.

Ở đó, bà Kim Duyên say sưa kể những câu chuyện về Lý Tự Trọng. Bà lướt qua những bức ảnh tự hào nói: “Nhà sử học Văn Tùng đã sưu tầm trọn vẹn nhất những gì ông có thể tìm được về Lý Tự Trọng. Anh ra đi khi còn quá trẻ, những dấu vết của anh rất mờ nhạt. Những hình ảnh và câu chuyện này đã phải cố gắng rất nhiều mới truy tìm lại được từ lịch sử”. Ngay sau đó, trong khu vực về lịch sử Đoàn thanh niên, quyển sử đầu tiên của Đoàn nằm trang trọng trong khung bảo vệ bằng kính. Bà Duyên tiếp tục nói về ý nghĩa quyển tư liệu, về hành trình của nó với người chủ biên Nguyễn Lam. Kết lời giới thiệu bà lại nhắc: “Quyển tư liệu đã được bác Văn Tùng tặng lại bảo tàng”. Người phụ nữ ấy hẳn đã tự hào hơn biết bao nhiêu về người chồng thân yêu của mình, nhà sử học Văn Tùng.

Ông Văn Tùng dành thời gian phỏng vấn, gặp gỡ những người đã gặp hoặc biết Lý Tự Trọng để tìm cách dựng lại chân dung vị anh hùng này. Bà Kim Duyên trầm lặng trong những buổi gom góp, sắp xếp tài liệu chồng mang về. Bà lặng lẽ lục từng trang báo thời Pháp trong Thư viện Quốc gia. Khi cầm trong tay tờ L’Impartial số ra ngày 20-11-1931, có tuyên bố về việc xử Lý Tự Trọng, bà đã biết đây sẽ là một trong những dấu mốc quan trọng giúp trang viết của chồng mình về Lý Tự Trọng đầy đủ hơn từ cái nhìn của một tờ báo tiếng Pháp. Sau này, mỗi lần nhắc đến quyển sử mỏng Lý Tự Trọng - sống mãi tên anh, nhà sử học Văn Tùng không khỏi xúc động khi luôn miệng nhắc: “Vợ tôi đã tìm thấy tờ báo trong thư viện”.

Ông Văn Tùng đùa: “Chúng tôi làm lịch sử Đoàn được 90 năm rồi đấy, bà Duyên hơn 30 năm, còn tôi cũng đã 55 năm rồi còn gì!”. Ngôi nhà tập thể của vợ chồng ông với nhiều kệ sách, bàn làm việc, các tư liệu được bà phân loại và sắp xếp gọn gàng thành những nội dung chính để chồng có thể tìm được dễ dàng hơn khi viết. Khi thành lập Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, cả hai vợ chồng đã cùng nhau bắt tay làm. Ông Văn Tùng góp hiện vật. Bà Kim Duyên là chuyên gia, đắp lên tài liệu những nội dung để làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử quan trọng của Đoàn thanh niên Việt Nam.

Với 90 năm yêu nghề, họ giữ lại cho Đoàn một bảo tàng trang trọng và những trang sử Đoàn nghiêm túc từ chính tình yêu của gia đình ấm áp.

_______________________

Thời đổi mới, tìm đường và trăn trở của một người làm sách liên quan đến lịch sử Đoàn với những giá trị đang hình thành, những thay đổi thuộc về tương lai trên nền tảng một quá khứ vẻ vang...

Kỳ tới: Trăn trở tương lai

LAN PHƯƠNG - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên