01/11/2006 14:03 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 15: Bí mật nghề nghiệp

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - 25 tuổi, Phạm Xuân Ẩn chính thức bước vào đời tình báo, nhiệm vụ được ông Phạm Ngọc Thạch giao. Người phụ trách ngành tình báo chiến lược phía Nam ấy chỉ nói với chàng thanh niên đơn giản là cách mạng cần, phải làm, không được lựa chọn việc...

Có thể lúc đó anh thanh niên chưa hiểu thật rành rẽ các loại tình báo như một thứ “nghề” rất nhiều loại mà thế giới có. Như đối với tôi, một người “ngoại đạo” cho đến nay nếu không có nhiệm vụ tìm hiểu một con người qua công việc của người đó thì vẫn có thể lẫn lộn lung tung ngay ở tên gọi: tình báo, điệp báo, gián điệp, tình báo hành động, quân báo…

Tôi chỉ có thể hiểu tóm tắt là: một nhân vật hoạt động ngầm để moi tin tức quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Ở công việc này, người ta đã làm nên nhiều điều vĩ đại. Có thể trở thành người tình báo vĩ đại như Richard Sorge, biết trước từng ngày giờ khi phát xít Đức tấn công Tổ quốc Liên Xô. Mà cũng có thể như Xchielit trong Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân có cái đầu vĩ đại phân tích thời cuộc, chiến tranh và tâm lý kẻ địch, tìm ra nhiều phương kế cho Tổ quốc trên bàn ngoại giao và quân sự… Cũng có khi là cô gái đẹp đã bình thản nhận lấy cái chết, cho đến nay vẫn là đề tài cho nhân loại xét đoán: Cô là một gián điệp oanh liệt, hay chỉ là cô gái đẹp chết oan? Đấy, với một người bình thường thì chỉ biết đại khái như vậy.

Ở Việt Nam thì chúng tôi biết tới hoạt động của ba ông Nhạ, Thúy và Thảo thuộc loại hoạt động chính trị mật (operations politiques secrètes). Có biết bao nhiêu người khác, cả một đội ngũ thầm lặng. Có người chết đi, mang theo cả câu chuyện oanh liệt đời mình không ai biết được. Chúng tôi không thể biết hết cả một mặt trận rộng lớn của ngành tình báo nước nhà. Đó là “lỗi” của họ đã giữ bí mật mãi mãi, hay là tại chúng tôi đã không biết nghiên cứu, tìm hiểu?

Thôi thì cứ để đó làm một “bí mật vĩ đại” cái từ ngữ mà Tsekhov đã đặt định nghĩa cho tình yêu. Chúng tôi có thể không biết hết các thuật ngữ nghề nghiệp của họ. Nhìn vấn đề dưới tình hình hiện nay, những nghề thường dễ hoạt động là liên quan đến tài chính, vốn trong tình hình ngày nay đồng tiền lưu động di chuyển rất nhanh qua các biên giới. Trong câu chuyện vui bên tách trà tôi cũng xin ông Ẩn giải thích thêm. “Vấn đề đầu tư, tài chính là số một. Nhanh lắm. Vô, ra, vô, ra. Không cẩn thận chết ngay”. Cái ngành thứ hai là dầu lửa. Thứ đó khai thác cao, chi phí dữ, ngày càng cạn. Chỗ nào có dầu là quan trọng. Loại hoạt động thứ ba đáng chú ý là việc rửa tiền. “Nó đầu tư tiền bẩn vào rút ra đưa thành tiền sạch. Phải biết tiền sạch, bẩn”. Có nhiều loại tình báo: Tình báo ngoại giao (tức là tình báo chính trị), tình báo quốc phòng, tình báo kho bạc, đầu tư, thương mại, mậu dịch…

Nhưng dường như người bình thường chúng ta thường giữ trong mình sự hiểu biết có tính kỹ thuật thì ít, mà nhiều hơn cả là chất bí ẩn, lãng mạn, hào hùng có pha nhiều khủng khiếp. Chúng ta hay nhớ những cuộc đời bất thường, hồi hộp như ciné. Cho dù ông Ẩn là người của sự chuẩn xác và câu chuyện của ông vô cùng khiêm tốn giản dị, đầu óc tôi vẫn muốn giữ cái “cảm hứng dân gian” trên đây, để cho nó vẫn mãi là một “bí mật vĩ đại”. Vừa muốn vén màn sương huyền bí để biết thật rõ mọi chuyện, lại vừa muốn cứ để làn sương lãng đãng ấy. Mất nó đi, thì cái nhu cầu mỹ cảm riêng biệt ấy có thể biến mất.

Mà với ông Ẩn thì việc tiếp tục trung thành với lối suy nghĩ chuẩn xác của một người nghiên cứu tài ba, có pha thêm cái nhìn hài hước. Ông chẳng kiêng khem cả những sự thật cổ lỗ: “Có hai nghề cổ nhất nhân loại đó là mãi dâm và nghề tình báo. Thứ nhất là nghề mãi dâm, thứ hai là nghề tình báo, sau đó mới sinh ra những ngành nghề khác. Trước thế kỷ 20 không khi nào không có. Lịch sử mình cũng có đấy. Trọng Thủy nó là tình báo còn gì”. Vua chúa là sợ thứ lật đổ nhất. Sau này chiến tranh lớn, Anh chế ra tình báo chuyên nghiệp, có hải quân lớn. Đó là thời kỳ người ta nói đêm chuyển thế kỷ, từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, mặt trời không lặn trên Đế quốc Anh. Tình báo mang tính chất quốc tế của Anh có từ 1909. Rồi Đức phải làm theo, thành lập tứ 1913. pháp thì 1935 và Mỹ 1947. Việt Nam ta tới 1951 chính thức thành lập ngành tình báo chiến lược, tức là có tầm vóc quốc gia.

Nghề này nếu phải đương đầu với kẻ thù nào, phải biết rất kỹ về văn hóa của nó. Khi chống Pháp, quân ta hiểu về Pháp tương đối nhiều. Nhiều lứa học sinh thời ông Ẩn, hễ vào trường Tây là không học gì của Việt Nam nữa. “Ông cha ta là người Gô-loa”, học sinh Việt phải học lịch sử mẫu quốc Pháp. Thi vấn đáp hỏi địa lý Pháp, lịch sử Pháp kỹ lắm, loạng quạng là rớt. Lúc bắt đầu chống Mỹ, chúng ta chưa hiểu thật nhiều về Mỹ. Đi học mới chỉ biết chung chung thôi. Ciné Mỹ lúc đó còn phải dịch qua tiếng Pháp. Rồi từ chỗ tò mò muốn hiểu cuộc sống, cách ăn mặc, các cô đào đẹp… mới hiểu dần thêm văn hóa - xã hội của Mỹ.

“Ngành này phải tìm hiểu cái đó”. Ông Ẩn vui chuyện. Nếu không, sẽ khó hòa nhập, tiếp xúc. Hồi đó ông hay lại phòng thông tin Mỹ lấy tin tức cho nghề báo, quen các cô gái Mỹ, phải gây thiện cảm. “Một số trong lúc nói chuyện chơi, hỏi tôi quan niệm thế nào về đồng tính luyến ái. Ở Việt Nam việc này thế nào. Ngay từ thời ấy, nhìn vấn đề như một chuyện kỳ dị động trời. Tôi trả lời cho cô ấy: ở Việt Nam cũng có, nhưng ít hơn. Thế anh quan niệm thế nào? Tôi nghĩ: bà nội này chắc bả bị cái đó. Chê thì phiền. Tôi bảo: quan niệm bình thường thôi, do trời sinh. Nó khen: mày khá, quan niệm cởi mở”.

Câu chuyện dẫn tới một người chỉ huy trực tiếp của ông là một nhân vật còn bí ẩn hơn nữa: ông Mười Hương, người có cuộc sống như một cuốn tiểu thuyết. Ông Mười Hương đã bị đày ải ở nhà tù Chín Hầm khét tiếng của Ngô Đình Cẩn ở Miền Trung. Đó không phải nhà tù theo tính pháp lý nhân loại, mà là cái trại để tra khảo và thủ tiêu những người Việt Nam yêu nước không theo thứ luật pháp nào. Chính khi ông Ẩn đang học ở Mỹ thì hầu như toàn bộ tổ chức trong nước bị chế độ Diệm đánh phá vỡ hàng loạt. Ông Mười Hương bị bắt và số phận chàng sinh viên Ẩn kể như cá nằm trên thớt. Ông Tư Tùng tức Dương Minh Sơn và cậu em trai của Ẩn cũng bị bắt. Nhưng ông Mười Hương đã chịu đựng sự khốc liệt này, giữ nguyên được tổ chức. “Ông Mười thường quan tâm dặn tôi hai việc: thứ nhất nhấn mạnh lập trường tư tưởng, chính trị, hiểu biết văn hóa, thứ hai là nghiệp vụ vững. Ông bảo: phải đi học, tìm hiểu văn hóa Mỹ. Phải học qua văn hóa”. Ông Ẩn rót thêm nước vào tách cho khách và bình luận vui thêm: “Làm nghề tiếp xúc để nó không ưa, kể như ăn mày rồi!”

Ngành tình báo chiến lược của ta lúc đó nghiên cứu những vấn đề phục vụ chiến lược quốc gia: học thuyết chiến tranh và chiến lược quân sự, chủ trương của đối phương về mọi mặt, và những toan tính của đồng minh. Nước ta là một nước thuộc địa bị đô hộ, hoạt động tình báo phải xâm nhập cơ quan đầu não đối phương ngay ở trong nước chứ chưa ra ngoài nước. Tình báo của ta là tình báo tự vệ chớ chưa có sức lực làm tình báo tấn công vào các nước lớn được.

Năm 1954 khi đất nước bị chia cắt, hai miền hai chế độ, như hai nước, cho nên hoạt động tình báo ở Miền Nam như đi hoạt động “nước ngoài”. Người cán bộ ở Miền Bắc vào cũng như đi ra một nước khác, do đó đặc biệt khó khăn. Giống như người Đông Đức mà qua hoạt động ở Tây Đức. Hoạt động ở Anh, Mỹ cũng khó như vậy. Không hợp pháp là bị bắt liền, mà đã là điệp báo bao giờ cũng hoạt động bất hợp pháp. Ông Ẩn lại hoạt động độc lập và cô đơn mà từ ngữ nghề nghiệp Anh, Mỹ gọi là lone wolf (chó sói cô đơn) dưới sự chỉ đạo rất bí mật của một số đầu mối càng ít càng tốt. Trong suốt cả mấy chục năm đó ông Ẩn chỉ biết ông Mười Hương, Cao Đăng Chiếm, Phạm Ngọc Thạch và vài đồng chí cụm trưởng. Đến năm 1962 thì Tư lệnh Miền chỉ đạo tập thể, ông không rõ từng người. “Ngành này tạo bình phong khó nhất, vừa tấn công, vừa phòng ngự. Vừa là mâu, vừa là thuẫn”.

Một buổi hè Sài Gòn nào đó, công việc đã xong, ông Ẩn đã giải thích thêm khi tôi cần hiểu những câu chuyện xảy ra từ khi tôi còn là đứa trẻ vài tuổi, sống ở Hà Nội, hoàn toàn không biết gì Sài Gòn. Phải hết cả buổi chiều đó tôi mới tạm hiểu một chút ít rằng không phải chỉ có một thứ khó nhất là chuyện bình phong trong nghề tình báo. Đó là cả một nghệ thuật mà trên thế giới có những giáo trình đồ sộ, giảng từ cách chọn người, huấn luyện thế nào… Còn nhiều thứ khác nữa, tôi đều thấy khó nhất.

Ông Ẩn đã là một nhà báo quảng giao trong lòng địch. Vậy mà quan hệ rộng cũng không trực tiếp lấy các tài liệu tối mật được. Phải qua trung gian, với sự tin tưởng, giúp đỡ, trao đổi. Phải là những chuyên gia giỏi, nếu đã chọn nghề nào đó làm bình phong. Có những tình báo quốc tế sau chiến tranh lại sống bằng nghề trước đó họ lấy làm bình phong. Đơn giản là họ đã trở nên tài năng chính cống của cái nghề họ “mượn” làm bình phong. Người ta được biết cả giám đốc CIA sau này làm cố vấn kinh tế cho Nhật; những giáo sư luật, giáo sư chính trị tham gia những cuộc tư vấn cỡ chính phủ. Nếu bình phong là nghề bác sĩ tốt ở chỗ mở quan hệ nhưng bản thân nghề lại ít dính sâu vào các vấn đề bí mật quốc gia về quân sự, kinh tế, chính trị. Làm nhà báo thì an ninh luôn để mắt. Nó nghi, chỉ gài bẫy là dễ lộ ra. Rồi chuyển tin tức đi thế nào, cũng lại là chuyện khó nhất.

Còn bao nhiêu cái khó nhất nữa? Không phải chỉ khôn khéo lấy được tài liệu mật gửi ra. Tình báo chiến lược phải chuyển tin tức có đánh giá, có phân tích, tổng hợp và dự đoán nữa. Tin tức đã được đánh giá thì gọi là tin tình báo: information = tin tức thường; intelligence = tin tình báo; renseignement (tiếng Pháp) là tin tình báo.

Ông đã nhằm đến các loại người như thế nào để hoạt động? “Phải định ra được mục tiêu. Nếu đó là tư lệnh quân đội, làm chỉ huy, ra lệnh, ra kế hoạch hành quân thì tin tức của họ là nhất. Loại thứ hai là người không thảo ra kế hoạch, nhưng là nơi thi hành. Loại thứ ba là số người được đọc, như bí thư, người lưu giữ hồ sơ. Tôi làm báo, là người ở ngoài ba mục tiêu trên. Chỉ có báo chí Mỹ mới vô được. Và tôi phải nhắm vô những mục tiêu đó”.

Ông liên hệ cho tôi dễ hình dung cách học “nhìn ra” các loại người: thí dụ, ngày nay muốn biết Mỹ có bỏ cấm vận nước nào đó hay không, ngoài các nguồn tin tức khác, giới thành thạo còn có thể quan sát các nhân vật. Thí dụ như chủ tư bản kếch xù cỡ ông trùm tư bản tài chính David Rockefeller, và một chủ báo lớn, có ảnh hưởng chính trị ở Tòa Nhà trắng là bà Katherine Graham. Trước kia David Rockefeller được xem là Hoàng Đế Hoa Kỳ và bà Katherine Graham là Nữ Hoàng Hoa Kỳ. Ý muốn nói hai người có thế lực mạnh nhất nước Mỹ. Nhìn hai nhân vật đó người ta đoán biết những quyết định quan trọng. Nếu không ở trong giới “A nose for news” thì làm sao biết được kiểu quan sát đó. Nhưng các “mục tiêu” mà ông nhắm vô đó, có phải chỉ là vì cảm tình mà họ đi đến việc cung cấp tin mật? Có cả lòng tin yêu quý trọng trong quan hệ cá nhân, nhưng đâu phải chỉ có vậy!

Ông không thể chỉ moi tin mà không giúp đỡ trở lại. Vấn đề là giúp thế nào. Những người đó thường ở trong giới báo chí, tình báo, an ninh đối phương, họ cũng cần tin tức. “Thức ăn của họ là thông tin, tư liệu”. Ông Ẩn lại so sánh với những con chim ông nuôi “như chim phải cho ăn hoài nó mới hót. Như con này này, chuối, sâu không đủ, không hót. Hoặc hót nhưng màu lông không tươi…” Nghĩa là hai chiều chứ không phải một chiều. Phải có tin cho họ “ăn” chứ không chỉ moi tin của họ. Mà phải cho tin thật. Có nhiều người cho tin láo không được. Đầu họ có óc như tình báo viên chớ không phải đất sét muốn nắn cái gì cũng được.

“Người kinh tế cần tin kinh tế. Tin công khai thôi. Chơi thị trường chứng khoán có lúc họ không biết nên hay không nên bán ra. Họ tìm đến hỏi mình vì mình biết phân tích các dấu hiệu thời cuộc có thể ảnh hưởng. Thí dụ năm 1973 thị trường chứng khoán Mỹ xuống dữ. Mỹ lạm phát nặng. Khi họ hỏi ý kiến, tôi cũng xin chút thời gian ngắn tham khảo và đưa nhận xét để họ tự quyết định. Chẳng hạn như lạm phát đấy, nhưng chưa đến nỗi. Vẫn có khả năng lên lại… Ngay cả giới tướng lĩnh quân sự cũng làm ăn nên họ quan tâm”.

Ông Ẩn còn là một nhà nghiên cứu. Ông có thể đưa ra những dấu hiệu tâm lý biểu hiện nền chính trị. Thí dụ sau tết Mậu Thân, sau chiến công quân ta đánh thẳng vào đô thị, tinh thần ngụy quyền lung lay. Tướng lĩnh gửi tiền nhiều sang ngân hàng nước ngoài để nếu nguy sẽ chạy qua sống ở đó. Trong giới chính trị thì có hai loại: một đương quyền, một loại đối lập luôn moi móc lắm tin. Họ sẵn sàng cung cấp cho báo chí. Đôi khi họ cần phải vạch vòi giới cầm quyền, tìm đến nhà báo để cho tin, và để nhận tin. Họ âm mưu đảo chính v.v… cũng tìm báo chí thảo luận.

Ông giải thích thêm về việc chiều nào cũng ra ngồi quán café bánh ngọt Givral: “Ở chỗ đó có đủ loại. Việt Cộng hoạt động, người của Tổng nha, An ninh quân đội, Phòng Nhì Pháp, Tây Đức, Mật Vụ Tưởng Kiến Quốc, Triều Tiên, v.v… người của quốc tế, của CIA, có cả các bà, các cô ra tán dóc”. Ông phải là “trùm nói dóc” phục vụ những cuộc quây quần như thế. Không phải tin gì cũng nói giữa đám đông. Khi có ai đó muốn biết thật, biết sâu, thường gặp riêng để hỏi. Phải cho tin thật có mức độ. “Đừng nghĩ tình báo là chuyên môn gạt gẫm nói láo. Không phải đâu!” . Tôn chỉ của một tình báo viên có kinh nghiệm là phải nhớ ba chữ S “Sociable, Serviable et Sincère”.

Về chuyện này thì tôi có thể hiểu ông nhanh chóng. Trong các tiểu thuyết tình báo, dù các nhân vật có đưa tin đầu độc thì họ cũng dựa trên những nghiên cứu cẩn trọng, hợp lý. “Khi nó họp bàn định ra kế hoạch, phải theo dõi. Rồi lại phải xem nó có làm không. Khi nó thảo kế hoạch, phải tìm cách tiếp cận với người làm kế hoạch, với tư cách chính khách”. Với cách như thế, ông Ẩn đã tham gia góp ý từ việc thành lập 6 sư đoàn đầu tiên do Mỹ thành lập, tuyển chọn gửi sĩ quan đi Mỹ huấn luyện cho tới cả kế hoạch Khu trù mật, rồi Ấp chiến lược sau này v.v…

Mặc dù ông Ẩn nói rằng nghề điệp báo mà ông đã làm chỉ là nghề “gián điệp cổ điển”, lấy tài liệu mật, moi tin tức, săn tìm ý đồ của địch. Đó là những công việc gián điệp, điệp báo nào cũng làm. Nhưng tin tức phải được đánh giá, điều này mới thực sự quan trọng. Phải phân tích cho được, dự báo tương lai gần, tương lai xa, hướng đi nên thế nào, có thể giải đáp gì cho việc xử lý tình hình. Đó là nghệ thuật và cũng có cả phần linh tính mà Mỹ gọi là ESP = Extra Sensory Perception.

Nhưng quan trọng hơn cả là Trung ương có được nghệ thuật phân tích mà Mỹ gọi là Art of National Analysis. Những báo cáo ông gửi đi đều có đánh giá cả chất lượng và nguồn tin đáng tin cậy tới đâu. Bộ phận nghiên cứu của lãnh đạo sẽ xem xét, tính toán và tổng kết dựa trên những tài liệu như vậy. Công việc không hề đơn giản như những công thức cũng không đơn giản chỉ là “ăn cắp đồ” như lời hài hước của ông. Vì địch hoàn toàn có thể tương kế tựu kế. Chúng đã làm những tin đầu độc. Muốn bản tin chắc, phải có tài liệu, phải tham khảo với lịch sử của vấn đề và mối tương quan tác động qua lại của ta và đối phương. Đôi khi trong tài liệu lấy được, cả mười chương đúng, địch chỉ nhét vào đó một chương đầu độc. Địch cũng chơi con bài nhử, phản tình báo. Cái trò chơi hiểm này được làm công phu tới mức đã có lần chúng đem qua Phi Luật Tân in lại tờ báo Nhân Dân của Miền Bắc, chỉ in đầu độc vào đó thêm một khúc tin rất nhỏ. Đem báo in đó đi theo các đoàn hành quân (vờ rơi khi địch hành quân). Có khi nó nhét cả vào hầm trú ẩn để quân ta trở lại đọc. Do đó tin điệp báo rất khó kiểm tra. Phải là tài liệu nguyên bản và so sánh các bản tin tham khảo công khai khác trong quá trình soạn thảo nhiều lần.

“Tài liệu mật phải chụp liền, trả liền các tài liệu mượn được. Cũng có khi phải có trí nhớ tốt, mượn đọc tại chỗ rồi trả lại và về nhà tập hợp lại nội dung”. Cũng còn phải biết kiềm chế để tránh sơ hở. Có lần ông mượn được tài liệu tốt, một mình đọc ngay ở văn phòng. Tuy xung quanh không có ai nhưng ông không dám sao chụp, sợ nó đặt máy theo dõi. “Sử dụng tài liệu cũng vậy, có lần tôi phải ngưng mấy tháng liền không hoạt động để bảo vệ an toàn”. Đó là khi ông báo cáo về trường hợp có một tổ chức thật ra là bình phong của CIA đang hoạt động ở phía quân ta. Không may người liên lạc mang báo cáo ra, giữa đường bị bắn chết. Địch lấy báo cáo đó đưa cho an ninh, thông báo với người kia là “phải hết sức cẩn thận vì Việt Cộng đã biết và theo dõi”. Tin phải được kiểm tra, nguồn cho chắc, phải bảo vệ nguồn. Có ai trong số nguồn cung cấp tin mất việc do thay đổi thời thế, phải lo cho họ nếu có thể...

Ông làm thế nào để chuyển tin tức đi? Câu hỏi này mấy chục năm sau ký giả Mỹ vẫn hỏi. Không phải chỉ vì họ tìm hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng, mà có thể còn vì những câu chuyện tình báo, tiểu thuyết tình báo đã trở thành một môn học nhân văn. Nó vẫn luôn làm người ta quan tâm.

“Tại Sài Gòn chúng tôi có một hệ thống liên lạc. Tôi đưa tin qua ngả đó và cũng tránh để dấu vết qua bút tích. Rồi thỉnh thoảng vài tháng tôi lại biến mất vài ngày. Điều đó không có gì là bất thường khi làm việc cho các cơ quan báo chí. Cấp chỉ huy tôi ở chiến khu đôi khi muốn có một tường trình dày đầy đủ. Chúng tôi gặp nhau ở một số nơi, nhưng chủ yếu là trong mật khu Hố Bò”. Đó là câu trả lời phỏng vấn của ông Ẩn cho Morley. Ký giả này giới thiệu thêm: Mật khu rừng rậm Hố Bò cách khoảng 20 cây số hướng Tây Bắc Sài Gòn. Địa điểm này thường trực bị sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tấn công.

Chắc chắn là bạn đọc Mỹ khi đọc những dòng đó sẽ nhớ ngay cái tên hiệu “sư 25 bộ binh”. Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ còn có tên là “Tia chớp nhiệt đới” (Tropic Lightning). Đó là sư thiện chiến trang bị tối tân, được coi là đội quân tiêu biểu cho sức mạnh Mỹ, như một kiểu anh cả Đỏ. Tia chớp nhiệt đới - Cái tên sư đoàn cho thấy sự ác liệt của chiến trường. Còn đối với người đọc Việt Nam thì cái tên Hố Bò lại nói được nhiều hơn. Đó là chiến khu ngoan cường của quân dân ta ngay bên nách địch, chúng đánh phá kiểu gì cũng không quét nổi Việt Cộng.

“Có một lần vào dịp Tết hưu chiến, tôi đang trên đường trở lại Sài Gòn thì bị kẹt giữa cuộc giao tranh. Tôi phải ẩn 2 ngày 2 đêm dưới hầm, với ý nghĩ là mọi sự đối với tôi thế là tiêu tùng. Tôi nghĩ thật là cái chết lãng nhách, nạn nhân của một cuộc hưu chiến”. Ông Ẩn kể tiếp một tình tiết nguy hiểm thường nhật. Ông lén ra chiến khu, lúc trở về bị kẹt. Mà không phải chỉ một lần.

Một câu hỏi nữa ký giả Mỹ thường hỏi, và tôi nghĩ rằng câu này chắc đã có lần ông tự hỏi mình. Ông rất thành thực nói rằng nỗi lo về khả năng bị bắt là luôn đặt ra. “Sợ thường xuyên”. Có khi ông giải thích một cách khơi khơi: có gì đâu mà bị bắt. Ông làm nghiên cứu thời cuộc thôi chứ có làm gì vi phạm đâu. Người bạn Mỹ hỏi: Thế thì sao lại được tặng thưởng phong Anh hùng? Không làm những việc quan trọng, sao thưởng? “Vậy là đủ thưởng”. Không ai có thể giải thích ngắn gọn cho ký giả Mỹ này hiểu được. Bởi vì ngay người liên lạc trong đường dây của ông - dù rất ít - cũng đã có người được phong Anh hùng và cuộc đời bà cũng đã được viết thành cả một cuốn sách.

Liên lạc là khó nhất. Năm 1954 có nhiều cán bộ được đưa vào, phần lớn bị bắt, hy sinh rất nhiều do đường dây liên lạc bị vỡ bể.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên