15/06/2010 03:35 GMT+7

Tuổi thơ nơi "thành phố chết"

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM), “thành phố chết” mênh mông ấy lại là nơi cưu mang, chở che những cô bé, cậu bé lớn lên từng ngày. Tuổi thơ của những đứa trẻ côi cút và hắt hiu trôi đi trên vùng đất của người chết nhưng vẫn ấp ủ đầy mơ ước.

USloJiZJ.jpgPhóng to
Dù cơ cực nhưng những đứa trẻ cư ngụ nơi nghĩa địa vẫn ấp ủ nhiều mơ ước - Ảnh: My Lăng

Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa chiều đầu tháng sáu, Mén (tên thật là Huỳnh Thị Ngân), cô bé 9 tuổi có mái tóc vàng cháy nắng, đang nằm ngủ trưa dưới... gầm bàn thờ Phật, hai chân khẳng khiu thò ra ngoài. Bên cạnh Mén là những “cư dân” của “TP chết” đang khom chân, bó gối... chen chúc nhau trong cái gầm bàn thờ có nền ximăng dài hơn 2m, rộng chưa tới 1m.

Bé Múi (tên thật là Trần Anh Vân, 10 tuổi) đang đọc một quyển sách giáo khoa lớp 5. Bé Chuột (tên thật là Phúc, 18 tháng tuổi) cứ nhoài người bò ra ngoài đất nghịch mấy cọng lá vàng nhăn nhúm. Còn Thun (Trực Em, 5 tuổi) và Thoòng (Trần Huỳnh Trọng Hiếu, 12 tuổi) đang hí hoáy vẽ hình trên tờ giấy học trò.

Thế hệ thứ ba

Mén vuốt ve con mèo đen đốm vàng giới thiệu: “Con mèo hoang này là bạn thân nhất của tụi con đó. Người ta mang ra đây bỏ nó hồi còn nhỏ xíu, tụi con nhặt về nuôi. Giờ nó 1 tuổi rồi”. Cô bé da ngăm có đôi mắt sáng và trong veo, hồn nhiên kể: “Chỉ có anh Hai con (bé Trọng Hiếu) được lấy họ ba thôi. Còn con lấy họ bà ngoại. Tụi con ở đây đứa nào cũng khó nuôi nên phải đặt tên cúng cơm cho dễ nuôi”.

Mén gầy mảnh khảnh, hồn nhiên và mộc mạc như những loài hoa dại mọc đây đó trong nghĩa trang này...

Chín năm trước, Mén chào đời ở đây, ngay tại nghĩa trang lớn nhất, nhì của TP. Cha bỏ đi khi cô bé còn đang trong bụng mẹ, Mén chưa một lần thấy mặt cha. “Con thương mẹ và bà ngoại nhất. Nhưng ngoại con chết rồi. Chỉ còn ông ngoại nhưng hổng biết ông ngoại ở đâu, còn sống hay không” - Mén bảo.

“Nhà” của Mén ở đây là một đại gia đình có bốn người phụ nữ. Bà ngoại Mén đến đây từ năm 1980. Mẹ của Mén, dì của Mén lần lượt sinh ra ở đây. Rồi lần lần đến những đứa trẻ trạc tuổi Mén “rủ nhau” chào đời và lớn lên. Có đứa chưa từng thấy mặt cha bao giờ...

Người mẹ trẻ nhất ở đây mới 25 tuổi, một mình nuôi ba đứa con: bé Múi, bé Thun và bé Chuột. Những đứa trẻ từ khi mới lọt lòng đã được đưa thẳng từ bệnh viện vào nghĩa trang. Mấy mẹ con lủi thủi trong túp lều không điện, không giường, đầy muỗi và ẩm thấp.

Nỗi buồn trẻ thơ chưa định hình rõ trong đầu non nớt của Múi nhưng nhắc về cha, con bé cười mà mặt buồn hiu: “Ba con lâu lâu mới ghé thăm một lần, cho con 20.000 đồng rồi lại đi. Nhà bạn con trong lớp ai cũng nghèo. Con cũng nghèo nhưng con không có ba như tụi nó”.

Từ lâu, nghĩa trang Bình Hưng Hòa không chỉ là nơi cư ngụ mà còn là “nhà trẻ” của chúng. Trò chơi duy nhất trong ký ức thời ấu thơ của lũ trẻ là những lần thơ thẩn chập chững bò quanh mộ nô đùa. Đối với những cô bé, cậu bé ở đây, những ngày thanh minh, tảo mộ, nhiều người đi thăm mộ là những dịp “đại tiệc” và vui nhất trong năm.

“Người ta đi thăm mộ xong có người để lại đồ cúng, tụi con xách cái xô, cái thau mỗi đứa chạy một góc. Chỉ một lát là xô đầy nhóc!” - bé Thoòng háo hức kể.

4 tuổi, đám trẻ đã lon ton theo mẹ, theo dì ra mộ rửa bình bông, quét mộ, sơn mộ, nhổ cỏ... để mưu sinh. Những ngày tết rồi đến tiết thanh minh, bé Thoòng, bé Mén, bé Múi lại mắt nhắm mắt mở thức dậy phụ mẹ và các dì bán nước, hoa, nhang cho người thăm mộ.

Mén bảo: “Người ta đi thăm mộ vô chừng lắm, có bữa trưa, có bữa chiều, có bữa 1-2 giờ sáng thì tụi con cũng phải dậy phụ dọn hàng”.

Lấp lánh ước mơ

“Con sẽ đi bán kem” - thằng Thun già dặn như người lớn khi nói về dự định tương lai của mình. Bé Múi thật thà bảo: “Lớn lên con đi học uốn tóc. Má con biểu làm uốn tóc mới có tương lai”. Múi đang học lớp 5, cùng trường với Mén (lớp học tình thương tại Trung tâm Chắp cánh của bà Tim Aline Rebeaud, Q.Bình Tân).

Còn Mén mim mím cười, ỏn ẻn nói: “Con ước mình mau mau lớn, học thiệt giỏi, kiếm thiệt nhiều tiền, xây cho má căn nhà, hổng sợ bị mưa hắt, muỗi cắn như bây giờ nữa”.

Mén vừa học hết lớp 3. Hai năm trước Mén là học sinh giỏi. “Năm nay con chỉ được học sinh tiên tiến thôi. Con thích đi học lắm, vừa vui vừa gặp được nhiều bạn mà hổng phải còng lưng làm hoa (vòng hoa phúng điếu) nữa” - Mén nói, đôi mắt trong veo thấp thoáng buồn.

Mùa hè của tụi nhỏ mới bắt đầu. Đó là những ngày phụ người lớn bán nước, bán hoa, bán nhang và kết hoa vải. Cả mấy đứa con nít cong lưng cặm cụi làm mấy ngày trời mới kết xong 1.000 bông, được 13.000 đồng... Sân chơi ngày hè của các em là khu đất trống nhỏ hẹp trong nghĩa trang với những trò chơi trẻ con dân dã thường ngày.

Cơn mưa chiều ập đến. Bé Mén, bé Múi, thằng Thoòng vội chui vào gầm bàn thờ Phật. Ba gương mặt trẻ thơ hớn hở lú ra nhìn trời mưa và reo toáng lên.

Gió quật từng vạt nước hắt vào. Lạnh run người. Ở một góc sát hai ngôi mộ, bé Thun run rẩy đứng nép vào mẹ. Mưa hung hăng tạt vào từng đợt. Trong không gian xám xịt của gió, của mưa và những ngôi mộ thấp thoáng xa gần, gương mặt của những đứa trẻ tái mét vì lạnh.

Cả nhóm đứng co ro nhưng vẫn nhoẻn nụ cười tươi rất hồn nhiên và đôi mắt ngời sáng lấp lánh những ước mơ.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên