28/07/2007 01:25 GMT+7

Côn đảo - bản anh hùng ca (Kỳ 3): Những cuộc đào thoát

VŨ BÌNH - DƯƠNG THẾ HÙNG
VŨ BÌNH - DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Bị giam cầm trong ngục, các tù nhân trung kiên vẫn nung nấu kế hoạch vượt ngục. Hàng trăm cuộc vượt ngục liên tục được tổ chức để đào thoát khỏi “địa ngục trần gian” trở về tiếp tục cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho nước nhà.

Kỳ 1: Bất khuất Kỳ 2: Một người đổ máu, trăm người rơi nước mắt

lFLKkbqw.jpgPhóng to
TT - Bị giam cầm trong ngục, các tù nhân trung kiên vẫn nung nấu kế hoạch vượt ngục. Hàng trăm cuộc vượt ngục liên tục được tổ chức để đào thoát khỏi “địa ngục trần gian” trở về tiếp tục cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho nước nhà.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tự đóng thuyền vượt đại dương

Năm nay đã 85 tuổi, đầu tóc bạc phơ nhưng ông Nguyễn Trúc Quỳnh - người duy nhất trong nhóm chín tù nhân tổ chức đóng thuyền vượt ngục Côn Đảo năm 1948 hiện nay còn sống - rất minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), ông bồi hồi kể lại câu chuyện cách nay đã 59 năm.

“Khoảng tháng 6-1947, các tù nhân Côn Đảo gồm tôi, anh Hoàng Hữu Kình, anh Lê Huy Báu và anh Nghĩa bàn nhau quyết định đóng thuyền vượt ngục. Chúng tôi phân công nhau: anh Nghĩa lo làm thuyền, tôi lo kiếm lương thực, vải, sơn để đóng thuyền; anh Kình và Báu lo theo dõi tình hình” - ông Quỳnh kể.

Ông Nghĩa là “cặp rằng” ở Sở Củi nên thuận lợi trong việc điều động anh em. Ông chọn thêm ba anh nữa là người chí cốt thay nhau làm việc ở sở, gánh thêm việc cho một người tách ra lén vào rừng lo việc đóng thuyền. Mỗi ngày họ bí mật luồn vào chân núi Thánh Giá đốn song mây rừng và uốn cong theo qui cách 6m/cây rồi giấu trong hốc núi.

UOBN2FTH.jpgPhóng to

Ông Trúc Quỳnh - một người trong nhóm chín tù nhân đóng thuyền vượt ngục Côn Đảo năm 1948 - Ảnh: D.T.H.

Ba tháng sau, con thuyền dài 6m, rộng 1,4m và cao 0,8m hoàn thành. Anh em bàn phải có một người giỏi nghề đi biển, có khả năng cầm lái đưa anh em về đất liền. Người được chọn là ông Mười Bù, được mệnh danh là “vua vượt ngục”. Thời điểm dự tính cho chuyến vượt biển là đêm 12-1-1948.

Thế nhưng có một bất ngờ xảy ra. Vào ngày 2-1, một nhóm tù ở Sở Rẫy tổ chức vượt ngục bị lộ, cai ngục bắt được mang về trại đánh đập hết sức dã man. Sau đó chúng truy lùng ráo riết số tù đào thoát đang lẩn trốn trong núi. An ninh bị siết chặt. Kế hoạch vượt ngục của nhóm có nguy cơ bị lộ vì chỗ giấu thuyền.

Nhưng sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, anh em quyết định thực hiện một "phi vụ" bất ngờ: vượt ngục ngay trong lúc đang lộn xộn, đi ngay trước mũi của chúng chứ không vòng vèo sau lưng. Giờ G được chọn là 19g ngày 14-1, trễ hơn dự tính hai ngày.

Đêm ấy, khi ra vị trí tập kết, lúc vác thuyền xuống bãi, anh em phải đi giật lùi để lính canh tưởng lầm là dấu chân từ phía biển đi lên. Khi ra khơi, lại chọn hướng đông mà đi, mặc dù đó là hướng ngay mặt chính diện của thị trấn trên đảo. Bởi vì lúc đó lực lượng canh gác đang lo tập trung truy lùng tù vượt ngục trên rừng hướng tây, chính việc táo bạo đó khiến chúng không thể ngờ tới.

Thuyền căng buồm rẽ sóng hướng vào đất liền. Với tay nghề đi biển của ông Mười Bù, chỉ sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, thuyền về đến vùng biển Tân An, tỉnh Bạc Liêu. Cả nhóm được dân quân địa phương đưa về tỉnh đội rồi chuyển về Ban quân sự Nam bộ. Anh em trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Cướp tàu vượt đảo

Chiếc áo len

Anh Dân Thanh bị cấm cố ở trại 4 - Côn Đảo. Năm 1972, chị Bửu Liên - vợ anh - bị đày ra đảo và cũng bị cấm cố vào trại 4, dãy phòng đối diện. Vợ chồng gặp nhau qua ánh mắt, song sắt. Chị Bửu Liên sau đó tháo chiếc áo len của mình và đan thành áo gửi cho người bạn đời. Trong tù, anh Dân Thanh làm thơ về chiếc áo len ấy.

Trong tù được chiếc áo lenCủa người bạn gởi làm tin trong tùMảnh len mang đúc hồn thơSợi len rắn chắc như tơ lòng mìnhÁo len mang đến niềm tinTrận tiền Côn Đảo nay thành có đôi.

1972

Để lên kế hoạch cho cuộc vượt ngục, chúng tôi đã phải chuẩn bị hơn một năm rưỡi” - ông Ba Thọ, tức Nguyễn Văn Mạnh, một trong những người tổ chức chuyến vượt ngục năm 1965, nay đã 75 tuổi, đang nghỉ hưu ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TP.HCM), mở đầu câu chuyện đầy gian lao khổ nhọc cách nay đã hơn 42 năm.

Giữa năm 1964, ông Ba Thọ và các anh Tư Thuật (Võ Văn Thuật, nguyên tỉnh ủy viên Gia Định), Tư Thành (Lê Văn Thành, cán bộ Đặc khu Sài Gòn - Gia Định) bàn nhau về khả năng chiếm tàu địch để vượt đảo.

Theo thông lệ, mỗi khi tàu hàng từ đất liền ra, chúng đều cho đậu ở ngoài khơi, chờ chuyển hàng qua sà lan rồi cho tàu sà lúp - một loại tàu kéo - kéo vào bờ.

Kế hoạch là chiếm chiếc sà lúp đó chạy vào đất liền, nhưng muốn chiếm sà lúp thật vô cùng khó khăn. Phải khống chế được kíp thủy thủ trên đó, làm tê liệt tốp lính ở tàu hàng và quan trọng hơn là phải hạ gục được tên trật tự Nguyễn Văn Hường, người lúc nào cũng có mặt trên tàu hàng để tìm cách ăn chặn bớt hàng bỏ túi riêng. Điều đáng lo nhất với cả nhóm là toàn bộ lính trên tàu đều được trang bị súng ống đầy đủ.

“Chúng tôi rà lại quân của mình, chỉ có 27 người trong khi chúng có tới 50 tên. Nếu tính một chọi một cũng rất khó khăn. Do đó chúng tôi tìm cách yêu cầu cho thêm tù nhân đi đánh cá để bổ sung nguồn thức ăn cho lính canh. Chúng tin lời liền cho ra thêm 17 người tù để giúp việc. Nhưng coi lại thì toàn “heo gạo”, tức là tù thường phạm ốm đói. Chúng tôi giả bộ chê bai, than thở: “Người như vầy làm sao được, còn nặng gánh thêm”. Chúng cho thay người ngay” - ông Ba Thọ nhớ lại.

Thế là chúng cho thay tù nhân khác, lần này toàn những đồng chí trung kiên. Các tù nhân phân công nhau như chuẩn bị vào trận đánh lớn: nhóm một do Ba Thọ khống chế nhóm lính gác trên tàu lớn; nhóm hai do Tư Thuật phụ trách, sẽ bắt hạm trưởng, hạm phó và thủy thủ của tàu lớn, sau đó phá một số thiết bị, máy móc làm cho tàu hư để tránh bị đuổi theo; nhóm ba do Tư Thành chỉ huy sẽ khống chế, bắt giữ các giám thị, trật tự ở sà lúp, cướp tàu này chạy tới tàu lớn rước anh em.

Đến cuối tháng 12-1964, các kế hoạch đã xong, nhưng mãi đến ngày 27-2-1965, thời cơ mới đến. Hôm đó, tàu hàng vượt biển ra tới đảo, anh em được điều ra đưa hàng vào đảo như thường lệ. Mật lệnh đưa ra: 5g chiều sẽ hành động.

O4PkrY1R.jpgPhóng to
Kiểm tra tù nhân để tránh đào thoát - Ảnh tư liệu

Khi hai tàu vừa cặp mạn chuẩn bị giao hàng, Ba Thọ ra hiệu “đánh” bằng cách gỡ chiếc khăn choàng trên đầu xuống vắt ngang lưng. Tức thì các nhóm xung kích đồng loạt hành động theo kế hoạch, tất cả vũ khí như mũi chĩa, dao búa, cây sắt, bù loong, kể cả muối ớt... cũng đều được tung ra trận quyết chiến với địch.

Ở những vị trí xung yếu như hầm máy, bếp tàu, chuồng cu, trên sà lúp, các tù nhân ốm yếu bỗng hùng dũng xông ra, từng tốp lính bị tấn công bất ngờ không kịp trở tay, chỉ trong 10 phút đã bị trói gô nằm lăn lóc dưới sàn, anh em tước ngay vũ khí.

Để an toàn, anh em lặn xuống lấy dây cáp cột chặt chân vịt, khóa máy tàu lớn đề phòng chúng đuổi theo. Bên tàu sà lúp, anh em nhảy qua đồng loạt rồi nổ máy hướng vào đất liền. Lúc này có tất cả 57 người tù. Lúc lênh đênh giữa biển, tàu chết máy sửa đi sửa lại tới 14 lần mới chạy được.

Tàu chạy suốt đêm đến sáng đã nhìn thấy bờ. Đó là vùng biển Bạc Liêu. Vừa cặp bờ đã thấy anh em du kích địa phương ra tiếp đón. Sau này anh em mới biết lúc cướp được tàu, tin báo động được đánh điện loan khắp nơi truy bắt.

Anh em trực đài nội tuyến bắt được, báo về Quân khu 9. Biết có anh em tù Côn Đảo vượt ngục trở về, quân khu liền điều lực lượng ra tận biển tiếp đón, phòng khi bị bắt lại thì nguy. Anh em đều được trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam giải phóng.

----------------------------

Đêm ở trên tàu về đất liền, nhìn quanh, anh em ngủ cả, thấy anh em nào cũng xanh xao, gầy còm, áo quần rách tả tơi, thương quá, dù thân xác mình lúc này chỉ còn da bọc xương.

Kỳ tới:Ngày giải phóng

VŨ BÌNH - DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên