21/07/2007 05:05 GMT+7

Đi thăm "đệ nhị thiên sơn"

THÀNH NGUYỄN
THÀNH NGUYỄN

TT - Một chuyến du ký ngày hè lên đỉnh Chứa Chan không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn mở ra cho những người trẻ bao điều kỳ thú...

O0foo1er.jpgPhóng to
Một góc phố núi trên đỉnh Gia Lào - Ảnh: Thành Nguyễn
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Trên độ cao 837m so với mặt nước biển, trải dài trên địa bàn ba xã Xuân Tâm, Xuân Trường, Xuân Thọ và thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), cùng với núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), núi Chứa Chan được xem là “đệ nhị thiên sơn” vùng Nam bộ.

Từ thị trấn Gia Ray, chúng tôi hành quân vào chân núi Chứa Chan để từ đó bắt đầu chinh phục lên khe Gia Lào. Giữa ngày hè nắng gắt mà đường lên đỉnh càng cao không khí càng mát lạnh, trong lành và ngan ngát hương đào, trong tiếng chim rừng càng tăng thêm phấn khích nơi những người trẻ tuổi.

Lạ lẫm “cửu long môn”

Lên đến độ cao 600m đã nghe tiếng nước chảy réo rắt từ các khe đá dù đang là cao điểm mùa khô. “Hàng trăm mạch khe này hợp lưu tạo thành hai con suối lớn là suối Tôm và suối Tiên, trong đó có chín mạch lớn được gọi là “cửu long môn” - chín miệng rồng, kỳ thú lắm” - ông Chín Tình, cư dân lâu đời của vùng này, cho chúng tôi biết.

Gắn bó gần hết đời người nhưng ông Chín cùng nhiều bậc cao niên vẫn không xác định được vị trí chính xác của chín miệng rồng. Trong áng mây trời đang sà xuống ngang mặt, ông lão khề khà: “Qua nghe ông già kể hồi bôn ba trên đường phục quốc, nhận thấy đỉnh núi Chứa Chan có thế quân sự quan trọng, từ trên đỉnh có thể quan sát bao quát cả vùng rộng lớn nên vua Gia Long nghĩ đến chuyện cho quân đồn trú tại vùng này. Quân sĩ tìm ra chín long mạch vô cùng quí báu giữa vùng đất khô cằn. Cửu long môn sau đó được che giấu, cùng với thời gian, chiến tranh và những biến đổi tự nhiên đã khuất lấp một số long mạch. Cho đến giờ vẫn chưa một ai khám phá hết chín miệng rồng này cho dù nước vẫn tuôn chảy quanh năm”.

Chúng tôi dừng chân bên dòng suối Tôm nằm ven ngôi chùa cổ Bửu Phong. Gọi là suối Tôm vì dòng suối ken đặc giống tôm suối bé li ti, thân trong vắt.

Khó có thể tưởng tượng được trên đỉnh núi cao chót vót lại có vô số mạch nước ngầm mát lạnh ngày đêm tuôn trào. Cũng nhờ nguồn nước này mà vào mùa nắng hạn, trong khi nhiều vùng núi khác cây cối cằn khô thì ngàn xanh trên vùng núi Chứa Chan vẫn xanh tươi. Không chỉ lấy nước dùng trong sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt, bà con còn tận dụng dòng chảy làm thủy điện.

Đêm giữa núi rừng mà chúng tôi cảm thấy như đang sống giữa phố thị, cư dân phố núi vô tư mở tivi, tủ lạnh, nấu cơm bằng bếp điện, hát karaoke, luyện phim chưởng thâu đêm... Ông Bình, một tiều phu sống ở lưng chừng núi, nói vui: “Khoảng 10 năm trở lại đây, tụi tui chưa từng biết cúp điện là như thế nào và cũng không hề trả tiền điện. Chỉ cần dò tìm mạch nước chảy đâu đó trên triền núi và đặt ống xuống là điện về thôi. Điện ở đây coi vậy mạnh lắm à nghen! Lộc thần núi ban, mọi người cùng nhau chia sẻ nên tính cách người ở đây vui vẻ lắm”.

Độc đáo Bửu Quang tự…

CAqMw9ew.jpgPhóng to
Khám phá miệng rồng ở suối Tôm - Ảnh: Thành Nguyễn
Ngôi chùa nằm chót vót trên đỉnh Chứa Chan, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Nơi đây từng là căn cứ hậu cần, ẩn trú của nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng qua hai cuộc chiến tranh giải phóng. Bửu Quang tự cũng là ngôi chùa cổ duy nhất của vùng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Trụ trì chùa là thầy Thích Thiện Tấn đã 91 tuổi, đang tịnh dưỡng trong cốc nên sư cô Diệu Tâm thay thầy đưa chúng tôi lên hậu liêu, vào nhà nghỉ là một căn phòng rất độc đáo, được xây ghép từ nhiều vòm đá thiên nhiên.

Nước suối mát lạnh tẩy sạch bụi trần xong, chúng tôi đói cồn cào thì bữa cơm chay cũng vừa được nhà chùa chuẩn bị xong. Chúng tôi được mời dùng cơm với một đoàn khách đến từ Đà Nẵng. Lúc này đã 9 giờ tối, trăng chênh chếch đầu non, gió thổi lồng lộng. Có lẽ trong đời chưa bao giờ tôi lại được ăn bữa cơm chay ngon đến thế. Anh Hải, một người đã từng lên đỉnh Chứa Chan, bật mí: “Nhà chùa mến khách lắm, mình có thể lưu lại đây cả tuần”. Đêm miền sơn cước thật lạnh, chúng tôi quấn mình trong chăn ấm của “khách sạn bằng đá” của nhà chùa ngủ thật ngon mà không hề có bóng dáng muỗi mòng.

Điểm gây ấn tượng nhất với anh em chúng tôi là Bửu Quang tự không hề có thùng “phước sương” và tuyệt đối không nhận tiền cúng dường. Điều này được nhà chùa cụ thể hóa bằng tấm bảng ghi trước chánh điện: “Chùa không nhận tiền”. Ông Mười bộc bạch: “Từ hồi chùa chỉ là tịnh cốc nhỏ, sư cụ đã quyết không nhận kim tiền cúng dường của bất kỳ ai. Chùa chỉ nhận gạo muối, đèn cầy, dầu ăn. Không dùng hết, chùa mang xuống núi ủng hộ địa phương giúp đỡ đồng bào nghèo hoặc đổi lấy gạch đá lót đường, tạo điều kiện cho bà con lên núi được dễ dàng”.

Một chuyến chinh phục “đệ nhị thiên sơn” trong mùa hè không chỉ là một cuộc chiêm ngưỡng thiên nhiên kỳ thú, mà còn cho chúng tôi bài học về tình người nơi thâm sơn cùng cốc…

THÀNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên