22/02/2011 03:10 GMT+7

Vơ vét tài sản quốc gia - Kỳ cuối: Sáng kiến "hồi trả tài sản"

KHỔNG LOAN tổng hợp
KHỔNG LOAN tổng hợp

TT - Trong khi cuộc chiến chống tham nhũng của các quốc gia đang tiếp tục, các gương mặt chính trị gia tiếp tục bị “lộ mặt” là những kẻ cướp ngày, thì theo Trung tâm quốc tế về lấy lại tài sản bị (các chính trị gia) đánh cắp đặt tại Basel (Thụy Sĩ), mỗi năm các quốc gia đang phát triển mất 20-40 tỉ USD vì hối lộ, biển thủ và các hành vi tham nhũng khác của các nhà lãnh đạo.

Con số này tương đương với 20-40% lượng tiền hỗ trợ phát triển chính thức tới họ.

PhMUCOpT.jpgPhóng to
Một tòa nhà của Gamal Mubarak, con trai cựu tổng thống Ai Cập Mubarak, ở trung tâm London - Ảnh: AP

Không đồng tiền bẩn nào được gửi ở đây

Trong 15 năm qua, chỉ có 5 tỉ USD được lấy và trả lại cho các quốc gia là nạn nhân của chính các lãnh đạo của mình. Việc Thụy Sĩ quyết định phong tỏa tài sản của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho thấy quốc gia ở dãy núi Alpine đang thật sự không còn muốn bị coi là nơi trú ẩn an toàn với những đồng tiền ăn cắp của các nhà lãnh đạo nữa.

Quyết định phong tỏa tài sản của nhà độc tài và những người thân cận nhất, dù chưa xác định là có hay không và bao nhiêu, ra đời chưa đầy hai tiếng sau khi ông Mubarak từ chức hôm 11-2.

Ngoài quyết định phong tỏa tài sản với Mubarak, Thụy Sĩ cũng phong tỏa tài sản của cựu tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali và lãnh đạo Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo - người từ chối trao chức tổng thống cho đối thủ chính trị dù thất cử.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey nói: “Chúng tôi cần phải chắc chắn là không đồng tiền bẩn nào được gửi ở đây nữa”.

“Thời xưa đã xưa lắm rồi! - Theodore Greenberg, cựu giám đốc Cơ quan chống rửa tiền của Bộ Tư pháp Mỹ, nói - Không có địa điểm nào để nhà độc tài hay các nhà nước ăn cướp có thể gửi tiền bẩn dễ như vậy nữa. Trong quá khứ, Thụy Sĩ từng là nơi được ưa thích cất giấu những đồng tiền máu. Có thể nó thành chủ đề cho cuốn tiểu thuyết mới về xã hội đen rửa tiền, hay các bộ phim mới về điệp viên James Bond”.

Thụy Sĩ được xem là nơi quản lý 27% tài sản nước ngoài của cá nhân, và chính phủ đang có những bước thắt chặt các quy định về chống rửa tiền để ngăn chặn nước này trở thành điểm đến của những đồng tiền ăn cướp.

Theo website Chính phủ Thụy Sĩ, quốc gia này đã trả lại khoảng 1,8 tỉ USD tài sản của các nhà độc tài về nước mẹ. Theo Công ty nghiên cứu MyPrivateBanking ở Kreuzlingen (Thụy Sĩ), 1/3 trong số 1.500 tỉ USD ở nước ngoài của các tầng lớp thượng lưu Trung Đông và châu Phi là đặt ở Thụy Sĩ. Steffen Binder, giám đốc điều hành của MyPrivateBanking, nhận định khoảng 225 tỉ USD trong số đó là tiền phi pháp.

Thông điệp mới cho chống tham nhũng

Theo sử gia Peter Hug, các quy định bí mật của ngân hàng Thụy Sĩ đã đặt giá trị về mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng cao hơn đạo đức. Các quy định đầu tiên cấm các nhà băng tiết lộ thông tin về khách hàng ra đời năm 1934. Nhưng hai năm qua người ta đang chứng kiến các điều khoản liên quan yếu dần, chính là nhờ Đức và Anh mạnh tay đối với các công dân trốn thuế của mình.

Theo Mark Vlasic, giáo sư luật tại Đại học Georgetown ở Washington và cựu thành viên Ban thư ký của Sáng kiến hồi trả các tài sản bị đánh cắp (StAR), việc Thụy Sĩ ra mắt luật mới hôm 1-2 giúp quá trình tịch thu các tài sản bất hợp pháp của các nhà độc tài dễ dàng hơn là một tín hiệu cho thấy nỗ lực thêm của Thụy Sĩ. Luật mới cho phép giữ lại các khoản tiền của một nhà độc tài ngay cả khi chưa cần một tòa án ở quê nhà của họ ra cáo trạng buộc có tội.

“Pháp và Anh làm ít hơn nhiều so với Thụy Sĩ trong việc phong tỏa tài sản từ các nhà độc tài châu Phi và Trung Đông” - Mark Pieth, giáo sư luật hình sự tại ĐH Basel và chủ tịch của Nhóm làm việc về hối lộ trong các giao dịch kinh doanh quốc tế của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, nhận định.

Tài sản của các cựu lãnh đạo mà Thụy Sĩ đã trả lại quê hương họ trong 20 năm qua có thể kể tới 683 triệu USD do lãnh đạo Ferdinand Marcos biển thủ từ Philippines, 93 triệu USD do Vladimiro Montesinos ăn cắp của Peru và 700 triệu USD từ Sani Abacha của Nigeria.

Nâng cao khả năng của các nước đang phát triển lấy lại tài sản bị đánh cắp và bị cất giấu ở các cơ quan thuộc quyền tài phán của nước ngoài là một phần quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng trên thế giới. Hiến chương chống tham nhũng của LHQ có hiệu lực từ năm 2005 đã mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực hồi trả tài sản bị các nhà lãnh đạo đánh cắp trong thời gian nắm quyền.

Một trong những quy định cơ bản của Hiến chương chống tham nhũng của LHQ là về vấn đề hồi trả tài sản bị đánh cắp do tham nhũng. Quá trình trả lại tài sản bị đánh cắp không chỉ hỗ trợ các quốc gia hạn chế những ảnh hưởng tồi tệ nhất của tham nhũng, mà còn gửi thông điệp tới những chính trị gia tham nhũng là không có nơi nào để cất giấu tài sản bất chính đó nữa.

Cả Hạ viện và Thượng viện Thụy Sĩ đều đã phê chuẩn xong đạo luật mới cho phép tịch thu các tài sản bất chính của những nhà độc tài ký thác tại các ngân hàng nước này và trả lại cho các quốc gia nạn nhân. Đây chính là một bước tiến nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới.

Ngoài hiến chương của LHQ về chống tham nhũng, StAR cũng là một sáng kiến quan trọng do Ngân hàng Thế giới và Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm phối hợp thực hiện. StAR ra đời tháng 7-2007 và là một trong những điểm mốc của lịch trình thực hiện quản trị tốt toàn cầu và chống tham nhũng.

Vào tháng 9-2008, tại nghị trình hành động Accra, các nước tài trợ đã cam kết có những bước đi nhằm truy tìm, phong tỏa và phục hồi các tài sản có được một cách bất minh. Tại hội nghị 20 nền kinh tế lớn trên thế giới vào tháng 11-2008 họp về khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã thông qua sáng kiến StAR. Nhóm thực hiện StAR cũng vừa ra mắt cuốn cẩm nang về hồi trả tài sản bất minh tuồn ra nước ngoài.

Thực tế cho tới nay, hầu hết các lãnh đạo đã bị “ngã ngựa” thì mới bị phong tỏa tài sản và chưa ai đang tại vị mà bị phong tỏa tài sản. Chính điều đó cho thấy tính phức tạp của vấn đề, và cho thấy con đường để các quốc gia vạch mặt được các chính trị gia tham nhũng, lấy lại số tiền đã bị đánh cắp còn rất nhiều khó khăn.

“Khi mỗi người dân sử dụng lá phiếu bầu các chính trị gia vào các vị trí lãnh đạo, hay trao quyền cho các đảng phái điều hành, người dân đã cho phép họ tiếp cận các nguồn tài nguyên công cộng và có quyền đưa ra quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thực tế không phải chính trị gia nào cũng sử dụng các đặc ân đó vì người dân. Họ tham lam, đưa ra những quyết định thay vì lợi ích của tập thể lại vì lợi ích của chính họ”.

Nhận định của Tổ chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Gia đình Mubarak và bài toán tiền tỉKỳ 2:“Tuyên ngôn” về vơ vétKỳ 3:Haiti - bóng ma trở vềKỳ 4:Năm năm quyền lực và 3 tỉ đôlaKỳ 5:Hai “đại sư phụ” tham nhũng châu Á

_____________________

Đón đọc số tới: Người Thái luyện mình

Phóng viên Tuổi Trẻ kể lại những trải nghiệm thú vị về giới trẻ Thái Lan và thời gian rèn luyện trong những ngôi chùa để chuẩn bị bước vào đời.

KHỔNG LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên