24/03/2010 23:13 GMT+7

Người trẻ và con đường trên đất

 MY LĂNG
 MY LĂNG

TT - Có nhiều lối để bước vào tương lai khi những người trẻ tuổi, vì nhiều lý do, không chọn được lối vào giảng đường đại học. Tương lai dành cho những ai biết và dám chọn những cách đi sáng tạo nhất cho mình.

Kỳ 1: Cây cảnh “Quỳnh Thường Tín”

34 tuổi. Sở hữu trong tay một cơ ngơi đồ sộ về cây cảnh với doanh thu hằng năm 4-10 tỉ đồng, tạo việc làm cho thanh niên ở làng với thu nhập 1.800.000-3.000.000 đồng/tháng. Chàng trai trẻ ấy tên Phạm Văn Quỳnh, dân trong nghề kinh doanh cây kiểng gọi anh là “Quỳnh Thường Tín”. Anh ở thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội).

xMFAUnKu.jpgPhóng to
Phạm Văn Quỳnh và cơ ngơi của mình - Ảnh: My Lăng

“Hãy tin con lần nữa!”

“18 tuổi, khi biết mình rớt ĐH An ninh, tôi đã suy nghĩ rất nhiều: ôn lại thi tiếp hay bỏ luôn? Nếu không thi ĐH nữa sẽ làm gì? Tôi thích kiếm tiền từ lúc còn nhỏ. Nhà thì khó khăn lại đông con đi học nên rất ít khi được bố mẹ cho tiền tiêu vặt. Lúc đó tôi đã nghĩ: tại sao mình không tự làm ra tiền? Nếu mình không đậu ĐH thì có thể kiếm tiền được không?”, Quỳnh trầm ngâm khi nhớ lại quyết định mang tính bước ngoặt trên đường đời.

Nhưng kiếm tiền bằng cách nào? Quỳnh nghĩ mình phải đi để xem. Anh vào miền Nam chơi và quá ngất ngây trước một trang trại nuôi gà quy mô lớn ở Gò Vấp. Quỳnh về mượn bố mẹ một chỉ vàng (hơn 400.000 đồng) mua 200 con gà về nuôi. Hai năm sau anh kiếm được gần 200 triệu đồng. Nhưng sau một trận dịch Quỳnh trắng tay, gồng thêm món nợ hơn 100 triệu đồng!

Lang thang, Quỳnh nảy ra ý đi “thầu” vải non ở một số vườn trong làng. Đến mùa vải chín, mỗi ngày từ 2g sáng Quỳnh dậy đạp hơn 20km lên Hà Nội bán lẻ từng ký rồi lại đạp về. Lại loay hoay hái, buộc chùm từ 19g-24g. Trầy trật nhưng lỗ nặng. Mượn tiền đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc bị lừa cả ba lần. “Lúc đó tôi thấy tương lai mịt mù quá nếu cứ tiếp tục lông bông như thế” - Quỳnh bảo.

Đó là thời điểm cuối năm 1998. Quỳnh đi chơi và mua được một cây tùng với giá 150.000 đồng. Nửa năm sau, tình cờ một người bạn ở Hà Nội về chơi, năn nỉ Quỳnh bán cây tùng với giá 350.000 đồng. Cầm 200.000 đồng tiền lời cây cảnh đầu tiên, Quỳnh ngây ngất nghĩ… Giá một tạ thóc bấy giờ chỉ hơn 100.000 đồng nhưng người nông dân phải cày quần quật cả năm trời. Còn mình chỉ trong năm tháng đã lời 200.000 đồng.

“Tôi tự hỏi tại sao không thử kinh doanh cây cảnh? Từ lớp 9 tôi đã thích cây cảnh. Tôi nhặt những cây vớ vẩn ở bờ rào, đường đê về trồng đầy vườn. Nhìn lại những việc đã làm, tôi nghiệm ra một điều: mình thất bại vì những việc đó không xuất phát từ niềm đam mê - con đường bắt đầu với anh như thế. Nhiều người cười bảo chàng trai nông thôn ấy “tâm thần” khi nghe anh nói sẽ trồng cây cảnh. Tất cả người thân trong gia đình phản đối gay gắt. Bạn bè không một ai ủng hộ.

Đang nợ nần chồng chất, nói ai tin? Nhiều người bảo dân nghèo, cái ăn còn tính từng ngày thì lấy tiền đâu chơi cây cảnh? “Đó là khoảng thời gian khủng hoảng rất lớn về tinh thần. Không ai ở bên cạnh tôi để chia sẻ và tin tưởng” - Quỳnh nhớ lại.

Chỉ có anh Nguyễn Văn Giang (sau này cùng với Quỳnh là hai người đầu tiên trong xã làm giàu từ cây cảnh) bàn vào. Quỳnh kể không biết bao đêm hai người nói chuyện, bàn bạc về cây cảnh đến hơn 1 giờ sáng. Họ rủ nhau đi Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên… học hỏi các nghệ nhân về cây cảnh. Quỳnh thuyết phục bố mẹ cho mượn 1,2 triệu đồng mua 100 cây đa giống về trồng với lý lẽ: “Ai thành công mà không trải qua thất bại? Con còn trẻ còn có nhiều cơ hội để tìm hướng đi cho mình. Bố mẹ hãy tin con thêm một lần nữa!”.

Từ vườn cây tới “làng nghề”

Một năm sau anh bán hết 100 cây đa, tiền lời lên đến cả trăm triệu đồng! Quá bất ngờ và sung sướng trước lợi nhuận khổng lồ, Quỳnh tự tin hơn với khởi đầu của mình. Anh vừa trả nợ vừa tái đầu tư.

Vợ Quỳnh phát hoảng khi thấy chồng thuê... 3.600m2 đất trồng một lúc 2 vạn cây giống mà chưa có thị trường cho đầu ra. “Lúc ấy vợ là người ngăn cản quyết liệt nhất. Nhưng đó lại là động lực để tôi quyết tâm làm và chứng minh cho mọi người thấy mình đúng!” - Quỳnh bặm môi khi nhớ lại quyết định đầy táo bạo ấy.

Anh lao vào làm bất kể ngày đêm. “Rất nhiều đêm anh ấy bật điện trong vườn làm từ chập tối đến tận sáng. Nhiều đêm thức dậy thấy chồng vẫn cặm cụi làm, xót quá tôi tắt điện để anh ấy đi ngủ nhưng anh vẫn nhất quyết làm tiếp” - chị Bích Huệ, vợ Quỳnh, kể.

Năm 2005, Quỳnh mở rộng diện tích lên 7.000m2 đất, vay ngân hàng 200 triệu đồng cùng với vốn tự có hơn 1 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, làm vườn trưng bày cây cảnh. Những cây cảnh quý, trị giá hàng tỉ đồng được anh đưa vào bộ sưu tập ở giữa vườn. Anh còn thuê hơn 20.000m2 đất làm vườn ươm, trồng cây thô, tạo dáng…

Chàng trai vùng nông thôn ấy gây bất ngờ khi tổ chức...hội chợ cây cảnh của huyện tại vườn nhà mình vào đúng ngày 2-9-2005. Anh mời những người chơi cây cảnh, người làm cây cảnh và người kinh doanh cây cảnh từ Hà Nội, Nam Định và một số tỉnh miền Trung đến tham quan. Dù chỉ diễn ra bảy ngày nhưng hội chợ đã tạo nên một không khí mới cho thanh niên trong xã, các huyện xã khác cũng học theo và từ đó Quỳnh “chết danh” với cái tên “Quỳnh Thường Tín”.

Hiện nay, vườn cây cảnh tư nhân của Quỳnh được xếp vào dạng lớn nhất xã cả về diện tích (hơn 27.000m2) lẫn số lượng cây (trên vạn cây). Hằng năm anh đón vài trăm đoàn khách từ các tỉnh trong cả nước và khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.

Năm 2008, Quỳnh chủ động đề nghị UBND tỉnh Hà Tây cũ công nhận làng nghề cây cảnh của thôn Xâm Xuyên và được chấp thuận. Anh lý giải: “Tôi muốn quảng bá thương hiệu và giới thiệu cho cả nước biết: Xâm Xuyên hay toàn xã Hồng Vân là điểm đến lý tưởng về cây cảnh, về du lịch sinh thái”.

“Tôi muốn mang một nghề mới về cho thôn, cho huyện và tạo cho thanh niên làng mình một công việc, một thú vui lành mạnh, có thể kiếm tiền chân chính. Ước mơ lớn nhất của tôi là xây dựng Xâm Xuyên, Hồng Vân thành một thương hiệu về cây cảnh” - Quỳnh sôi nổi nói về những ấp ủ lớn lao của mình. Có người khuyên nên kinh doanh thêm bất động sản nhưng Quỳnh lắc đầu:“Đó không phải là thế mạnh của mình!”.

___________________

Câu chuyện về một chàng trai phải dừng con đường học vấn ở lớp 11 để bắt đầu sự nghiệp bằng cụm hoa sen. Khó khăn hơn nữa là anh phải chặt bỏ những cây cà phê trên mảnh đất mà cà phê là “vua”.

Kỳ tới: Câu chuyện về loài sen lạ

 MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên