14/04/2010 02:12 GMT+7

Hiện tượng ba sa - Kỳ 1: Từ cá trôi sông đến làng bè

QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN
QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN

TT - Tháng 12-2003, tại công viên ngã ba sông ở thị xã Châu Đốc, An Giang, tượng đài cá ba sa cao 14m được khánh thành. Một nhân vật từng là quan chức tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, nói tượng đài cá ba sa là để tôn vinh loài cá và cũng để ghi nhớ việc con người đã thuần dưỡng một giống cá giúp tạo nên thương hiệu mới không chỉ của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

zyMVYqZK.jpgPhóng to
Vớt cá giống trên dòng sông Hậu - Ảnh: Q.Vinh

Theo những bậc cao niên cả đời sống bằng nghề lưới cá ở Biển Hồ Campuchia, nguồn gốc cá tra, cá ba sa có từ vùng Thượng Lào và trú ngụ sinh sản nhiều nhất ở Biển Hồ. Từ lúc mới nở, cá như bột gạo nhỏ li ti trôi theo dòng Mekong chảy vào đất Việt.

Con cá phương xa

Ông Tư Niên, 75 tuổi, một trong những ngư dân chuyên đánh bắt cá ở Biển Hồ, kể về lai lịch loài cá da trơn đã gắn liền với cuộc đời ông: “Cá tra ở Biển Hồ có hàng chục loài, có con nặng hàng chục ký, bụng đầy trứng. Thế nhưng tụi tôi không biết cách chúng giao phối sinh sản ra sao và ăn thứ gì mà đẻ được hàng triệu con bột ra sông biển. Chỉ biết vào tháng 5 âm lịch, cá tra ở Thượng Lào và vùng Biển Hồ bắt đầu bắt cặp và sinh sản.

Cá mẹ đẻ trứng bắn vào bọt nước hoặc vào dề lục bình rồi theo dòng nước trôi về hạ nguồn sinh sôi. Thuận con nước cá trôi về sông Tiền, sông Hậu và chảy tràn ra ruộng đồng miền hạ. Khoảng một năm sau cá con lớn gần 2kg, lưng đen bụng trắng, da trơn mình bự như đòn bánh tét... Ngư dân Biển Hồ còn vớt bắt cá con rọng dưới nước bán cho thương lái từ VN lên Biển Hồ mua đem về bán buôn”.

Ông cho hay ở VN việc đánh bắt ương nuôi cá bột hình thành cách nay cả 100 năm. Ngư cụ khai thác cá bột cũng được cải tiến dần từ lưới mùng đến lưới cước, từ việc dùng vợt vớt cá đến việc đóng dàn đáy lưới cá dài hàng trăm mét để chặn bắt cả luồng cá thiên nhiên.

Ông Ba Hoàng, ngư dân cố cựu trong nghề đáy cá ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, kể vào tháng 5 âm lịch trở đi ngư dân nhìn dòng nước chảy, nơi nào có bọt quần tụ, có lục bình dạt về nhiều thì nơi đó có nhiều cá tra bột. Ai có vốn, làm ăn uy tín đều trở nên khá giả.

Ông Ba Hoàng nói: “Nếu trúng con nước có ngày thu được cả lượng vàng”. Đến thập niên 1980, hằng năm ở vùng cửa sông Tiền thuộc hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã hình thành hàng trăm miệng đáy bắt cá tra bột, cá ba sa giống... sôi động nhất khu vực.

Từ vùng khai thác cá bột trôi sông đến nơi ương nuôi và bán buôn con giống đã tạo nên nghề nuôi cá tra, cá ba sa từ những năm 1960 đến nay. Ông Trần Văn Que, người có trên 40 năm ương nuôi cá tra bột ở xã cù lao Phú Thuận (Đồng Tháp), cho biết nhờ có con cá bột mà vùng cù lao Long Thuận, Phú Thuận phía dưới hạ nguồn sông Tiền có nghề ương nuôi sản xuất cá tra giống truyền thống. Từ đó người nuôi cá tra hầm cũng ngày một nhiều hơn.

Chợ xã, chợ chồm hổm đầu các vàm sông, đâu đâu cũng có người bán cá tra. Cá tra từ lâu đã trở thành loài cá ngon, rẻ, thường trực trên mâm cơm canh chua cá kho tộ của nhiều gia đình xứ lục tỉnh miền Tây.

Chiếc bè đầu tiên...

Ông Nguyễn Văn Đậm là một trong những gia đình đầu tiên đưa cá ba sa vào bè nuôi và đưa cả bè cá từ Biển Hồ về vùng sông Hậu kể: “Lúc đầu cha tôi vớt cá ba sa con và thả nuôi thử trong mùng lưới dưới nước bằng các loại thức ăn tự chế từ thiên nhiên.

Khi cá lớn chật quá, cha tôi mở rộng vùng nuôi bằng lưới tre bao tròn dưới nước. Cá nuôi vụ đầu bán có giá và cho lợi nhuận, cha tôi đã nghĩ ra cách làm nhiều chiếc bè tre nuôi cá dưới nước. Đáy của bè sâu 2,5m có thể thả nuôi được vài ba tấn cá tùy kích cỡ. Ông chính là người mang chiếc bè tre rộng như ngôi nhà thả trôi theo dòng Mekong từ Biển Hồ vượt 200km dòng nước chảy xiết, lắm thác ghềnh về đến tận miền sông Hậu...”.

Về quê nhà, cha ông đã chọn được vị trí đất bãi bồi dọc bờ sông Hậu, thuộc xã Đa Phước, cách ngã ba sông Châu Đốc chừng 5km để neo bè và khởi nghiệp. Lúc đó vùng đất này còn hoang vu không có người ở. Cũng trong năm 1970, tại vùng đất hoang vu này có thêm nhiều nhà bè từ nơi khác đến. Ngày ngày họ đào ao nuôi cá, phát đất hoang trồng lúa. Nguồn cá ba sa giống được khai thác ngoài thiên nhiên, dần dà cuộc sống khấm khá hơn.

Ở làng bè xã Đa Phước lúc đó có các ông Văn Quyện, Văn Chất, Sáu Cậy... còn nghĩ ra cách chế biến thức ăn dùng cám tấm và cua ốc, chuối, rau cho cá ăn theo từng giai đoạn tăng trưởng. Biết dùng các vị thuốc có lá giác, muối hột, vôi bột và cả đất sét đặt trong bè để giải nhiệt và trị bệnh cho cá. “Nói chung người sao cá vậy nhưng tuyệt nhiên không sử dụng thuốc kháng sinh, kháng khuẩn phổ biến như bây giờ” - ông Đậm nói.

Nhà bè nuôi cá cũng được cải tiến theo xu thế phát triển. Ông Trần Bá Kế, 83 tuổi, ở ấp Hà Bao, xã Đa Phước, kể từ năm 1975 khi biết xã Đa Phước có nghề nuôi cá bè hiệu quả, ông đã mượn 17 lượng vàng đóng mới bè gỗ thay cho bè tre nuôi được 10 tấn cá ba sa hằng năm và chỉ một năm đã hoàn vốn. Bè ông đóng bằng gỗ căm xe, kích cỡ 6x12x3,5m, rộng và sâu gấp 2,5 lần so với bè tre truyền thống.

Những năm sau khi cá ba sa hút hàng, có ông Hai Nhàn còn đóng bè kích cỡ vô địch 10x28x7m, nuôi hàng trăm tấn cá. Bè cá như một ngôi nhà khang trang trên mặt nước, bên trong nội thất ti vi, máy lạnh sang trọng. Nhà bè là biểu trượng của sự giàu có trong thập niên 1990-2003.

Từ chòm bè vài chiếc quần tụ nuôi cá ba sa, sau hơn hai thập kỷ làng bè xã Đa Phước đã có trên 500 nhà bè lớn nhỏ, mỗi bè nuôi 50 đến trên 100 tấn cá ba sa. Từ năm 1990 trở đi khi cá ba sa được xuất khẩu thì làng bè Đa Phước không còn chỗ neo đậu bè nữa. Nhiều người giàu có đến học tập kinh nghiệm làm ăn rồi đóng bè thả nuôi phía dưới hạ nguồn ngã ba sông Châu Đốc.

Ông Nguyễn Văn Phát, trưởng Phòng kinh tế thị xã Châu Đốc, cho biết làng bè ở khu vực ngã ba sông Châu Đốc lúc hưng thịnh có trên 5.000 nhà bè phủ khắp sông Hậu. Không chỉ có ở sông Hậu, làng bè cá ba sa còn phát triển mạnh trên khu vực sông Tiền ở huyện Hồng Ngự và các nơi khác thuộc lưu vực sông Cửu Long.

----------------------------

Từ cá trôi sông đến làng bè rồi một ngày tạo nên “hiện tượng” thay đổi hẳn cuộc đời của những nông dân ngụp lặn trong đói nghèo bên dòng sông ngầu đục phù sa. Con cá từ bè tre “lội” đến trời Âu Mỹ và mang về những đổi thay...

Kỳ tới: Rời chiếc bè tre

QUANG VINH - PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên