26/04/2007 08:12 GMT+7

Không thể chuộc lỗi - Kỳ 5: "Hãy giữ mồm giữ miệng"

Đ.TƯƠI ghi
Đ.TƯƠI ghi

TT - Một buổi tối nọ, tôi thật sự sửng sốt khi có hai người hoàn toàn xa lạ đến “thăm viếng” nơi cư ngụ của mình. Họ có phong thái của những sĩ quan ở độ tuổi 23 hoặc 24. Sau đó, tôi nhận ra rằng chiến dịch Phượng hoàng của CIA không chỉ thiết lập những “trung tâm cải huấn” trên khắp lãnh thổ Nam VN, mà những người thực hiện chiến dịch Phượng hoàng còn thủ tiêu những ai mà họ xem là “có vấn đề” vào thời điểm đó, ngay cả việc thủ tiêu người Mỹ nếu xét thấy cần thiết.

D239zotu.jpgPhóng to

Sự tàn bạo: cảnh tra tấn bằng cách nhấn nước - Ảnh: Vietnam Bilder eines Krieges (Đức)

TT - Một buổi tối nọ, tôi thật sự sửng sốt khi có hai người hoàn toàn xa lạ đến “thăm viếng” nơi cư ngụ của mình. Họ có phong thái của những sĩ quan ở độ tuổi 23 hoặc 24. Sau đó, tôi nhận ra rằng chiến dịch Phượng hoàng của CIA không chỉ thiết lập những “trung tâm cải huấn” trên khắp lãnh thổ Nam VN, mà những người thực hiện chiến dịch Phượng hoàng còn thủ tiêu những ai mà họ xem là “có vấn đề” vào thời điểm đó, ngay cả việc thủ tiêu người Mỹ nếu xét thấy cần thiết.

Kỳ 1: Ở tâm điểm cuộc chiến Kỳ 2: “Trại cải huấn” Kỳ 3: Cuộc hành quân “Ánh cầu vồng” Kỳ 4: Vụ thảm sát tại Quảng Trị

T8dPPsZW.jpg Xem video clip tại đây

Hai người lạ mặt

Sau một hồi trò chuyện vặt, một trong hai người bắt đầu hỏi tôi một số câu có tính dò dẫm: “Bác sĩ! Chúng tôi nghe là ông đang có một số vấn đề ở đây. Một số vụ việc khiến ông đang lo buồn phải không?”. Tôi cảm thấy như mình đang bị thẩm vấn. Bản năng tự vệ nổi dậy. “Tôi là một cựu quân nhân thủy quân lục chiến - Tôi giận dữ trả lời - Và tôi biết rất rõ những người lính thủy quân lục chiến đang đối diện với cái chết trên khắp chiến trường Quảng Trị. Họ đang chết như ruồi nhặng trong cuộc chiến chết tiệt này mà chẳng có lấy một nguyên nhân nào cả. Đây là một cuộc chiến tàn bạo, vô nghĩa, nhưng nếu như có ai đó bị lãnh đạn một lúc nào đó, hoặc những thường dân vô tội bị trúng đạn, đó chỉ là một phần của cái giá vô lý mà chúng ta phải trả khi hiện diện ở VN”.

Trong đêm, đạn pháo cối nổ chẳng xa hầm trú ẩn của tôi là mấy. Đến sáng, họ mặc lại quân phục, lặng lẽ nai nịt gọn gàng cùng khẩu súng ngắn Colt 45 đeo nơi dây nịt gắn đầy lựu đạn. Trước khi giã từ, một người đến gần tôi, tay chỉ vào mặt tôi, ngón cái và ngón trỏ ghép lại như hình khẩu súng ngắn, đe đe cách mặt tôi chừng hơn một phân. “Tối qua ông bạn suýt chết đấy!”, anh ta nói. “Ô! Anh muốn ám chỉ các viên đạn súng cối ấy à?”, tôi hỏi. “Không phải những viên đạn súng cối - Giọng anh ta trở nên lạnh lùng và gằn từng chữ - Và vẫn còn sự chọn lựa cho ông. Chúng tôi đang theo dõi ông về những câu chuyện vô bổ hoặc bất cứ thứ gì đáng ngờ khác”. Rồi họ ra đi.

qUhnqbId.jpgPhóng to

Bác sĩ Allen Hassan

Dĩ nhiên là sự nghi ngờ trong tôi tăng lên. Sau cuộc viếng thăm của hai kẻ lạ mặt với lời cảnh báo úp mở là “hãy giữ mồm giữ miệng”, tôi tin chắc mình đang bị theo dõi. Tôi e rằng nếu như mình nói về những hành động tàn nhẫn mà mình đã chứng kiến vài ngày trước đây, thì tôi sẽ dễ dàng bị dẫn đến một nơi hẻo lánh nào đó và bị bắn vào sau sọ theo kiểu bị hành hình giống như trường hợp các cháu bé đã bị sát hại.

Một trong những quân nhân có nhiều huy chương nhất trong lịch sử quân đội Mỹ là đại tá David Hackworth, người từng ở VN bốn năm. Vì chán ngấy chiến lược cùng những tổn thất nặng nề của Mỹ nên đại tá David Hackworth đã chống đối và công khai trước các phương tiện truyền thông đại chúng về những thất vọng này. Sự kiện này khiến ông trở thành “người không được chấp thuận” trong quân đội Mỹ. Trong tự truyện About Face, đại tá Hackworth kể lại một sự cố khiến ông giật thót mình trong ngày rời VN.

Hôm ấy, khi kiểm tra xe cộ như thường lệ, ông phát hiện một quả lựu đạn đặt ngay bên dưới ghế ngồi phía trước của chiếc Jeep. Chốt cài lựu đạn đã được tháo ra. Quả lựu đạn được chêm và chỉ cần xe nhún lên nhún xuống ở mức nhẹ nhất là nó sẽ phát nổ ngay lập tức. Ông đã may mắn. Những sự cố kiểu này - người sĩ quan bị ngay chính “người của mình” sát hại như thế - không phải là điều hiếm thấy trong “thế giới ác mộng” ở VN. Và đại tá Hackworth đã viết là sự vượt quá giới hạn của CIA ở các nước thuộc Thế giới thứ ba sau Thế chiến thứ II đã “cạnh tranh” được với những gì mà Đức quốc xã đã làm vào thời điểm cực thịnh của họ.

Chiều 24-4-2007, đến thăm tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nói về những câu chuyện cuộc đời gắn liền với cuốn sách Không thể chuộc lỗi, bác sĩ Allen Hassan cho biết: “Vào năm 1987, khi ở Mỹ, tôi viết thư cho ngoại trưởng Mỹ đặt câu hỏi rằng ông nghĩ gì về cuộc thảm sát 40 trẻ em ở Quảng Trị? Ông không trả lời. Từ đó trở đi tôi luôn bị theo dõi từ lực lượng CIA, họ muốn “khóa mõm thằng này lại”. Hồ sơ cá nhân về công việc của tôi cũng bị theo dõi, ngoài hồ sơ bị dán file “đặc biệt”. Những sinh hoạt của tôi, nhất là từ sau khi cuốn sách được phát hành ở Mỹ, cũng bị theo dõi nghiêm ngặt”.

Những quân nhân không thể trở về

Vài ngày sau cuộc “thẩm vấn” ở hầm trú ẩn, một trung sĩ thủy quân lục chiến mà tôi quen biết vào bệnh viện và nói với tôi: “Này bác sĩ Hassan, ông có thích cùng tôi đi vài kilômet về phía bắc để khám bệnh cho lính thủy quân lục chiến bị thương không? Tất cả đều trong tình trạng khá xấu. Họ có thể được nâng tinh thần lên với những người như ông”.

Đông Hà nằm cách vùng phi quân sự - biên giới giữa Bắc và Nam VN - chừng 12 km. Mặc dù biết đề nghị của viên trung sĩ là khá nguy hiểm nhưng tôi không từ chối. Đó là một ngày nắng chói chang. Khi xe chạy gần đến Đông Hà, những thứ tôi thấy trước tiên ở trại lính là ba chiếc lều bạt lớn và một bảng hiệu ghi “Tổng hành dinh miền của quân đội Mỹ”. Khi viên trung sĩ dẫn tôi vào căn lều trại thứ nhất, tôi thấy nhiều người bị thương nặng nằm bên trong.

Ít nhất 200 lính thủy quân lục chiến bị thương nặng nằm trên những dãy giường được xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đi xuyên qua trại, rồi từ trại này qua một trại kế tiếp, tôi thật sự kinh hoàng. Hầu hết thương binh đều bị cụt tay, cụt chân, và cũng giống như những công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, họ gồm nhiều chủng tộc, sắc dân. Tôi bước qua từng hàng thương binh bị cụt cả tay lẫn chân.

“Chúng ta có thể làm điều gì đó tốt hơn nhiều cho những thương binh này nếu như chúng ta nhanh chóng đưa họ về nước”, tôi khẩn thiết nói và cảm thấy rất cần một sự chăm sóc y tế khẩn cấp cho cảnh tượng kinh khủng mà tôi đang chứng kiến. Những người y tá quân y im lặng lắng nghe. “Chúng ta không thể đưa những thương binh này về nước được, thưa bác sĩ - Một nhân viên cứu thương trẻ nói - Chúng ta không thể chở họ trở về Mỹ, trừ khi họ nằm trong túi đựng tử thi để không ai nhìn thấy họ”.

wpHIiiBm.jpgPhóng to
Sau khi phá hủy các ngôi làng, lính Mỹ lùa người dân vào “ấp chiến lược” - Ảnh: Vietnam Bilder eines Krieges (Đức)
“Cái gì? Tại sao?”. “Tình trạng của họ quá phản cảm - Một nhân viên cứu thương khác giải thích - Người ta sẽ phải ngưng cuộc chiến này ngay giây phút trông thấy cận cảnh tấn thảm kịch thực tế này. Ngay khi chiếc Medevac hạ cánh xuống lãnh thổ Hoa Kỳ và mọi người nhìn thấy những thương binh như thế, họ sẽ bạo loạn và đòi cuộc chiến phải chấm dứt”.

Đối với tôi vào thời điểm đó thì việc di tản những thương binh này là việc cần làm. Tôi nhắc lại một lần nữa là tối thiểu, những thương binh nặng này cần được chết tại quê nhà. Một y tá hải quân khác nghe cuộc đối thoại của chúng tôi và tham gia: “Bác sĩ nói đùa à? Chúng ta đã nhận lệnh. Chúng ta không thể đưa những thương binh này về nước.

Chúng ta cần chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh này, ông quên điều đó sao? Không thể để họ phơi bày sự thật với thế giới bên ngoài”. Sau cuộc trao đổi này, tôi đi ngang qua các thương binh nặng trong lều trại cuối cùng, cố gắng nói chuyện và động viên họ. Tôi chỉ nhận được có tiếng lầm bầm hoặc vài ánh mắt động đậy như là câu trả lời của họ.

Một y tá trẻ với vẻ mặt khá phiền muộn đang dọn dẹp các bô trong lều trại khi tôi đi qua. “Anh đã ở đây bao lâu rồi?”, tôi hỏi người y tá. “Tôi ở Đông Hà đã gần một năm, thưa bác sĩ - Anh ta đáp - Nhưng có lẽ tôi sẽ không thể trở về nhà, cũng giống như những bệnh nhân này thôi. Có lẽ đời tôi sắp kết thúc”. Nghe những lời bi quan của anh chàng này, tôi nhận ra anh ta đang ở trong tình trạng “sắp trở về”, tức là những quân nhân sắp đến hạn kỳ được xuất ngũ và trở về nước.

Người y tá này đang trải qua cái gọi là “hội chứng 30 ngày”: càng gần đến ngày được trở về nước bao nhiêu thì các chiến binh càng sợ chết bấy nhiêu. Được trở về nhà là một giấc mơ mà họ thiết tha mong đợi. Tôi tự hỏi phải chăng việc đưa tôi đến trại thương binh này là một sự sắp đặt của những kẻ lạ mặt đã đến căn hầm trú ẩn của tôi mấy ngày trước đó. Nếu đúng thế thì thông điệp đã khá rõ ràng: ngay cả những thương binh cũng không được phép làm gián đoạn cuộc chiến.

_____________________

“Tôi muốn nói với các bạn, những người bạn VN thân yêu, một điều quan trọng. Các bạn đã là đồng bào của tôi ngay cả khi ở Mỹ chúng tôi gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam. Và thật quan trọng với tôi khi tôi rũ bỏ được gánh nặng trong lòng mình để nói với các bạn”.

Kỳ tới: Tôi rất xin lỗi

Đ.TƯƠI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên