24/04/2007 00:04 GMT+7

Cuộc hành quân "Ánh cầu vồng"

 ALLEN HASSAN (First News biên dịch)
 ALLEN HASSAN (First News biên dịch)

TT - Thời gian trôi đi. Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà mình đã trông thấy, hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày. Mỗi sáng, tôi lại thả bộ đến bệnh viện. Và thường là ngay khi đến bệnh viện, tôi đã bị ngập đầu vào công việc. Thế nhưng mọi chuyện đổi khác sau một cuộc ném bom rải thảm trong cuộc hành quân có mật danh là “Ánh cầu vồng”.

7VrJja5W.jpgPhóng to
Cảnh thường dân bị thương được chuyển bằng cáng đến Bệnh viện tỉnh Quảng Trị năm 1968
TT - Thời gian trôi đi. Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà mình đã trông thấy, hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày. Mỗi sáng, tôi lại thả bộ đến bệnh viện. Và thường là ngay khi đến bệnh viện, tôi đã bị ngập đầu vào công việc. Thế nhưng mọi chuyện đổi khác sau một cuộc ném bom rải thảm trong cuộc hành quân có mật danh là “Ánh cầu vồng”.

Kỳ 1: Ở tâm điểm cuộc chiến Kỳ 2: “Trại cải huấn”

Tiếng kêu khóc của dân chúng

Ở Quảng Trị, chúng tôi từng nghe có những quả bom nặng được máy bay ném bom B-52 thả xuống và nổ ở khoảng cách khá xa - chừng 16km - làm rung chuyển mặt đất dưới chân chúng tôi.

Căn cứ quân sự ở Khe Sanh bị tấn công, để trả đũa, những quả bom khổng lồ được thả xuống mỗi ngày. Âm thanh và sức mạnh của tiếng nổ làm rung chuyển cả núi đồi và thung lũng. Khi mặt đất rung chuyển, hầu như tôi nghe thấy trong đó tiếng kêu khóc của dân chúng vang vọng trên khắp các nẻo đường Quảng Trị. Chúng tôi thiếu người trợ giúp ở bệnh viện. Tất cả bác sĩ quân y, các kỹ thuật viên vốn thường có thể giúp một tay chữa trị cho dân thường, cùng hầu hết y tá hải quân đều nhận lệnh ra trận tuyến chăm sóc thương binh.

Sau cuộc tấn công bất ngờ bằng bom, hàng đoàn thường dân, trong đó có rất nhiều trẻ em bị thương sắp lớp tại bệnh viện. Tôi là bác sĩ duy nhất lúc đó tại tỉnh Quảng Trị và những người bị thương không còn nơi nào khác để xin cứu chữa ngoài chỗ này. Những trẻ em đến đây phần lớn bị thương vì mảnh bom và nhiều em đã chết trên tay tôi. Những người bị thương nặng qua tay tôi được xử lý nhanh như hình ảnh trôi qua màn hình rađa. Tôi phải làm việc thật nhanh và chỉ được một y tá hải quân duy nhất trợ giúp. Ngay khi anh ta cưa chân các cháu bé và chăm sóc vết thương cho các cháu, tôi lao vào phẫu thuật hết ca này đến ca khác cho các bệnh nhân đang chờ tiếp theo.

VGSX4Da5.jpgPhóng to

Bác sĩ Allen Hassan

Bệnh viện trở nên quá tải và chúng tôi phải dùng đến tất cả những cơ sở tạm thời. Đó là hai lều rạp lớn ngoài sân bệnh viện. Điều kiện vệ sinh vì thế càng tệ hại hơn vì những phòng bệnh tạm thời trong lều rạp gồm những chiếc giường sắp thành hàng trên nền đất bẩn. Bệnh nhân cũng như các thành viên trong gia đình họ và những người đến thăm viếng đã tiêu tiểu ngay phía cuối các dãy giường. Một số người đến sau đã đào rãnh cho chất thải chảy vào con suối dẫn ra sông, nhưng chẳng bao lâu các chất cặn bã lại tích dồn thành đống.

Sau mấy ngày làm việc cật lực, số bệnh nhân vẫn tràn ngập bệnh viện. Tôi nằm trên giường nhưng không thể ngủ được. Có quá nhiều thường dân vô tội bị thương. Người già, phụ nữ, trẻ em, những nạn nhân vô tội của các vụ ném bom ồ ạt, tàn nhẫn của Mỹ. Suy tưởng về tất cả những nạn nhân chết và bị thương làm tôi xúc động sâu sắc, âm thầm, lặng lẽ khóc một mình vào những giờ sáng sớm.

Lời thề của tôi

Có một ca mà tôi không thể nào quên được là trường hợp của một bé trai 8 tuổi tên Thắng. Em bị trúng mảnh bom ở bụng, vùng chậu, chân, tay và nhiều nơi khác trên thân thể. Thắng đã ẩn náu dưới một cái mương với những vết thương như thế trong hai ngày trước khi được chở đến bệnh viện chúng tôi. Mẹ Thắng và nhiều thân nhân khác cùng theo em đến bệnh viện.

Mẹ của Thắng ở lại với em cả ngày lẫn đêm. Sau này tôi mới biết bà mẹ này đã mất ba đứa con khác gần Cam Lộ. Thắng là đứa con duy nhất còn lại nên bà mẹ đau khổ này hết sức mong muốn cứu mạng con mình. Tôi có linh cảm nếu như cậu bé chết thì bà mẹ cũng sẽ chết theo.

Khi nhập viện, Thắng đang bị sốt cao. Mặc dù bị nhiều thương tích như thế, em vẫn nở được nụ cười yếu ớt khi trông thấy tôi. Đôi mắt nâu của em ánh lên niềm hi vọng. Không một chút do dự, tôi tiến hành ngay thủ thuật cắt khí quản vì một trong những nguyên nhân gây đột tử thông thường nhất là do không thể thở được. Khi chúng tôi cởi quần áo và đặt em nằm trên bàn, dạ dày của em cứng như đá. Chúng tôi đặt ống mút dạ dày thông qua mũi và một ống dẫn nước tiểu vào bọng đái của em.

Khi tôi mổ, bụng của em đầy mủ. Tôi giội rửa thông qua màng bụng, dùng mọi loại thuốc kháng sinh trong khi rửa các vết thương và những túi mủ. Những mảnh bom, mảnh thịt rơi vãi trong bụng, quanh động mạch chủ và găm vào gan.

Tôi phải thật thận trọng khi gắp những thứ “rác rưởi” này. Cậu bé bị nhiễm trùng máu nhưng may mắn là những chỉ số của sự sống còn rất mạnh. Thân nhiệt ở mức 39,5 OC là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ cơ thể của em vẫn đang đề kháng.

Để những mảnh bom vừa gắp ra vào một chỗ, tôi cắt bỏ một khúc ruột, lấy đi mô chết rồi đóng vết thương. Nhiều đoạn mô ruột quanh đường đi của mảnh bom đã chết và những mô chết này cần phải được cắt bỏ.

Chúng tôi tiếp tục chăm sóc, ưu ái Thắng với nhiều hi vọng. Đến ngày thứ ba, tôi phẫu thuật lần nữa. Thắng vẫn còn bị xuất huyết mà tôi không tìm được nguyên nhân. Nụ cười của cậu bé yếu ớt hơn.

Mẹ cậu trở nên mê sảng vì buồn đau và tức giận. Tôi biết hi vọng sống sót của Thắng đang chầm chậm trôi qua. Đôi mắt của cậu bé mê dại đi. Đột nhiên, cậu bé thải ra nửa lít máu đặc sền sệt từ trực tràng. Rồi tia sáng hi vọng từ ánh mắt của cậu tắt hẳn. Cậu bé đã chết trên tay tôi sau tổng cộng 12 giờ phẫu thuật mệt lử.

BvDJ7fkH.jpgPhóng to

Hai cha con cùng bị thương tích, áo quần đẫm máu - Ảnh: Vietnam Bilder eines Krieges (Đức)

“Người Mỹ đã giết chết con tôi!” - Người mẹ hét lên, quị xuống khi tôi báo cho bà biết. Bà ôm lấy chân tôi và khóc lóc thảm thiết: “Người Mỹ đã giết chết con tôi rồi!”. Tôi chưa kịp chia buồn thì bà đã chạy toáng ra ngoài sân, khóc la, gào thét cả tiếng đồng hồ. Tiếng khóc than của bà nghe sao mà thảm thương đến thế.

Sau này, người ta mới cho tôi biết biểu hiện như thế - được xem là “xì hơi” - là một hiện tượng thông thường ở Việt Nam vì không một sự chia buồn, an ủi nào có thể làm giảm nhẹ nỗi thống khổ, sự đau lòng xé ruột xé gan của bà mẹ mất con. Nhưng cũng vào cuối ngày hôm đó, bà mẹ đã trở lại bệnh viện. Bà giúp chăm sóc những người sống sót, những người bị thương nằm trong bệnh viện. Đôi mắt bà trông xa vắng, vô hồn.

Đối với tôi, đêm hôm đó là một đêm đặc biệt. Tôi lên giường với trạng thái buồn bã và mệt lử. Tôi đã làm hết sức mình. Tôi không cho ai biết rằng tôi đã khóc như một đứa bé. Tôi là một bác sĩ phẫu thuật và tôi không thể để những sự việc như thế tác động đến mình. Nhưng tôi đã không làm được. Đây không phải là lần đầu tiên ở Quảng Trị tôi khóc trong đớn đau và mệt mỏi khi lên giường ngủ.

Thảm kịch thương vong không ngừng của trẻ em đã tác động mạnh đến tôi khiến tôi bị trầm cảm. Tuy thế, tôi vẫn không gột rửa được hình ảnh của đứa bé can đảm đó khỏi trí óc mình. Cái đêm cậu ta chết, tôi hình dung cảnh cậu bé nằm một mình dưới mương trong hai ngày đêm với những mảnh bom đạn trong bụng.

Vậy mà cậu bé vẫn mỉm cười yếu ớt với tôi khi nhập viện. Tôi đã nhìn vào mắt cậu và cảm nhận vẻ thiết tha yêu cuộc sống trong con người cậu bé. Tôi đã làm mọi cách nhưng không thể cứu mạng cậu. Nhớ đến cảnh cậu bé chết ngay trên tay mình, tôi thề sẽ cố gắng làm mọi cách cho thế giới này tốt hơn, làm mọi thứ để cổ xúy cho hòa bình, chống chiến tranh.

Đêm đó trong hầm trú ẩn tôi đã tự thề, một lời thề dành cho trẻ em trên toàn thế giới giống như Thắng. Lời thề đó là: “Không bao giờ cho phép lặp lại điều này nữa!”. Trong nhiều năm sau này, khi hồi tưởng lại cái đêm hôm đó, tôi tự nguyện là dù phải sống bất kỳ cuộc sống như thế nào và ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng sẽ cố gắng tác động một cách có ý nghĩa lên mọi biến cố.

oOo

Trước mặt tôi là khoảng 40 em bé Việt Nam đang quằn quại giãy chết. Đa số còn rất bé, đứa lớn nhất có lẽ chỉ chừng năm tuổi. Chúng đã bị bắn ngay vào đầu! Tôi hình dung ngay ra cảnh những em bé này bị sắp thành hàng rồi bị bắn như kiểu hành quyết.

Kỳ tới: Vụ thảm sát tại Quảng Trị

 ALLEN HASSAN (First News biên dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên