22/04/2007 04:04 GMT+7

Không thể chuộc lỗi - Kỳ 1: Ở tâm điểm cuộc chiến

 ALLEN HASSAN (First News biên dịch)
 ALLEN HASSAN (First News biên dịch)

TT - Đó là năm 1968. Sau vài ngày tập huấn với các đồng nghiệp người Mỹ ở Huế, tôi lên xe Jeep hướng về Bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Các đồng nghiệp ở Huế cho là tôi điên nên mới tình nguyện ra Quảng Trị, nơi chiến sự nặng nề vây quanh. Sau khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi biết rằng nơi đây có thể là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh này.

“Oanh kích tự do”

dpW3ndNe.jpgPhóng to
Một người mẹ cùng hai đứa con đang giúp tải thương những nạn nhân trúng bom tại Quảng Trị
Tôi là vị bác sĩ duy nhất thường trực tại Bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị có dân số khoảng 35.000 người khi tôi đến đây, nhưng có rất nhiều cư dân sinh sống ở miền quê, ở các làng mạc xa xôi hẻo lánh. Trong khu vực này có đến 87.000 lính thủy quân lục chiến thuộc Quân đoàn I. Đây là vùng chiến sự và để bảo vệ, người ta đã tăng viện rất nhiều xe tăng, đặc biệt là những chiếc xe bọc thép có thiết kế hai khẩu 40 ly, rất thích hợp để hoạt động ở những vùng có rừng nhiệt đới như ở đây. Xe tăng và xe bọc thép chở đầy lính Mỹ và lính Nam VN chạy suốt ngày trên các đường phố Quảng Trị.

rTCKqDVV.jpgPhóng to“Sau 30 năm, tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình đang nâng cánh tay rũ rượi của một cháu bé bị bắn một phát đạn ngay vào đầu, đang đọc dòng chữ rõ nét trên dải băng tay “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi không thể lay chuyển ký ức về một hội trường bệnh viện vấy đầy máu, về những điều kinh hoàng và về những cú sốc từ tất cả những gì mình đã chứng kiến” - Allen Hassan, bác sĩ tình nguyện người Mỹ trong chiến tranh VN, viết như vậy trong cuốn hồi ký Không thể chuộc lỗi (Failure to atone, bản tiếng Việt do NXB Trẻ và First News xuất bản tháng 4-2007).

Những sự thật chưa từng được tiết lộ về chiến tranh của một bác sĩ người Mỹ được kể lại với sự day dứt. Và chính sự day dứt đó đã thôi thúc Allen Hassan trở lại VN.

Hầu như mỗi ngày đều có hàng chục binh lính và thường dân chết và bị thương. Chiến trường đẫm máu, trong đó tổn thất nhân mạng nhiều nhất lại xảy ra ở các “vùng oanh kích tự do”, từng là khu vực sinh sống của dân chúng miền quê, nên nạn nhân có thể là những nông dân trở về lo cho đàn trâu, đàn bò của họ; có thể là phụ nữ hoặc trẻ em trở về nhà đốt nhang trên những nấm mồ ông cha. (“Vùng oanh kích tự do” là khu vực mà bất cứ ai hiện diện trong đó cũng bị coi là kẻ địch và là mục tiêu được phép bắn phá tự do của các lực lượng Mỹ.

Một số phi công kể lại rằng sau khi đi bỏ bom vào một mục tiêu mà vì một lý do nào đó không sử dụng hết số bom, trên đường về căn cứ không quân, để chuẩn bị hạ cánh an toàn, họ đã thả hết số bom còn lại xuống “vùng oanh kích tự do” mà không cần biết có gì dưới đất hay không - ND). Mặc dù hầu hết người VN sống quanh quẩn ở làng quê, cả đời ít khi đi xa khỏi bán kính 10 km, nhưng hàng triệu người đã phải chạy loạn khắp nơi trong chiến tranh.

Tôi đến phục vụ ở Quảng Trị khi mới 32 tuổi, là một bác sĩ còn khá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy đã được đào tạo về y khoa tổng quát, nhi khoa và thú y. Một năm làm việc tại các phòng cấp cứu của bệnh viện ở California đã cho tôi một số kinh nghiệm ứng phó với những ca chấn thương. Ngành y ở một nước thuộc thế giới thứ ba hoàn toàn khác biệt với những gì mà nhiều bác sĩ có thể hình dung, nhất là sự thiếu thốn về y cụ hiện đại. Ngay cả “mùi vị” của các bệnh viện ở VN cũng khác hơn so với vẻ sang trọng, sạch sẽ của bệnh viện ở Mỹ. Đó là mùi cồn hăng hăng trộn lẫn mùi khử trùng.

Chiến tranh ở trên đầu

JNXDopGv.jpgPhóng to
Bác sĩ Allen Hassan tại Bệnh viện tỉnh Quảng Trị năm 1968
“Vào tháng 1-1968, tôi chú ý đến một mẩu quảng cáo ngắn trên tờ tạp chí Journal of the American Medical Association (tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ): “Chúng tôi cần những bác sĩ tình nguyện đến Nam VN để chăm sóc sức khỏe cho dân chúng. Chương trình được Hiệp hội Y học Mỹ đỡ đầu”. Năm đó, tôi là một trong số khoảng 200 bác sĩ Mỹ đáp ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp hội Y học Mỹ.

Cho đến khi chương trình bác sĩ tình nguyện cho VN kết thúc vào tháng 6-1973, cứ mỗi hai tháng, VN cần thêm 32 bác sĩ tình nguyện và rất nhiều bác sĩ Mỹ đã tình nguyện phục vụ. Tổng cộng có 774 người tình nguyện phục vụ thời hạn hai tháng không lương, chỉ nhận chi phí 10 USD mỗi ngày và chính sách bảo hiểm 50.000 USD. Tôi tự hào là một trong số bác sĩ tình nguyện đến VN và nằm trong số 17% trở lại VN phục vụ đợt hai.

Vốn là lính thủy quân lục chiến, tôi sẵn có niềm yêu thích đối với vùng Viễn Đông - chiến hạm của chúng tôi đã từng cập bến ở Hong Kong, Macau, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi bị cuốn hút về phía cuộc chiến này vì tôi là một bác sĩ đang mong muốn được làm những công việc hữu ích”.

Một trong những ca phẫu thuật đầu tiên của tôi ở Quảng Trị là mổ cho một người đàn ông Việt Nam 44 tuổi bị thương nằm ngoài đồng ruộng suốt cả bốn ngày. Tôi nhận ra ông là người thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên phố khi đi bộ đến bệnh viện làm việc. Khi tiếp nhận ca bệnh, tôi mới biết là ông bị thương vì mảnh bom. Ông cũng bị bỏng một mảng lớn quanh vết thương khiến lòi cả xương sống ra. Vết thương của ông rất nặng và tôi sợ là ông không thể sống qua vài ngày. Tôi thăm bệnh mỗi ngày, cho ông dùng thuốc chống uốn ván lấy lệ và chích morphine giảm đau. Tôi cố gắng mỉm cười và tỏ vẻ hớn hở khi khám bệnh vì muốn cổ vũ và cho ông hi vọng sống. Đến ngày thứ tám thì bệnh nhân tử vong. Sau khi đã sử dụng hết mọi phương cách, tôi chỉ còn cách gửi cho ông một nụ cười hiền lành, lịch sự và đón nhận lời cuối cùng của người đàn ông: “Cám ơn bác sĩ”.

Bệnh viện của chúng tôi là “con đường duy nhất” đối với dân chúng Quảng Trị chẳng may bị thương vì bom đạn chiến tranh, bởi không còn nơi nào gần hơn để cấp cứu nạn nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh. Con số thường dân thương vong dao động tùy theo tình hình chiến sự. Rất nhiều bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện tỉnh Quảng Trị là do các vết thương vì bom, một số do máy bay B-52 thả loại bom khổng lồ 2.000 cân Anh, có sức hủy diệt khủng khiếp. Loại bom này có kích cỡ to bằng chiếc xe Volkswagen Beetle, và chấn động của vụ nổ có thể cảm nhận ở nơi cách xa gần 20 km. Nếu như bạn nằm trong phạm vi 8 km khi bom nổ, bạn sẽ thấy đời mình xem như kết thúc. Mặt đất rung chuyển dữ dội cùng với tiếng ầm ầm như thể bạn đang ở trung tâm của một vụ động đất. Những vụ ném bom như thế gây ra vết thương theo nhiều cấp độ cho rất nhiều người, tùy thuộc khoảng cách từ nạn nhân đến chỗ bom rơi. Nếu ở gần nơi bom nổ, chấn động cực mạnh xuyên qua cơ thể có thể làm tổn thương trầm trọng tim, gan, thận, ruột. Sóng chấn động mạnh cũng có thể thổi bay con người vào tường hoặc một vật cứng nào đó và gây thương vong cho họ. Ở nơi xa hơn trung tâm vụ nổ, sóng mạnh và kéo dài cũng có thể làm rách màng nhĩ (nếu sức nổ tạo nên áp suất 7 cân Anh trên một inch vuông). Còn nếu như có ai đang tiếp xúc với vật thể rắn nào đó thì sóng chấn động của vụ nổ có thể truyền từ vật thể ấy vào cơ thể người, làm chấn thương nhiều hay ít tùy theo sức mạnh của vụ nổ.

Có những bà mẹ bồng con mình vừa mới đạp phải bẫy mìn với bàn chân bấy nát. Chúng tôi phải chữa trị nhiều người bị thương vì đạn của các loại súng cá nhân, vì mảnh đạn pháo và vì bẫy mìn, trong đó nhiều nhất là thương vong do mảnh bom đạn. Trong một số trường hợp khá hiếm hoi, chúng tôi cũng chữa trị những người bị thương, bị cháy bỏng vì bom napalm. Bom này đốt cháy hoàn toàn cả xương lẫn xác thịt và khi đã dính bom napalm, rất khó để ngăn chặn sự phát cháy nên rất ít người sống sót để được chuyển đến bệnh viện.

Chiến tranh ở ngay trên đầu chúng tôi. Bầu trời đen kịt trực thăng quân đội với những tiếng nổ liên tiếp của hỏa tiễn, của đạn pháo. Cũng chẳng có gì báo trước, mặt đất dưới chân tôi bất thần có thể rung lên với những đợt đánh bom của máy bay B-52 ở một nơi khá xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi đặc trưng của bom napalm trong không khí. Thường là những khi xuất hiện các sự việc nhắc nhở về cuộc chiến đang tiếp diễn như thế, tôi dễ trở nên chán nản ngay tức khắc. Tôi bất lực tự hỏi sẽ có bao nhiêu người dân vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn, bao nhiêu người đang chết vào thời điểm đó, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu cơ thể bị biến dạng vì bom đạn và bao nhiêu người sẽ bò đến hoặc được đưa đến bệnh viện của chúng tôi xin chữa trị trong vài giờ tới.

Càng ngày tôi càng nhận rõ là mình thật sự đang ở vùng tâm điểm của một cuộc chiến. Tỉnh lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 - tức vùng phi quân sự - chừng 35km. Tất cả chúng tôi hiểu rằng mình đang ở trong vùng chiến sự và rằng chúng tôi nên cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau sống sót qua cuộc chiến.

______________________

“Trại cải huấn” trong xã này chật kín hàng ngàn con người gần như trần truồng, gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con, bị cho là tù binh chiến tranh. Cái gọi là “trại cải huấn” dùng để giam giữ cư dân địa phương bị vây bắt. Họ bị buộc phải nhận tội.

Kỳ tới: “Trại cải huấn”

 ALLEN HASSAN (First News biên dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên