16/05/2009 01:12 GMT+7

Những hang đá trên con đường huyền thoại - Kỳ 2: Người "mở đường máu"

(Trích tài liệu của ban quản lý di tích Phong Nha)
(Trích tài liệu của ban quản lý di tích Phong Nha)

TT - Du khách đến di sản Phong Nha bây giờ, nhìn xuống bến thuyền ít ai để ý đến một tấm bia nhỏ đề “Di tích lịch sử phà Xuân Sơn”. Hầu hết du khách bị cuốn theo vẻ đẹp kỳ ảo của hang động phía ngược nguồn sông Son nên ít để ý đến bến phà Xuân Sơn một thời khốc liệt này.

Con đường chiến lược 15 chạy từ Bắc vào đến đây, sau khi vượt qua sông Son sẽ xuôi vào nam Quảng Bình chi viện cho tuyến lửa Vĩnh Linh lũy thép, hoặc ngược đường 20 sang Lào nối vào tuyến Tây Trường Sơn chi viện cho mặt trận phía Nam. Phà Xuân Sơn vì thế trở thành “túi bom” của không quân Mỹ.

Kỳ 1: Lèn Hà bi tráng

e5iEKhQk.jpgPhóng to

Cửa động Phong Nha trong chiến tranh được dùng để cất giấu phà và vũ khí, hàng hóa trước khi vượt phà Xuân Sơn vào Nam - Ảnh: Ban quản lý di tích Phong Nha

Lễ truy điệu bên sông

Tháng 5-1967. “Tọa độ lửa” bến phà Xuân Sơn. Đã ba ngày rồi không một chuyến xe nào vượt qua được sông Son để vào Nam. Đêm ra ngồi trên triền sông nhìn cảnh hàng đoàn xe chở khí tài nối nhau dài tít tắp ở bờ bắc mà hạ sĩ trẻ Võ Thế Chơn (quê miền biển Lý Hòa, Bố Trạch, Quảng Bình) nghe xót lòng.

Nhưng tất cả đều phải nằm im chờ có lệnh thông đường mới khởi hành vì trinh sát đã báo: toàn bộ vùng thượng và hạ lưu phà Xuân Sơn đều “dính” bom từ trường, nhất cử nhất động trên bến phà đều có thể phải trả giá đắt. “Nhưng không thể nằm mãi trong lán, phải nghĩ ra cách gì để thông tuyến. Một ngày xe không vào Nam được là một ngày tiền tuyến phải chịu thêm nhiều hi sinh, mất mát” - Chơn nghĩ.

Nhiều phương án giải phóng đường đã được các anh em trong đại đội 16 (binh trạm 14, đoàn 559) đưa ra như dùng thùng phuy bằng sắt đóng kín nắp thả trôi theo con nước để kích hoạt bom từ trường nổ, người lại bảo nên dùng thuyền gỗ đi vào khu vực có bom rồi tìm cách kích hoạt, người lại bàn nên phá bom vào ban đêm để tránh sự phát hiện của địch… Nhưng rồi trước cái chết quá đau đớn trong lúc phá bom của đồng đội Lê Đình Chạy cách đó mấy hôm ngay tại bến phà đã khiến chỉ huy đại đội 16 không tán đồng bởi quá nguy hiểm.

Ba ngày trước khi đơn vị họp bàn cách “mở đường máu”, cả đoạn sông Son này đã bị bom Mỹ trải thảm từ bom tấn, bom khoan, bom hẹn giờ, bom bi, bom từ trường… với mục tiêu đánh phá các bến phà di động. Vô hiệu hóa phà Xuân Sơn nghĩa là cắt đứt đường chi viện của miền Bắc vào Nam. Và xem ra không quân Mỹ đã thực hiện được điều đó khi dưới lòng sông Son là vô số bom từ trường chờ thời cơ kích hoạt. Không thể chần chừ thêm một ngày nào nữa. Sau nhiều lần tranh luận, cuối cùng phương án dùng canô lao thẳng vào bãi bom để kích hoạt bom nổ đã được lựa chọn.

Nhưng ai sẽ nhận nhiệm vụ phá bom nguy hiểm đó? “Khi ấy tôi là đảng viên, biết lái canô, lại là dân sông nước nên xung phong nhận nhiệm vụ. Nhiều người, nhất là mấy o nữ cùng quê, nghe vậy đã gạt nước mắt” - ông Chơn nhớ lại. Đúng 10 giờ sáng ngày 16-5 (âm lịch), nhiều anh em trong đơn vị đã tụ về ban chỉ huy đại đội để dự lễ truy điệu sống hạ sĩ Võ Thế Chơn. Nhang thắp lên, rồi tất cả cúi đầu im lặng.

Nhưng cũng chỉ được mấy phút đầu, sau đó là những tiếng nấc rồi tất cả òa khóc như mình đã thật sự mất đi một đồng đội. “Khi ấy tôi chợt nhớ về người vợ mới cưới của mình: không biết bây giờ cô ấy đang làm gì? Nhưng rồi nghĩ đến hình ảnh từng đoàn xe hối hả nối đuôi nhau vào Nam, bỗng thấy lòng mình thanh thản” - ông Chơn nhớ lại.

b3Vq7Vio.jpgPhóng to

“Con cá kình của sông Son” một thuở - Võ Thế Chơn - Ảnh: Đ.Nam

300 lượt xe vào Nam trong một đêm

Hang động Phong Nha là nơi ghi dấu nhiều chiến tích của tuyến đường Hồ Chí Minh trong những năm đánh Mỹ. Với lợi thế hang động rộng, cửa động cao, nơi đây được biến thành kho ngầm để cất giấu phà, canô của phà Xuân Sơn, cất trữ thuốc men, đạn dược, lương thực cho bộ đội và thanh niên xung phong.

Đây cũng là điểm đầu tiên của đường 20, phá thế độc tuyến, vượt khẩu đầu tiên của đường Hồ Chí Minh. Khu vực Phong Nha cũng là nơi đặt tổng kho của binh trạm 14 bộ đội Trường Sơn. Năm 1972, đối phương đã huy động một lực lượng lớn đánh phá, phong tỏa hệ thống giao thông thủy với Phong Nha là trọng điểm. Bằng những quả tên lửa có điều khiển, đối phương đã đánh sập tảng đá lớn trước hang Phong Nha.

16 giờ, một trong số ba chiếc canô dùng lai dắt phà đã được đơn vị chuẩn bị chu đáo, chờ sẵn trước bến. Trước khi bước chân xuống canô, một đồng đội hỏi Chơn câu cuối: “Này Chơn, rứa mi có nhắn gửi chi với vợ ở quê không?”. Nghe vậy Chơn cười: “Xong nhiệm vụ, nếu không chết, anh cho em về thăm vợ ít hôm”. Nói rồi Chơn khởi động máy, ngắm thẳng lòng sông mà lao ra, bỏ lại phía sau những tiếng nấc nghẹn của anh em, đồng đội.

Một vòng, rồi một vòng nữa nhưng mặt sông vẫn lặng im. Không lẽ trinh sát báo nhầm? Thầm nghĩ vậy nhưng chân vẫn nhấn hết ga, chiếc canô lao vút trên mặt nước và rồi bất thần hàng loạt tiếng nổ đinh trời xé toạc lòng sông Son với những cột bùn và nước dựng cao ngút mắt.

Khi thấy trên bờ cờ báo hiệu an toàn phất lên, biết nhiệm vụ của mình đã hoàn thành, Chơn lao canô lên bờ mà toàn cơ thể vẫn còn run, hai tay ôm chặt cứng lấy vôlăng. Khi ấy dọc hai bên triền sông, rất nhiều bộ đội lẫn thanh niên xung phong đang căng mắt dõi theo từng động tác của Chơn đã vỗ tay reo mừng không ngớt. Cánh tài xế chĩa súng AK lên trời nổ hai phát một báo hiệu đường đã thông.

Đêm ấy trăng sáng vằng vặc cả dòng sông Son, lợi dụng sự vắng mặt của máy bay đối phương, toàn bộ hệ thống phà và cầu phao trên bến sông Son đã được huy động tổng lực. Đó cũng là lần đầu tiên phà Xuân Sơn vượt kỷ lục chuyển tải với hơn 300 lượt xe vào Nam chỉ trong một đêm. Sau nhiệm vụ cảm tử ấy, Chơn được đơn vị tặng thưởng một chiếc đồng hồ Ponjot của Liên Xô. Suốt tám năm gắn chặt với bến phà Xuân Sơn, từ 1965-1972, đã có tổng cộng 29 đồng đội của ông ngã xuống tại “tọa độ lửa” khi có người tuổi đời chưa quá 25.

Sau năm 1976, ông Chơn được điều động vào Nam rồi sang chiến trường Campuchia. Đến năm 1985 về làm chủ nhiệm công binh của Quân khu 9. Năm 1995, ông Chơn về hưu tại Lý Hòa, nơi ông sinh ra. Giờ đây cuộc sống của “con cá kình dòng Son” năm nào bình lặng bên con cháu.

Ông Chơn bây giờ đã là một cụ ông ngót nghét 70 tuổi. Nhớ lại thời khắc hào hùng không thể nào quên năm xưa, ông bùi ngùi: “Tôi chỉ là một trong rất nhiều nhân chứng của tuyến đường Hồ Chí Minh ngày ấy, và may mắn sống sót qua bao nhiêu bom đạn chiến tranh để bây giờ ngồi kể lại câu chuyện này. Còn bao nhiêu đồng đội của tôi chưa kể được câu chuyện hi sinh anh dũng của mình…”.

______________________________

Chuyện bom ném sập hang và người trong hang hi sinh trong những năm chiến tranh trên tuyến đường Hồ Chí Minh không nơi nào không có. Nhưng trên đường 20 có một câu chuyện hi sinh được ghi vào biên niên sử.

Kỳ tới: Hang Tám Cô và con đường tuổi 20

(Trích tài liệu của ban quản lý di tích Phong Nha)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên