20/08/2007 04:12 GMT+7

Đồng minh OSS trong cuộc kháng Nhật - Kỳ 1: Đặt nền móng đầu tiên

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC

TT - Sau khi đảo chính Pháp, Nhật dàn xếp một cấp độ kiểm soát mới tại VN. Người VN tìm cách thoát khỏi tình trạng cùng khổ, và ở miền Bắc, một vị cứu tinh hợp lý - Việt Minh - đang giành được động lực thúc đẩy tiến trình phát triển.

Có lẽ ít người biết được rằng Hồ Chủ tịch và lực lượng Việt Minh đã từng có mối quan hệ với nước Mỹ, cụ thể là Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) - tiền thân của CIA - nhằm củng cố thêm sức mạnh cho Việt Nam trong thời kỳ giành chính quyền những ngày đầu.

Cuốn sáchOSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhậtcủa giáo sư Dixee R. Bartholomew-Feis do NXB Trường đại học Kansas (Mỹ) xuất bản năm 2006, được NXB Thế Giới và Công ty văn hóa và truyền thông Võ Thị dịch và xuất bản tại VN tháng 8-2007. Đây là một tư liệu mới của Mỹ lần đầu tiên được giới thiệu tại VN - một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nhất về lịch sử quan hệ Việt - Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

d9vcs4mk.jpgPhóng to
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Võ Nguyên Giáp (đứng thứ ba và thứ năm từ trái qua) chụp ảnh với những người bạn Mỹ. Chỉ huy đội Hươu của OSS là Allison Thomas (đứng thứ tư từ trái qua) - Ảnh tư liệu
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhiệm vụ của Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS) tại châu Á lúc đó là nhằm đánh bại phát xít Nhật, do đó các nhân viên OSS buộc phải tuyển mộ đặc tình, sau đó là các nhóm vũ trang quân sự dưới sự bảo trợ của OSS rồi phái họ trở lại khu vực này. Vì vậy đường lối của hai dân tộc Việt và Mỹ gặp nhau trong một thời khắc ngắn ngủi - một thời khắc vừa nguy hiểm lại vừa đầy hứa hẹn đối với tương lai của cả hai nước.

Đến Việt Nam

Vào ngày 2-11-1944, trong một chuyến trinh sát, trung úy Shaw - một phi công Mỹ - buộc phải đáp xuống vùng ven Cao Bằng. Trong cuốn Từ Côn Minh về Pắc Bó, Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải), một nhà tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Côn Minh và Việt Bắc, nhớ lại: “Một hôm, tại Cao Bằng, một tổ chức cứu quốc đã cứu sống một viên phi công Mỹ đáp xuống lãnh thổ của chúng ta do trục trặc động cơ.

Anh là trung úy Shaw. Pháp và Nhật đang truy tìm anh, nhưng các nhà cách mạng đã bảo vệ anh, đưa anh tới phòng làm việc của ông Phạm Văn Đồng tại vùng Nước Hai. Ông Phạm Văn Đồng đưa anh tới gặp Bác Hồ. Shaw được đón tiếp chu đáo và rất vui khi gặp Bác. Anh nói rằng anh đã nghe những lời tuyên truyền bị bóp méo liên quan đến Việt Minh, và chỉ đến lúc đó anh mới nhận ra sự thật”.

fmePEIII.jpgPhóng to

Sau này Shaw mới khám phá nhiều điều khác về Việt Minh. Khi còn ở Côn Minh (Trung Quốc), Shaw đã công bố một số thông tin, trong đó có một quyển sách nhỏ dạng nhật ký có tựa đề Một Đông Dương thực sự dưới con mắt trung úy Shaw.

Shaw kể rằng: “Ngay khi tôi chạm đất, một người Đông Dương trẻ tuổi bước tới mỉm cười, thân mật bắt cả hai tay tôi và ra hiệu tôi đi theo anh ta. Tôi đưa cho anh ta 600 đồng Đông Dương. Anh ta nhất quyết không nhận tiền và trông có vẻ bị xúc phạm. Tôi rất ngạc nhiên với thái độ của anh ta và nghĩ có lẽ anh ta cho rằng ngần ấy tiền chưa đủ. Đó là một sai lầm lớn của tôi! Lúc đầu tôi nghĩ họ là những kẻ tham lam, nhưng trên thực tế hầu hết những người yêu nước Đông Dương lại rất đức độ. Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền của chúng tôi, mà vì tình yêu thương và tình bằng hữu. Họ biết rằng chúng tôi đang chiến đấu không chỉ vì nước Mỹ mà còn vì tự do và dân chủ của thế giới, và cũng vì đất nước của họ nữa. Vì lý do đó mà họ coi bổn phận yêu nước của mình là giúp đỡ chúng tôi - những đồng minh của họ”.

Mười ngày sau, Shaw nhận được lá thư từ Ủy ban Trung ương Việt Minh chào mừng anh và thông báo: “Chúng tôi đã ra lệnh cho căn cứ địa của chúng tôi tại Cao Bằng tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng ngài và hộ tống ngài ra biên giới Bắc kỳ - Trung Quốc”. Ủy ban Trung ương đề nghị Shaw giúp xây dựng tình hữu nghị vững mạnh giữa Mỹ và Việt Nam.

Năm 1995 là năm Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cùng năm đó, tôi viết lời giới thiệu và đứng tên để xuất bản cuốn Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) của Archimedes Patti. Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ mười năm trước đó (1985). Tác giả của cuốn sách từng là người chỉ huy cao nhất của Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS - tiền thân của CIA) đã có mặt ở Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám 1945 vừa thành công.

Cũng năm ấy, đoàn các cựu chiến binh của nhóm OSS cộng tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hà Nội và gặp lại những người đồng minh từ nửa thế kỷ trước. Tôi may mắn được tham dự và chứng kiến, chợt nhận ra rằng trong lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có... Hoa Kỳ!

Tất cả những gì chứa đựng trong những sự kiện trên có thể tìm thấy trong cuốn sách 0SS và Hồ Chí Minh - Những đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật. Đây là một công trình nghiên cứu được coi là hoàn chỉnh nhất về lịch sử quan hệ Việt - Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng là một thời đoạn quan trọng trong tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ngoài ra, cuốn sách cũng tiết lộ nguồn gốc và mục đích của Việt Minh cũng như vị trí của họ trong mối quan hệ với Đồng Minh: “Việt Minh hùng mạnh thế nào, tôi không biết. Nhưng như những gì tôi đã chứng kiến thì tổ chức này rất được nhân dân ủng hộ. Đi đến đâu tôi cũng được dân làng chào với hai tiếng “Việt Minh! Việt Minh!” và họ làm tất cả để giúp những người yêu nước, cho dù có bị ngăn cấm và đàn áp”.

Shaw kể: “Tháng mười hai, những người bạn Đông Dương đưa tôi trở về Trung Quốc. Trước khi chia tay, họ dặn đi dặn lại tôi phải gửi lời chào tốt đẹp nhất của họ tới quân đội và nhân dân Mỹ. Tôi rất vui khi được quay trở lại và kể với đất nước tôi về tình hình thực tế tại Đông Dương... Tôi khiêm nhường nghĩ rằng vì nhiệm vụ dân chủ cũng như vì lợi ích chiến lược, chúng ta phải giúp đỡ phong trào chống Nhật, chống phát xít của Đông Dương một cách có hiệu quả”.

Những người bạn

Ngày 20-3, Wedemeyer - tư lệnh quân Mỹ tại mặt trận Trung Quốc - đã phê chuẩn QUAIL, một chiến dịch lớn tại Đông Dương, để “thiết lập những mạng lưới tình báo quân sự và cho phép chúng ta cấp vũ khí và đạn dược cho những ai kháng Nhật”. Ngày 13-4, Archimedes Patti, một cựu chiến binh của OSS trong các chiến dịch Ý, từ Washington tới đảm nhận chức vụ lãnh đạo phái đoàn OSS tại Đông Dương. Khi Patti bắt đầu tìm hiểu nơi ở của Hồ Chí Minh thì hai thành viên khác của OSS là Frank Tan và Mac Shin đang ở Tĩnh Tây, chuẩn bị cho chuyến đi hai tuần qua biên giới xuống phía nam Đông Dương, vào VN để đào tạo một nhóm du kích Việt Minh.

Hồ Chí Minh đã đi trước hai người này và ra lệnh cho 20 người của mình quay lại hộ tống và bảo vệ họ trước quân Nhật. Hồ Chí Minh đã cùng đi với họ trong chặng cuối của cuộc hành trình tới Việt Bắc. Khi mọi người đã qua biên giới an toàn, cả nhóm tiếp tục đi tới căn cứ của Việt Minh tại Tân Trào.

Chặng này nhóm có đông người hơn. Hồ Chí Minh, Tan (người mà Việt Minh gọi là Tam Xinh Shan để che giấu danh tính của ông) và Shin (bí danh là Nguyễn Tư Tác) nhập cùng những thành viên khác của Việt Minh, gồm năm nhân viên điện đài vừa hoàn thành khóa học tại Trung Quốc, mười học viên điện đài cho công tác tình báo, sáu người mang máy phát tín hiệu truyền thông, mười vệ sĩ - phần lớn trong số họ đã được huấn luyện kỹ tại Gio Jio và đang ở cấp bậc trung úy, được trang bị tiểu liên và súng cacbin và một nhóm thanh niên được tuyển chọn riêng để học điều khiển điện đài tại Tân Trào.

Khi cả nhóm đến Tân Trào, Hồ Chí Minh đưa cho Tan một bản báo cáo cuộc hành quân được đánh máy với nhiều chi tiết về địa thế hiểm trở, những mối nguy hiểm khi hành quân ban đêm, hệ thống quân thám và phu khuân vác phức tạp dọc đường, những động vật hoang dã gặp phải... Và, giống như Shaw, Tan cũng bị chinh phục khi trò chuyện tới khuya với con người có sức lôi cuốn quần chúng này qua rất nhiều đêm ở bên nhau trong những khu rừng đại ngàn Bắc Việt Nam.

Frank Tan và Mac Shin ở Tân Trào gần bốn tháng. Trong những tháng làm việc bên nhau, Hồ Chí Minh và Tan đã có một tình bạn đặc biệt thân thiết. Cả hai đều đã trải qua sự phân biệt đối xử tại quê nhà - Hồ Chí Minh dưới ách thống trị của Pháp và Tan là người Hoa lớn lên trong khu vực toàn “người da trắng” tại Boston. Tan hồi tưởng: “Khi quan hệ của tôi với Hồ Chí Minh trở nên thân thiết hơn, tôi bắt đầu hiểu rõ con người ông - một người hiến dâng cả cuộc đời để giành lại tự do cho nhân dân mình. Một sự hi sinh như thế khiến ông chẳng làm gì khác ngoài nghĩ và hành động cho một mục tiêu duy nhất”.

____________________

“Quân Nhật vẫn còn có mặt trên đất nước tôi và nước chúng tôi vẫn còn chiến tranh, vì thế chúng tôi vẫn phải tiếp tục chiến đấu”.

Kỳ tới: Chống lại kẻ thù chung

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên