28/10/2006 13:30 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 11: Chất hài hước Nam bộ kiểu Mỹ

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Vì sao ông Ẩn vẫn là mối quan tâm thời sự của báo chí phương Tây mỗi khi có dịp họ nói về chiến tranh Việt Nam? Câu trả lời có vẻ ngắn gọn: Ông đã âm thầm làm việc suốt cả chục năm, chỉ quan hệ nhiều với giới báo chí nước ngoài và giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ. Công việc đòi hỏi ông hoạt động ở đỉnh cao và chiều sâu. Nhưng các nhà báo phương Tây nhớ đến ông Ẩn vì cả sự khâm phục và yêu mến. Họ tin cậy ở sự hiểu biết và chất người của ông.

Ở ông hình như toát lên được chất tinh thần văn hóa Việt Nam có tiếp thu văn minh Mỹ - chất văn hóa bấy lâu nay họ hiểu như một người được đào tạo bởi nền giáo dục cả Pháp và Mỹ ấy, hóa ra lại rất tiêu biểu cho tính cách người Việt. Chính các nhà nghiên cứu Mỹ đi đến kết luận là nước Mỹ đã thất bại ở cuộc chiến tranh cũng chính vì không hiểu đúng con người và văn hóa Việt Nam. Thành ra, người bạn cũ Phạm Xuân Ẩn mà họ tưởng đã hiểu cả rồi bỗng như còn lắm điều họ cần hiểu cho hết.. vẫn còn nhiều điều cần phân tích, khám phá để qua ông, có thể tìm thêm câu trả lời thuyết phục về cuộc chiến.

Trước đây, họ đã biết về ông như thế nào? Điều đầu tiên là một người am hiểu và có óc hài hước. Cái hài hước kiểu tưng tửng thật thà, như nói chơi, dẫn người ta vào “đúng giữa vấn đề tưởng như đã rõ ràng” để rồi bật ngửa ra với cái kết cục rất tai quái, rất “hợp lôgic” thật tự nhiên. Họ cười vì được rơi vào những liên tưởng đột ngột của cái kết rất hợp lý mà đơn sơ đầy chất dân gian. Ông thường kể một chuyện như “tiếu lâm hiện đại”. Một chàng Mỹ nọ vào quán bar, say rượu. Một chàng Tân Tây Lan hỏi anh Mỹ đó xem anh là người nước nào, chàng Mỹ hãnh diện khoe mình người Mỹ và Mỹ “cái gì cũng có”, rất phong phú đa chủng tộc, có cả 5 màu da: sôcôla, đen, đỏ, trắng, vàng. Do đó chàng là người chủng tộc vĩ đại nhất có đủ loại quốc gia. Ông Ẩn vốn thân với anh chàng Mỹ, bảo anh ta: Vậy là má anh lộn xộn mới đẻ ra anh đủ thứ màu da? Chàng Mỹ cụt hứng bỏ đi thẳng. Còn Ẩn thì nói: “Điều đó Mỹ chế, không phải tôi chế” - ý nói ông chỉ là người “trích dẫn” đúng lời của người bạn Mỹ mà thôi.

Hồi cố vấn Mỹ bắt đầu vào Miền Nam, các Bộ trong chính quyền đều có cố vấn Mỹ. Cơ quan Viện trợ kinh tế Mỹ nằm ở phía sau chùa Xá Lợi. Một cố vấn về văn hóa có nuôi con bò sữa ở Bến Cát. Ông ta đem lên Củ Chi cho lai giống. Người ta thả cho 2 con bò giao phối. Nhưng con bò đực nhảy nhót, chạy tới chạy lui “không chịu làm ăn gì hết”. Ông ta bực lắm. Một người khác “cố vấn”: Con bò đực này vốn ở xứ mát. Củ Chi, Bến Cát nóng lắm, nó không chịu nhảy là phải!

Đem lên Buôn Mê Thuột vùng núi mát mẻ thử xem. Lên tới vùng mát mẻ, thả ra con bò đực cạo cạo khều khều rồi bỏ đi ăn cỏ. “O.K! Chết mẹ rồi!” Lại có người cố vấn: chắc biển nó thích! Thế là con bò lại được đem đi biển. Phan Rang, Phan Rí cũng lên, Đà Lạt cũng tới. Mới thả ra nó hăng lắm, lúc đầu cũng chạy tới chạy lui đuôi cong lên, uốn éo như cần câu rê rồi lại xụi xuống bỏ đi.

Từ câu chuyện ấy ông Ẩn “lái” ngay hình ảnh cố vấn Mỹ. Ông bảo:”Cố vấn không làm chỉ nói thôi” và nói rằng “Mỹ chế ra đó nhé!” Rồi ông làm như thật: Cái nghề khổ lại tiếu lâm: Ngày xưa các cụ có chuyện “nghề cóc kêu”. “Cố vấn” (cố là xoay qua vấn là hỏi), cố vấn ngồi gần quan lớn, khi nào quan quay qua hỏi mới được trả lời. Chẳng may quan “làm cái rầm”, hỏi chi, thưa rằng cóc kêu. Cóc kêu sao thối. Dạ cóc chết. Cóc chết sao kêu. Thưa hai con. Một con kêu một con chết. Chuyện tiếu lâm dân gian Việt Nam lạ lùng kiểu đó cũng được kể cho cố vấn Mỹ nghe. Họ vừa khoái vừa biết ngay tính chất của Ẩn. Mỗi khi ông sắp kể là họ đề phòng “lại sắp toàn chuyện trên trời”. Nhưng đề phòng rồi mà vẫn mắc mưu như thường.

“Hồi tôi đi hành quân với lính Mỹ đánh ở Đồng Tháp Mười, đóng quân tại Mộc Hóa. Có một cái chùa còn dân ở toàn nhà lá. Chỉ huy sư đoàn ở trong chùa, tôi làm phiên dịch”.

Ông kể cả những chuyện oái ăm như chuyện đám Mỹ “đi cầu” ở vùng quê - ngồi chóc ngóc trên sông, nơi chỉ quây bốn miếng vuông xung quanh, thò cái đầu ra. Một ông cố vấn Mỹ khoe đã từng đánh trận Thế chiến hai rồi đi khắp nơi, do đó ông sống đâu cũng được.

Đến đêm, Ẩn nằm với hai cố vấn Mỹ: và câu chuyện về đời sống dân dã bắt đầu. Người Mỹ khen cá chốt nhiều quá. Cá chốt nhỏ bằng ngón tay, ngón chân cái giống hệt cá trê con, ngồi đi cầu cũng thấy, nó cũng nhảy lên. “Tao thấy cá cái ít, cá đực nhiều. Con đực mập, con cái ốm”. Ẩn làm như thật thà nhận xét. “Vô lý, con cái bao giờ cũng mập hơn con đực. Sinh vật học thường nói vậy”. “Không tin mai xem. Chỗ mày ngồi đi cầu đó. Con đực mập, con cái ốm tong teo à. Con cái nó mải nhìn mày quên ăn, nên ốm. Còn nếu mấy bà ngồi thì ngược lại”. “Trời ơi, học kiểu này chết rồi”. Hai ông cố vấn tên là ông Glen và ông Hick kêu lên thích thú biết mình lại bị lừa một cách rất “tiếu lâm”.

Ông Ẩn hay “chọc” cho họ nói để dẫn đến một tình huống cười vui. Có câu chuyện vui như thế với một trung tá Mỹ. Một bữa sau khi nói mọi chuyện xong họ tán gẫu. Trung tá Mỹ hỏi theo Ẩn nhận xét thì phụ nữ ở đâu đẹp. Ẩn bắt đầu “gây sự”. “Mỹ thôi, lai nhiều giống nên đẹp phải rồi”. Nói nghiêm túc đi, không đùa nữa: phụ nữ Tàu đẹp. Viên trung tá Mỹ: “Mày ngu lắm. Gái Việt Nam đẹp nhất: Phân tích nhé, chỉ hình thể thôi, còn bỏ sang một bên tính tình dịu dàng này nọ không nói”. Ẩn: “Đâu, đẹp chỗ nào đâu? Da vàng, mày tằm, mắt phụng, lỗ mũi kỳ lân”. “Mày dòm bên ngoài nói bậy. Tao học nhân chủng học đàng hoàng. Hơi lai biết liền. Người Việt Nam khớp xương tròn. Hơi lai Tàu là xương bè. Gái Việt đầu gối đi thẳng, nở thẳng. Mỹ, Tàu, Miên, Thái Lan đi khác. Không phải ngực to đồ sộ mà mặc đầm hay áo dài đều đẹp vì xương khớp tròn. Một đứa Mỹ mặc áo dài, coi ra quỷ sống! Người Việt Nam đi thẳng. Mày cứ ra đường coi xương mông họ. Mười người Việt Nam hết chín người đi thẳng”. Người Mỹ dùng hết kiến thức để chứng minh cho Ẩn thấy lòng tự hào rồi, Ẩn vẫn chọc: “Đi thẳng đâu. Ở núi đi lom khom thấy mẹ!”

Núi là chủng người dân tộc, viên trung tá không quân Hoàng gia Anh mà “cái gì nó cũng biết!”

Khi đó Mỹ xây bệnh viện dã chiến 3 tại vùng đất trống Sài Gòn, nay là nhà Bảo tàng Quân đội. Bệnh viện đó trang bị máy móc tốt, thầy thuốc giỏi, thương binh nặng lắm mới vào đó. “Xây chỗ này hay, bệnh viện này hay”. Ẩn nghe khen tấm tắc công trình họ xây. Ẩn lại chọc. Để anh kể cho họ nghe hay chỗ nào. “Kể đi” - Đám bạn Mỹ giục, “anh kể đi, thế nào rồi đến kết luận là rắc rối đây”. Họ biết tính Ẩn nhưng chưa biết “vụ rắc rối” này sẽ dừng ở đâu. “Hay chỗ nào nào. Đường 9 Nam Lào đánh không lại Việt Cộng, thương binh đưa về cụt chân, cụt tay. Đem vào đây ráp chân người khác. Lắp chân vào, chạy như thường, giỏi. Có cái làm không được. Mắc đái là té”. Sao vậy? “Ráp lộn chân đàn bà, mỗi lần mắc là mất thăng bằng vì đàn ông đứng đái, đàn bà đái ngồi”. “Biết ngay, thế nào kết cục cũng có bài học!”. Đám Mỹ cười.

Anh chàng Ẩn này không chỉ hài hước, mà cái gì cũng biết “vận dụng”. Họ không chỉ ngạc nhiên thấy về đồng bằng, Ẩn chèo xuồng ghe như dân sông nước chính hiệu, mà khi đưa đoàn ký giả đi lấy tin tức, viết bài, Ẩn hay giảng giải về phong tục tập quán. Vào nhà có bàn ghế phía trước bàn thờ, phụ nữ vô ý ngồi đưa đít vô bàn thờ là hỏng, mấy bà nhớ chú ý cái bàn thờ nhà người ta. Vô Chợ Lớn coi chừng nhiều chỗ thờ: Thần Thổ, Thần Tài, chỗ nào bàn thờ có hình lông mày là nhà vũ nữ. Vì sao đám ma lại vui? Quan niệm sống gửi, thác về. Người ta được về, mừng, khóc là khóc cho người ở lại. Con người ta có ba hồn tất cả: linh hồn (là phần ở trên đầu) chết đi về cõi hư vô. Tâm hồn (là tim, tình cảm) còn lại hoài ngồi trên bàn thờ với con cháu trong nhà. Hồn thể chất (như bụng…) nếu sống mà xì ke ma túy, tham nhũng hối lộ, khi chết Diêm Vương lật sổ coi, cho lên hay không là sau… tùy tội nặng nhẹ.

Những phong tục, kiêng kỵ truyền miệng kiểu đó cũng được Ẩn “vận dụng” cả trong câu chuyện “phân tích chiến sự” với các nhà báo phương Tây: Mỹ đánh bom dùng máy báy B.52 rải thảm Hà Nội, thua là phải thôi, thua quân đội của Võ Nguyên Giáp là cái chắc. Vì bom dội cả mồ mả ông cha người ta, làm sao linh hồn người ta không trừng phạt cơ chứ!

Ông Ẩn vẫn còn nhớ câu chuyện của viên thiếu tướng Phạm Văn Đổng. Ông và Đổng, hai người hay đi hành quân, từng ngồi trực thăng về tuốt Cà Mau. Một lần sau khi hành quân, một sĩ quan Mỹ hẹn về Sài Gòn mời ăn cơm. Đến ngày hẹn ông Đổng không nhận mà nói dời bữa ăn tới lúc khác. Hay ổng giận, hỏi thẳng không nói? Người Mỹ đó nhờ Ẩn dò thử xem lý do sao ông Đổng không chịu. Thì ra lý do chỉ vì lật lịch thấy ngày xui, ông thiếu tướng dặn: “Đừng nói kẻo Mỹ nó bảo dị đoan”. Đến mức hành quân ông ta cũng xem ngày giờ. Nếu ngày xấu là đổi chương trình - “Việt Cộng rút rồi”, lý do ông đưa ra vậy. Rút thì cũng vẫn ở Việt Nam chứ còn rút đi đâu! Nay không đánh mai đánh cũng được.

Trong cuốn sổ tay, ông Ẩn viết tên một số bạn làm báo cũ của mình. Robert Shaplen (chết), John Stirling (chết), Keye Beech (chết), Frank Mc Cullock (về hưu), Neil Sheehan (nhà văn), David Halberstram (nhà văn), Beverly Ann Keaver (giáo sư), Malcom Brown (ký giả)… Nhìn vào danh sách này thấy khá nhiều người đã chết hoặc về hưu. Họ đã là những người trôi dần về dĩ vãng, nhưng đúng như Robert D. Mc. Fadden đã viết trong tờ The New York Times năm 1997. Đối với các đồng nghiệp Mỹ ngày xưa, câu chuyện về ông Ẩn vẫn là chuyện về lòng trung thành và tình bạn giữa hai nước vốn là kẻ thù. Nó có thể là chiếc chìa khóa để thấu hiểu những năm tháng chiến tranh đầy xúc động và một nước Việt Nam vào thập niên 60.

Vì sao bạn bè ông vẫn đi tìm “chiếc chìa khóa” ấy? Có lẽ vì hội chứng chiến tranh Việt Nam vẫn còn cho đến hôm nay đối với người Mỹ. Thế hệ con, cháu của họ đang đương đầu với nhiều thứ, và tư duy của nước Mỹ không chỉ bận rộn quan tâm tới việc như chính phủ ông Bush mới lên đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMPD. Người ta phải tìm hiểu xem nó sẽ nhằm vào kẻ thù nào. Một số ít tên lửa mà Bắc Triều Tiên, Iraq, Iran, hay là của nước Nga đang trang bị tốt hơn, và một Trung Quốc? Đó là đề tài cho các nhà chiến lược và sự phân tích của giới truyền thông.

Họ đưa các con số: chính quyền Reagan và Bush đã chi 27 tỷ USD cho việc nghiên cứu các ý tưởng từ việc đưa vào quỹ đạo vũ khí laze bắn bằng đầu đạn đến các vệ tinh được trang bị bằng các thiết bị đánh chặn tên lửa. Những vấn đề to đùng ấy làm cho người ta lo ngại nhiều bề. Với người Mỹ thì trước hết là chi phí khổng lồ trong khi kinh tế Mỹ tụt dốc sau gần một thập kỷ liền tăng trưởng. Có vẻ như quá nhiều việc phải lo. Con người phải sống trong “một xã hội không có trí nhớ” một xã hội Stress vì quá tải, lo cả chuyện không biết còn chỗ nào trên hành tinh này để đổ rác nữa hay không. Rồi điên đầu với tội phạm có tổ chức, khủng bố, đánh giết ly khai sắc tộc, tôn giáo, buôn ma túy thực sự mang tính xuyên quốc gia. Tự do hóa, đa phương thương mại, thị trường là yếu tố quyết định kết quả tài chính, con người hiểu sâu sắc thế giới nhưng cách nào để gìn giữ xã hội bền vững thì lại rất kém.

Thế giới lo chuyện đại sự, lo thay đổi về nhân khẩu học, năng lượng, môi trường an toàn lương thực. Lo “vẽ bản đồ ngôi nhà” của mình: một cụm cao tầng ở trung tâm có bảo vệ bằng điện tử: đó là khu tài chính, thương mại. Rồi đến vùng vây quanh là nơi sinh sống của hàng triệu người bỏ quê ra sống đô thị, chịu cảnh nghèo khổ trong nhà ổ chuột, dịch vụ hư hỏng xuống cấp, tắc nghẽn giao thông. Rồi đến vòng bao quanh khu đô thị đó mới là khu biệt thự của nhà giàu đã bỏ chạy khỏi cái vòng đai của dân nghèo để ra xa với vòng đai xanh và hàng ngày đám nhà giàu và trung lưu đi ô tô vào trung tâm để làm việc. Sau đó mới đến các khu xử lý rác… Còn lối sống?

Thì đã có thể tìm vào câu trả lời ở 8 đề cử Oscar cho Vẻ đẹp Mỹ - American Beauty mà các nhà phê bình gọi đó là bản luận tội xã hội trung lưu Mỹ. Không vắng mặt một việc nổi cộm nào, từ “những lời nói dối để yên thân giữa chồng, vợ, con cái” cho đến bạo lực, ma túy, tình dục ngoại hôn, dấu vết của chủ nghĩa tân phát xít và sự dò xét đời tư người khác… Tế bào căn bản của xã hội Mỹ là giới trung lưu khá giả ấy đã nhiễm bệnh thời hiện đại. Và thanh niên thì phải lo sự thành đạt để giàu có.

Người ta đã kêu lên: không ai hiểu lớp trẻ, trừ các nhà tiếp thị. Bọn trẻ có tiền, được gọi là thế hệ Y đã thay cho hình ảnh cũ về thế hệ X của những năm 90 lương ít, sống buồn, không tin quảng cáo. Nay thì hình ảnh của họ là dễ thương, có học, có tiền, đang quyết liệt leo lên đứng vào con số 2/5 số người giàu sang, nhóm dân Mỹ phát triển nhanh nhất có mãi lực 120 tỷ đô. Với cái đích đến ấy, họ phải giải quyết các vấn đề của mình. Không biết họ có giống vấn đề của nước Nhật, giới trẻ sành điệu, xăm mình, xỏ lỗ tai, nhuộm tóc, ăn nhiều hambuger, pizza và uống Coca.

Nhưng rõ ràng họ phải nhanh chân, chọn lọc, vì xã hội của họ cho thấy một người tốt nghiệp trung học không biết Newton khám phá ra trọng lực thì cũng chẳng tai hại bằng việc không biết xài thẻ tín dụng. Mỗi năm có tới cả triệu người Mỹ bị phá sản vì thẻ tín dụng! Họ cần học kỹ năng sống để không bị đào thải trong xã hội hiện đại với những khóa học “life skills course”.

Thế mà lứa cha mẹ họ, những người vẫn đặt quan tâm vào những vấn đề Việt Nam. Không chỉ là việc liên quan đến 58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam, số quân luân chuyển và gia đình của họ, lên tới hàng triệu người có liên quan trực tiếp, mà còn là chuyện vì sao đổ vào 350 tỷ đô mà bại trận? Và đau đầu hơn nữa là vì sao họ không hiểu hết được kẻ thù? Họ đã thua vì văn hóa, vì con người. Đến bây giờ họ vẫn trở lại đất nước này để hỏi rằng vì sao Việt Nam đánh Mỹ quyết liệt vậy mà nay đón người Mỹ một cách tử tế nồng hậu không hận thù. Họ hỏi vợ của người chiến sĩ trong bức ảnh làm chấn động thế giới, bị Nguyễn Ngọc Loan dí súng bắn chết ngay trên đường phố Sài Gòn “Có căm thù Mỹ không?”. Người đàn bà ấy trả lời chân thật: bà hận thằng bắn, còn con bà hiện nay đang học tiếng Anh.

Một dân tộc có văn hóa, cao thượng như vậy vì đâu? Chính điều này lôi kéo các ký giả nước ngoài. Họ thích ở xứ này, và ông Ẩn nói người Pháp gọi nỗi yêu Việt Nam ấy là “họ mắc bệnh da vàng. Dính đây là kẹt ở đây luôn”. Ông Ẩn đã từng gặp lại những ký giả Anh, Mỹ, Pháp những người mà ông tưởng đã không thể gặp lại. Họ nói đùa với nhau: “Khổ quá! Cái xứ sở kỳ! Say mê ở hoài còn làm ăn gì. Dứt không được”. Đến bây giờ, không chỉ người Mỹ, mà cả thế hệ sau, con cái của Việt kiều cũng có cái nhìn khác. Cha mẹ họ có thể mang nỗi đau lịch sử, phải sống xa Tổ quốc, có người chống Cộng kiểu xưa. Với lớp con cái, họ không tìm được tiếng nói chung.

Ông Ẩn đã tiếp những người con của các bạn ông làm việc cho chế độ cũ. Đám trẻ này theo cha mẹ định cư ở Mỹ, nay về nước làm ăn hoặc thăm gia đình. Ông nhận xét: “Tôi tin tưởng vào thế hệ văn minh, có nhận xét khách quan. Đụng tới dân tộc, tới Tổ quốc là họ sẽ bảo vệ. Bố mẹ nó chống Cộng, nói nó không nghe. Lý sự là: ổng làm sai, chọn không đúng đường, còn cay cú. Nhét mấy đồ đó vào tụi con đâu được. Thì ổng nuôi mày, chiều ổng tí được không? Không được. Nói láo không nên. Đó là tư duy của người con một Việt kiều lớn lên ở Mỹ, suy nghĩ “Mỹ trăm phần trăm”. Đám trẻ có học hành, gạt nó không được. Đầu đất sét sao? Nó thông minh chớ”…

Bây giờ, mỗi khi các nhà báo phương Tây trở lại Việt Nam, ông Ẩn vẫn không quên thăm hỏi những người bạn đồng nghiệp đã lớn tuổi, người nghỉ hưu, người đi dạy học. Những tên người được nhắc đến như Frank Mc Culloch giám đốc văn phòng Tuần báo Time tại Sài Gòn, Richard Clurman là trưởng ban phóng viên tạp chí Time với văn phòng ở New York. Ông Ẩn nhắc họ như một lời tâm sự: “Mc Culloch dạy tôi cách nhận tin đúng. Đó là mối quan tâm chính của Mc Culloch. Hãy nói với anh ấy, tôi không hề là thành viên của chiến dịch thông tin sai lạc. Những người bạn tốt nhất của tôi đều ở tòa báo Time. David Greenway và các phóng viên khác đã dạy tôi thế nào là tình bạn. Clurman cũng đã chứng minh thế nào là sự trung thành. Mọi người đều ngán sợ Clurman nhưng khi có vấn đề họ đều hướng về ông ta để được giúp đỡ. Clurman không hề vùi dập ai bao giờ. Nhà báo Morley Safer cho biết Frank Mc Culloch hiện là chủ biên điều hành của tòa báo San Francisco Examiner. David Greenway làm cho tờ Boston Globe, còn Richard Clurman hiện viết sách và là Trưởng bộ môn báo chí Đại học Columbia.

Ông cũng còn hỏi thăm về Robert Shaplen, phóng viên nhiều năm tại Việt Nam của tờ New Yorker mà ông không biết là đã chết vì ung thư. Hỏi về người bạn thân thiết Nguyễn Hưng Vượng. Morley viết trong một bài tường thuật sau cuộc gặp gỡ ông Ẩn tại Sài Gòn: “Ẩn ôm hôn và bắt tay tôi. Làm ơn nói dùm với tất cả các bạn lời thăm hỏi. Nói với Clurman và Mc Culloch và đặc biệt với Charlie Mohr. Nói với họ rằng tôi vẫn khỏe, vẫn thường”. Charlie Mohr trước tiên làm cho Time, rồi New York Time. Ông ta là một trong các nhà báo Mỹ đầu tiên tường thuật về một Miền Nam Việt Nam hấp hối vào đầu những năm 60. “Trở về Mỹ tôi gọi cho Clurman và Mc Culloch, cả hai đều rất cảm kích là Ẩn đã nhớ tới họ một cách mến mộ như vậy. Với Charlie Mohr tôi chẳng bao giờ liên lạc được, anh đã chết vào năm 1989 ở tuổi 60 vì bệnh ung thư”. Morley viết.

Họ trở lại Việt Nam không phải là chỉ đem về được những tìm hiểu sâu hơn về con người và xứ sở này, những gì trước đây đã không hiểu được. Họ còn có những ấn tượng sâu đậm từ hình ảnh người bạn cũ này, người được đánh giá là có quan hệ rộng “best connected man” tại Sài Gòn và nhờ vào đó, Ẩn đã cứu những người bạn như thế nào. Ông Ẩn hôm nay vẫn cho họ ấn tượng mới. Có vẻ là còn vô số điều có thể khám phá về tính cách người Việt Nam qua mỗi con người mà họ biết. “Có bao giờ ông buồn và ân hận vì đi làm cách mạng không?”. Câu hỏi động chạm và có vẻ khó nói nhất ấy của người nước ngoài, được ông trả lời dễ dàng: “Có buồn chứ. Buồn nhất là lúc đó cấp trên không cho lấy vợ Mỹ”. Ông đã biến những điều nghiêm trọng trở nên nhẹ nhõm nhờ vào những chuyện tưởng như nhỏ nhoi, riêng tư và “xa chủ đề” nhất.

Sao ông bảo đất nước ông tự do cơ mà? “Không được, ông nội! Vào Đảng đã hứa rồi. Vợ Mỹ, con người quốc tế, cả loài người nhập vô, lai nhiều giống. Mà ác cái, tôi thương hai ba cô liền. 14 tuổi tôi đã biết yêu rồi. Ác lắm. Vợ tôi là người thứ mười lăm mới cưới. Rảnh là đi coi vợ. Có ai lấy đâu. Tôi hỏi một lần à. Kiểu anh trời đánh không chết! Bạn bè lắc đầu cười”.

Còn những câu hỏi nghiêm trọng hơn giữa các đồng nghiệp hỏi thật nhau. Bây giờ ký giả Mỹ vẫn đòi ông bạn Ẩn của mình vốn là nhà phân tích chiến tranh, phải trả lời cho họ rõ vì sao Mỹ thua.

Ông Ẩn: “Mỹ thua bao giờ? Là anh nói đấy nhé, không phải tôi nói. Cụ Hồ cũng không nói thế. Cụ nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Cụ có nói Mỹ thua không? Hội nghị Paris 4 bên, anh đồng ý mới tự phải rút quân anh nhá!” “Thôi thua phải nói thua, không ngụy biện”, ký giả Mỹ vặn lại.

Ẩn vẫn đẩy cái bẫy hài hước trêu chọc ra: “Có nhớ không? Đờ - Gôn nói nước Pháp thua một trận chiến chứ đâu phải cả cuộc chiến tranh”. Lại giở trò rồi! Ký giả Mỹ lại chịu. Họ quay về đề tài cũ: Đi làm cách mạng vậy có tiếc gì không? Lại rơi vào trận cười chuyện lấy vợ Mỹ, việc coi bói. Khổ. Ông nội cách mạng rắc rối, quản lý chặt, không cho lấy vợ Mỹ… Cưới vợ phải coi bói. Tam hạp quá cũng không được. Năm thê bảy thiếp, cộng vào là mười hai con giáp. Chết cô Mẹo cưới cô Mẹo vô. Khỏe. Cộng sản lên, một vợ một chồng, chơi hại. Kẹt. Tây nói đàn bà muốn là trời muốn. Họ thương phải lấy, không được cãi lệnh trời…

Ký giả Mỹ cười bò, hỏi thân mật: Cộng sản chứa loại anh à? Đuổi không lợi, thôi để luôn cho rồi. Cứ như vậy các kiểu “đùa dai” hài hước của Ẩn đã trở nên quá quen với họ.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên