Bùi Thị Phụng, một “nữ quái” từng lộng hành ở Trường THCS Phú Thọ, Q.11, TP.HCM, cho biết.
Phóng to |
Kỳ 1:Giọt nước mắt muộn màngKỳ 2:Thảm kịch trong trường học
Cướp
Thi rớt học kỳ II năm lớp 8, sợ những trận đòn roi bầm tím thân thể của bố, Phụng bỏ nhà đi. Trong vòng một tháng, Phụng lân la hết nhà bạn này đến bạn khác trong nhóm để tá túc qua ngày. Khi hết tiền xài Phụng rủ Linh, Trang cùng lớp đi cướp xe đạp các nữ sinh trong trường. Mỗi vụ cướp thành công (bán được gần 1 triệu đồng/xe), Phụng cùng nhóm bạn chia nhau tiêu xài. Đến khi không thể tá túc nhà bạn mãi, Phụng bị bố lôi về đập cho một trận nhừ tử và đưa ra phường nhờ mấy chú công an... dạy dùm. Nhưng chỉ sau một tuần làm kiểm điểm, lại ham vui và bị bạn bè rủ rê, Phụng cùng băng cũ đi cướp xe đạp. Sau khi thực hiện trót lọt ba vụ cướp, Phụng bị bắt và đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 cải tạo 24 tháng.
Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Trâm (nữ sinh lớp 6 một trường cấp II ở Q.5, TP.HCM) có học lực khá trong lớp nhưng cũng vì ham chơi, bị bạn bè lôi kéo nên đã tham gia băng nhóm gồm bốn “nữ quái” đi cướp tài sản. Sau khi tan học, băng của Trâm phục sẵn tại cổng trường, thấy nữ sinh nào đi học về một mình thì chặn đầu xe, dùng số đông áp đảo, thuyết phục đối phương cho “mượn” xe. Nếu nạn nhân không cho “mượn” cả nhóm sẽ... chở cả “khổ chủ” đi theo luôn. Sau khi dàn cảnh thực hiện trót lọt ba vụ cướp xe đạp, Trâm bị bắt.
“Em chỉ nghĩ làm cho vui, bị bạn rủ rê nên thích thì đi chung chứ không xác định đi cướp để kiếm tiền. Em chỉ thử làm 1-2 lần xem thế nào thôi chứ không lường trước được hậu quả” - Trâm cho biết.
Phụng kể hầu hết tại các trường cấp II-III đều có băng nhóm “nữ quái”, riêng trên địa bàn quận 11 có rất nhiều nhóm, đông nhất có lúc lên tới gần 50 người. Chị hai cầm đầu băng nhóm này rất dữ dằn và đánh nhau như cơm bữa. Trong nhóm nếu ai bị ăn hiếp thì chị hai sẽ cầm đầu cả nhóm ra xử. Năm ngoái, chỉ vì ghen ăn tức ở, Mi (Trường Nguyễn Huệ) đã kéo nguyên băng hơn 20 người ra đánh dằn mặt một chị hai khác ngay trước cổng Trường Lữ Gia. Cầm đầu băng nhóm Trường Lữ Gia cũng không vừa, cả hai xông vào cấu xé, đấm đá, giật tung cúc áo trước sự cổ vũ của đàn em vừa hò hét vừa quay clip để tung lên mạng.
Dằn mặt
“Dù không muốn nhưng mình vẫn phải gia nhập băng của chị hai T., nếu không sẽ bị xử lúc nào không biết” - Nguyễn Hồng Linh (tên nhân vật đã thay đổi), một “đệ tử” của T. (Trường THCS Lê Lai, Q.8, TP.HCM), cho biết.
Để được kết nạp vô băng nhóm, Linh phải trải qua ba vòng thử thách. Đầu tiên là chiêu “qua mặt giám thị”. Các nữ sinh dám quậy đều phải mặc váy ngắn trên đầu gối. Bước qua cổng trường, Linh chỉ cần tuột váy xuống gần nửa mông, choàng thêm cái áo khoác là xong. Thứ hai là phải biết “chơi”. Trong cặp các cô này lúc nào cũng giấu sẵn thuốc lá, khi nào thèm thì chui vào nhà vệ sinh nam rít vài hơi.
Điều kiện cuối cùng để chính thức gia nhập nhóm là “lập công”. Từ việc trấn lột đồ (tập vở, tiền ăn sáng) của các nữ sinh khác đến tham gia đánh nhau đều được ghi điểm cao. Linh cho biết để “lập công” cô đã quơ quào, cấu xé tơi tả một nhỏ lớp 6, khi nhỏ này dám ngồi... nhầm ghế đá “chị hai” T. hay ngồi. Có lần T. cầm đầu một nhóm “choảng” một nữ sinh đến ngất xỉu, không ngần ngại túm đầu một nữ sinh khác gí xuống bể nước vì can tội... láo.
Khi thầy cô nhắc nhở, T. đặt một viên gạch trước giỏ xe thầy kèm theo mẩu giấy: “Đừng can thiệp sâu”.
Còn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7, phần lớn nữ sinh muốn yên ổn đều phải biết “hiền”. Nếu không thì phải có bồ là đại ca hoặc phải gia nhập một băng “nữ quái” trong trường.
“Không nên nói nhiều nhưng cũng chớ nói ít, nếu không sẽ bị cho là khinh người. Không được học giỏi quá, và nếu điệu quá cũng sẽ khiến bọn nó thấy ngứa mắt mà kiếm cớ đánh” - Thu Anh, một nữ sinh mới chuyển đến trường này, cho biết. Trong lớp Thu Anh có học lực khá nên mỗi khi làm bài kiểm tra phải có bổn phận cho cả nhóm của “chị hai” Oanh chép bài. Nhiều nữ sinh trong lớp rất sợ Oanh nhưng chẳng ai dám mách thầy cô vì sợ bị đánh.
Ngoài lý do chịu chơi, lắm tiền, nữ sinh trong trường còn nể sợ Oanh vì có “bồ” là một tay đua khét tiếng. Ngay khi đặt chân vào trường mới, để chứng tỏ uy thế của mình với các nhóm khác, Oanh đã kêu cả nhóm đánh “dằn mặt” một đàn chị lớp trên vì tội “học giỏi mà chảnh”. Ngay hôm sau, “đàn chị” nọ kéo nguyên băng giang hồ tới “tẩn” Oanh một trận ngay trước cổng trường.
Không phải cứ là “cá biệt”
“Đánh nhau ngoài trường nhiều hơn trong trường, chỉ vì ganh ghét, chửi qua chửi lại, không chịu nhường nhau là đánh. Các nữ sinh hiền mà hay bon chen cũng sẽ bị lôi kéo vào nhóm, dần dần sẽ hùa theo. Sức mạnh số đông khiến tụi nó tự tin hơn và không biết sợ ai. Chị hai cầm đầu băng nhóm giữa các trường thường có mối liên hệ với nhau. Quỳnh cầm đầu khối 8 Trường Lữ Gia rất thân với Mi cầm đầu khối 7 Trường Nguyễn Huệ... vì học chung từ cấp I. Lúc hết tiền, thi không qua môn hay bị bạn bè ức hiếp, họ lại nhờ “chị em” giúp đỡ. Lúc đông nhất có thể huy động đến 50 người. Ai trong nhóm bị ăn hiếp, trưởng nhóm sẽ đi nói chuyện trước, nếu không giải quyết được thì kéo nguyên băng đến dọa, bên kia mà manh động hay khiêu khích thì xử liền” - một “nữ quái” Trường Lữ Gia cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải “chị hai” nào cũng là thành phần bất hảo. Có những “nữ quái” học rất giỏi và làm cán sự lớp nên được nhóm rất nể. Quỳnh (trưởng nhóm “nữ quái” Trường Lữ Gia) nhà rất khá giả nhưng bố mẹ ly dị, phải ở với cậu mợ. Bị cậu mợ hắt hủi nên Quỳnh rất hận gia đình. Quỳnh có khuôn mặt và tính cách rất “lạnh”, cứ thấy ai gây chuyện trước là đánh. Tuy nhiên, Quỳnh sẵn sàng bênh vực đàn em bị ức hiếp nên được nể trọng. Quỳnh học giỏi từ cấp I đến cấp II, lại là lớp trưởng nhiều năm liền nên được thầy cô thương. Bạn bè trong nhóm cũng nể Quỳnh vì biết chơi đẹp, học giỏi lại hay bênh vực bạn yếu.
Hay như Phúc, cầm đầu một băng trong Trường Phú Thọ, học lực giỏi, lại là lớp phó học tập. Trong lớp cô nàng rất quậy, có lần cầm đầu nguyên băng nữ xông vào đánh te tua một băng nam trong trường khiến ai cũng nể sợ. Phúc hay kèm cặp các bạn học yếu, có khó khăn gì là xắn tay giúp liền nên được mọi người mến. Vì thế các thành viên tham gia nhóm của Phúc hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc ai và tất cả đều tuân thủ những nguyên tắc do Phúc đưa ra.
______________________
Theo khảo sát của một số trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, 90% nữ sinh ở lứa tuổi 12-18 đều có nhu cầu tham vấn tâm lý, 1/3 trong số này có biểu hiện rối nhiễu, khủng hoảng, stress... dẫn đến bộc phát những hành động liều lĩnh...
Kỳ tới: Chênh vênh điểm tựa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận