24/08/2010 07:59 GMT+7

Ông giám đốc sở đi xe đạp

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Không hiểu số phận run rủi ra sao mà trong 12 năm làm đại sứ ở ba nước Guinea, Chile và Angola thì cả ba nơi này ông phải đối mặt những cuộc đảo chính.

B5ZIPOJQ.jpgPhóng to
Ông Vũ Hắc Bồng chỉ một số kỷ vật trong sự nghiệp ngoại giao của mình - Ảnh: T.TUẤN

“Chú là một trong những đại sứ cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm...” - đại sứ Vũ Hắc Bồng mở đầu câu chuyện khi tôi đến nhà ông ở Q.7 (TP.HCM) để tìm hiểu về cuộc đời làm ngoại giao của ông.

Tháng 5-1969, ông là một trong những đại sứ cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký giấy cử đi làm đại sứ tại Guinea.

Ba cuộc đảo chính

Tháng 11-1970, khi ông đang làm đại sứ ở Guinea-Conakry thì xảy ra binh biến. Đảo chính nổ ra, phe quân sự lập tức lùng sục truy kích đại diện của các phong trào cách mạng có mặt tại thủ đô.

Giữa lúc sôi sục đó thì một nhóm đại diện hơn 20 người gồm cả phụ nữ, trẻ em chạy vào sứ quán Việt Nam xin trú ẩn. Lúc bấy giờ, tiếp nhận hay không tiếp nhận là vấn đề lớn và nghiêm trọng mà không thể điện về xin ý kiến Hà Nội kịp. Suy nghĩ một hồi, ông Bồng quyết định mở cửa sứ quán tiếp nhận đoàn người. Giờ đây, 40 năm đã qua, ông nói: “Hỏi ý kiến gì mà hỏi? Đảo chính chỉ mới nửa tiếng là họ đã chạy đến sứ quán rồi”.

Sứ quán những ngày chiến tranh còn rất nghèo khó. Gạo, miến, bột sắn, bánh đa có gì đều đem ra cả để giúp nấu cho đoàn người. May là đoàn cũng chỉ ở 48 giờ trong khi phe đảo chính không mò đến sứ quán. Đại sứ Bồng thoát nạn cuộc đảo chính lần 1.

Hỏi lại ông lý do tiếp nhận họ, ông bảo: “Vì nghĩa vụ mà mình phải mở. Đó không phải chuyện của sứ quán mà còn là chuyện hình ảnh của Việt Nam nữa”.

Năm 1973, ông Vũ Hắc Bồng đang làm đại sứ tại Chile. Ngày 11-9, tướng Pinochet đảo chính lật đổ chính quyền. Quân đảo chính lập tức ùa tới bao vây cả sứ quán Việt Nam và sứ quán Cuba (nằm ngay cạnh nhau ở thủ đô Santiago). Quân đảo chính đằng đằng sát khí quanh sứ quán. Không khí vô cùng căng thẳng. Đại sứ Bồng quyết định đi ra mời binh lính uống nước. “Lính bao vây cũng là lính nghèo. Mình ra cho nước, pha cà phê cho uống, lính họ cũng mừng, bớt căng thẳng dần” - ông vui vẻ kể.

Sinh năm 1927, ông Vũ Hắc Bồng bắt đầu vào ngành ngoại giao năm 1954 khi được đưa vào ban quản lý hiệp định Geneva (nhờ biết tiếng Pháp). Ông làm đại sứ tại Guinea từ năm 1969-1972, đại sứ tại Chile năm 1973 và đại sứ tại Angola từ 1976-1981. Từ 1982-2002 ông làm giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Rời Sở Ngoại vụ, ông tiếp tục làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao đến khi chính thức nghỉ hưu năm 2006.

Năm 2000, ông Bồng được Chủ tịch nước phong hàm đại sứ suốt đời. Đến nay cả nước mới có 10 người được phong hàm này, trong đó là các nhà ngoại giao kỳ cựu như Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan, Nguyễn Dy Niên...

Tình hình đang lúc căng thẳng thì bỗng có một phụ nữ Chile chạy vào sứ quán kêu nhờ giúp đỡ. Bà khóc van, nói con trai lên cơn đau tim và nhờ sứ quán đưa giúp con vào bệnh viện. Sứ quán khi đó ở thế rất khó. Đảo chính đang căng thẳng, đi ra ban đêm giờ giới nghiêm có thể bị bắn và đạn lạc bất cứ lúc nào. Bà mẹ khóc lóc, nài nỉ. Lại một quyết định khó nữa cho ông đại sứ.

Ông Bồng quyết định trực tiếp ra nói chuyện với quân đảo chính. Ngạc nhiên khi nghe ông đại sứ Việt Nam muốn cứu người Chile, người chỉ huy chấp nhận và còn khuyên ông cho xe cắm cờ. Thế là lái xe và bí thư thứ hai của sứ quán đã đưa hai mẹ con bà đến bệnh viện trên chiếc xe cắm cờ đỏ sao vàng.

Chặng đường chỉ dài 3km mà tưởng chừng như dài đằng đẵng. “Mình cử người đi mà thấy lo lắng vô cùng. Chỉ đến khi đoàn về an toàn rồi cả sứ quán mới thở phào nhẹ nhõm. Một cú làm rất mạo hiểm!”.

Anh Vũ Chí Công, lúc đó là bí thư thứ hai, giờ là đại sứ Việt Nam tại Cuba, kể lại: “Bà mẹ Chile sau khi đưa con đi bệnh viện lúc trở về qua sứ quán nói: Việt Nam đã cứu con tôi”.

Nhắc lại quyết định này, ông Bồng nói: “Mình cứ đắn đo mãi, nếu có chuyện gì xảy ra thì thôi cũng còn cái tiếng của Việt Nam. Không giải quyết thì Việt Nam sẽ chẳng có gì đặc thù nữa. Chỉ có làm vậy mới biểu hiện bản lĩnh của Việt Nam. Cứ thế mà làm thôi”.

Cuộc đảo chính ở Angola diễn ra suôn sẻ hơn vì phe đảo chính chỉ sau 48 giờ là thất bại. Lúc đảo chính, phe quân sự có gọi điện đến sứ quán để thuyết phục là đảo chính đã thành công và yêu cầu Việt Nam lên tiếng ủng hộ. Ông Bồng khi đó chỉ trả lời: “Tất cả tùy thuộc vào hành động sắp tới. Việc đó là việc nội bộ của các anh”.

Nhớ lại những quyết định sống còn này, ông Bồng kết luận: “Đã làm ngoại giao thì luôn có thách thức... Luôn luôn chú tâm đắc là phải nghĩ đến đất nước. Những việc lúc khó khăn nhất, bất cứ lúc nào anh cũng nghĩ đến hàng chục triệu nhân dân thì anh sẽ có được sức mạnh”.

Ông “Vũ Hắc Ín”

Khi tôi hỏi có thể tìm những ai ở Sở Ngoại vụ TP.HCM biết về các hoạt động ngày xưa của ông, ông trả lời luôn: “Cháu đến gặp hai anh lái xe của chú. Anh Hùng và anh Bích”.

Anh Bích, lái xe cho ông từ năm 1984 tới 1994, giờ tóc cũng đã bạc. Anh nhớ về sự giản dị và tình cảm của ông Bồng.

“Chiều nào không phải tiếp đoàn ông cũng nhắc tôi chở ông đi thăm nhà các nhân viên. Lần nào ông cũng cố thăm 1-2 nhà. Có người nhà trên tầng 5-6, phải đi bộ lên ông cũng cố trèo lên. Trong suốt 20 năm ông làm giám đốc sở, đây là việc hầu như ông thường xuyên làm. Có lần ông đi ngang thấy anh cảnh sát lớn tuổi thường đứng ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai. Một hôm đang đi, ông Bồng kêu tôi dừng xe, nói ra hỏi tên người cảnh sát. Tôi ra hỏi thì người cảnh sát mặt xám ngoét vì không hiểu ông muốn gì (ông Bồng tóc bạc, hình dáng trông hao hao đồng chí Phạm Hùng). Anh tên Đào, đang là đại úy. Ông Bồng bảo tôi cầm gói quà nhỏ tặng anh. Hóa ra từ lâu, ông Bồng vẫn quan sát thấy người cảnh sát già này lặng lẽ làm việc nơi đây và ông đã chuẩn bị món quà nhỏ để tặng”.

Chị Lê Thị Lan Hương, chánh văn phòng Sở Ngoại vụ, nhớ tác phong dễ gần, mộc mạc của ông trong suốt hơn 20 năm lãnh đạo. “Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông giám đốc đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm để thăm anh em. Cái dáng chạy xe lết lết một chân lúc lên xe, xuống xe kiểu người Bắc ngày trước”. Dù làm giám đốc sở và có tiêu chuẩn đi xe nhưng ông Bồng khi không có việc vẫn thường tự đạp xe đi về nhà chứ ít khi nhờ xe cơ quan.

Ở Sở Ngoại vụ, các nhân viên từng làm việc dưới quyền ông đều gọi ông bằng cái tên “bố già” hoặc “bố Bồng”. Những người làm với ông ai cũng nhớ ông già tóc bạc phơ lúc nào cũng cắt tóc sát, đầu đinh dựng ngược, dáng đi phăm phăm, năng nổ.

Ông tên Vũ Hắc Bồng lại cộng với nước da ngăm ngăm. Nhiều người mới đến thành phố tưởng anh em trêu nên gọi ông là “Vũ Khắc Bồng” thì ông đều chỉnh lại: “Tớ Vũ Hắc Bồng, không phải Khắc”. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mỗi lần vào đều nói chuyện rất vui vẻ và nể phục ông. Ông Thạch hay gọi tên ông Bồng là “Vũ Hắc Ín”.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên