06/06/2010 04:36 GMT+7

Người biết vui với khiếm khuyết

TRẦN BÁ THIỆN
TRẦN BÁ THIỆN

TT - Trần Bá Thiện không phải là một nhân vật xa lạ, thậm chí quá quen thuộc là đằng khác. Nhưng chúng tôi vẫn muốn trở lại với nhân vật này, vì anh luôn cho những người đối diện sự bất ngờ.

PA57NLHF.jpgPhóng to
Thời gian rảnh rỗi, hai cha con anh Trần Bá Thiện chơi nhạc cùng nhau - Ảnh: Như Hùng

Trần Bá Thiện là một người khiếm thị từ 30 năm nay. Và việc duy nhất anh không thể tự làm là đi xe máy. Ai mới gặp cũng ngạc nhiên khi thấy Thiện thao tác trên máy vi tính, lướt web, chat và cả lập trình ào ào. Những người quen anh đã lâu vẫn cứ ngạc nhiên khi chỉ qua giọng nói anh có thể đoán biết được tâm trạng, qua một cái nắm tay đoán được thể trạng, và có những câu hỏi dường như không phải của một người khiếm thị: “Dạo này em gầy đi. Hôm nay em cười tươi hơn...”.

Anh không chỉ đọc rất nhiều báo mà còn cả viết báo. Ngồi sau xe máy, Thiện không thể cầm lái nhưng có thể... chỉ đường, đoán biết từng ngã ba, ngã tư trong nội thành chằng chịt của TP.HCM. Anh lại còn thích đi đây đó “ngắm cảnh”, mới đây còn làm một chuyến ngao du xe máy xuống tận Cà Mau và khi đi ngang cầu Cần Thơ vừa khánh thành, anh nhắn về một tin khiến những người đã thân quen cũng muốn bật ngửa: “Cầu Cần Thơ thật là lộng lẫy”.

Sinh nhật mù

Mù thì có sao đâu

Thiện kể một câu chuyện dễ làm nhói lòng người nghe: khi con gái của anh hờn dỗi “Sao ngày nào con cũng cầu nguyện cho ba hết bị mù mà ba vẫn cứ mù vậy?”, Thiện đã ôm con vào lòng vỗ về: “Ba mù thì có sao đâu, ba thích bị mù mà”. Cô bé 5 tuổi không đồng ý: “Bị mù có gì vui đâu mà thích chứ”.

Tôi đồng ý với bé Nguyệt Vi mù thì có gì mà thích, nhưng tôi cũng đồng ý với Trần Bá Thiện vì chính anh đã chứng minh: mù thì có sao đâu.

Một sáng anh nhắn tin cho tôi: “Hôm nay là sinh nhật anh đấy, xin em một lời chúc”. Thật là vui, tôi nhanh nhảu gửi một lời chúc mừng theo thói quen “vui vẻ, may mắn, thành công, hạnh phúc” để rồi sau đó vào trang ghi chép riêng của anh trên mạng, lặng người khi biết đó là ngày mà Thiện gọi là “sinh nhật mù”, ngày mà cách nay 30 năm chàng thanh niên 19 tuổi phơi phới bỗng nhiên chìm vào tăm tối khi gặp phải một quả đạn trên bãi biển trong kỳ nghỉ hè.

Chưa một lần nghe Thiện kể lại tâm trạng của anh những ngày đó, tôi đã thử nhắm mắt vài phút để thấy mình bị tước đi cả thế giới, để thấy mình chắc chắn sẽ tuyệt vọng, sẽ... không còn muốn sống.

Trần Bá Thiện chắc cũng từng tuyệt vọng, từng không muốn sống, nhưng rồi chàng trai 19 tuổi ngày ấy đã vượt qua bóng tối rất nhanh, tìm ngay lại được sự tự tin chỉ sau vài tháng học khóa phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị. Không quay lại được trường học, Thiện cũng đi đến những cơ sở làm nghề thủ công ít ỏi dành cho người khiếm thị để tự lập, nhưng rồi anh lại không cam tâm được với việc bện chổi, vót tăm. Không lẽ người khiếm thị chỉ có thể vót tăm hay mò mẫm lang thang đi bán vé số? Phải tìm con đường sáng hơn.

Thiện nộp đơn quay lại trường. Bị từ chối. Thiện mang đàn guitar đến nhạc viện xin vào học. Lắc đầu. Không nản chí, đêm đêm Thiện ôm radio tự học tiếng Anh qua các đài nước ngoài, vác cây đàn đi học từng ngón nghề của những bậc đàn anh. Con đường sáng dần qua từng từ ngữ, vui dần trong từng nốt guitar bập bùng. Sau vài năm, Thiện bắt đầu kiếm sống được bằng việc dạy đàn và dịch các bản tin Anh ngữ.

Rồi nhờ tiếng Anh bắc cầu, Thiện đăng ký học một khóa vi tính đào tạo từ xa dành cho người khiếm thị của Mỹ, và là học chay. Mấy năm sau, Thiện mới mua máy vi tính, tiếp tục tự mày mò học, mở rộng thế giới của mình, viết những phần mềm, tài liệu, thành lập trung tâm tin học, giảng dạy tại các lớp học, mang thế giới thông qua máy tính đến với người khiếm thị Việt Nam... Anh trở thành chuyên viên vi tính và được vinh danh là Hiệp sĩ công nghệ thông tin vào năm 2004 như thế.

“Chẳng ai hiểu vấn đề của người khuyết tật hơn người khuyết tật. Chẳng ai giúp đỡ người khuyết tật hiệu quả hơn chính họ” - Thiện bảo thế và ngoài giờ đi dạy vi tính, anh còn mang sách bút đi học đại học tại chức khoa xã hội học, phát triển cộng đồng. Các dự án của anh lần lượt được tài trợ của các tổ chức phi chính phủ và nên vóc nên hình. Thiện còn tự đến sân bay quốc tế, bay hai ngày đêm qua mấy chặng quá cảnh để đến ĐH Cornell (Mỹ) cách 13 múi giờ để dự hội thảo về phát triển cộng đồng. Kể về câu chuyện đi nửa vòng trái đất một mình ấy, Thiện bảo: “Mù là một lợi thế. Mình rất nổi bật ở những nơi mình xuất hiện”.

Ngạc nhiên đến sửng sốt nhưng rồi tôi biết Trần Bá Thiện hoàn toàn thành thật khi cùng với cộng đồng mạng kỷ niệm “sinh nhật mù” của mình. Một cuộc đời mới của anh đã sinh ra từ ngày ấy, không còn là ngày thảm họa mà đã thành một ngày kỷ niệm không thể thiếu. Cuộc đời ấy cũng lớn lên và phát triển theo quy luật, xứng đáng được chúc “vui vẻ, may mắn, thành công, hạnh phúc” mỗi năm.

3fFD0pyV.jpgPhóng to
Anh Trần Bá Thiện cùng các học trò khiếm thị của mình tại lớp học vi tính - Ảnh: Như Hùng

“Chúng tôi bình đẳng”

"Nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước cho thế gian không còn người khuyết tật nữa, không còn người mù nữa. Nếu điều ấy được ứng nghiệm, tôi sẽ xin hãy cho tôi là người mù cuối cùng được sáng mắt. Bởi tôi và nhiều người khác tuy có mang thương tật nặng nhưng chúng tôi không còn khuyết tật từ ngày biết vui với cái khiếm khuyết ấy"

Lớp tin học văn phòng dành cho người khiếm thị nằm trong dự án Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật của ĐH Văn Lang mà Trần Bá Thiện đang phụ trách giảng dạy đến khóa thứ 3, chỉ là một trong rất nhiều hoạt động để mở rộng đường hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.

Trong lớp học, thầy và trò không chỉ dạy cho nhau kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng mà nhiều hơn nữa là sự tự tin, cách ứng xử để có thể đàng hoàng khua gậy đi giữa chốn đông người, sử dụng các dịch vụ công cộng, bình đẳng nộp hồ sơ dự tuyển vào một công việc...

Thiện kể không ít học trò của anh đã rơi nước mắt khi gặp bài tập khó, khi cảm thấy bất lực trước một rào cản, và anh dạy học trò: hãy mang một cái túi bên người, mỗi khi than thở thì bỏ vào đó một cục đá hay viên gạch. Túi nặng quá thì có đi được nữa không? Khi đó phải tìm cách khắc phục, phải tìm một niềm vui để vứt bớt gạch đá ra ngoài, để nhẹ nhàng đi tiếp.

Có theo dõi những nỗ lực không mệt mỏi ấy của Trần Bá Thiện và những người trong cộng đồng người khuyết tật của anh mới hiểu được những cú sốc, những sự tổn thương, nỗi phẫn nộ mà nhiều khi xã hội đã vô tình hay hữu ý gây ra cho họ. Ngân hàng từ chối cấp thẻ ATM cho người khiếm thị, hàng không từ chối chuyên chở người khiếm thính nếu không có người đi cùng, người khuyết tật vận động không được dành riêng lối đi, sự trợ giúp trên các phương tiện công cộng, trình duyệt web ưu tiên tiện ích media, cập nhật mà quên những bạn đọc khiếm thị...

Nhiều người khuyết tật đã chọn cách im lặng trước những nỗi buồn ấy và chọn một cách đơn giản để giải quyết: đi cùng một người sáng mắt. Nhưng Trần Bá Thiện thì không. Anh khẳng định: “Tôi cảm thấy rất bực tức mỗi khi mình bị loại ra khỏi sự sắp xếp cho đời mình. Vì thế, tôi cương quyết phải tham dự vào cuộc sắp đặt này”. Anh luôn là người đi đầu và là người kiên trì nhất trong việc đấu tranh đòi lập lại sự bình đẳng. Thiện gửi đến tận các cơ quan có trách nhiệm giải quyết những lá thư không khoan nhượng, Thiện viết những bài báo đưa sự việc ra công luận, phát động những phong trào đấu tranh trên các diễn đàn của người khuyết tật...

Cái tên Trần Bá Thiện trở nên quen thuộc trong các cuộc tranh luận về quyền lợi của người khuyết tật và góp phần gặt hái được những kết quả đáng kể trong việc thay đổi tư duy cộng đồng. Các hãng hàng không, ngân hàng đã lên tiếng xin lỗi khi có nhân viên phân biệt đối xử với người khuyết tật, các phương tiện truyền thông đã có cách tiếp cận đồng cảm hơn, cân bằng hơn với người khuyết tật...

Tất nhiên, con đường đi đến một xã hội văn minh, nhân văn, không rào cản vẫn còn rất dài. Thiện và các bạn đồng hành của anh vẫn cứ đi, bình thản tìm những niềm vui, hạnh phúc cho mình, vô tư để lại trên đường những bài học sống...

TRẦN BÁ THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên