30/04/2008 08:09 GMT+7

Người sơn cầu Hiền Lương

HỒNG PHÚC
HỒNG PHÚC

TT - Vào ngày 30-4 này, cụm di tích đặc biệt đôi bờ Hiền Lương được tỉnh Quảng Trị khánh thành, sau sáu năm đầu tư tôn tạo. Trong dòng người đổ về di tích cầu Hiền Lương vào dịp lễ thống nhất non sông, nhiều du khách bất ngờ gặp được "nhân chứng sống" Nguyễn Thị Hương.

GHreluDM.jpgPhóng to
“Ở tuổi ngoài 65, được chăm cháu mỗi ngày là niềm vui lớn nhất của tôi” - bà Nguyễn Thị Hương nói - Ảnh: Hồng Phúc
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bà Hương, một trong rất ít người còn lại của đội quân sơn cầu Hiền Lương ngày ấy, đang kể chuyện lịch sử đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước bằng... màu sơn cầu.

Màu thống nhất

Bà Hương nhớ lại: "Lúc đó tôi đang làm việc ở ngành giao thông - vận tải tỉnh Hà Tĩnh. Cuối năm 1956, bất ngờ được cấp trên điều động về đơn vị giao thông nhận nhiệm vụ sơn cầu Hiền Lương". 17 tuổi, tạm biệt gia đình, quê hương, bà vào vùng đất lửa Vĩnh Linh để thực hiện nhiệm vụ.

Cầu Hiền Lương được xây dựng vào năm 1952, có chiều dài 178m, chia thành hai nửa, mỗi bên có độ dài 89m, nửa bờ Bắc có 450 tấm ván mặt cầu, nửa bờ Nam có 444 tấm. Toàn bộ cầu có màu gỉ sắt, cầu gồm bảy nhịp, trụ bằng bêtông cốt thép, mặt cầu lát bằng ván thông.

Phía nửa cầu ở bờ Nam, từ sau năm 1956, chính quyền miền Nam cho sơn bằng màu xanh (nửa cầu phía Bắc lúc đó là màu gỉ sắt) để phân biệt sự chia đôi đất nước VN. Phía miền Bắc quyết đấu tranh đòi thống nhất một màu sơn trên cầu.Đội sơn cầu của bà Hương ngày nào cũng tổ chức sơn lại màu cầu cho thống nhất.

EJA7EtYz.jpgPhóng to
Cầu Hiền Lương - Ảnh: T.T.D.
Thiêng liêng

Những ngày tháng tư lịch sử, du khách trong và ngoài nước tấp nập tìm về cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, để nghe tiếng hò dưới sông vọng lên: Sông Bến Hải bên trong bên đục/Trách ai làm cho non nước chia đôi. Đã hơn 30 năm thống nhất đất nước, nhưng mỗi lần nghe lại câu hò xưa, từng lời, từng giai điệu của giọng hò vẫn lắng sâu vào máu thịt của biết bao người.

Đứng ở di tích cầu Hiền Lương, cụ Nguyễn Văn Tiếu, 85 tuổi, một du khách đến từ TP.HCM, xúc động: "Dòng sông Bến Hải vỏn vẹn chưa đầy 200m, hai bờ Nam - Bắc chỉ cách nhau một câu hò mà cả dân tộc phải chiến đấu, hi sinh ròng rã 20 năm trời mới có ngày thống nhất. Hôm nay, tôi đến đây để ngắm nhìn, chiêm nghiệm về quá khứ hào hùng của dân tộc. Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương thiêng liêng, kỳ vĩ như khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc VN...".

Bà Hương kể lại cuộc đấu tranh đòi hòa bình bằng màu cầu vô cùng gay go, nhiều khi nửa cầu phía Bắc vừa được sơn xong thì phía Nam đã cho sơn lại nửa cầu của họ màu khác.

Đang kể chuyện bất chợt bà Hương chùng giọng: "Mấy chục năm trôi qua nhưng tôi không sao quên được hình ảnh một anh lính của lực lượng sơn cầu nửa phía Nam. Ban đầu, hai bên còn trò chuyện được với nhau để hiểu thêm tình hình bà con ở hai bên. Anh cho biết quê anh ở sát bờ Nam sông Bến Hải, anh rất đau lòng khi đất nước bị chia cắt, bà con ruột thịt của anh ở phía bờ Bắc rất nhiều, mấy năm rồi anh em họ chưa thấy mặt nhau. Tôi cố gắng động viên anh hãy bước sang phía bờ Bắc, anh rưng rưng đôi mắt rồi trở lại phía bên kia cầu...

Vì nhiều lý do nên một vài ngày sau những người sơn cầu của hai bên không được nói chuyện, trao đổi với nhau mà chỉ nhìn nhau qua ánh mắt...".

Tại cầu Hiền Lương, bà Hương vinh dự được giao trọng trách đội trưởng. Mỗi ngày bà cùng các anh chị em khác trong đơn vị dùng dụng cụ sơn cầu thô sơ, chỉ có dao cạo gỉ sắt, chổi sơn và thùng chứa sơn để sơn cầu. Cho đến giữa năm 1963-1964, phía miền Bắc sơn lại nửa cầu bên mình bằng màu xanh thì lúc ấy chính quyền miền Nam không còn tranh giành màu sơn nữa. Cầu Hiền Lương được mang một màu xanh thống nhất trước khi bị máy bay Mỹ ném bom làm sập vào năm 1967.

Sau ngày nước nhà thống nhất, bà Hương tiếp tục công tác thêm mấy năm nữa rồi về hưu, lập gia đình sinh sống tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Ngồi nhớ đồng đội, bà Hương nghẹn ngào: "Tôi đã bước qua tuổi 65, trở thành bà nội, ngoại của sáu đứa cháu, nhưng vẫn chưa một lần gặp lại được những người bạn trong đội quân sơn cầu Hiền Lương ngày xưa, không biết đến hôm nay ai còn, ai mất".

Một di sản đặc biệt

Trong cụm di tích đặc biệt "đôi bờ Hiền Lương" vừa mới được tôn tạo hoàn thành, chiếc cầu Hiền Lương lịch sử được xem là điểm nhấn quan trọng nhất. Tiến sĩ Nguyễn Bình, phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Quảng Trị, nhớ lại: "Mãi đến năm 1986, việc làm hồ sơ cho hệ thống di tích đôi bờ Hiền Lương mới chính thức được tỉnh Bình Trị Thiên bắt đầu. Gần mười năm sau giải phóng, rất nhiều di tích, hiện vật, nhân chứng lịch sử không còn nữa. Mỗi lần có dịp đến vĩ tuyến 17, nhiều người nhìn cụm di tích đôi bờ Hiền Lương tồn tại dưới dạng một phế tích mà tiếc nuối, ngậm ngùi".

Song với những giá trị lịch sử đặc biệt của mình, năm 2001 cụm di tích đôi bờ Hiền Lương được Nhà nước xếp vào hạng di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Khi còn đương chức, trong một lần về thăm cụm di tích đôi bờ Hiền Lương, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin Trần Hoàn đã nói: "Những gì còn lại ở đôi bờ Hiền Lương xứng đáng là di sản của khát vọng thống nhất của dân tộc VN".

Đến năm 2002, với sự nỗ lực của tỉnh Quảng Trị, việc tôn tạo cụm di tích đặc biệt quan trọng đôi bờ Hiền Lương chính thức được khởi động với kinh phí đầu tư 45 tỉ đồng. Lần tôn tạo này ngoài việc xây dựng cầu Hiền Lương lịch sử - trục chính quan trọng nhất của cụm di tích, tất cả những di tích còn lại được bố trí cân đối, hài hòa hai bên bắc - nam sông Bến Hải gồm kỳ đài, đồn công an, nhà liên hiệp... và cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất".

Ngoài chiếc cầu Hiền Lương lịch sử được phục chế nguyên mẫu, đáng chú ý nhất là công trình tôn vinh mang tên cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" đặt ở bờ nam sông Bến Hải, được chia thành hai phần, gồm hình tượng người mẹ miền Nam và em bé mang nỗi chờ mong khắc khoải, mắt hướng về phía bờ bắc, nơi có kỳ đài ở đầu cầu giới tuyến, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn tung bay trong gió, như củng cố thêm niềm tin tất thắng vào ngày thống nhất trọn vẹn Tổ quốc sẽ sớm đến với đồng bào miền Nam.

Phía sau hình tượng người mẹ và em bé là hình ảnh những tàu lá dừa của miền Nam thân yêu vút lên từ trong lòng đất. Đó là khát vọng, là sức mạnh tiềm tàng và dẻo dai của người miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

HỒNG PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên