15/11/2010 06:37 GMT+7

Vẫn còn được sống - Kỳ cuối: Những dấu cộng duyên dáng

TÂM LỤA - LAN PHƯƠNG
TÂM LỤA - LAN PHƯƠNG

TT - Khi tiếp cận hồ sơ tham dự cuộc thi hoa hậu “Dấu cộng duyên dáng” dành cho người có HIV đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi đã gặp những người phụ nữ nhẹ nhàng và dũng cảm đối mặt với bi kịch bệnh tật mà mình phải gánh chịu. Ở đó, cuộc đời của họ bước sang một trang mới với nhiều nỗi niềm nhưng cũng ý nghĩa hơn rất nhiều.

MpLheTrh.jpgPhóng to

Chị Nguyễn Thị Tình (TP Thái Nguyên) trong cuộc sống đời thường - Ảnh: Lan Phương

Thế giới rộng lớn hơn vì... HIV

Chị Nguyễn Thị Tình (38 tuổi, xóm Bò 1, xã Phấn Mễ, Phú Lương, Thái Nguyên) vừa rời gánh gạch, chuồng lợn, đàn gà ra là lại dành thời gian la cà đến nhà những chị em có HIV trong khu vực gần đấy trò chuyện. Những lúc hiếm hoi như thế chị Tình được nghe những chuyện đời, những đau khổ của người bạn cùng cảnh. Chị an ủi, rồi kiên quyết nâng họ dậy khỏi cơn tuyệt vọng.

Chị Tình nói: “Có lẽ không ai đong đếm được nước mắt của người phụ nữ như chúng tôi. Tôi mong mọi người hiểu được phụ nữ có HIV cũng có quyền được sống, được duyên dáng, được hạnh phúc như bất cứ ai” - nhìn gương mặt đầy lo toan của chị, khó ai có thể ngờ chị lạc quan đến thế.

Khác với chị Tình, Nguyễn Thị Hải Yến ở phường Cam Giá, TP Thái Nguyên dành hết thời gian của mình cho những dự án dành cho trẻ em có HIV. Công việc của chị gồm cả nhiệm vụ đưa các em có HIV đến tận trường xin nhập học. Chị trăn trở: “Tới hôm nay vẫn còn những trẻ em đến trường không được nhận vào học, vẫn bị cô giáo cho ngồi một mình một góc trong lớp. Có trường vẫn bắt các em đi xét nghiệm ba tháng một lần”. Thái độ quyết liệt và hoạt động suốt thời gian dài của Yến đã làm thay đổi cách nhìn của các trường học trên địa bàn TP Thái Nguyên về những em nhỏ với số phận HIV.

Năm 2005, Hải Yến báo cáo tại hội nghị về quyền của phụ nữ và trẻ em tại Sri Lanka. Cô nhắc lại những lời trong báo cáo: “Giá như tất cả mọi người đều hiểu rằng sự phân biệt đối xử và kỳ thị có ảnh hưởng như thế nào với người có HIV. Nhiều phụ nữ khi chồng mất đã bị đuổi ra khỏi nhà, bị tước mất quyền nuôi con. Chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày xóa tan sự kỳ thị đó”.

Hiện nay, Yến bận rộn trong vai trò là thành viên ban điều hành mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội, trưởng mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng Thái Nguyên. Mỗi ngày chị đều đặn làm công việc của một đồng đẳng viên, đến tận nhà vận động chị em tham gia câu lạc bộ phòng chống HIV.

Ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chị Hoàng Thị Tuyết, sau cơn tuyệt vọng vì phát hiện mình nhiễm HIV từ người chồng nghiện ngập, đã bắt đầu những ngày mới của cuộc sống trong câu lạc bộ Hoa Cỏ May ở trung tâm huyện Vũ Thư. Ở đây, chị cùng những người bạn nhiễm tiếp cận với các nhóm nguy cơ cao và trang bị kiến thức phòng chống AIDS cho họ.

Cũng từ những ngày sinh hoạt và thành lập câu lạc bộ, Tuyết đã gặp anh Nguyễn Tiến Mạnh. Khi mới quen nhau hai người phải đi khỏi quê nhà, ra tận Hải Phòng kiếm sống vì sợ điều tiếng của những người trong thôn xóm. Những bạn khác trong nhóm đã là những người đầu tiên động viên Tuyết công khai gắn kết cuộc sống với anh. Cha mẹ chị Tuyết phản đối ngay từ những ngày đầu cũng dần được thuyết phục khi chị và anh Mạnh thật sự gắn kết nhau thành một gia đình nhỏ.

Hiện nay anh làm ở Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vũ Thư, rong ruổi cùng chị trên những chặng đường tiếp cận người bệnh và săn sóc tinh thần cho các bạn cùng cảnh. Từ những ngày bất hạnh, Tuyết giờ được sống những ngày trọn vẹn và êm đềm bên anh Mạnh trong một hoàn cảnh mới, nơi cả hai người đang cùng câu lạc bộ Hoa Cỏ May nâng đỡ các bạn có HIV khác trong vùng.

... Nước mắt cạn để cuộc sống đơm hoa

Một ngày của chị Tình bắt đầu từ 4g sáng với nghề bán gà ngoài chợ. Trưa nắng về lại tất tả đi gần 10km vào trại gà để bắt gà cho buổi chợ ngày mai.

Chồng chị - người đàn ông đến giai đoạn cuối của căn bệnh AIDS - vẫn không dám nhận mình là người có HIV. Người làng đến thăm vẫn nói dối là đau thận. Giai đoạn cuối anh giảm từ 50kg xuống còn 28kg. Nằm trên giường bệnh anh vẫn sang sảng chửi chị mang bệnh về nhà. Một mình chị sống với cậu con trai 8 tuổi cũng bị nhiễm HIV suốt năm đau ốm dặt dẹo.

Chính những lời chửi mắng của chồng và sự từ chối của những ngôi trường con trai đến học làm chị cay đắng: “Nhiều người xem HIV là tội”. Càng cay đắng chị càng chuyên tâm hơn đến giúp những người bạn nhiễm của mình trong cơn bĩ cực đầy cô đơn mà chị phải chịu đựng. Ở đấy, chị tìm thấy sự trút bỏ những đau đớn và tự tiếp thêm những mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho những người bạn đau yếu khác. Dường như từ đó chị biết sự sống mình có ý nghĩa...

“Từ khi chung sống với HIV, cuộc đời mình dường như bước sang một trang mới. Nhiều lần mình vẫn nói với các chị em trong nhóm rằng mình cảm ơn HIV, bởi đã tái sinh mình thêm một lần nữa. Trước đây mình chỉ lo mỗi việc kiếm tiền, cắm cúi cả ngày bên chiếc máy may, không quan tâm gì tới công tác xã hội. Hoạt động xã hội không phải chỉ để kiếm tiền. Nó cho mình nhiều thứ tốt đẹp, đó là niềm hạnh phúc khi thấy những người có HIV quanh mình ngày càng nhận thức được về căn bệnh này, là xã hội thôi kỳ thị, là khi nhận được sự san sẻ, cảm thông của tất cả mọi người”.

Chị Trần Thị Tuyết Thanh (TP Nam Định) tóm tắt những “đặc ân” mình có được khi không may mắn bị nhiễm HIV từ chồng nhiều năm trước. Các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn hay nói đùa chị “chuyển hộ khẩu lên bệnh viện mà ở” khi có tháng 30 ngày chị đều túc trực ở bệnh viện để chăm sóc những chị em có HIV ở tỉnh Nam Định được đưa lên Hà Nội.

Là người đàn bà buôn bán tất bật, chị Tuyết Thanh chưa bao giờ nghĩ có lúc mình lại trở thành người ăn nói thuyết trình lưu loát, viết dự án truyền thông, hiểu biết về bệnh HIV để hướng dẫn cho người cùng cảnh ngộ... Chị lớn lên và quen với cái ngõ nhà bé nhỏ và cửa hàng kiếm tiền hằng ngày. Chị chỉ nhận ra thế giới rộng lớn và đầy tình bạn khi đứa con trai nhiễm HIV của chị được chính những người bạn xa lạ ở Hà Nội chỉ dẫn cách chăm sóc và cứu sống khỏi thời gian bị những bệnh cơ hội hành hạ đến suy kiệt. Nhiễm HIV, cuộc đời của chị Thanh nối thêm nhiều bàn tay ấm áp trong đời gần lại với mẹ con chị hơn.

Đó là câu chuyện dài những phụ nữ từng suy sụp hoàn toàn khi biết mình nhiễm HIV. Bi kịch ấy đem đến nhiều nước mắt và mất mát nhưng cũng đã sinh ra những phụ nữ mới tuyệt vời. Khi chung nỗi đau, họ đã sống và yêu thương nhau nhiều hơn để cùng nhau xóa những cái nhìn kỳ thị trong xã hội.

HIV, ở một góc độ nào đó, đã dành tặng họ một hành trình mới để yêu cuộc sống nhiều hơn nữa.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Tổ ấm của hai mảnh hồn lạc Kỳ 2: Trả ơn cuộc đời Kỳ 3: “Diễn” kịch đời mình Kỳ 4: Mẹ và con dâu Kỳ 5: Vì cuộc sống tiếp diễn

__________________

ĐÓN ĐỌC SỐ TỚI: Những kiểu “bán sống” con người

Do khó khăn cuộc sống và có cả phần nhẹ dạ, cả tin... nhiều lao động trẻ vùng quê đã bị “cò lao động” lường gạt “bán” cho những công ty ở giữa rừng sâu. Ở đó, họ phải sống kiếp đời nô lệ khổ sai... Một hiện tượng đáng báo động ở thời hiện đại.

TÂM LỤA - LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên