16/10/2008 04:25 GMT+7

Ở nơi nối ngày xưa với ngày mai

MINH THU - TOẠI NGUYỄN
MINH THU - TOẠI NGUYỄN

TT - Sau gần hai năm đưa vào sử dụng (tháng 12-2006), bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) đã khám, chữa bệnh cho khoảng 18.000 lượt bệnh nhân. Những thầy thuốc ở đây đang tiếp tục sự nghiệp của người nữ liệt sĩ anh hùng.

Vy3Xp6KH.jpgPhóng to
Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với bệnh xá Đặng Thùy Trâm khám chỉ định phẫu thuật miễn phí cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tỉnh Quảng Ngãi ngày 21-7-2008 - Ảnh do Quỹ bảo trợ trẻ em Quảng Ngãi cung cấp

Chị Tạ Thị Ninh - người chị kết nghĩa năm xưa của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm - nhớ như in những đêm bệnh xá quá tải: nào là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, trẻ lên cơn sốt, những sản phụ chuyển dạ sinh con... cùng đưa vào bệnh xá lúc nửa đêm. Rất nhiều đêm khi các y, bác sĩ hoàn tất công việc cấp cứu cũng là lúc trời hửng sáng. Từ ngày bệnh xá chính thức đưa vào hoạt động, hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo được cứu chữa, hàng trăm đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời ở bệnh xá này...

Ca đỡ đẻ cho người lỡ đường

Hành trình “Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhiều đoàn công tác tình nguyện ở khắp nơi trên mọi miền đất nước đã về Phổ Cường, huyện Đức Phổ để tiếp nối tâm nguyện của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Liên tục từ tháng 12-2006 đến nay, nhiều đoàn y, bác sĩ, thanh niên tình nguyện như: đoàn công tác y, bác sĩ TP.HCM, đoàn thanh niên Bộ Y tế, Hội Nhãn khoa phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM, Bệnh viện Tim Hà Nội... đã về bệnh xá Đặng Thùy Trâm khám, cấp phát thuốc, mổ mắt miễn phí, khám phân loại chỉ định phẫu thuật cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh..., cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo.

Chị Nguyễn Thị Hằng quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có lẽ không bao giờ quên đêm chuyển dạ của mình trên chuyến xe đò từ TP.HCM về quê. Đó là một đêm khuya tháng 8-2008, trong cơn đau quằn quại thiếu vắng người thân, chị lê từng bước khó nhọc từ quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ đến xin nhập viện sinh con đầu lòng. Y sĩ Đoàn nhớ lại: “Đây là ca đẻ khó, bào thai ở tư thế ngồi. Sau nhiều giờ các y, bác sĩ vã mồ hôi cấp cứu cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông. Đỡ đẻ cho chị Hằng đêm ấy có lẽ là kỷ niệm khó quên trong đời tôi”.

Sau ngày sinh, người mẹ không có sữa cho con bú, các y, bác sĩ cùng nhau quyên góp tiền mua sữa và tìm mọi cách để chị Hằng có sữa cho con. Chị Ninh lặng lẽ về vườn nhà ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường hái đu đủ, hầm giò heo bồi bổ cho sản phụ lỡ đường. Được một tuần mẹ và con đều khỏe mạnh.

Ngày chị Hằng xin xuất viện, các thầy thuốc ở đây góp tiền cho chị đi xe. Trong buổi chia tay về quê, quyến luyến cầm tay các y, bác sĩ ở bệnh xá, chị Hằng xúc động: “Cái tình của các thầy thuốc ở bệnh xá suốt đời mẹ con tôi ghi ơn mãi. Trước đây, tôi đã từng nghe kể nhiều về nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Và đến bây giờ tôi đã hiểu sâu sắc tấm lòng chị Trâm qua tấm lòng của các y, bác sĩ ở đây hôm nay”.

Đầy ắp ân tình

Hai năm qua, có trên 6.000 lượt khách trong nước và quốc tế đã đến tham quan, du lịch theo hành trình “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Trong những lượt khách ấy có những vị nguyên thủ quốc gia, những đoàn công tác tình nguyện...

Nhân chuyến công tác tại Quảng Ngãi tháng 7-2008, đoàn công tác Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã về thăm bệnh xá. Trong sổ lưu niệm, Thủ tướng viết: “Tôi đã khóc khi đọc nhật ký của chị - bác sĩ anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Xin thắp nén nhang tưởng niệm chị với tất cả sự ngưỡng mộ và tri ân...”.

Nhiều khách nước ngoài cũng đã khóc trước tượng chị Đặng Thùy Trâm. Chị Ninh cho biết: “Một số khách nước ngoài theo tôi về nhà và tìm đến nơi Thùy Trâm đã anh dũng hi sinh”. Mới đây, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch giả Izumi Takahashi (Nhật) dịch sang tiếng Nhật và xuất bản tại Nhật. “Thăm bệnh xá Đặng Thùy Trâm, hình ảnh chị Trâm - nữ liệt sĩ, bác sĩ anh hùng - đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi. Trước khi dịch cuốn nhật ký, tôi thực hiện chuyến đi thực tế đến Phổ Cường, Đức Phổ thăm bệnh xá để thấu hiểu, cảm nhận không gian nhân văn mà chị Trâm đã trải lòng trong từng dòng nhật ký đầy ắp tình người” - Izumi Takahashi bộc bạch.

Trước bệnh xá, bên chân tượng nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chị Ninh cùng các y, bác sĩ bệnh xá vừa trồng thêm cây trâm rừng. “Năm xưa chị Trâm thích nhặt lá trâm ép vào những trang nhật ký, bây giờ đất nước hòa bình, trồng cây trâm là gợi nhớ Thùy Trâm vẫn còn mãi với cuộc đời này” - chị Ninh tâm sự. Cả không gian hoa cỏ bên ngoài xanh tươi mơn mởn, đó là nhờ sự chăm sóc cần mẫn của anh thương binh 2/4 Bùi Quang Y, du kích xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ năm xưa.

Từ cuối năm ngoái, vợ chồng anh Y và chị Sương đã tình nguyện về với bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Hằng ngày, ngoài giờ tưới cây, chăm sóc, tỉa cành cho vườn hoa trong khuôn viên, bảo vệ bệnh xá, anh còn phụ giúp vợ làm đầu bếp, chạy bàn ở bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo điều trị nơi đây. “Vợ chồng tôi làm việc ở bệnh xá này trên hết là tri ân chị Trâm, phục vụ bà con nghèo. Trong chiến tranh, chị Trâm đã hi sinh tuổi trẻ của mình cho Đức Phổ, tận tình chăm sóc thương, bệnh binh. Bây giờ đất nước hòa bình, vợ chồng tôi cảm thấy mình cần phải làm gì đó góp phần vào bệnh xá này thêm ý nghĩa như tâm nguyện chị Trâm hằng mong ước” - anh Y tâm sự.

MINH THU - TOẠI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên