25/04/2007 05:07 GMT+7

Không thể chuộc lỗi - Kỳ 4: Vụ thảm sát tại Quảng Trị

ALLEN HASSAN (First News biên dịch)
ALLEN HASSAN (First News biên dịch)

TT - Một buổi chiều gần cuối tháng 5-1968, tôi đang làm việc tại bệnh viện thì nghe thấy âm thanh quen thuộc whack-whack-whack của chiếc trực thăng tải thương bay ở tầm thấp. Một chiếc trực thăng của lục quân hoặc không quân đang hạ cánh xuống sân cỏ của bệnh viện tỉnh Quảng Trị.

5ifBqlRl.jpgPhóng to
TT - Một buổi chiều gần cuối tháng 5-1968, tôi đang làm việc tại bệnh viện thì nghe thấy âm thanh quen thuộc whack-whack-whack của chiếc trực thăng tải thương bay ở tầm thấp. Một chiếc trực thăng của lục quân hoặc không quân đang hạ cánh xuống sân cỏ của bệnh viện tỉnh Quảng Trị.

Kỳ 1: Ở tâm điểm cuộc chiến Kỳ 2: “Trại cải huấn” Kỳ 3: Cuộc hành quân “Ánh cầu vồng”

Những đứa trẻ bị bắn vào đầu

Ba phi công mặc đồng phục vội vã khiêng một chiếc cáng vào hội trường bệnh viện. Trên cáng chất đầy trẻ em. Các cháu có vẻ sạch sẽ, như thể vừa mới được tắm rửa sáng hôm đó.

Sau một chuyến đi đến Đông Hà, tôi cuốc bộ trên con lộ đất bụi để trở về nơi đậu chiếc xe Jeep mà Nguyễn (thông dịch viên) đang chờ tôi. Tôi và viên trung sĩ thấy một gia đình trẻ đang dắt hai con trâu ngang qua một cánh đồng cỏ cách chúng tôi khoảng gần 100 mét. Họ gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Trong một trại lính dọc theo con lộ, một binh sĩ Hoa Kỳ trông thấy họ và vội nạp đạn vào khẩu súng cối bắn hết viên này đến viên khác nhắm vào gia đình đó mà không có một lý do nào cả, như thể tất cả đang là một trò chơi - hắn ta đang chơi trò ru-lét Nga với các thường dân VN. Trong khi đó, trên cánh đồng cỏ, cả gia đình đã bỏ hai con trâu lại và hối hả chạy trốn. Những quả đạn cối nổ sát sau lưng họ. “Đồ điên! - Tôi hét lên - Mày đang làm cái trò quỉ quái gì thế?”. Người lính nghênh mặt quay về phía tôi. “Ngưng ngay hành động ngu xuẩn này đi!”, tôi la to. “Chỉ là một mục tiêu thực hành thôi mà” - tên lính lớn tiếng đáp trả. “Mẹ kiếp! - Tôi thét lên - Ngưng ngay! Họ là những dân thường chẳng hề có vũ khí!”. Hắn ta ngưng lại một chốc trước khi bắn đi một mục tiêu khác. Rồi hắn nhún vai nhìn tôi, đốt một điếu thuốc như thể chẳng có gì xảy ra.

Tôi đứng nhìn các viên phi công khiêng ba hoặc bốn bé chất đống trên cáng xuống, rồi trở ra trực thăng khiêng tiếp. Tôi và các y tá điếng người khi các viên phi công liên tục mang thêm vào bệnh viện hết cáng này đến cáng khác. Tôi chú ý đến những bàn tay ủ rũ dọc theo thành cáng. Những bàn tay đu đưa này như muốn đặt câu hỏi: “Tại sao? Tại sao lại là cháu? Cháu đã làm gì sai nào?”. Không một lời nào, những phi công đặt nạn nhân bé tí cuối cùng xuống nền nhà. “Chúng nó đấy, bác sĩ!”, cuối cùng, một người lên tiếng. Không ai nói thêm một lời nào khác. Rồi chiếc trực thăng cất cánh, mất hút về phía bìa rừng.

Từng hàng, từng hàng những thân thể đầy thương tích, có lẽ lên đến chừng 40 trẻ em VN từ tuổi còn ẵm ngửa đến khoảng 5 tuổi. Các bé đều có đeo dải băng trên cánh tay và một số các cháu đã chết hẳn. Những cháu còn sống đang cố nhúc nhích chân tay. Ngay lập tức, tôi cố gắng cứu chữa các cháu còn sống. Mỗi một bé trai, bé gái đều bị một viên đạn xuyên qua đầu với vết thương là một lỗ tròn, nhỏ nhưng không thể chữa trị. Máu rỉ ra từ lỗ vết thương trên đầu các cháu. Những đứa trẻ này rõ ràng đã bị bắn ở đầu, kiểu như bị hành hình.

Đây là bệnh viện của tôi. Tôi là bác sĩ duy nhất. Và những em bé này đang chết. Tôi kêu đem Gelfoam, một chất dùng ngăn máu chảy ở phòng cấp cứu. Tôi cố liều nhét đầy Gelfoam vào các lỗ vết thương cho dù đã cảm thấy hoàn toàn vô vọng. Tất cả các bé đều đang chết, không một cháu nào có thể sống sót. Tôi nhận thức điều đó chỉ sau ít phút cố thử cứu chữa. Hai y tá VN bắt đầu quấn chăn cho những cháu đã chết rồi khiêng thi thể các cháu ra khỏi hội trường. Tôi đã trải nghiệm những giây phút hết sức đau lòng, những giây phút mà người bác sĩ cảm nhận sau khi đã dùng hết khả năng của mình mà bệnh nhân vẫn ra đi. Không một lời cảnh báo, tôi đã mất một lần đến 40 sinh mạng.

Tôi chú ý đến những dải băng trên cánh tay các cháu bé. Tôi bị sốc thật sự. Dải băng plastic có dòng chữ: “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi từng là một quân nhân thủy quân lục chiến và từng tự hào về tính cách binh chủng của mình. Nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi không còn tự hào là một người lính thủy quân lục chiến nữa. Không ai trong lực lượng thủy quân lục chiến có thể thẩm vấn những trẻ em như thế, nhưng một số người nào đó đã vây bắt các cháu rồi tàn sát tất cả.

Tôi chưa bao giờ hoàn toàn mất bình tĩnh khi ở VN, nhưng lúc đó, toàn thân tôi rúng động. Cảm giác kinh tởm lan tỏa khắp cơ thể. Tôi có cảm giác như thể mình đang hứng chịu một trận đánh, như thể bom đạn đang đổ xuống mái nhà bệnh viện. Hình ảnh hàng chục thi thể trẻ em chết thảm thương ghi sâu vào tâm não tôi. Khi những đứa trẻ này chết một cách lặng lẽ, há hốc miệng ra thở rồi yếu ớt giãy giụa giã từ cuộc đời, hết bé này đến bé khác, tôi đã tự hỏi có thể nào chuộc được lỗi lầm cho một cuộc thảm sát ghê rợn như thế.

“Vật cầm cố” cho bộ máy chiến tranh

vGBLd7qI.jpgPhóng to

Bom Mỹ tạo ra một "trận động đất" với người dân Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Vietnam Bilder eines Krieges (Đức)

Những gì tôi chứng kiến tận mắt chiều hôm đó trong hội trường bệnh viện không phải là tình cờ, ngẫu nhiên. Những đứa bé không phải ngẫu nhiên bị thương vì bom rơi trên xóm làng của chúng. Cũng không phải do các cháu giẫm phải mìn. Một vài nơi xung quanh Quảng Trị, các quân nhân - có lẽ là thuộc thủy quân lục chiến Mỹ - đã bố ráp và bắt giữ những đứa trẻ này. Có thể họ đã giằng kéo các bé từ trong tay những người mẹ. Các em nhỏ chẳng có cách nào để đánh trả, chống cự và cũng chẳng thể hiểu việc gì đang xảy ra. Rồi các em bị giết, bị đập chết giống như những con gián vậy. Không hoàn toàn tin vào những gì mình thấy, tôi lấy kéo cắt hai băng tay trên thi thể các em rồi cho vào túi mình như là chứng cứ trước khi chuyển qua công việc khác.

Dường như phải mất mấy ngày mới tẩy sạch máu của các cháu bé trên nền cẩm thạch và trên tường của hội trường. Trong những ngày tiếp theo, tôi vẫn còn nói với vài y tá hải quân là mình thật sự kinh hồn trước việc tàn sát điên rồ mà tôi đã thấy, và rằng tôi sẽ qui trách nhiệm cho người chỉ huy việc này. Lời nói của tôi như gióng lên tiếng chuông cảnh báo không xa. Tôi không biết đến vụ thảm sát Mỹ Lai đã diễn ra chỉ hai tháng trước đó, tại một nơi chỉ cách Quảng Trị khoảng 200km. Sự khốc liệt và dã man của chiến tranh đang tạo ra hàng đống những tội ác trên nhiều khu vực ở Nam VN.

yVMsk3fv.jpgPhóng to

Trẻ em VN sau hàng rào kẽm gai của một trại tập trung sau trận càn của lính Mỹ. Ảnh: Vietnam Bilder eines Krieges (Đức)

Sau này, tôi hỏi hai y tá hải quân trực về việc xử lý thi thể các cháu. Tôi muốn biết nơi chôn cất các cháu. “Các y tá VN phụ trách việc đó” - họ trả lời. Tôi đã không bao giờ biết được nơi chôn cất các cháu vì tôi quá bận bịu trong ngày hôm ấy. Tôi nhớ là những ngày tiếp theo sau vụ thảm sát, không khí trong bệnh viện trở nên im lặng một cách kỳ quặc. Bệnh nhân ngưng sắp hàng ngoài cửa bệnh viện. Các y tá không báo cáo công việc. Bệnh viện yên ắng một cách bất thường. Hầu như không một ai nói chuyện với tôi.

Tôi cảm thấy đau khổ và đơn độc vô cùng, như thể tôi đang rơi vào tình huống bất lực do hồi ức về sự tàn nhẫn mà tôi đã chứng kiến. Tôi bắt đầu có cảm giác là mình đang bị khai thác, bóc lột. Tôi cảm thấy mình giống như một vật cầm cố cho bộ máy chiến tranh của Mỹ, một trò giải trí về quan hệ công chúng nhằm làm cho hình ảnh quân nhân của chúng tôi trông đẹp đẽ hơn đối với người VN, cũng như đối với công luận ở Hoa Kỳ. Mặc dù tôi đã hăng hái tình nguyện và tôi biết mình đã giúp được nhiều người, cứu sống nhiều sinh mạng, nhưng tất cả niềm vui cùng sự hưng phấn giúp đỡ VN nay không còn nữa. Giờ đây, thay vào tình cảm chứa chan mà tôi từng cảm nhận, bao phủ lấy tôi chỉ còn là nỗi ân hận, buồn chán và căm ghét.

Cảnh tượng hàng chục em bé bị hành quyết ấy mãi mãi in sâu trong tâm khảm tôi. Khi cháu bé cuối cùng lặng lẽ lìa đời, tôi tự nghĩ là sẽ không thể nào chuộc hết tội lỗi cho hành động vô nhân đạo này.

-----------------------

“Tối qua ông bạn suýt chết đấy!” - anh ta nói. “Ô! Anh muốn ám chỉ các viên đạn súng cối ấy à?” - tôi hỏi. “Không phải những viên đạn súng cối - Giọng anh ta trở nên lạnh lùng và gằn từng chữ - Và vẫn còn sự chọn lựa cho ông”.

Kỳ tới: “Hãy giữ mồm giữ miệng”

ALLEN HASSAN (First News biên dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên