16/04/2009 07:24 GMT+7

Ông mổ tim

TƯỜNG MINH
TƯỜNG MINH

TT - Nhiều gia đình và những đứa trẻ nghèo khó có trái tim ốm yếu ở khắp miền Trung gọi ông là “ông mổ tim”, dù ông không phải là chuyên gia phẫu thuật.

FluRcrR9.jpgPhóng to

Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân (phải) -Ảnh: T.M.

Ông là tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân, phụ trách văn phòng tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật (OGCDC) của Trường ĐH Y dược Huế - tổ chức chuyên... đi xin tiền cho trẻ em phẫu thuật tim, giúp đỡ trẻ nghèo khuyết tật suốt hơn mười năm nay.

Mong được... thanh tra

“Có lần văn phòng được Thanh tra Nhà nước thanh tra. Dù hơi mệt một chút nhưng kết quả cho thấy chúng tôi làm việc nghiêm túc, đặc biệt không hề bỏ túi dù chỉ một xu tiền của các nhà hảo tâm. Sau lần đó, tôi lại mong được thường xuyên thanh tra để nâng cao uy tín của văn phòng mình”, tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân nói vui.

Văn phòng OGCDC nhỏ bé, nằm lẫn trong giảng đường của Trường ĐH Y dược Huế từ mười năm nay, kể từ lúc thành lập. Tiếng là văn phòng nhưng chỉ có mỗi tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân và một nhân viên nữ chuyên lo giao dịch, tiếp nhận hồ sơ, chuyển tiền... Bởi vậy, cuộc trò chuyện với ông không bao giờ liền mạch, luôn bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại và những tiếng gõ cửa. Ông bảo: “Công việc chính của tôi là giảng dạy, nhưng chỉ vì một sự tình cờ mà dính chặt với văn phòng này không thể nào dứt ra được nữa”.

Sự tình cờ ông Nhân nói bắt đầu từ năm 1994, khi ông làm luận án tiến sĩ y khoa về nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Lúc đó gặp nhiều trẻ em bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam, thấy thương quá, cầm lòng không đậu nên về Huế đi xin bạn bè mỗi người một ít tiền giúp các em”, ông kể. Sau đó, cũng do “cầm lòng không đậu” nên ông Nhân đã kéo dài việc xin tiền bạn bè, người thân... giúp trẻ em bị dị tật hết năm này sang năm khác. Đến năm 1999, ông Nhân quyết định mở văn phòng OGCDC để mọi hoạt động được quy củ hơn, xin được nhiều tiền hơn làm những việc mà ông “cầm lòng không đậu”.

Thời gian đầu nguồn tài trợ chính cho văn phòng OGCDC chủ yếu là từ Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ của Mỹ và một số ít tổ chức, cá nhân khác ở nước ngoài. Trung bình mỗi năm OGCDC đủ tiền hỗ trợ vài chục ca mổ tim (trung bình mỗi ca hỗ trợ 5-15 triệu đồng). “Còn bây giờ nhờ văn phòng OGCDC hoạt động hiệu quả nên chúng tôi đã thu hút được hơn 30 đầu mối tài trợ khác nhau ngoài Đông Tây Hội Ngộ. Hiện trung bình mỗi năm chúng tôi giúp khoảng 300 ca mổ tim ở khắp miền Trung” - ông Nhân hồ hởi.

Địa chỉ của người nghèo

Văn phòng OGCDC nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của người nghèo, nhất là những gia đình có trẻ em bị bệnh tim, không chỉ ở Huế mà còn khắp miền Trung. Gần mười năm qua đã có không ít trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được văn phòng OGCDC giúp tìm lại sự sống.

“Điểm nóng”

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân, bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em (16 tuổi trở xuống) ở khu vực miền Trung hiện vẫn đang là một “điểm nóng”. Cứ trung bình 400.000 trẻ em thì có 1.000 trẻ mắc bệnh.Dù không phải là bệnh y học bó tay, nhưng nó sẽ làm người bệnh “chết mòn” và là một gánh nặng rất lớn cho người thân vì chi phí cho điều trị nội khoa thường rất lớn.

bURCAhxd.jpgPhóng to
Cháu Đặng Minh Hiếu ở đội 8, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, một trong hàng trăm bệnh nhân được văn phòng OGCDC hỗ trợ tiền phẫu thuật tim - ảnh: T.M.
Cháu Đặng Minh Hiếu, ở đội 8, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được văn phòng OGCDC giúp 15 triệu đồng để phẫu thuật tim cách đây đã hai năm. Gặp lại chúng tôi và tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân, chị Lê Thị Bé - mẹ Hiếu - vẫn còn mừng vui đến trào nước mắt. “Lên bệnh viện nghe nói bệnh con phải mổ hết 30 triệu đồng mà tui bủn rủn chân tay. Vợ chồng tui làm ruộng dưới quê, cả năm dành dụm 3 triệu đồng còn chưa có lấy mô ra 30 triệu đồng. Lúc đó chỉ biết ôm con ngồi ở hành lang bệnh viện mà khóc. May có một người chỉ tui cầm hồ sơ qua văn phòng OGCDC hỏi thử, và tui đã không tin vào mắt mình khi văn phòng OGCDC quyết định hỗ trợ 15 triệu đồng” - chị Bé kể.

Cũng là mổ tim, nhưng ngoài việc đi quyên tiền nhiều năm nay văn phòng OGCDC còn phối hợp với Trung tâm Healing the wounded heart (hàn gắn trái tim thương tổn) của bà Marichia Arese - tiến sĩ sử học người Mỹ, ở đường Phạm Ngũ Lão, TP Huế - để làm một việc rất ý nghĩa: bà Marichia đến Huế “tập hợp” khoảng 17 trẻ khuyết tật đưa vào trung tâm, sau đó trực tiếp dạy các em nghề làm các sản phẩm thủ công từ chất liệu vải như túi xách, túi đựng thuốc nam kiểu như bao gối; dùng những thứ phế thải như vỏ lon bia, bao bì mì gói, bánh kẹo... rửa sạch, quấn vào các nan tre rồi đan thành những chiếc rá, rổ... truyền thống xinh xắn và nhiều màu sắc.

Khi các em đã thuần thục, bà Marichia tự thiết kế mẫu và đem về Mỹ hoặc sang châu Âu chào hàng. Khách đồng ý thì bà cho các em sản xuất.

Trên mỗi sản phẩm các em làm ra có hình một trái tim kèm câu “Healing the wounded heart”, đại ý: Khi bạn mua sản phẩm là bạn đang góp phần đem lại cơ hội sống cho nhiều người khác. Tiền thu được, 40% dành để trả lương cho người làm và chi phí vận chuyển, 40% chuyển cho OGCDC, 20% còn lại chi phí cho các việc khác.

Bằng cách này, gần bảy năm qua trung tâm của bà Marichia không chỉ tạo thu nhập cho những trẻ khuyết tật với mức từ 800.000-1.500.000 đồng/người/tháng tùy sản phẩm bán được, mà còn phối hợp với OGCDC giúp đỡ tiền phẫu thuật cho hơn 250 trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh ở khắp miền Trung; hỗ trợ hơn 20 trẻ em u não được phẫu thuật bằng dao gamma và hàng chục bệnh nhi được điều trị cấp cứu tại khoa nhi Bệnh viện T.Ư Huế.

Hiện song song với việc quyên tiền phẫu thuật tim, tiến sĩ Nguyễn Viết Nhân và văn phòng OGCDC còn xin tài trợ để mở cho tám xã của huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế tám lớp học đặc biệt cho trẻ khuyết tật; tập huấn cho cán bộ y tế xã phương pháp phát hiện dị tật ở trẻ sơ sinh, đồng thời giúp các gia đình có trẻ khuyết tật vay vốn làm ăn. “Cũng từ nguồn tài trợ, hiện văn phòng chúng tôi đang xúc tiến việc xây dựng một khu nhà cho bệnh nhân mổ tim và thân nhân tá túc trong khi chờ lịch mổ. Đây cũng là nơi để sinh viên Trường ĐH Y dược Huế làm thiện nguyện bằng cách chăm sóc bệnh nhân nhằm nâng cao ý thức cộng đồng” - ông Nhân cho biết.

Điều lệ cuộc thi viết Phóng sự - ký sự do Tuổi Trẻ tổ chức

Ðến nay, cuộc thi viết Phóng sự - ký sự 2008-2009 do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã đi được nửa chặng đường. Cuộc thi đã nhận được nhiều bài vở tham gia của các cây bút chuyên và không chuyên, của bạn đọc trong và ngoài nước. Ban tổ chức cuộc thi mong tiếp tục nhận được sự tham gia của bạn đọc, cổ động mạnh mẽ hơn nữa cho cuộc thi.

Chúng tôi xin đăng lại điều lệ cuộc thi để các bạn tiện tham gia.

1. Nội dung

Những vấn đề thiết thân với cuộc sống người dân trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... Những biến chuyển trong đời sống, trong công cuộc xây dựng và phát triển, những nhân tố mới, xu hướng mới kể cả những cản ngại trên đường phát triển. Những con người và sự kiện dân sinh độc đáo, thú vị khắp mọi miền, và cuộc mưu sinh, học tập... của người VN ở nước ngoài.

2. Ðối tượng dự thi:

Tất cả các cây bút, trừ phóng viên báo Tuổi Trẻ.

3. Giải thưởng:

- Giải nhất: 20 triệu đồng (một giải).

- Giải nhì: 15 triệu đồng (hai giải).

- Giải ba: 10 triệu đồng (ba giải).

- Giải khuyến khích: 5 triệu đồng (năm giải).

4. Tiêu chí chấm giải:

Dựa trên các yếu tố chính: độc đáo, mới lạ, đậm tính nhân văn và thể hiện sinh động.

5. Ðiều lệ dự thi:

- Các phóng sự, ký sự, ký sự nhân vật dự thi không quá 1.800 chữ (mỗi bài), kèm theo tài liệu (nếu có) và bắt buộc phải có ít nhất năm ảnh mô tả tình tiết, nội dung. Trường hợp sự kiện, vấn đề... có nhiều nội dung, tình tiết hay có thể viết tối đa ba kỳ. Các tác phẩm được chọn qua vòng sơ khảo sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và Tuổi Trẻ Cuối Tuần, được trả nhuận bút theo khung giá hiện nay của báo Tuổi Trẻ. Ban tổ chức không gửi lại các bài dự thi không sử dụng được.

- Thời gian tổ chức cuộc thi: Một năm, kể từ ngày nhận bài vào ngày 2-9-2008. Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày 2-9-2009.

- Bài dự thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận. TP.HCM. Email: phongsu@tuoitre.com.vn. Tác giả cần ghi rõ trên bì thư hoặc email: "Bài tham gia cuộc thi Phóng sự - ký sự của báo Tuổi Trẻ". Ngoài ra cần ghi tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn liên lạc khi cần.

Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được những phóng sự dự thi đầy tâm huyết của bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước.

TƯỜNG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên