28/09/2008 08:20 GMT+7

Ký sự sông Hồng - Kỳ cuối: Những cây cầu lịch sử

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Đã nhiều lần qua cầu Cốc Lếu nối hai bờ thị xã Lào Cai nơi phên giậu Tổ quốc, nhưng lần nào tôi cũng dừng lại rất lâu trên chiếc cầu này. Nước sông Hồng hòa cùng dòng Nậm Thi vẫn mờ mờ chia đôi màu xanh, hồng dưới chân cầu.

f00A3xYX.jpgPhóng to
Chiếc cầu Cốc Lếu là chứng tích của nhiều sự kiện bi hùng - Ảnh: Q.Việt

Nhà ga đường sắt nằm ở đầu cầu bên núi, còn phố thị đang phát triển sầm uất ven bờ cầu bên kia. Khách phương xa đến miền biên viễn này cũng ngược xuôi in dấu chân trên Cốc Lếu. Đây là chiếc cầu sắt nhỏ nhưng chứa đựng bao sự kiện lịch sử bi hùng của dân tộc.

Kỳ 1: Ngã ba sông huyền thoại Kỳ 2: Thương khách sông Hồng Kỳ 3: Kinh đô đầu tiên Kỳ 4: Cồn bãi sông Hồng Kỳ 5: Làng cổ ven sông Kỳ 6: Dòng sông lễ hội

Soi bóng lịch sử

Ngay sau khi xây xong cầu Hồ Kiều bắc qua dòng Nậm Thi nối nước Việt với Trung Quốc, người Pháp đã bắt tay làm cầu Cốc Lếu để hình thành thị xã biên ải này vào năm 1907. Đó là một công trình xây dựng đẫm mồ hôi, nước mắt và máu. Thuở ấy, thị xã Lào Cai còn núi rừng hoang vu lắm chướng khí, nhiều bệnh tật. Dân tại chỗ không đủ làm, người Pháp phải mộ người dưới xuôi, kể cả Hà Nội lên. Nhiều dân công đói, bệnh đã thiệt mạng, xác trôi theo dòng sông Hồng. Có lẽ câu thơ ai oán Ai đưa tôi đến chốn này/Bên kia Cốc Lếu bên này Lào Cai và một tên truyền miệng khác của chiếc cầu là “Giời Ơi” đã phát xuất từ những thân phận khốn khổ đó.

Tuy nhiên, không được như dòng nước sông Hồng vẫn ngàn năm xuôi chảy dù bao biến động lịch sử xảy ra, cây cầu biên giới này nhiều lần bị đánh sập hoàn toàn. Lần thứ nhất lại do chính bàn tay người Pháp chủ trì xây dựng ra nó khi bộ đội tiến vào giải phóng Lào Cai. Người dân vùng này lại một lần nữa qua lại đôi bờ sông Hồng bằng những chuyến đò ngang mong manh giữa dòng nước cuồn cuộn xuôi chảy. Đến cuối những năm 1950, cầu mới lại được soi bóng sông Hồng nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô. Rồi biến động lịch sử lại tiếp tục đè nặng lên cầu.

Cụ Nguyễn Quang Hồng, gần 80 năm đời người sống bên cầu, kể cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã phá hủy cây cầu này một lần nữa. Mãi đến năm 1994, cầu Cốc Lếu lần thứ ba mới được hồi sinh bởi chính bàn tay của những người thợ Việt trong Tổng công ty Xây dựng cầu Thăng Long. Rất nhiều hoa đã được rải xuống sông Hồng trong ngày khánh thành, mặc niệm những người lính đã đổ máu xương cho Cốc Lếu lại được soi bóng dòng sông. Thị xã Lào Cai cũng hồi sinh và phát triển trên dải đất sông Hồng hai đầu cầu.

Nhiều cầu mới và phục sửa đang được hối hả thi công suốt chiều dài sông Hồng đến cửa biển Ba Lạt, Thái Bình. Chúng như nối thêm nhịp bước cho nền văn minh sông Hồng chuyển tiếp dòng chảy lịch sử mới.

Từ biên ải xuôi sông Hồng về nơi đổ ra biển Đông ở cửa biển Ba Lạt, Thái Bình, tôi tiếp tục đặt chân trên nhiều cầu ngang lớn nhỏ khác. Trong đó có Long Biên, cây cầu nối đôi bờ sông Hồng ở Hà Nội cũng gánh chịu nhiều biến động lịch sử như cây cầu biên giới Cốc Lếu.

Tấm bia đồng ở mố cầu vẫn còn ghi người Pháp đã xây dựng cầu từ năm 1898-1902, nhằm nối đường vận chuyển tài nguyên và quân nhu. Hơn thế kỷ soi bóng sông Hồng, cầu Long Biên là chứng nhân cho thời kỳ thuộc địa khổ nhục, ngày độc lập vinh quang và cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Nhiều năm oanh tạc miền Bắc, không lực Mỹ đã chọn cầu Long Biên là tọa độ phá hủy trọng tâm.

Ông Tạ Đinh - phụ hương khói đền Ghềnh gần chân cầu - kể ông là cựu thanh niên xung phong đã tham gia giữ cây cầu lịch sử này suốt 25 năm. “Đó là nơi quyết tử bi hùng. Trận địa súng cao xạ bố trí ở hai đầu cầu và có ụ súng phơi mình cả trên vòm cầu. Thậm chí dưới bãi nổi giữa sông Hồng cũng có pháo phòng không. Nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi. Chiến sĩ phòng không cũng hi sinh nhiều.

Và cầu Long Biên dù bị đánh sập tơi tả nhưng chưa bao giờ gục ngã hoàn toàn. Nó chỉ chịu sập mấy nhịp, được nối lại rồi lại bị đánh sập”. Dõi mắt nhìn bóng cầu trên sông, ông Đinh miên man ký ức. Thời đất nước thanh bình, cây cầu lịch sử này lại tiếp tục chở che bao phận nghèo khó nương sống dưới gầm cầu. Nó cũng thành nơi buôn bán lặt vặt mưu sinh cũng như là nhịp nối dạo chơi, hẹn hò của nhiều người Hà Nội trên sông Hồng.

Nối bến bờ mới

Tl91zCk1.jpgPhóng to
Phiên chợ dưới chân cầu Long Biên - Ảnh: Dương Minh Long

Bây giờ, nhiều cầu mới và phục sửa đang được hối hả thi công suốt chiều dài sông Hồng đến cửa biển Ba Lạt, Thái Bình. Chúng như nối thêm nhịp bước cho nền văn minh sông Hồng chuyển tiếp dòng chảy lịch sử mới. Mù xa nơi sông Hồng chảy vào đất Việt, tôi đã được nghe tâm sự của anh lính biên phòng mong mỏi có những cầu mới để tuần tra vùng biên. Xuôi tận cửa biển Ba Lạt, tôi cũng nghe ước mơ thêm nhịp nối đôi bờ để đưa con đến trường, lúa ngô ra chợ của bao nông dân ngàn đời gắn mình bên dòng sông lịch sử.

Thủ đô Hà Nội ngoài việc phục sửa cầu Long Biên đã và đang xây dựng nhiều cầu mới như Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Tứ Liên, kể cả xây thêm cầu Long Biên theo nguyên bản cầu cũ... Khi đó, thủ đô linh hồn ngàn năm tuổi của nền văn minh sông Hồng sẽ gắn kết thêm đôi bờ. Gần đây, người ta tính toán đại dự án quy hoạch thủ đô Hà Nội theo trung tâm là con sông chở nặng phù sa. Với tên gọi “thành phố sông Hồng”, dự án tầm lịch sử sẽ làm thay đổi bộ mặt sông Hồng và dải đô thị lớn ven bờ.

Dòng sông sẽ được nạo vét và cải tạo cồn bãi thành công viên để tô điểm vẻ đẹp cho Hà Nội. Ý tưởng “thành phố sông Hồng” của kiến trúc sư Hàn Quốc đó nếu được duyệt sẽ là công cuộc quy hoạch đô thị ven sông Hồng lớn nhất lịch sử VN. Người ta dự trù phải đầu tư khoảng 7 tỉ đôla, mất thời gian 12 năm và khoảng 40.000 người sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại để hoàn thành dự án.

Đến nay, đại dự án vẫn còn đang nghiên cứu và tranh luận, nhưng ý tưởng lớn đó đã gợi cho cư dân sông Hồng nối thêm tầm nhìn xa đến thời đại tương lai của mình. Hàng ngàn năm trôi qua, dòng sông Hồng chở nặng phù sa đã xuôi chảy cùng lịch sử dân tộc Việt bi hùng để góp phần tạo dựng nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Và chắc chắn nó sẽ tiếp tục hành trình cùng nước Việt đến những bến bờ tương lai...

----------------

Số tới, đón đọc những câu chuyện cảm động:

Lưu Bình - Dương Lễ thời nay

Không cùng mẹ cha sinh ra nhưng họ thương yêu, bảo bọc lẫn nhau nhiều hơn cả anh em ruột thịt. Không chỉ có người giàu sang giúp bạn nghèo khó, không chỉ người may mắn nâng đỡ kẻ sa cơ, mà còn có cả những người bạn đồng cảnh ngộ chia nhau từng chén cơm thiu giữa chợ đời.

Họ chia nhau nguồn sáng từ một cặp mắt, đi chung một đôi chân, cùng sống nhờ một dòng máu, chung một lời thề...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên