Kỳ 1: Xuôi theo dòng chảy
Phóng to |
Từ nơi sâu thẳm...
Xáo trộn từ trong gen. Bệnh ung thư là một nhóm bệnh gồm trên 100 loại có chung vài đặc tính cơ bản quan trọng. Ung thư nào cũng do sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn của các tế bào không bình thường. Ung thư bắt nguồn từ nơi sâu thẳm của chất sống. DNA bị hư hại là do phơi trải với cái gì đó trong môi trường sống, thí dụ như khói thuốc lá, các virus, ánh nắng. Các tế bào ung thư tiếp tục tăng trưởng, sinh sôi và trở nên bất tử.
Lang thang đây đó rồi tàn hại cơ thể. Hàng tỉ tỉ các tế bào này tích tụ lại thành bướu (u) hay khối bướu (khối u). Bướu có thể đè ép, xâm lấn và phá hủy các vùng mô bình thường lân cận. Trong cơ thể bình thường chỉ có các tế bào máu mới luân lưu khắp cơ thể.
Thật kỳ lạ, các tế bào ung thư di động được và đi đó đi đây. Khi tách ra khỏi khối bướu ban đầu (bướu nguyên phát), các tế bào ung thư theo dòng bạch huyết hoặc xuôi theo dòng máu để tới những vùng khác của cơ thể.
Trên đường đi bụi lang thang có thể dừng lại nảy nở thành ổ ung thư tại một chỗ mới. Đó là di căn (nghĩa là chuyển gốc). Ai ở vùng sông nước đều quen hình ảnh các cụm lục bình trôi sông. Có cụm vướng vào nơi khô rồi rụi tàn, có cụm mắc vào chỗ thiếu nước sống lây lất, vài cụm gặp đất tốt mọc sum sê. Thí dụ ung thư vú đến hạch nách gọi là di căn hạch vùng, còn lan tràn đến phổi, gan, xương... gọi là di căn xa. Ung thư lần lần nắm quyền chủ động, tàn hại cơ thể cho đến sụm luôn.
Theo dòng hiểu biết
Từ cancer chuyển sang tiếng Việt là ung thư. Khoảng 2.500 năm trước thầy thuốc Hippocrates, “cha tổ y học”, dùng từ carcinos để mô tả các loại bướu do thấy bệnh này lan tỏa gợi dáng con cua.
Thầy thuốc La Mã Celsus (28-50 tr.T.C) chuyển lại thành tiếng Latin là cancrum, tiếng Anh là cancer. Galen - bậc thầy La Mã khác (thế kỷ thứ 2 sau T.C) - dùng từ oncos chỉ một bướu, một u. Đến nay từ cancer của Hippocrates và Celsus luôn được dùng, còn từ oncology chỉ ngành ung bướu lấy gốc từ oncos của Galen.
Nhưng cancer của y học hiện đại không phải là bệnh ung thư trong sách y học cổ phương Đông. Sự nhập nhằng dẫn đến nhiều điều đáng tiếc. Phương pháp dân gian hoặc y học cổ truyền trị ung thư lại đem áp dụng cho cancer, khác nào “bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Hippocrates cho là cơ thể có bốn loại dịch. Dịch quân bình, người khỏe, quá nhiều mật đen sẽ gây bệnh ung thư. Galen tiếp nhận suy nghĩ của Hippocrates, truyền bá thuyết này hơn ngàn năm. Mãi đến giữa thế kỷ 19 Wirchow mới làm rõ ung thư phát xuất từ tế bào bất thường. Rồi Thiersch chứng minh ung thư di căn là do các tế bào này lan tràn.
Hiểu biết hiện nay. Vào giữa thế kỷ 20 các nhà khoa học mới có thể soi rọi bí ẩn sinh học ung thư. Năm 1953, cấu trúc của xoắn đôi DNA được J. Watson và F. Crick khám phá. DNA là bản thiết kế cơ bản của mã di truyền cầm trịch mọi hoạt động của các tế bào. DNA như cô lái đò chở vốn di truyền của muôn loài đến bến đời đời. Rồi các nhà khoa học hiểu được các gen hoạt động ra sao và có thể bị đột biến, đó là sự thay đổi hoặc sơ sót trong các gen.
Nhiều vấn đề phức tạp của bệnh ung thư dần được sáng tỏ. Ung thư có thể do các hóa chất, các bức xạ và các virút, đôi khi có vẻ gia truyền. Phần lớn các thứ gây ung thư (tác nhân gây ung) tạo ra các đột biến gen dẫn đến các nhóm tế bào bất thường (gọi là các dòng). Theo thời gian các dòng đột biến lại thành các dòng ác hơn. Nhiều đột biến làm ung thư mạnh lên. Thật ly kỳ, nay người ta có thể dò đúng chỗ hư hại của gen.
Đã rõ cái gì gây ra ung thư. Khói thuốc lá gây ra hơn 15 loại ung thư: không chỉ ở phổi, miệng, họng, thanh quản mà còn gây ung thư ở bao tử, tụy tạng, bọng đái, ruột, thực quản, vú và cổ tử cung... như con khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây du ký có 72 phép thần thông một mình làm rối cả cõi trời.
Ăn uống ảnh hưởng khoảng 30% ung thư, bệnh theo miệng mà vào: thức ăn muối mặn hun khói, thức ăn cháy khét, thức ăn nhanh gây béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ béo, ít rau quả tươi làm tăng nguy cơ các ung thư bao tử, đường ruột, vú...
Bệnh nhiễm (virút, vi khuẩn và ký sinh trùng) gây ra khoảng 20% ung thư. Đáng sợ hơn nữa, virút HBV, HCV, bia rượu và độc tố aflatoxin liên thủ tàn phá lá gan. Xoắn khuẩn H. pylori, khói thuốc lá, thức ăn muối mặn đánh hội đồng bao tử con người. Nhà thơ Tú Xương có ba thứ lăng nhăng nó quấy ta. Đây thì mấy thứ lăng nhăng chúng giết ta.
Sai lệch đường tơ, đất trời ngăn cách. Vào những năm 1970, người ta tìm ra hai nhóm gen: các oncogen (gen ung bướu) và các gen đè bướu. Các oncogen là các đột biến của vài gen bình thường của tế bào. Có rối rắm, các gen đột biến lại trở mặt, biến thành oncogen kích động tế bào hoạt động trật đường rầy. Ngược lại các gen đè bướu là các gen bình thường có nhiệm vụ làm chậm sự phân bào, lo sửa chữa các sơ sót của DNA và cho lệnh tế bào khi nào phải chết. Nói nôm na là đè đầu không để ung thư lừng lên.
Gen đè bướu mà bị đột biến trở nên tê liệt thì các tế bào tha hồ tăng trưởng vô tổ chức. Nay đã xác định được nhiều loại oncogen và nhiều loại đột biến của gen đè bướu. Một thí dụ: virút HPV 16-18 chui vào tế bào cổ tử cung, mang hai oncogen E6 E7 vào khóa tay hai gen đè bướu p53 và Rb khiến tế bào sinh sôi vô tổ chức thành ung thư cổ tử cung. Có xáo trộn trong chốn sâu thẳm của sự sống thì ung thư xuất đầu lộ diện. Thật là sai lệch đường tơ, đất trời ngăn cách.
20 năm trở lại đây thôi, người ta đã biết bệnh ung thư nhiều hơn những gì gom góp trong bao thế kỷ trước. Còn nhiều điều phải học nữa.
Đẹp thay cái chết an bài Một trứng thụ tinh phát triển thành một người với hàng trăm ngàn tỉ lệ tế bào. Chỉ việc tạo ra các tế bào mới thì chưa ổn, các tế bào nào đó phải chết vào đúng lúc của quá trình tăng trưởng. Đó là cái chết được an bài hay được lập trình. Thành tựu này đem lại cho ba nhà nghiên cứu S.Brenner, J.Sulston và R.Horvitz giải Nobel Y học 2002. Có sự kết nối tuyệt vời với giải Nobel 2009, vinh danh E.Blackburn, C.Greider và J.Szostak về têlômer và enzym têlômêraz. Các đầu mút của thể nhiễm sắc là têlômer (telomeres). Mỗi lần phân bào, các têlômer cụt bớt đi. Vài mươi lần phân đôi, các tế bào chết một cách tự nhiên. Têlômêraz (telomerase) là enzym có vai trò tái tạo têlômer. Ở các tế bào ung thư người, têlômêraz có hoạt tính gấp 10-20 lần các tế bào bình thường. Các tế bào ác tính không chết. Hóa giải tác dụng của têlômêraz thì sẽ đi vào cái chết an bài. |
__________
Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây (Hồ Dzếnh), thơ hay và đẹp vậy nhưng ở góc độ y học khói thuốc lá lại bay vô sâu đến nhân của từng tế bào đánh phá các gen. Khói thuốc thấy nhẹ tênh nhưng làm trĩu nặng gánh ung thư.
Kỳ tới: Loài người nặng gánh ung thư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận