15/04/2010 05:12 GMT+7

Hiện tượng ba sa - Kỳ 2: Rời chiếc bè tre

PHƯƠNG NGUYÊN - QUANG VINH
PHƯƠNG NGUYÊN - QUANG VINH

TT - “Không phải đơn thuần là một hiện tượng nữa mà đó là một kỳ tích”, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận xét.

Cây lúa, hạt gạo và con tôm từng tạo nên hiện tượng kinh tế, làm thay đổi diện mạo vùng ĐBSCL nhưng con cá ba sa, cá tra lại có sức phát triển thật lạ kỳ, đã tạo nên một kỳ tích với mức tăng trưởng chưa ngành nào đạt được trong thời gian vừa qua.

8nFUFe1H.jpgPhóng to

Thu hoạch cá ba sa - Ảnh: P.Nguyên

Kỳ 1: Từ cá trôi sông đến làng bè

Sự tăng trưởng lạ kỳ

Cuối những năm 1980, con cá ba sa bắt đầu rời những làng bè của vùng đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu để mở màn cho chuyến ngao du trời Tây. Anh Võ Đông Đức, tổng giám đốc Công ty Caseamex (Cần Thơ), kể lại: lúc đó tại ĐBSCL chỉ có hai đơn vị đi đầu trong việc chế biến, đưa mặt hàng cá ba sa phi lê ra nước ngoài là Công ty Agifish và Angitexim của tỉnh An Giang.

Khi mặt hàng này được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài, giá cả tương đối hấp dẫn thì các công ty bắt đầu mở rộng mạng lưới thu mua, chế biến. Vùng đầu nguồn Châu Đốc (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã sớm mở rộng làng bè, có lúc lên đến hàng ngàn chiếc mỗi nơi. Từ đây, con cá ba sa vẫy vùng thoát khỏi những bè cá của vùng châu thổ đục phù sa để vươn mình ra thế giới.

“Cá ba sa lúc đó chủ yếu nuôi trong lồng bè, sản lượng rất ít và thấp. Khi thị trường nước ngoài bắt đầu chuộng và yêu cầu cung cấp ngày một nhiều hơn thì con cá ba sa ngày càng thể hiện sự đuối sức. Một công ty của Úc đã yêu cầu công ty của chúng tôi tìm con cá gì đó thay thế sản lượng cho con cá ba sa và họ đã cử hẳn chuyên gia tới ĐBSCL để cùng chúng tôi nghiên cứu. Trong nhiều loài cá họ thống nhất chọn con cá tra, vì có đặc điểm sinh trưởng, thịt phi lê tương tự ba sa. Thế là container cá tra phi lê đầu tiên của Việt Nam được xuất qua Úc, thị trường này sau đó chấp nhận mặt hàng này. Đó là tín hiệu đáng mừng ở buổi đầu sơ khai”, anh Võ Đông Đức hồ hởi kể lại.

Vài tháng sau, Công ty Cataco (tiền thân của Caseamex) tiếp tục xuất hàng qua châu Âu và rồi như một phép mầu, thị trường châu Âu cũng say mê con cá tra, ba sa của Việt Nam. Đến năm 1995, anh Đông Đức mở ra trang chính cho con cá tra khi lần đầu tiên đưa con cá này thâm nhập thị trường nước Mỹ. Ngay sau đó, một số công ty khác cũng bắt tay vào xây dựng nhà máy, đào tạo đội ngũ công nhân chế biến, tìm thị trường cho con cá tra.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng khi nhắc đến chuyện này phải thừa nhận: “Chỉ trong mười năm mà kim ngạch xuất khẩu từ mức vài chục triệu USD đã tăng vọt lên 1,4 tỉ USD. Ở Việt Nam chưa có ngành kinh tế nào có khả năng xuất khẩu tăng cao như vậy. Trong vòng mười năm qua thì bình quân tăng 30%/năm”.

Tiến sĩ Dũng nói thêm trước đây cây lúa cũng tạo nên một hiện tượng giúp Việt Nam từ một nước nghèo đói, thiếu ăn thành một quốc gia xuất khẩu lương thực thuộc hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh lương thực cho thế giới. Con tôm cũng vậy, từ mặt hàng không có lợi thế cạnh tranh nhưng các doanh nghiệp đã biến mặt hàng này thành chiến lược. Nhưng con cá tra, ba sa lại khác, từ nguồn giống tự nhiên ban đầu, kỹ thuật nuôi cây nhà lá vườn... vậy mà đã vươn xa qua trời Tây, tạo cho ĐBSCL và Việt Nam có một thương hiệu lớn: cá da trơn Việt Nam.

Làm đổi thay diện mạo đồng bằng

Trước khi con cá tra, ba sa rời khỏi cái lồng tre tìm đường bơi ra nước ngoài, bộ mặt nông thôn, một bộ phận khu vực có nuôi cá, còn nghèo. Nhưng rồi con cá tra đã làm thay đổi toàn bộ, người nông dân bắt đầu đào ao, lập trang trại, doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn, nhà máy chế biến cá tra cũng mọc lên như nấm.

Nhiều tỉnh thành trong khu vực đã nghĩ tới và bắt tay vào xây dựng các khu, cụm công nghiệp chạy dọc sông Tiền và sông Hậu. Những khu vực ruộng đồng kém hiệu quả được chuyển dịch sang sản xuất công nghiệp, mà trong đó công nghiệp chế biến thủy sản chiếm phần lớn diện tích. Đường sá nông thôn cũng mở rộng hơn để phục vụ ngành chế biến, nuôi trồng con cá tra này.

Tiến sĩ Dũng nhớ lại trước đây khi con cá tra, ba sa còn chưa ai biết thì công nghiệp vùng ĐBSCL cũng chỉ quanh quẩn với các nhà máy chế biến lúa gạo nằm rải rác khắp nơi. Khi con tôm bước vào thị trường thế giới thì ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản cũng chỉ tập trung ở các tỉnh ven biển. Nhưng khi con cá tra tạo nên hiện tượng đột biến thì bộ mặt, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến đã được điều chỉnh lại.

Mười tỉnh thành có nuôi cá tra đều xây dựng nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, hệ thống hậu cần phục vụ nghề nuôi cá tra và cả mạng lưới dịch vụ hỗ trợ. Hiện tại ĐBSCL có trên 150 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, riêng tại Cần Thơ có 31 nhà máy. Ngoài ra còn hàng chục, hàng trăm nhà máy chế biến thức ăn, chế biến phụ phẩm từ cá.

Lợi thế cây lúa là lợi thế toàn vùng, lợi thế con tôm là lợi thế các tỉnh ven biển, còn lợi thế có cá tra là lợi thế của các tỉnh chạy dọc hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Chính điều này đã phần nào làm đồng bằng có thể phát triển mạnh và đồng bộ. Con cá tra hiện chiếm 1/3 doanh số các tỉnh có nuôi cá tra trong khu vực.

Người nuôi, nhà chế biến, hệ thống cung cấp dịch vụ, người buôn bán, hệ thống dịch vụ thủy sản... cũng phát triển theo con cá tra, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người. Trong 15 năm qua đã tạo ra một ngành công nghiệp về cá, hình thành một chuỗi giá trị về cá rất lý thú, có mối quan hệ từ người cung cấp giống, người nuôi, người chế biến, xuất khẩu, sự phát triển hạ tầng phục vụ nghề cá, hệ thống kỹ thuật...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết sản lượng cá tra, ba sa của ĐBSCL chiếm trên 95% sản lượng cá da trơn của cả nước.

Nếu tính trong mười năm qua (1997-2007) thì diện tích nuôi tăng khoảng tám lần, sản lượng nuôi tăng 45 lần, sản lượng philê xuất khẩu tăng 55 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng 50 lần. Tuy chỉ 6.000ha nuôi ở 10 tỉnh nhưng giá trị xuất khẩu cá tra từ năm 2000-2008 đã gần đuổi kịp tôm nuôi nước lợ.

Năm 2008 sản lượng cá tra, ba sa đạt 1,2 triệu tấn; sản phẩm xuất khẩu đạt 640.829 tấn, tăng 65,6% so với năm 2007; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,453 tỉ USD, chiếm 32,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tăng 48,4% so với năm 2007, đóng góp 2,0% GDP của cả nước. Đến nay đã có 130 nước trên thế giới tiêu thụ cá tra, ba sa của Việt Nam.

__________

Có hai chàng trai Pháp từ Đại học Nông nghiệp Paris đến tận ĐBSCL tìm cách “đỡ đẻ” cho cá ba sa. Họ thành công trong một quy trình công nghệ hiện đại. Điều kỳ diệu là chỉ một năm sau, những người nông dân Việt đã tìm mọi cách học được bài học này. Công nghệ đã được chuyền tay...

Kỳ tới: Từ “mụ tây” cho tới... “mụ vườn”

PHƯƠNG NGUYÊN - QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên