06/02/2007 07:30 GMT+7

Thư gửi thủ tướng Chu Dung Cơ (tiếp theo)

LÝ XƯƠNG BÌNH(Trần Trọng Sâm dịch)
LÝ XƯƠNG BÌNH(Trần Trọng Sâm dịch)

TT - Đứng trên góc độ một cán bộ cơ sở, tôi kiến nghị trung ương giải quyết vấn đề tam nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) từ bốn mặt dưới đây:

1ezwrWqb.jpgPhóng to
Những lao động hăm hở mua vé tàu ra thành thị. Cuộc sống khổ sở và đầy cam go đang chờ họ ở phía trước
TT - Đứng trên góc độ một cán bộ cơ sở, tôi kiến nghị trung ương giải quyết vấn đề tam nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) từ bốn mặt dưới đây:

1. Kiên quyết chặn đứng tác phong phô trương

Đề nghị Thủ tướng viết một bức thư cho toàn quốc, một lần nữa nhắc nhở toàn Đảng bất kể cấp nào phải thật sự cầu thị, phản đối kịch liệt tác phong phô trương khoa trương, làm ít nói nhiều, phải coi trọng lợi ích của nhân dân cao hơn hết.

Tác phong phô trương thành tích và lo chạy mua quan, bán chức là anh em cùng một giuộc, đều lấy thăng quan để phát tài làm mục đích, lấy hi sinh lợi ích của nhân dân để trả giá. Những người đi chạy quan, bán chức tước đều là những người ham danh lợi, thích phô trương.

Tác phong phô trương thành tích chính là căn nguyên của việc bắt nông dân phải đóng góp quá nặng.

2. Giảm miễn thuế nông nghiệp

Tính tích cực của nông dân không những là vấn đề cơ bản của nông nghiệp mà cũng là vấn đề cơ bản để ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Điều động tính tích cực của nông dân, một là dựa vào trung ương, hai là dựa vào địa phương.

Từ trung ương mà nói:

- Cần giảm miễn thuế nông nghiệp. Trung ương cần dẫn đầu về giảm nhẹ đóng góp cho nông dân. Chính phủ trung ương hoàn toàn có thực lực như vậy.

- Trung ương cần mở rộng phạm vi kế hoạch nông nghiệp và chính sách bảo hộ nông nghiệp. Tăng cường sức mạnh về bảo hộ nông nghiệp, bảo hộ nông thôn, bảo hộ nông dân.

- Lập kế hoạch trồng trọt từng khu vực, giảm hàng loạt diện tích trồng trọt nông sản phẩm.

...

Hạn chế thích đáng về giá cả hàng hóa công nghiệp leo thang, nâng cao giá cả nông sản phẩm.

Về địa phương mà nói:

- Cần giảm mạnh nhân viên ăn vào thuế khóa nhà nước. Giảm đến như quân số năm 1990, thậm chí giảm một nửa.

- Cần hợp nhất thôn, khu, hương. Lấy Kinh Châu Hồ Bắc mà nói, thôn dưới 1.000 dân cần nhập với thôn khác. Khu quản lý dưới 2 vạn dân cần nhập với khu khác. Hương dưới 6 vạn dân cần nhập với hương khác.

- Tiến tới việc rút lui của chính phủ. Chính phủ không thể bao biện tất cả. Động viên đề xướng xã hội làm giáo dục, xã hội làm tiểu thủy nông, xã hội làm cơ sở thí nghiệm...

- Phải cải cách chế độ đóng góp của nhân dân, nông dân. Hợp nhất các cơ cấu thu các loại thuế phí. Thực hiện chế độ một phiếu thu. Phàm những việc chỉ thu phí thì lấy thu phí thay quản lý, thanh trừ hết những nhân viên, việc làm trở ngại đến sản xuất phát triển. Chức năng của nó do ban nông nghiệp của tỉnh giao cho các phòng ban tổ đảm nhiệm.

- Cán bộ rời khỏi nhiệm sở, thực hiện chế độ hai thẩm tra. Khi nhậm chức biên chế nhân viên bao nhiêu người, khi rời khỏi nhiệm sở không được tăng thêm dù chỉ một người. Khi nhậm chức tình hình tài chính hao hụt bao nhiêu, thâm hụt chữ đỏ đến mức độ nào, khi rời khỏi nhiệm sở không được tăng hơn, chỉ được giảm bớt.

- Thực hiện chế độ đào thải đối với người ăn lương nhà nước mà không làm tròn được nhiệm vụ, không luân chuyển, không tạm bố trí để chờ đợi nghỉ hưu. Bảo đảm cán bộ có thể lên có thể xuống, chế độ này phải được quán triệt chấp hành. Cán bộ cơ sở dù sao cũng không thể thực hiện chế độ làm suốt đời. Cần kiên quyết ngăn chặn việc gia đình hóa cán bộ. Có nhiều xã, thị trấn việc gia đình hóa cán bộ rất nghiêm trọng, chỉ một phạm vi nhỏ như xã, cha là lãnh đạo cốt cán thì con rể, dâu, cháu, con chú, con bác cùng tranh làm cán bộ. Quần chúng nói: một người làm quan cả họ được nhờ. Ở xã, một nhà chỉ để một người làm cán bộ. Trước ở đâu đến, nay trả về đó.

3. Tăng cường mạnh mẽ sự giám sát của quần chúng, nghiêm trị hủ bại, bảo đảm chính lệnh thông suốt, lấy lại lòng tin ở nhân dân.

Cán bộ xã Bàn Cờ đều là những đứa con bất hiếu mà nhân dân xã Bàn Cờ phải nuôi

Nhân dân xã Bàn Cờ đã bỏ ra mỗi năm 13 triệu nhân dân tệ mà vẫn chưa đủ cho chúng ta dùng, mỗi năm còn phải vay thêm 13 triệu nhân dân tệ với lãi suất cao để chi tiêu. Lại còn trăm phương ngàn kế lập hạng mục giả, chứng từ giả để hút máu mủ của nhân dân, ăn nhậu chơi bời, nhét đầy túi của mình. Có một số cán bộ trong chúng ta,chỉ qua một vụ đã thu lợi mấy ngàn đồng, một vụ hối lộ đã được và mất mấy ngàn đồng, mấy vạn đồng. Những đồng tiền đó là tiền lương, tiền nước mắt mồ hôi của mình bỏ ra ư? Không phải, của chùa lại cống chùa đó thôi.

Có vị bí thư thường xuyên dẫn cán bộ khu, cán bộ thôn, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn vào thành phố ăn nhậu chơi bời hưởng lạc. Mỗi lần vào thành phố đều phăng teo hết mấy vạn đồng. Để bù vào các khoản này, họ đã thông đồng với nhau lập chứng từ giả, nào là chi cho công trình thủy lợi này bao nhiêu, đào thêm bao nhiêu đất, thậm chí còn có xây dựng công trình thủy lợi giả, giả cho vay để lấy lãi suất, tìm đủ mọi cách để bớt xén công quĩ. Đem mọi chi phí cho cá nhân bổ vào đầu nông dân làm cho đóng góp của nông dân thêm nặng. Đây là tập thể hủ bại, tập thể hủ bại này không chỉ ở một khu, một thôn mà hầu như đơn vị chính quyền nào trong xã cũng đều tồn tại ở mức độ khác nhau.

Thưa các đồng chí! Lương tâm của một người cán bộ ở đâu? Nhân tính ở đâu?

(Trích báo cáo ngày 15-3-2000 của Lý Xương Bình trước đại hội hơn 1.000 người, đại diện cho gần 4 vạn dân xã Bàn Cờ)

Trên có chính sách, dưới có đối sách, có lệnh không chấp hành, có điều cấm mà không dừng lại thì chính sách nông thôn của trung ương rất khó thực hiện. Mấy năm gần đây có một số cán bộ vì tham ô chiếm đoạt bị xử tù, thế mà vẫn được bảo lưu thời gian công tác, vẫn phát tiền lương, vẫn hưởng đãi ngộ như cán bộ. Tình hình này tương đối phổ biến, quần chúng nói: “Lãnh đạo bao che cho nhau, vô pháp vô thiên”.

Nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình này là kiểm tra giám sát chưa đủ, trừng trị hủ bại không nghiêm.

Năm 1996, từ khi trung ương phát ra thông báo số 13 trong toàn quốc, những vụ án ác tính do bắt nông dân đóng góp quá nặng gây nên tự sát, đã xử lý một số cán bộ hương trấn. Cán bộ xã là cán bộ thấy rõ mặt nhất, đương đầu với thực tế nên phải chịu tội. Kỳ thực vấn đề xảy ra ở cấp dưới, trách nhiệm đáng ra là ở cấp trên.

Những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ cấp dưới là do cán bộ cấp trên bức bách. Cấp trên làm ra vẻ bộ mặt quan thanh liêm, cấp dưới thực hiện nên lòi ra bộ mặt quan tham. Đây chính là nguyên nhân cơ bản của lãnh đạo bao che cho nhau, vô pháp vô thiên đó. Bất kể một hình thức giám sát kiểm tra nào cũng không bằng sự giám sát của quần chúng.

4. Cổ vũ sáng tạo cách tân, phát triển thì mới ổn định.

Vấn đề hiện nay tích thành đống, không cải cách không có con đường nào khác.

Khẩu hiệu “ổn định áp đảo tất cả” đã bị một số người hiểu một cách phiến diện. Cho rằng ổn định nên áp đảo phát triển, ổn định nên áp đảo cải cách. Trung Quốc có 1 tỉ nông dân. Nông dân Trung Quốc có tinh thần sáng tạo nhất, cán bộ cơ sở ở nông thôn hiểu thực tế nông thôn nhất. Rất nhiều người có năng lực và học vị cao, nên tạo cho họ có môi trường rộng rãi để sáng tạo cải cách, có nơi trao đổi, nơi nói chuyện.

Nông dân và cán bộ cơ sở ở nông thôn sống ở tầng thấp nhất của xã hội. Nông dân dùng thu nhập 100 mẫu ruộng để nuôi sống một cán bộ nhà nước, còn mình thì đi làm thuê bên ngoài để nuôi sống mình.

Cán bộ cơ sở chịu mọi nỗi nhục nhã để hoàn thành mọi nhiệm vụ thuế khóa, đóng góp của nhân dân, giơ đầu chịu báng để hoàn thành nhiệm vụ đối với cấp trên. Nhưng tiền lương lại chẳng là bao, vẫn phải lấy biên lai để về nhà ăn tết.

Nếu cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên đều được như đồng chí Vương Nhiệm Trọng, mỗi năm xuống hương trấn công tác hai tháng, cùng nông dân bàn bạc nghiên cứu thảo luận tìm ra biện pháp chính sách. Tôi nghĩ hiện tượng “trên có chính sách, dưới có đối sách, có lệnh không chấp hành, có cấm không đình chỉ” sẽ không còn xảy ra nữa. Vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân sẽ không còn bộ mặt như ngày hôm nay.

Những lời tôi nói đều là sự thật cả, nhưng không nhất định là hoàn toàn đúng đắn, xin Thủ tướng phê bình chỉ giáo.

Ngày 2-3-2000

Bức thư đã viết xong rồi. Do dự và chỉnh sửa, ngày 8-3, Lý Xương Bình, 37 tuổi, quyết định đưa thư cho vợ. “Vợ tôi đọc xong liền chảy nước mắt, nhưng vợ tôi cũng không cản trở tôi mà chủ động đưa thư đến bưu điện gửi”.

Ngày 1-4, một tổ điều tra lên đường bảo rằng sẽ đến trấn Kiều Thị nhưng lại bất ngờ có mặt ở xã Bàn Cờ...

________________________________________

Kỳ tới:Tổ điều tra của thủ tướng đã đến

LÝ XƯƠNG BÌNH(Trần Trọng Sâm dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên