05/04/2009 08:05 GMT+7

Thăm ngôi đền ở vùng chiến sự

TỐ OANH (Preah Vihear tháng 3-2009)
TỐ OANH (Preah Vihear tháng 3-2009)

TT - LTS: Súng lại vừa nổ ở khu vực ngôi đền ngàn năm tuổi Preah Vihear, nằm ở biên giới Thái Lan - Campuchia. Ngày 7-7-2008, ngôi đền này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng chỉ tám ngày sau đó, nơi đây trở thành vùng chiến sự khi cả hai nước giằng co tranh chấp khu vực đền này. Sau đó, mặc dù binh lính hai bên đồn trú dày đặc ở đây nhưng tiếng súng đã lặng...

Video clip Thăm đền ở vùng chiến sự
I0RDA4jp.jpgPhóng to
Binh lính Campuchia ở đền Preah Vihear - Ảnh: TỐ OANH

Phóng viên Tuổi Trẻ đã có chuyến thăm ngôi đền ngàn năm tuổi này.

Tiếng súng đã im nhưng sự có mặt của binh lính hai bên - dù rất hòa bình với nụ cười luôn nở trên môi - vẫn khiến du khách thấy mình được “tặng” thêm một “món khuyến mãi”: cảm giác mạnh!

Đền Preah Vihear nằm trên đỉnh cao nhất của dãy Dangkrek (cao 625m so với mặt nước biển), cách Siem Reap 320km về hướng tây bắc. Cùng quãng đường này, các tuyến khác ở Campuchia chỉ mất 6-10 USD/khách với phương tiện xe buýt chất lượng cao. Còn hiện tại để đến được Preah Vihear, chúng tôi phải thuê chiếc xe hai cầu với giá hơn 200 USD vì đường khá xấu và chưa có phương tiện xe công cộng.

Chiến tranh và hòa bình

Vượt những cánh rừng vẫn còn biển cảnh báo có mìn hai bên đường, dân cư thưa thớt, cảm giác hồi hộp thật sự bắt đầu khi đến ngã ba Sro Em, cách đền 28km. Chỉ có rừng hoang vắng và quân đội Campuchia đóng quân dọc theo hai bên đường. Chốc chốc lại thấy lô cốt, hầm trú ẩn, các phương tiện cơ giới, khí giới... trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Suốt dọc từ chân núi lên đền một bên là vách đá, bên là vực sâu. Cứ khoảng vài chục mét lại có những cụm lô cốt dã chiến bên bờ vực, mũi súng đặt trên nóc hướng về đất Thái Lan, còn lực lượng quân đội thì chia thành toán nhỏ rải dọc theo vách núi.

Sự phân tranh của lịch sử đã cho ra một điều thú vị: đền thuộc lãnh thổ Campuchia, nhưng muốn vào cổng chính của đền lại phải đi từ phía Thái Lan (thuộc công viên quốc gia Phra Viharn). Năm 1998, khu đền Preah Vihear được quân đội Campuchia giành lại từ tàn quân Khơme Đỏ và mở cửa đón du khách từ phía Thái Lan. Tuyến du lịch đông bắc Thái Lan trở nên hấp dẫn thu hút khách hơn với điểm đến có ngôi đền Preah Vihear ngàn năm tuổi. Năm 2003, Campuchia mở đường lên núi, đền đón thêm du khách phía Campuchia với lối vào từ bên hông đền.

Biển ký hiệu cấm nổ súng của Tổ chức Bảo tồn di sản thế giới được cắm ngay từ khu vực chân núi và rải rác khắp trong, ngoài đền ngay sau cuộc nổ súng ngày 15-10-2008 giữa binh lính Thái Lan và Campuchia. Tuy vậy, hiện tại binh lính Campuchia vẫn bồng súng khắp đền, trong khi đó du khách vẫn vui vẻ tham quan, tìm hiểu.

Các anh lính cười: “Súng chỉ được bồng chứ không được nổ đâu”. Đi mệt, du khách nghỉ chân ở những góc đền và trò chuyện với lính. Cô Long Rada - du khách người Campuchia - cho biết: “Đường sá xa, khó đi. Người dân Campuchia quan niệm ai may mắn, có cơ duyên mới được đặt chân đến đền này. Tôi rất tự hào về tổ tiên Campuchia đã có những công trình để lại cho con cháu đời sau được quốc tế công nhận di sản thế giới”. Chụp cho nhau những bức ảnh lưu niệm, những người lính trẻ cho biết: “Rất vui khi thấy du khách tham quan ngôi đền. Những ngày không có du khách chỉ có lính và lính rất buồn. Khi có du khách thấy đỡ nhớ nhà”.

Ngôi đền ngàn năm tuổi

Theo sách sử ghi chép lại, ngôi đền được xây dựng bằng đá sa thạch vào cuối thế kỷ 9, trải qua hai thế kỷ với bốn đời vua mới hoàn thành; là ngôi đền ở vị trí cao nhất trong các đền đài xưa cổ của Campuchia. Vị vua đầu tiên khởi công xây dựng là Yasovarman I (889-900) và cuối cùng vị vua hoàn thành là Suryavarman II (1100-1152). Đây cũng là vị vua xây lên ngôi đền Angkor Wat huyền bí ở Siem Reap. Nhà vua Suryavarman II đã cho hoàn thành hai hàng lan can rắn thần Naga to lớn và nhiều tượng sư tử với tư thế đang đứng canh giữ đền.

Ra đời trước Angkor, Preah Vihear được xem là biểu tượng cho kiến trúc tổng hợp của các đền đài các thời kỳ Angkor. Khoảng 60% đền vẫn còn nguyên vẹn với thời gian cho thấy đền có mái chạm khắc tinh xảo của Bantear Srey, hành lang dài mái vòm của Angkor Wat... Những bức phù điêu chạm khắc sống động sự tích khuấy biển sữa tìm nước trường sinh tạo thành nàng Apsara, các câu chuyện trong sử thi Ramayana của Ấn Độ. Ngôi đền xây lên để thờ thần Shiva, vị thần tượng trưng cho sự hủy diệt và hồi sinh của đạo Bà La Môn. Hình ảnh thần Shiva được điêu khắc rất nhiều trên các khung cửa với tư thế ngồi trên con Cala hay cưỡi trên bò thần Nadin.

Do công trình được xây dựng trên đỉnh núi chót vót, gió mạnh nên các tảng đá ở Preah Vihear to gấp hai, ba lần các tảng đá được xây dựng ở Angkor. Nguyên liệu đá xây đền được lấy tại chỗ. Cạnh đền, vết tích của công trường khai thác đá sa thạch vẫn còn ngổn ngang. Trên tầng cao nhất của đền cũng là đỉnh núi gió rít phần phật. Người hướng dẫn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngàn xưa.

Thời hậu Angkor, Tà Đi là một vị tướng trong trận chiến với quân Xiêm (Thái Lan) vì bại trận ông đã trốn vào đền. Không may quân giặc phát hiện, ông dựa vào vách nói thà chết chứ không làm tù binh rồi gieo mình xuống vách đá. Người ta tin ông đã đào tạo lính ma để chống lại quân Xiêm. Những trận chiến sau quân Xiêm đều bị bại trận, người ta tin những trận thắng đó đều là công lao của tướng Tà Đi. Một góc nhỏ sau đền bên vách đá khói nhang tưởng nhớ ông luôn nghi ngút.

Hình ảnh bác sĩ quân y Sóc Tranh hiền hòa, ân cần chăm sóc một du khách bị bệnh đột ngột khi đi thăm đền cứ lưu mãi trong chúng tôi. Đưa chúng tôi đi tham quan rào kẽm gai giăng kín lối qua lại giữa hai nước, những người lính nói: “Mong một ngày thật gần rào kẽm gai sẽ được tháo ra. Tất cả mọi người ở bất cứ đâu đều có thể đến để tìm hiểu, chiêm ngưỡng đền, bởi ngôi đền đã trở thành một di sản văn hóa của thế giới”.

Đụng độ

LtI5igSW.jpgPhóng to
Một góc ngôi đền - Ảnh: TỐ OANH

Thật nhanh chóng, cả hai phía đều nói lại rằng vụ nổ súng hôm 3-4-2009 đã bắt đầu bằng việc một binh sĩ Thái Lan đạp phải mìn. Mìn nổ, các binh sĩ Thái khác thần hồn nát thần tính, nổ súng tới tấp, binh sĩ Campuchia cũng nổ súng lại. Khim Eung, một sĩ quan của lữ đoàn 8 quân đội hoàng gia Campuchia đóng tại khu vực ngôi đền này, thuật lại với báo chí.

Theo sĩ quan này, chỉ có mỗi binh sĩ Thái nọ mất chân vì mìn, còn chẳng ai chết cả, trái với những tin tức ban đầu của báo chí rằng có hai binh sĩ Campuchia và một binh sĩ Thái Lan tử trận. Người phát ngôn phó lục quân hoàng gia Thái, đại tá Sirichan Ngathong, xác nhận tin này.

Sau vụ này, phía Thái Lan đã cho đóng cửa biên giới, không cho du khách đến ngôi đền Preah Vihear từ phía Thái Lan. Tuy nhiên, so với vụ chạm súng thật sự tháng 10-2008, thì vụ này chỉ là “chuyện cứ như đùa”.

Ngày 3-10-2008, hai bên đã ngắm bắn nhau thật sự trong 3 phút, khiến hai binh sĩ Thái và một binh sĩ Campuchia bị thương. Ngày 14-10, hai bên đụng độ tiếp, ba binh sĩ Campuchia chết và hai người bị thương, bảy binh sĩ Thái bị thương, 13 người bị bắt sống. Ngày 6-10-2008, cũng tại khu vực rừng rậm này, hai binh sĩ Thái trúng mìn song đã không gây ra một vụ chạm súng nào.

Những quả mìn này không phải mới được cài, mà còn sót lại từ lúc quân đội Chính phủ Campuchia rượt đuổi phe Khơme Đỏ vào cuối những năm 1990. Làm thế nào mà những quả mìn cũ từ một cuộc chiến tranh cũ lại nổ trong một cuộc xung đột mới?

Giờ này năm ngoái, ngôi đền Preah Vihear không hề là đề tài tranh chấp giữa hai chính phủ Campuchia và Thái Lan - lúc đó do thủ tướng Samak cầm quyền. Trên website chuyên ngành khảo cổ học Đông Nam Á (*) vẫn còn lưu một tin đề ngày 5-3-2008. Theo đó, thủ tướng tân cử Samak Sundaravej tuyên bố chính phủ của ông đã đạt một thỏa thuận với chính phủ láng giềng cho phép Campuchia đề nghị ngôi đền Preah Vihear - chứ không phải đất đai xung quanh - là di sản văn hóa thế giới.

“Campuchia và Thái Lan hiện đang chuẩn bị công bố một thông cáo chung, song tôi muốn thông báo cho nhân dân Thái biết trước hết” - thủ tướng Samak tuyên bố với báo chí sau khi về từ một chuyến thăm Campuchia. Ông cũng cho biết: “Campuchia khẳng định rằng sẽ chỉ đề nghị ngôi đền là di sản thế giới thôi chứ không phải khu vực xung quanh”.

Thông cáo chung về việc Campuchia đề nghị UNESCO công nhận ngôi đền Preah Vihear như là di sản văn hóa thế giới được Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Pattama và Phó thủ tướng Campuchia Sok An cùng long trọng ký ngày 22-5 sau đó. Một thỏa thuận rất văn hóa về một vấn đề văn hóa di sản được ký kết tại một vị trí rất văn hóa là trụ sở UNESCO.

Thế nhưng, phe áo vàng (Liên minh Dân chủ) đối lập lúc đó, đang chiếm đóng phủ thủ tướng, đã lấy vụ này ra làm chiêu bài tấn công chính phủ Samak, cáo buộc bộ trưởng ngoại giao Pattama “bán nước”. Ông này đã phải mất chức sau đó, cho dù ông có phân trần là Thái Lan chẳng mất một cm2 đất nào. Sau đó, đến lượt thủ tướng Samak (được phe áo đỏ hậu thuẫn) mất chức, phe áo vàng lên nắm quyền.

Nay thì chính phủ đương quyền (phe áo vàng) đang bị phe áo đỏ bao vây phủ thủ tướng y hệt phe áo vàng đã làm năm ngoái. Đã có tin Chính phủ Thái phải họp ở Pattaya thay vì ở Bangkok, do dinh thủ tướng bị bao vây. Trong bối cảnh rối rắm đó, vụ ngôi đền Preah Vihear lại được hâm nóng bằng việc một đại đội binh sĩ Thái mò vào khu vực Veal Antri, Thủ tướng Hun Sen lên tiếng cảnh cáo. Qua hôm sau, một binh sĩ Thái trúng mìn, súng nổ qua lại vu vơ. Một chút ồn ào cho bớt căng thẳng trên chính trường.

(*) http://www.southeastasiarchaeology.com/2008/

TỐ OANH (Preah Vihear tháng 3-2009)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên