02/09/2010 00:04 GMT+7

Ngọn lửa cuộc sống - Kỳ cuối: Lá thư khát vọng

TẤN ĐỨC - BẢO NGỌC
TẤN ĐỨC - BẢO NGỌC

TT - Trong lần gặp mới nhất, Nguyễn Mạnh Huy kể rằng anh vừa nhận bức thư của một bạn trẻ viết trước khi lên đường đi Mỹ du học.

h0oOKHq4.jpgPhóng to
Quán cơm 2.000 đồng này đã hình thành sau những trăn trở từ một lá thư đầy xúc cảm - Ảnh: Bảo Ngọc
Vú em của những con chó tật nguyền Kỳ 1: Gặp lại người dân công hỏa tuyến Kỳ 2: Phép nhiệm mầu Kỳ 3: Bài học từ vỉa hè

Hai bức thư của Nguyễn Mạnh Huy

Bạn trẻ ấy kể một câu chuyện lạ rằng mình sinh ra tại TP.HCM và được ba mẹ đặt tên Nguyễn Mạnh Huy như một gửi gắm đầy khát vọng của 20 năm trước, khi "sự kiện Nguyễn Mạnh Huy" đấu tranh cho quyền được học hành chính đáng tạo những dư luận dữ dội trên mặt báo. Lúc ấy ba mẹ bạn trẻ này lấy tên Nguyễn Mạnh Huy đặt cho con mình như gửi gắm một khát vọng phấn đấu và không được đầu hàng số phận.

Cái tên của niềm gửi gắm về một ngọn lửa cuộc sống đã bền bỉ cháy suốt trong người chàng trai trẻ. Việc mới nhất mà anh làm được là giành lấy học bổng toàn phần của một trường đại học ở Mỹ. Trước khi lên đường, anh muốn đến gặp "thần tượng" của ba mẹ mình để cảm ơn và để có dịp báo với chú Huy rằng cháu đã sống với một khát vọng lớn và sẽ tiếp tục như thế suốt cuộc đời này.

Ngọn lửa đã được "chuyền tay" từ hơn 20 năm trước là vậy đó.

Trong một chiếc tủ nhỏ ở căn nhà của mình tại đường Trần Hưng Ðạo, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên (An Giang), chị Huyền Trang, mẹ của hai cô gái sinh đôi vừa đỗ vào hai trường đại học năm nay, có cất một kỷ niệm riêng. Ấy là một bức thư đề ngày 20-11-1987, tên người nhận ghi "Nguyễn Mạnh Huy, tổ 25, khu vực 4, phường Lê Hồng Phong, thị xã Quy Nhơn".

Bức thư viết tay bằng mực tím với nét chữ nắn nót thật đều và đẹp: "Tôi là một độc giả của TTCN, đã đọc bài viết về bạn ngày 15-11-1987 "Nguyễn Mạnh Huy trả lời "không" trước số phận". Tôi đã xúc động không ít. Nhưng hoàn cảnh của tôi thì khác, vì đã đi thi đại học hai lần vào năm 1985 và 1987 nhưng đều rớt.

Tôi cũng như bạn, rất đau khổ, nhưng đó là tại tôi, nếu so với bạn thì nỗi đau của tôi chẳng là gì cả... Những suy nghĩ, hành động và con đường phấn đấu của bạn đã tác động tích cực đến suy nghĩ và trạng thái của tôi trong lúc này. Tôi hiểu mình phải bước vào đời như thế nào. Không biết phải nói về bạn thế nào, chỉ biết nói rằng: bạn tuyệt lắm, tôi rất yêu và khâm phục những người có chí hướng, thông minh như bạn".

Bức thư của 23 năm về trước vì một lý do riêng không được người viết gửi đi. 23 năm qua, chị Trang đã lưu giữ bức thư và bài báo về một câu chuyện gây nên niềm xúc cảm tích cực cho cuộc đời mình. Bài báo và bức thư được giữ gìn trở thành câu chuyện gia đình. Chị thỉnh thoảng cho hai cô con gái của mình xem như một lời động viên, như một khích lệ về mục đích phấn đấu trong cuộc đời.

Rồi thời gian trôi qua, bức thư ố vàng, cuộc sống thay đổi nhưng điều cơ bản nhất: sự phấn đấu trong hành trình sống không bao giờ thay đổi.

Và một câu chuyện thiện

Xúc động trước câu chuyện của cô bé mồ côi Dương Thị Hồng Nhi nuôi ba người anh điên loạn (Bài "Thay mẹ nuôi anh" - Tuổi Trẻ ngày 25-10-2006), một bạn đọc đã gửi đến tòa soạn bức thư đầy bức xúc về lòng nhân ái trong sự chọn lựa giữa giàu sang, ham muốn và sẻ chia.

Sau khi nêu hàng loạt ví dụ về lòng tham của con người, anh viết: "...Ðó là vì chúng ta đã và đang vô tình khen ngợi, cổ vũ cho sự giàu sang nhiều hơn lòng nhân ái. Lương tâm là một phạm trù mơ hồ ít được nhắc tên, thiếu hẳn sự nuôi dưỡng". Bức thư đăng trên mục Thời sự suy nghĩ của Tuổi Trẻ với tên tác giả Hoàng Mạnh Hải. Cùng với lá thư ấy, Hải đã nhờ bạn mở một tài khoản ngân hàng cho Dương Thị Hồng Nhi.

Suốt bốn năm qua, mỗi tháng sau khi nhận lương anh gửi vào số tài khoản đó 500.000 đồng, dù họ chưa một lần gặp mặt nhau.

Sau khi bức thư được đăng, rất nhiều bạn đọc gọi điện, gửi mail và họ gặp Hải. Câu chuyện từ một gợi ý ban đầu đã trở thành một diễn đàn mạng mang tên "Người tôi cưu mang". Họ mở ra một trang web cho những người cùng chí hướng vào ba tháng sau đó, và chỉ trong một thời gian ngắn số thành viên đã lên đến 3.000 người trải đều từ Bắc chí Nam.

Họ bắt tay vào hàng loạt chương trình giúp đỡ người nghèo: chương trình cưu mang thường xuyên, cưu mang không thường xuyên, xây nhà tình nghĩa, dự án Heart Bank giúp người nghèo vay vốn lập nghiệp không lấy lời, nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn vào các ngày thứ bảy và chủ nhật... Các thành viên chỉ biết nhau qua những cái nick ảo trên mạng, nhưng những gì họ làm được lại là những hình ảnh thật của tình thương bằng sự lan tỏa của lòng nhân ái.

Và mới đây, câu chuyện của lá thư ngày nào lại được viết tiếp bằng sự ra đời của quán cơm 2.000 đồng tại địa chỉ 14/1 Ngô Quyền (quận 10, TP.HCM). Ðối tượng phục vụ của họ là những sinh viên nghèo, người bán vé số, chạy xích lô, ba gác... Quán hoạt động vào các trưa thứ ba, năm, bảy với số lượng khoảng 350 suất ăn/ngày đã giúp nhiều cảnh đời khốn khó có một bữa ăn đàng hoàng giữa TP.HCM đắt đỏ.

Mô hình thành công, Hải và những người bạn dự định nhân quán cơm 2.000 thành một dự án ở nhiều nơi trên toàn quốc.

Câu chuyện mới nhất mà Hoàng Mạnh Hải kể là chuyện một bức thư: "Ðó là lá thư của thành viên có nick xelan90 ở Bình Dương. Anh này vốn là sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải, do bị tai nạn nên việc học đành bỏ dở. Suốt 19 năm qua anh nằm liệt giường, mọi sinh hoạt phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của mẹ và chị. Vậy mà chỉ với một ngón út cựa quậy được, anh đã lên diễn đàn để viết bài.

Bài viết của anh chỉ vỏn vẹn 500 chữ nhưng phải chầm chậm gõ suốt năm giờ liền. Ðó là một lá thư xin cứu giúp, nhưng không phải giúp anh mà giúp một người cùng xóm có cùng cảnh ngộ - là một người nằm liệt giường sau anh cả 10 năm. Trong bức thư gõ bằng ngón út tật nguyền suốt năm giờ đó anh không hề than vãn về bản thân mình, mà chỉ một mực xin giúp người bạn khó khăn kia.

Tôi nghĩ đó là câu chuyện nối tiếp của lòng nhân mà ai biết được cũng phải ngưỡng mộ. Không phải chúng tôi mà chính những con người bình dị và âm thầm đó sẽ viết tiếp câu chuyện về tình yêu thương, về giá trị cuộc đời…".

____________________

Đón đọc số tới: Những cuộc giải cứu thần kỳ

Trong khi cả thế giới hồi hộp về vụ cứu hộ 33 thợ mỏ tại Chile, thì trước đó đã có rất nhiều vụ giải cứu con người mà sự sống gần như không còn hi vọng. Nhân sự kiện ở Chile, Tuổi Trẻ mời bạn đọc theo dõi những vụ giải cứu kỳ diệu...

TẤN ĐỨC - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên