21/06/2010 10:13 GMT+7

Nhà báo Bùi Thanh: Người dị ứng với sự vô cảm

Theo Báo Pháp Luật TP.HCM
Theo Báo Pháp Luật TP.HCM

Nhiều chương trình lớn của báo Tuổi Trẻ có dấu ấn của anh. Bùi Thanh, Lê Đức Dục và các đồng nghiệp Tuổi Trẻ vừa đoạt giải nhất báo chí TP.HCM và giải B báo chí quốc gia với loạt bài "DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa".

Wu73dgsl.jpgPhóng to
Hai nhà báo Bùi Thanh (trái) và Lê Đức Dục trong một chuyến ra nhà giàn DK1

… Một buổi chiều cuối năm 1996, ở văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, Bùi Thanh đưa cho Lê Đức Dục (lúc này là cộng tác viên) tờ báo Tin Tức của TTXVN với một bản tin “Bão biển, hàng ngàn ngư dân Hậu Lộc mất tích” và nói: “Ông về ngay Thanh Hóa đi”. Nhà báo Lê Thọ Bình, Trưởng VP và Lê Đức Dục lên đường, Bùi Thanh ở nhà đi chất vấn các cơ quan cứu nạn, cứu hộ.

“Đo” cảm xúc người đọc

Lê Đức Dục kể: “Từ Thanh Hóa về, tôi theo Bùi Thanh đi phỏng vấn Cục Hàng hải, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia… Tôi biết thêm cái tính cách theo đuổi sự việc đến cùng của anh. Nhất là sự mẫn cảm đặc biệt với những số phận con người!”.

Từ ngữ mà Bùi Thanh dị ứng nhất là từ “vô cảm”! Từ câu chuyện về một hành khách vì không ăn cơm “tù” mà bị đánh đến chết, Tuổi Trẻ đã tổ chức loạt bài “Cơm tù xe cướp” và đoạt giải báo chí quốc gia năm 2003. loạt bài đó có công sức tổ chức của Bùi Thanh và sau đó chính anh và nhà báo Vũ Toàn trở thành nhân vật trong chương trình “Người đương thời” của VTV.

Năm 2004, Tuổi Trẻ có chương trình “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” với nhiều sự kiện lớn như quyên góp từ bạn đọc để ủng hộ kinh phí các nạn nhân đi kiện, tổ chức “Đêm trắng” với nạn nhân da cam, vận động 1 triệu chữ ký ủng hộ nạn nhân… Những điều ấy bắt đầu từ lá thư của một bạn đọc nhắc đúng cái từ mà Bùi Thanh vốn dị ứng: Xin đừng vô cảm. Bùi Thanh đã góp phần cùng ban biên tập Tuổi Trẻ tổ chức thành công tuyến sự kiện này.

Cũng năm 2004, trên Tuổi Trẻ có bài về những học trò nghèo Quảng Trị thi đại học năm nào cũng đỗ nhưng vẫn không đến được giảng đường vì quá nghèo. Câu chuyện không dừng lại đó mà được đẩy thành chương trình lớn “Học bổng tiếp sức đến trường” dành cho sinh viên đậu đại học nhưng không thể theo học vì nhà nghèo.

Và cho đến nay đấy là một chương trình được cộng hưởng rất nhiều từ các tỉnh, thành trong cả nước. Và nhiều nữa, những câu chuyện nhật ký Nguyễn Văn Thạc, nhật ký Đặng Thùy Trâm, những con người cùng chung một lý tưởng, cùng khát vọng như Paven Korsaghin, qua con mắt và tấm lòng mẫn cảm của một người làm báo như Bùi Thanh đều được đẩy đến tận cùng… Bùi Thanh “đo” được độ rung của sự kiện bởi chính anh đồng cảm với những con người, những số phận đó.

Câu chuyện về ánh sáng trên nhà giàn DK1

Khi Bùi Thanh không còn giữ chức phó tổng biên tập, nhiều người cứ lo rằng anh sẽ thế này, sẽ thế kia. Nhưng Bùi Thanh vẫn thế, vẫn thích bắt nhịp hát “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ..”. Anh vẫn viết với tinh thần, trách nhiệm công dân, vẫn nồng nàn nhiệt huyết. Những gì anh làm tự thân nó đã là một quan niệm sống: Sự nghiệp của một nhà báo chính là những gì anh mang lại cho độc giả, cho xã hội dù ở cương vị nào.

Tháng 4 năm ngoái, Bùi Thanh và Lê Đức Dục có mặt trên chuyến tàu mang tên “Hành trình vì biển, đảo quê hương” do Trung ương Đoàn tổ chức. Nhưng Trường Sa và thềm lục địa đồng nghiệp đã đi, đã viết nhiều, liệu có thêm điều gì mới mẻ, lay động hơn? Thay cho câu trả lời, kết thúc chuyến đi, Bùi Thanh và Lê Đức Dục thực hiện tuyến bài “DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa” dài tám kỳ. Rồi chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn” được cộng hưởng từ tấm lòng bạn đọc cả nước.

Bài báo kết thúc loạt hồ sơ về DK1 do anh chấp bút giật cái tít: “Hãy làm DK1 rực sáng biển đêm”. Đó là số báo ra ngày 26-6-2009. Cũng sáng hôm đó, từ Vũng Tàu, anh ra dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập DK1 ở ngay bãi Phúc Tần, Bùi Thanh mang theo mấy tờ báo Tuổi Trẻ tặng anh em DK1. Thượng tá Đỗ Minh Tuấn - Trưởng Ban Thanh niên Hải quân đã mang những tờ báo ấy đặt trên bàn thờ trong lễ tưởng niệm. Khi buổi lễ diễn ra, nhiều người lính đã thả tờ báo Tuổi Trẻ có dòng tít ở trang 1: “Hãy làm DK1 rực sáng biển đêm” xuống biển như một ước nguyện với vong linh những người lính nhà giàn đã ngã xuống.

“Hãy làm một cái gì đó!”

Khó có thể đếm hết bao nhiêu “cái gì đó” mà Bùi Thanh đã làm với trách nhiệm của nhà báo, của công dân và niềm tin vào lý tưởng của anh. Giải thưởng giải báo chí quốc gia và giải báo chí thành phố năm nay cho loạt bài về DK1 là một niềm vui lớn của Lê Đức Dục, Bùi Thanh và đồng nghiệp Tuổi Trẻ. Nhưng vui hơn cả là trên những nhà giàn giữa trùng dương, ánh điện đã bừng lên đêm đêm, năng lượng không chỉ bằng ánh sáng mặt trời mà từ tình cảm của bạn đọc, của người dân cả nước.

Lê Đức Dục tâm sự: “Tuy đứng tên đồng tác giả với anh trong loạt bài này nhưng tôi chỉ là người phụ việc, chính Bùi Thanh mới là người đẩy câu chuyện DK1 lên thành những cơn bão cảm xúc cho người đọc, biến tình cảm bạn đọc thành hành động thiết thực!”.

Có một lá thư của một bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ viết: “Tôi và các bạn tôi không còn trẻ lắm. 20 năm chúng tôi yêu đương, 20 năm xây dựng hạnh phúc gia đình, 20 năm kiếm tiền và xây được cho mình một ngôi nhà khang trang, học hành và thành đạt công danh...

Trong khi đó, anh em hải quân của chúng ta đã dành trọn khoảng đời trai trẻ đó cho biển cả quê hương. Điều đó làm tôi giật mình nhìn lại bản thân khi đầu óc bao nhiêu năm nay cứ luẩn quẩn với bài toán hơn thiệt mỗi ngày, với những chỉ số chứng khoán và số tiền kiếm được... Hãy làm một cái gì đó cho những người lính DK1. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết lòng”.

B0LTNaYD.jpgPhóng to
Bùi Thanh hát “Paven Korsaghin” ở đảo Đá Đông

Mới tháng trước, Bùi Thanh lại có mặt trên chuyến tàu ra Trường Sa và thềm lục địa lần thứ ba. buổi sáng trước khi lên nhà giàn DK1/15, anh nói với mọi người trên tàu: “Có cái gì có thể tặng cho lính DK1 mọi người nên mang theo lên nhà giàn đi”. Ừ nhỉ, sự yêu thương và quan tâm đôi khi chỉ giản dị như thế.

Nghe anh nói, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vội chạy về phòng gom hết mấy cuốn sách quý mà anh mang theo để đọc trong chuyến đi bỏ vào ba lô cõng lên nhà giàn, Bùi Thanh lấy thêm hũ ruốc, chai dầu gió vợ anh mới cho anh vẫn chưa dùng, có mấy bạn nữ gửi thêm gói ô mai sấu… Mấy anh chị khác trong đoàn làm theo, mỗi thứ một tí. Câu chuyện nhỏ thôi nhưng ai cũng thấy vui vì đã “làm cái gì đó” theo cách của Bùi Thanh.

Vậy là anh đã mang được thông điệp “Hãy làm một cái gì đó” đến với mọi người. Và đó cũng là khi anh đồng hành được với những bài ca mà anh yêu thích: “Này bạn thanh niên, hãy nhớ lấy, ta sống chỉ một đời. Sống sao cho đẹp với ước mơ một kiếp người. Hãy sống như vầng dương sáng, sống hiến dâng vì tổ quốc. Nào ta tiến lên, dù khó khăn ta không sờn” (bài hát Paven Korsaghin).

Sắp bước vào tuổi 50 nhưng Bùi Thanh vẫn là một chàng trai với trái tim luôn sôi sục, ngập tràn tình cảm và bị thôi thúc bởi trách nhiệm công dân - trách nhiệm nhà báo dù ở bất cứ cương vị nào.

Bùi Thanh tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM khoa Tiếng Nga, anh có nhiều năm tình nguyện về dạy tận miệt Hà Tiên trước khi thi tuyển vào báo Tuổi Trẻ.

Khi viết bài báo này, chúng tôi muốn hỏi ý kiến của Bùi Thanh nhưng lại thôi vì biết chắc chắn rằng anh sẽ phản đối. Nhưng câu chuyện nghề của anh không là câu chuyện của anh nữa, nó là câu chuyện về một nhà báo trong tình huống nào cũng vẫn luôn vững tin ở lý tưởng của mình, vào con đường mình chọn.

Nhưng Bùi Thanh không chỉ là một nhà báo dấn thân. Ngày trước, tôi vẫn thấy trên bàn làm việc của anh thường có một cái hộp nhỏ, trong đó luôn có một nhành hoa sữa được gửi từ Hà Nội, thơm ngọt ngào giữa sự chật chội văn phòng. Hoa ấy do bạn gái anh từ Hà Nội gửi tặng, người ấy là chị Hạnh, mẹ hai đứa con trai anh.

Theo Báo Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên