Tại cuộc họp này, liên quan đến câu chuyện bôxit, Thứ trưởng thường trực Bộ TN-MT Nguyễn Văn Đức khẳng định bộ đã có nhiều cuộc họp với các bên liên quan về biện pháp an toàn cho hồ chứa bùn đỏ. Ông Đức cũng cho biết là các hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên đã được chia nhỏ để giảm thiểu nguy cơ khi có sự cố.
Không trả lời cụ thể các câu hỏi mà báo chí nêu, ông Bùi Cách Tuyến - thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho rằng Bộ TN-MT là cơ quan cấp dưới thừa hành chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai dự án khai thác bôxit. “Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói là Chính phủ sẵn sàng nghe các góp ý đa chiều của giới nhân sĩ, khoa học về vấn đề bôxit nên chúng tôi không có ý gì ngoài ý kiến đó. Nếu có một bằng chứng khoa học nào để cho rõ tất cả mọi việc thì chúng tôi hoan nghênh”.
Theo ông Tuyến, với vấn đề môi trường của hồ chứa bùn đỏ, Bộ TN-MT được Chính phủ phân công phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ trên cơ sở trình của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) và đảm bảo an toàn lâu dài về môi trường.
Về sự rủi ro của hoạt động khai thác bôxit, ông Tuyến cho rằng tất cả hoạt động của con người, dù trong công nghiệp hay nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ hay bất kỳ lĩnh vực nào khác đều có chứa đựng rủi ro.
Những chuyện trong ngành khai khoáng các loại khác cũng hàm chứa những rủi ro đó, quan trọng nhất là phải làm sao tính toán được xác suất rủi ro đó và có những kế hoạch quản lý rủi ro.
Thiết kế hồ bùn đỏ là trách nhiệm của TKV, về mặt thẩm định bản báo cáo tác động môi trường là Bộ TN-MT. Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo tác động môi trường khi phê duyệt dự án Nhân Cơ, nếu bây giờ chủ đầu tư làm đầy đủ tất cả những yêu cầu đã nêu ra trong báo cáo thì tình hình rất tốt, chỉ trừ những xác suất rất nhỏ do tai biến.
Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã ghi rõ các nội dung chủ đầu tư phải thực hiện để đảm bảo yếu tố môi trường.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc Nhật Bản và VN sẽ ký thỏa thuận hợp tác khai thác đất hiếm, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết nước ta là đất nước có tiềm năng về đất hiếm. Hiện nay Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất và khống chế về nhu cầu đất hiếm trên thế giới, nhưng vừa rồi họ đóng cửa không bán đất hiếm cho Nhật Bản nên Nhật Bản đề nghị hợp tác khai thác với VN.
Đây cũng là cơ hội để VN phát triển công nghiệp đất hiếm. Cho nên việc thỏa thuận giữa VN và Nhật Bản để hợp tác với nhau trong khai thác đất hiếm sẽ được hai chính phủ thực hiện trong thời gian tới.
Ông Ngọc nói: “Chúng tôi khẳng định là chưa có một công ty nước ngoài nào khai thác đất hiếm ở VN cả. Còn việc cho phép công ty Nhật Bản thăm dò khai thác đất hiếm hay không là tùy thuộc vào Chính phủ”.
Tuy nhiên cho tới thời điểm này, trữ lượng đất hiếm ở nước ta vẫn chưa có con số chính thức, Thứ trưởng thường trực Bộ TN-MT Nguyễn Văn Đức cho biết “phải thăm dò hết mới công bố trữ lượng, bây giờ khẳng định là có nhưng chưa thăm dò hết nên chưa có con số cụ thể để công bố”.
Ông Đức cho biết thêm Nhật Bản quan tâm tới khai thác đất hiếm ở VN từ 3-4 năm nay nhưng VN chưa có một ký kết nào để khai thác đất hiếm với Nhật Bản. “Nhật Bản muốn khai thác đất hiếm ở VN thì họ sẽ đàm phán với Chính phủ thế nào rồi Chính phủ sẽ công bố. Bộ TN-MT là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, còn quyết định thế nào thì Chính phủ sẽ quyết” - ông Đức nói.
Với ý kiến nên giữ lại đất hiếm để dành cho phát triển đất nước sau này, ông Đức cho rằng đây cũng là một ý kiến tốt và cần cân nhắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận