Phóng to |
Hai tỉ lít bùn...
Thảm họa thật sự đến vào ngày 10-1-2007. Mưa quá lớn, chiếc đập ngăn bùn đỏ ở hồ chứa tại mỏ khai thác bôxit Mineracao Rio Pomba đã không thể chịu nổi. Dù nó được thiết kế và thi công với sự tính toán kỹ càng về thông số hoặc dự báo về thảm họa thiên nhiên, chiếc đập cao 30m vẫn bục. Ước tính 2 tỉ lít bùn đỏ đã trào khỏi hồ chứa. Dù đơn vị đang khai thác bôxit là Công ty khai thác mỏ Industrias Quimicas Cataguases khẳng định không có chất độc trong bùn, nhưng lượng bùn trào ra quá lớn khiến nhà chức trách và lực lượng xử lý khẩn cấp không kịp trở tay.
Tai nạn trở thành không thể kiểm soát được do mưa quá lớn. Báo mạng O Globo dẫn lời các nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa cho biết chất thải từ mỏ đã chảy vào sông Muriae, tràn qua bờ, làm ngập lụt nhiều phần của thành phố Mirai và Muriae thuộc bang Minas Gerais.
Có tới 8.000 người trở nên vô gia cư, của nả trong nhà mất sạch, lượng người thiệt mạng lên tới 37. Bang Minas Gerais ngay lập tức tuyên bố đóng cửa và dừng hoạt động mỏ Mineracao Rio Pomba. Ban đầu người phát ngôn bang cho biết chính phủ đã quyết định chờ đến khi thiết bị hồ chứa phục hồi mới bắt đầu cho hoạt động lại. Mỗi năm nơi đây sản xuất 1,15 triệu tấn bôxit.
Brazil là một trong những quốc gia hàng đầu Mỹ Latin về khai thác mỏ sắt, mangan, nhôm, vàng và sắt. Brazil sản xuất được 70 khoáng chất, trong đó có các trữ lượng lớn về bôxit. Nền kinh tế Brazil lớn thứ 8 thế giới và lớn nhất châu Mỹ Latin, chiếm tới 1/3 kinh tế khu vực. Các ngành dựa trên khai khoáng chiếm 8,5 tổng sản phẩm quốc nội GDP. Trữ lượng bôxit chất lượng cao đã được tìm thấy ở khu vực Amazon. |
Người phát ngôn của mỏ Rio Pomba, Domingos Ciribelli, cho biết mỏ vừa gây họa nằm ở phía đông của tỉnh Minas Gerais, có kích thước trung bình và là một trong những nơi khai thác bôxit của Brazil.
Hai tỉ lít bùn đã đổ vào các con sông là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho một số thành phố gần Rio de Janeiro tiếp giáp với Minas Gerais. Một kế hoạch khẩn cấp đã được công ty cấp thoát nước của Rio (Cedae) thực hiện để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo nguồn cấp nước cho các thành phố San Jose de Uba, Italva, Cardoso Moreira, Itaperuna vẫn được duy trì.
Đường phố, nhà cửa ở thành phố Mirai và Muriae bị chìm dưới bùn đỏ vài mét. Cây cối và động vật bị hư hại nghiêm trọng. Hơn 12.000 người phải di tản khỏi Minas. Cedae đã phải căng mình để đánh giá trước việc nguồn nước bị ô nhiễm chảy vào các thành phố như Laje do Muriaé, São José de Ubá và Itaperuna. 27 ủy ban thành phố khác bỗng nhiên gặp ách từ trên trời rơi xuống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Và 200 lần nhiễm bẩn
Thị trưởng Laje do Muriaé tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chính quyền Rio gấp rút gửi các xe thùng chở nước sạch tới cho người dân. Theo phân tích của Cedae, nước sông đã bẩn hơn 200 lần so với bình thường. Ô nhiễm kinh khủng tới mức không thể xử lý phục vụ nhu cầu của con người. Lượng cá chết quá nhiều khiến người ta lo ngại nước bị nhiễm độc nhiều hơn dù nhà máy khẳng định không có độc hại.
Xe tải và xe ủi từ Quỹ Nông thôn Minas Gerais giúp dọn dẹp. Người dân mất nhiều công sức để làm sạch nơi họ sinh sống, nhưng cũng không hi vọng mọi thứ trở lại như trước. Cơ quan vệ sinh môi trường huy động lực lượng làm sạch nhà cửa, các con phố và xây dựng lại cầu cống do con đập ngăn bùn đỏ vỡ.
Bộ trưởng môi trường Minas Gerais, José Carlos Carvalho, sau đó tuyên bố Rio Pomba không được phép xây lại con đập và sẽ bị phạt 35 triệu USD (75 triệu reais). Wagner Victer, chủ tịch Cedae, hoan nghênh quyết định đóng cửa mỏ và yêu cầu phạt thêm chủ sở hữu. Ông Wagner Victer đề nghị chính quyền trước khi đóng cửa công ty khai thác mỏ gây tai nạn lớn cho môi trường thì phải cho những người chủ công ty coi thường pháp luật vào tù. Sau đó, chính phủ đã quyết định cấm vô thời hạn hoạt động của mỏ.
Đó không phải là lần đầu tiên con đập bị vỡ. Trước đó, vào tháng 6-2006, vụ rò rỉ đã diễn ra trong ba ngày. Khi đó, 400 triệu gallon chất thải bùn đỏ đã tới con sông ở khu vực và đến tận thủ đô Rio de Janeiro. Người dân vùng Muriaé đã phải bị ngưng cấp nước sinh hoạt vì lo ngại ô nhiễm.
Trước đó, con đập do Công ty Odessa Odessa Paper và Forestry sở hữu cũng bị bục khiến 1,2 triệu lít nước thải độc hại chảy ra sông Dove và Paraiba do Sul, lan tới tận miền bắc và tây bắc Rio de Janeiro. Đây là hai con sông quan trọng nhất ở phía bắc bang Rio de Janeiro. Đó là chưa tính tới các con sông ô nhiễm chảy về Đại Tây Dương, có thể ảnh hưởng tới khu vực bắc và tây bắc của bang.
Tên bôxit đến từ đâu? Bôxit là tên ngôi làng Les Baux ở miền nam nước Pháp, nơi đầu tiên được tìm thấy có chứa aluminium. Nhà địa chất học và kỹ sư mỏ Pierre Berthier (1782-1861) trở thành trưởng phòng thí nghiệm của Đại học Mỏ Pháp vào năm 1816. Năm 1821, khi đang làm việc ở làng Les Baux ông đã phát hiện khoáng chất và đặt tên nó theo nơi đã phát hiện. Ngoài ra, ông còn phát hiện khoáng chất Berthierite (được đặt theo tên ông). Vì những đóng góp to lớn cho ngành mỏ, hiện nay nếu lên tháp Eiffel ở thủ đô Paris, bạn sẽ thấy tên ông là một trong 72 cái tên của các nhà khoa học, kỹ sư và những con người đặc biệt được khắc trên tháp theo thiết kế của Gustave Eiffel. Những vết khắc này bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 và được phục hồi vào năm 1986-1987 do công ty phụ trách khai thác kinh doanh những gì liên quan tới ngọn tháp đảm trách. Những tên khắc này bằng vàng và cao 60cm. Năm 2007, Úc là một trong những nước sản xuất bôxit hàng đầu thế giới, với gần 1/3 sản lượng, sau đó là Trung Quốc, Brazil, Guinea, và Ấn Độ. |
__________
Tin bài liên quan:
Khai thác bôxit ở Tây nguyên: Có vỡ hồ bùn đỏ không?Bùn đỏ ở Hunggari có chứa phóng xạKhai thác bôxit: có kế hoạch quản lý rủi ro Tranh luận thẳng thắn về dự án bôxitÚc và sự giám sát bôxit
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận