31/08/2010 05:05 GMT+7

Ngọn lửa cuộc sống - Kỳ 2: Phép nhiệm mầu

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Tôi nhớ hoài đôi mắt buồn của người đàn bà hơn 20 năm bán máu nuôi đàn con và người bạn bệnh tật. Nhớ cái dáng liêu xiêu của bà khi rời bệnh viện trong những lần trốn bạn rút máu. Nhớ hình ảnh rụt rè của bà ngồi chờ ở tòa soạn trong một chiều mưa chỉ để gửi lại số tiền mà bạn đọc đã giúp đỡ mình với một lời nhắn dung dị: “Tôi còn tự xoay xở được, giúp tôi chuyển số tiền này đến những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Bà đã truyền ngọn lửa cuộc sống của mình không bằng những lời lẽ to tát mà bằng những hành động giản dị, bằng chính cuộc đời nghèo khó và tấm chân tình của đời mình.

HFnJRd3A.jpgPhóng to

Bà Thúy (ngồi) và bà Ánh ôn lại chuyện cũ, chỉ cho nhau những cánh tay bị chai sần vì những lần rút máu - Ảnh: T.Anh

Kỳ 1: Gặp lại người dân công hỏa tuyến

Sông vẫn chảy đời sông...

Trong cái nghiệp làm báo, nhiều lần chúng tôi phải nhìn vào chính những nhân vật của mình mà ngẫm nghĩ. Nhân vật trong bài “Rút ruột nuôi bạn” (trong loạt bài “Lưu Bình - Dương Lễ thời nay” khởi đăng trên Tuổi Trẻ ngày 29-9-2008) là một trường hợp như thế.

Bà tên Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1951), còn người bạn gắn với đời bà từ thuở cơ hàn là Trần Thị Ánh (sinh năm 1959). Một người ở tận Bình Thuận, một người ở Bến Tre, họ tình cờ biết nhau trong những lần đi liên tỉnh bán máu. Và suốt hơn 20 năm qua, họ đã dìu nhau đi khắp đất nước để mưu sinh bằng cái nghề không ai muốn đó.

Những ngày khốn khó, họ chia nhau từng đồng lẻ kiếm được từ chính những giọt máu của mình để đỡ đần bạn khi bầy con ốm đau. Rồi bà Trần Thị Ánh chẳng may mắc chứng bệnh ung thư quái ác, không còn cách nào khác người còn lại vẫn đều đặn gõ cửa các bệnh viện để bán những giọt máu cuối đời nuôi bạn. Câu chuyện giữa hai người bạn ấy tuy có chút xót xa, đau đớn nhưng gợi cho người đời bao niềm hi vọng...

Ngày gặp lại, hai người phụ nữ ấy vẫn bên nhau trong căn nhà trọ chật hẹp ở quận Gò Vấp. Điều khác biệt duy nhất là căn nhà ấy bây giờ đã rộn tiếng cười. Bà Thúy vừa ẵm đứa cháu ngoại vừa tâm sự: “Bây giờ tôi không phải đi bán máu nữa rồi, chỉ ở nhà chăm bạn và trông cháu. Cũng may, khi việc tỏ tường mấy đứa con đã hiểu và thông cảm hơn với tôi”. Thì ra có những điều bạn bè có thể sẻ chia được, nhưng với những đứa con đôi lúc lại phải cần đến một cầu nối khác để giãi bày. Kể rằng, những đứa con bà Ánh còn trẻ người non dạ, nhiều khi vẫn thường mặc cảm về cái “nghề bán máu” của mẹ. Lũ nhỏ xem đó như một nỗi xấu hổ không muốn cho ai biết.

Hồi đó, do thường xuyên đi bán máu nên bà Thúy có quen biết một số người đi bán thận và cần mua thận. Với những người nghèo khó, bán thân thể mình để mưu sinh thì họ nghĩ đơn giản lắm, có ai giúp mình bán được cái cần bán là quý lắm rồi... bà Thúy cũng nghĩ thế nên mới giới thiệu cho họ người cần mua như một sự giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng sau đó thông tin được đưa lên báo, người ta nói bà dính vào “đường dây” mua bán thận.

Bà quá buồn. Thật ra chỉ có ai ở hoàn cảnh tận đáy xã hội mới biết trong câu chuyện cụ thể này với bà Thúy, làm gì có “đường dây” nào. Chuyện những nhóm người tổ chức đường dây thì các bà làm sao biết được. Chỉ biết rằng thấy người lơ ngơ muốn bán, hoàn cảnh họ khổ như mình nên chỉ. Chỉ rồi quên, có lấy đồng nào “huê hồng” đâu. Bởi cả cuộc đời khi lâm trận khó khăn, họ bán máu để sinh tồn chứ không bán đi sức khỏe người khác mà sống. Rồi xui rủi báo chí đăng lên. Rồi bà được công an gọi lên làm việc, nhưng xác minh mọi thứ người ta thấy bà vô can. Bà về nhà bình thường nhưng gia đình lại lâm vào khủng hoảng thật sự.

Trong mấy đứa con của bà Thúy, một đứa chịu không nổi đã dọn ra ở riêng hẳn. Nó hoang mang, nghi ngờ mẹ và dì...

Bước ngoặt

Rồi một ngày đứa con ở trọ xa kia tình cờ đọc báo. Chính cậu bật khóc trước câu chuyện của mẹ và dì. Thì ra, giữa tận cùng khó khăn, mẹ và dì vẫn chọn cho mình một cách sống và hi sinh vì người khác. Cái lý lẽ cao thượng nhất ở trên đời lại nằm ngay bên cạnh mình chứ không phải chỉ ở những quyển sách hay bộ phim, kịch... xa xôi nào đó. Đứa con trai trở về nhà. Nó tiếp tục đi học và sắp tốt nghiệp rồi. Những đứa con khác từ muộn phiền đã trở nên tự hào nhiều hơn về mẹ, về dì. Họ đi làm, ra tay giúp dì tiền chữa bệnh. Mẹ họ, bà Thúy, đã không còn phải lén bán máu nuôi bạn như ngày xưa nữa.

Và cũng chính nhờ những liều thuốc tinh thần đó mà điều diệu kỳ diễn ra: bệnh tình của bà Ánh ngày một đỡ hơn trước. Bà Thúy tâm sự: “Năm rồi tưởng bà Ánh đi rồi, ai ngờ nhờ những lời động viên của bạn đọc, của tụi nhỏ mà nó khỏe ra, tự tin hẳn lên. Nhiều người tìm đến muốn giúp đỡ tôi và bà Ánh nhưng tụi tôi chỉ nhận những lời động viên mà thôi. Còn vật chất thì tôi nói họ nhường lại cho những hoàn cảnh khốn khó hơn mình. Tôi chỉ mong bà Ánh khỏe, chỉ mong cuộc đời mình vẫn lặng lẽ trôi như vốn có của nó...”.

Dù không còn phải đi bán máu nuôi thân, nuôi bạn nữa nhưng người phụ nữ thỉnh thoảng vẫn “lén” đi hiến máu nhân đạo, chia sẻ những giọt máu của mình với những người bệnh hiểm nghèo khi bệnh viện cần. Kể về chuyện này, bà chỉ nói đơn giản: “Còn được chia sẻ với đời điều gì đó nghĩa là cuộc sống còn ý nghĩa”.

Câu chuyện của họ là vậy. Điều kỳ diệu cuối cùng đã xảy ra một cách khá hoàn hảo. Nhưng chắc chắn bản thân họ sẽ không biết được có những điều vô hình rất lớn mà họ làm được. Tình cờ một bạn đọc gọi điện cho tôi và kể câu chuyện này: “Một lần vào thăm người thân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi thấy một ông già gầy yếu thoi thóp trên giường bệnh.

Cô con gái và con dâu vào nuôi ông với dáng vẻ bực dọc. Trong lúc bực bội, không kiềm chế được cô con dâu buột miệng trước mặt ông già: “Ông đi thì đi cho nhanh, cứ nằm thoi thóp báo con cháu hoài...!”. Ông già chỉ biết đổ dòng nước mắt tủi nhục. Tình cờ một ông cụ cùng phòng lôi ra tập báo cũ, lấy câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ đưa cho cô con dâu đọc và nói: “Người ta là người dưng nước lã mà còn dám bán máu của mình để nuôi bạn, còn các con sao nỡ đối xử với cha mình như thế...”. Cô con dâu đọc xong câu chuyện của bà Thúy rồi bật khóc...”. Bạn đọc này dừng câu chuyện ở đó, nhưng tôi biết những chuyện gì đã xảy ra sau đó.

Trong căn nhà, kết câu chuyện của mình, bà Thúy nói giọng đầy suy tư: “Tôi tin cuộc đời luôn tồn tại những điều kỳ diệu!”.

_______________

Bà từng xuất hiện như nhân vật lạ: 20 năm sống trên vỉa hè cùng những con chó tật nguyền mà người khác vứt đi. Rồi sau bài báo, bà có cả 50 con chó trong một căn biệt thự. Bà nuôi và không bao giờ cho những con chó ăn thịt. Đó là cả một triết lý cuộc đời...

Kỳ tới: Bài học từ vỉa hè

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên