19/05/2009 08:48 GMT+7

Những hang đá trên con đường huyền thoại - Kỳ 5: "Gùi" xe tăng vào trận

LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM
LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM

TT - Từ những hang đá vùng Cù Bai, những người dân Vân Kiều đã gùi lương tải đạn ra chiến trường và câu chuyện về những người dân vùng xã Thuận nằm bên dòng Sê Pôn đã giúp đưa đoàn xe tăng đánh trận Làng Vây (Quảng Trị) - trận đánh đầu tiên của binh chủng tăng, thiết giáp của hơn 40 năm trước - giờ vẫn thao thức trong câu chuyện đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn.

TOHgOxu5.jpgPhóng to
Già Pả Máng - Ảnh: L.Đ.Dục

Nhà báo Mai Phục, nguyên phó trưởng đài truyền thanh huyện Hướng Hóa, được luân chuyển vào làm bí thư đảng ủy xã Thanh, một xã cận kề xã Thuận. Vốn là người trong nghề nên ông Phục tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi tìm gặp những già làng Vân Kiều của đợt gùi cõng “huyền thoại” năm 1968 mà anh từng nắm rất rõ.

Bất ngờ từ những đôi vai

"Bà con Hướng Hóa này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, ngày xưa họ hi sinh cho mình như vậy thì nay phải báo đáp cho đồng bào thế nào đây?"

Hành trình của những chiếc xe tăng theo đường Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào theo tuyến Trường Sơn Tây rồi vượt sông Sê Pôn tập kích căn cứ Làng Vây khiến hồi đó Lầu Năm Góc bị sốc thật sự. “Trên trời có OV-10 hiện đại (một loại máy bay trinh sát đặc biệt của không lực Mỹ), dưới đất có “cây nhiệt đới” cắm dọc các tuyến đường cùng biệt kích,thám báo…, vậy mà xe tăng Việt cộng đã di chuyển vượt vĩ tuyến 17 không ai hay biết!”.

Các tướng lĩnh Mỹ và quân đội Sài Gòn đã từng than thở như thế khi xe tăng bất ngờ xuất hiện tham chiến cùng bộ binh quân giải phóng. Họ than thở cũng phải, bởi lịch sử chiến tranh thế giới chắc chẳng nơi đâu mà đạn pháo, xe tăng được gùi cõng bằng những đôi chân trần của người dân, được đóng bè tre nứa vận chuyển để đảm bảo bí mật bất ngờ như ở VN.

Đến trụ sở xã Thuận, ông Hồ Ta Cô, chủ tịch hội đồng nhân dân xã, khi nghe chúng tôi hỏi đã chỉ tay vào tấm hình chụp ba già làng người Vân Kiều treo trên tường rồi nói: “Bố tôi, Pả Cưm, mới mất năm ngoái, ông là một trong ba nhân chứng của câu chuyện gùi xe tăng trên đường Trường Sơn vào đánh Làng Vây năm xưa. Hai người còn lại là Pả Máng và Pả Mo”. Già Pả Máng, một trong số những người đã tham gia gùi cõng xe tăng trong chiến dịch Làng Vây, nay đã gần 80 tuổi, sống ở bản Sáu, xã Thuận.

Tấm lưng tráng kiện của 40 năm trước gùi xích xe tăng nay đã còng trĩu xuống vì thời gian và tuổi tác, nhưng câu chuyện gùi tăng thì khó có thể quên được. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe già Pả Máng kể lại câu chuyện xưa, ông bảo: “Phải đi qua nhà già Pả Mo bên bản Bảy để có gì quên thì nó nhắc”. Rồi ông lấy ra bộ đồ cựu chiến binh có cài huy hiệu cẩn thận dẫn chúng tôi sang nhà già Pả Mo. Dạo ấy, khi xe tăng vừa đánh trận Huội Xan-Tà Mây bên đất Lào xong thì được lệnh tiến về đánh Làng Vây. Để đảm bảo bí mật bất ngờ, những chiếc xe tăng đã được tập kết ở một bản cạnh sông Sê Pôn.

Già Pả Máng kể: Hồi đó mình khỏe lắm, một đêm được cán bộ đến rỉ tai bảo qua sông Sê Pôn giúp bộ đội chuyển tăng qua, vậy là cùng với Pả Cưm, Pả Cun, Pả Bổ, Pả Mó... mang theo xà-roong (một loại đòn khiêng) lên đường.

Nước sông Sê Pôn rất sâu, không có cầu phao, nhân dân ở đây đã cùng với bộ đội công binh chặt nứa kết bè cho xe tăng qua. Để giảm bớt trọng lượng, tất cả đạn của xe được bốc xuống, thậm chí xích cũng được tháo ra để vận chuyển bằng thuyền rồi qua bờ kia gùi đến lắp lại. Những chiếc xe tăng đầu tiên đã bí mật vượt sông Sê Pôn như thế.

Từ những tuyến đường bí mật bất ngờ, xe tăng áp sát cứ điểm Làng Vây mà đối phương không hề hay biết. Đêm 6 rạng ngày 7-2-1968, những chiếc xe tăng giội bão lửa xuống căn cứ Làng Vây, hợp đồng binh chủng với bộ binh xông lên, làm chủ căn cứ trong hai giờ đồng hồ chiến đấu.

Trận đánh nhanh và bất ngờ đến nỗi căn cứ hỏa lực Tà Cơn cạnh đó cũng không kịp trở tay hỗ trợ. Lịch sử quân sự sau này nhận định trận Làng Vây đã góp phần thay đổi cục diện chiến trường, và tất nhiên có công lao rất lớn của những người dân Vân Kiều gùi đạn gùi xích cho xe tăng vào trận bất ngờ.

Am1pHT9f.jpgPhóng to
Một trong những chiếc xe tăng từng tham gia đánh trận Làng Vây hiện đặt tại di tích lịch sử cứ điểm Làng Vây (Hướng Hóa, Quảng Trị). - Ảnh: L.Đ.Dục

Người ở phía Tây tuyến đường

Chuyến hành quân kỳ lạ của binh chủng xe tăng dạo ấy sau này được nhắc đến nhiều trong hồi ức những người lính tham gia trận đánh đầu tiên. Năm 1998, kỷ niệm 30 năm giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Xuân Tấu, phó tư lệnh - tham mưu trưởng binh chủng tăng-thiết giáp, về lại chiến trường xưa, nhắc lại chuyến hành quân đầu tiên từ miền Bắc, vượt đường 12, đường 15, đường 20 sang Lào. Đêm đi ngày nghỉ, chặng đường từ Xuân Mai vào đến chiến trường đi mất cả tháng trời.

Bất ngờ nhất là câu chuyện ông gặp lại người cán bộ Khăm Tày Sivilay năm xưa: “Hồi ấy anh thường xuyên đi theo để giúp bộ đội. Anh chỉ dẫn cho chúng tôi những khu vực cần phải tránh, giúp chúng tôi hiểu phong tục của các dân tộc. Anh đã cùng du kích Lào dùng thuyền độc mộc chở đạn qua sông Sê Pôn tiếp tế cho bộ đội xe tăng. Trở lại thăm Khe Sanh sau 30 năm, thật ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết khi gặp lại người cán bộ năm xưa nay là chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa với cái tên Nguyễn Quang Tám”.

Chúng tôi tìm gặp ông Tám tại nhà riêng, một ngôi nhà vườn sum sê cây lá giữa lòng thị trấn Khe Sanh. Dù đã nghỉ hưu khá lâu nhưng ký ức những ngày “nằm vùng” với tuyến đường Trường Sơn phía đất bạn Lào vẫn tươi nguyên trong ông. Khi chúng tôi đến nhà, ông Tám đang cặm cụi ngồi viết diễn văn cho cuộc gặp gỡ sắp đến của ông và đồng đội. Hỏi ra mới hay ông hiện là trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn của huyện Hướng Hóa, ngoài ra còn là chủ tịch hội đông y, hội từ thiện của huyện.

Ông nói: “Lính Trường Sơn thì không nghỉ được, bà con Hướng Hóa này hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, ngày xưa họ hi sinh cho mình như vậy thì nay phải báo đáp cho đồng bào thế nào đây?”.

Cái niềm xưa ấy đau đáu trong ông Tám - Khăm Tày Sivilay đến mức ông dành một căn nhà nhỏ giữa hồ để làm bảo tàng Trường Sơn cho mình. Chúng tôi đã ghé thăm căn nhà bảo tàng ấy. Những cuốn sổ học tiếng Lào, manh áo của bà con Trường Sơn cho ông, chiếc đài Lido, biđông, balô, ruột tượng gạo..., những kỷ vật một thời gắn bó ở Trường Sơn được ông gìn giữ, nâng niu và nhất là đứa con trai đầu của ông.

Đứa con sinh ra từ Trường Sơn, được ông gửi gắm ý chí và tâm tình trong cái tên đặt cho con - Nguyễn Trường Sơn - nay đã trở thành thiếu tá Nguyễn Trường Sơn - chánh văn phòng Công an huyện Hướng Hóa.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Lèn Hà bi trángKỳ 2: Người “mở đường máu”Kỳ 3: Hang Tám Cô và con đường tuổi 20Kỳ 4: Giọt máu Trường Sơn

------------------------------------------------------

Chúng tôi dừng chân ở A Lưới, tìm đến một “tọa độ lửa” nằm trên đường Trường Sơn hầu như chưa được mấy ai nhắc đến: hang Va - một chứng tích lịch sử đã từng bị quên lãng một thời.

Kỳ tới: Đất hồi sinh

LÊ ĐỨC DỤC - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên