27/10/2006 13:24 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 10: Ẩn giữa cuộc chiến tranh

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Không phải chất cao siêu thánh thần mà chính vì chất người, chính chất người đậm chất khôn ngoan, chân thành của người Việt đã giúp ông thành công...

Nhà báo Phạm Xuân Ẩn kết thân với nhiều người có thế lực. Đỗ Cao Trí là một trong số đó. Thân đến nỗi Trí là tư lệnh vùng 3 có lần rủ nhà báo Ẩn viếng tiền đồn đang bị bao vây ở Tây Ninh. Trí hỏi có sợ chết không, nhà báo đi trực tiếp chiến trường? Mình như người lính dù treo toòng teng trên trời, thằng nào nó ngắm bắn cũng chết. Chết là hết. Vô quân đội là đã chấp nhận hòn tên mũi đạn còn gì. Đạn tránh anh chứ anh tránh được đạn đâu.

Với ý nghĩ đó, ông Ẩn hành nghề báo chí, hay ông là một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, hai cái hòa làm một. Ông đã từng mượn xe của Phủ Tổng thống thời Ngô Đình Diệm đi thăm các khu trù mật, trên xe mang biển số ẩn tế, đề phòng bị phát hiện và V.C phục kích. Tuyến đường xấu lắm. Sau Mỹ qua mới có sửa lại, mở rộng, không còn quang cảnh đường đi Buôn Mê Thuột nhỏ xíu. Ẩn cũng đã từng lái xe ra tận Vĩ tuyến 17.

Sau này, ông theo cả trực thăng Mỹ đi hành quân. Đã có lúc ông tính phải tập nhảy dù, chỉ huy của ta ngăn lại, sợ nguy hiểm quá. Trong trận mạc, quân đội và du kích ta thường bắn tỉa bọn nhảy dù và đó là cách diệt địch khá hiệu quả. Cũng đã có lần trực thăng chở ông bị lửa đạn nhắm bắn. Sau một ngày ta thắng lớn trận Ấp Bắc, Ẩn đã theo trực thăng Mỹ lên tận nơi. Sự lừa dối hào nhoáng của Neil Sheehan miêu tả chủ yếu về trận Ấp Bắc này. Không một đồng nghiệp nước ngoài nào ngờ cái người đi cùng với họ với tư cách ký giả đi viết tin chiến trường ấy - Phạm Xuân Ẩn - là người góp công lớn cho chiến thắng Ấp Bắc với tư cách một chiến sĩ điệp báo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chính ông Ẩn và người tiểu đoàn trưởng quân ta chỉ huy trận đánh này được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Những cuộc hành quân nơi xa như Cà Mau, Tây Ninh, ông đều đi theo với tư cách ký giả chiến trường bằng trực thăng Mỹ.

Trong chuyến đi Đỗ Cao Trí tổ chức, ông suýt gặp nguy hiểm mất mạng. Nếu không nhường chỗ cho ký giả Franscoi’s Sully của tạp chí Newsweek thì ông đã chết trong chuyến ấy rồi. Chiếc máy bay đó bị bắn rớt và nhà báo Franscoi’s Sully đã chết trong chuyến đi đó.

Trong các chuyến đi viết tin chiến trường như thế, với nhiệm vụ ký giả, chưa bao giờ ông đưa tin thất thiệt hoặc tin “đầu độc” theo kiểu tình báo. Ông chỉ đứng ở vị trí phóng viên để mở quan hệ rộng, thu thập tin tức chứ không dùng tờ báo làm công cụ. Không có một bài viết nào của Ẩn làm hại cho tờ báo hoặc viết điều gì không đúng. Chắc chắn là tờ Time đã kiểm tra toàn bộ những bài viết của ông sau khi Việt Nam thống nhất, ông Ẩn được biết tới là một anh hùng, một vị tướng tình báo Cộng sản.

Các nhà báo phương Tây trở lại Sài Gòn sau giải phóng, vào những dịp kỷ niệm 30-4 của các năm chẵn, họ vẫn nhớ đến thăm người đồng nghiệp cũ. Ngoài tình cảm kính trọng mang tính chất cá nhân, họ vẫn luôn khổ vì phải tìm cho ra câu trả lời vì sao nước Mỹ thua cuộc tại xứ sở nhỏ bé lạc hậu này. Họ càng mong mỏi hơn nữa tìm được lời giải, thuyết phục từ con người, từ chiều sâu truyền thống văn hóa. Mà hơn ai hết, người mẫu của họ cần nghiên cứu chính là anh bạn đồng nghiệp Ẩn.

Ẩn có thể trả lời cho họ hiểu nhiều điều, ông có tư duy phân tích khách quan của nghề báo, có tính chất sâu sắc và nghiêm cẩn của người sĩ quan tình báo, bản thân ông lại mang nhiều đặc trưng của cuộc sống Việt Nam. Còn gì hơn thế! Không chỉ là chuyện nhận định những gì đã xảy ra, mà chính ông có thể nói về hôm nay, về đường hướng phát triển của đất nước này, có thể giải thích các nghịch lý từ dưới tầng sâu của sự kiện.

Đến ngôi nhà của ông hôm nay, bạn bè thấy người chiến binh kỳ cựu ấy không nghỉ. Không phải vì ông còn giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu, giảng dạy, soạn tài liệu, mà vì đó là một lối sống: ung dung tự tại, không tham dự nhiều nhưng lại luôn hiểu biết. Ông vào nghề tình báo từ lúc 25 tuổi - như tất cả những người yêu nước phải làm một công việc của Cách mạng, không thể có lựa chọn nào khác, khi dân tộc mất Độc lập - Tự do, dân nước nô lệ.

Nhìn vào nét lớn của những bước phát triển kháng chiến ta sẽ thấy đời ông Phạm Xuân Ẩn trải qua tất cả các giai đoạn. Từ thời chống Pháp 1945-1954; từ 1954-1960 miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm; từ 1961-1965 giai đoạn Chiến tranh đặc biệt, dùng quân ngụy với viện trợ Mỹ càn quét, dồn ấp chiến lược 10 triệu đồng bào. Những chương trình và kế hoạch lớn do Staley - Taylor (giáo sư kinh tế Eugene Staley và Đại tướng Maxwell D. Taylor) xây dựng nhằm bình định Miền Nam trong một tháng và kế hoạch bổ sung của Johnson - Mac Namara bình định Miền Nam trong 2 năm 1963-1964 hoàn thành 16 ngàn trong tổng số 17 ngàn ấp xã Miền Nam.

Chính thời gian đó, Mỹ thay Diệm và quân ta chiến thắng Ấp Bắc và Bình Giã vang dội - kết quả của ba mũi giáp công của quân dân Miền Nam. Giai đoạn Chiến tranh cục bộ 1965-1968 Mỹ đưa quân ồ ạt vào với ý đồ giải quyết nhanh trong 4 năm, hơn một triệu quân, trong đó 50 vạn lính Mỹ đổ vào. Đây cũng là giai đoạn các chiến thắng Vạn Tường, Playme, Bầu Bàng, Núi Thành, Chu Lai, Đường 9. Mỹ điên cuồng ném bom hủy diệt Miền Bắc hậu phương lớn. Những chiến dịch khét tiếng quy mô tàn k hốc và do đó cũng thành lẫy lừng chiến công của quân dân ta như: Chiến dịch Xêđa phôn (Cedar Fall), Birmingham, Giônxôn City (Johnson City) với những cuộc hành quân lớn kinh khủng, tới 45 ngàn quân đổ xuống một huyện.

Đây chính là giai đoạn mà Tổng chỉ huy quân sự Đại tướng William Westmoreland bị cách chức và Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. Mac Namara từ chức sau Tết Mậu Thân. Từ 1969-1973 Mỹ rút quân, thực hiện học thuyết Nixon, mở rộng chiến tranh Đông Dương. Ta lại có chiến công Đường 9 Nam Lào. Mỹ điên cuồng phong tỏa Hải Phòng và đem B.52 rải thảm bom vào Hà Nội. Sau 1973-1975 là giai đoạn cuối cùng Việt Nam hóa chiến tranh và dẫn tới chiến thắng đỉnh cao 30-4-1975 đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Những sự phân chia giai đoạn chiến lược của kháng chiến ấy, như một cuốn sử tóm tắt, người Việt Nam đã thuộc. Còn những con số khủng khiếp cũng được tổng kết: Mỹ chi 720 tỷ đô la cho chiến tranh ở Việt Nam và đã huy động 70% lực lượng lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 60% không quân và 40% hải quân, cùng với 22 ngàn xí nghiệp phục vụ chiến tranh.

Các hãng truyền hình nước ngoài cho những con số khác nữa. 1 kilômét vuông ở Việt Nam đã phải chịu 6 tấn bom Mỹ ném xuống. 1/3 rừng Việt Nam bị tàn phá do bom đạn và chất độc rải xuống. Bom Napalm là một trong những thứ vũ khí tai tiếng nhất với sức nóng 2.000 độ và những chiếc máy bay chiến đấu C.47 có súng máy, đại liên và 600 quả bom, mỗi quả bung ra 300 viên bi giết người. Ký giả Mỹ đã thốt lên “năm 1968 làm bầm dập một thế hệ chúng ta”. Năm 1969 có hơn 54 vạn lính Mỹ tới Việt Nam và có 50 ngàn trẻ lai Mỹ sau chiến tranh. Có tới 2 triệu cuộc hành quân tìm diệt trong suốt cuộc chiến và 36 triệu phi vụ chiến thuật bằng trực thăng. Cuối năm 1969 ký giả nước ngoài gọi Việt Nam là một nấm mồ tập thể của đội quân nước ngoài đã mất hết lý trí. 58 ngàn lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong giáo trình dạy về nghiệp vụ báo chí của các Đại học Mỹ, người ta dạy các sinh viên, các nhà báo tương lai rằng không nên làm báo theo kiểu “nhồi banh” (mush ball) la liệt con số, sự kiện. Nhưng có thể nào người ta lại quên đi được những con số - đã rất tóm lược, trên đây?

Tất cả cuộc chiến tranh dài đau thương và anh dũng ấy, Ẩn thực sự ẩn mình trong một vị trí chiến đấu lạ lùng và cam go không biết có thể so sánh với hàng triệu triệu số phận và câu chuyện đặc biệt của dân Việt Nam không? Chỉ biết rằng hôm nay, con người ấy vẫn tiếp tục một cuộc sống mới cùng dân tộc. Nguyên tắc sống và tính chất con người của ông vẫn là của “mùa thu cũ” như thơ Xuân Quỳnh đã nói về tình yêu. Mùa thu đã vàng hoa cúc, đã ra biển cả với dòng nước trôi, đã đi theo lá về rừng. Tất cả đã trôi qua, chỉ còn em và anh, là của mùa thu cũ thủy chung. Chỉ có tình yêu là không thay đổi. Vậy là nó mới hay cũ? So sánh với tình yêu như thế không hề sai về sự thủy chung của con người đã được miêu tả là “người yếu ớt cong xuống nhưng không dễ bị đánh gục giống cái cây trong giông bão”. Không dễ bị đánh gục, hay là con người trung kiên không dễ đổi thay?

Vài lần, khi đến nhà, tôi thấy ông đang nhặt nhạnh đống đồ chơi mà đứa cháu nội để vương vãi. Chú bé đã đi nhà trẻ mẫu giáo. Còn người ông, không giống những người ông chỉ vui với cháu chốc lát chứ không chịu được nhịp sống động của trẻ nhỏ. Ông Ẩn tự nhận mình là “vú em” vì tham gia rất nhiều vào việc nuôi nấng đứa cháu thiệt thòi vì xa mẹ. Ông như chính chú bé rất thạo “Đồ chơi Đức mắc nhất nhưng bền và chính xác”. Ông cầm lên chiếc ô tô nhỏ. Giờ đây ông thuộc đồ chơi hơn bất cứ ông già và người lớn tuổi nào. Tàu họ làm cả quỷ sống… khôn lắm, một năm thu lợi một tỷ đô. Tàu bắt chước nhanh, bán rẻ thôi, do tiếp cận thị trường. Thằng Macao bắt chước. Đây, cây sáp đốt hình con khỉ tuổi Thân. Ông cầm chiếc xe lửa: bị đập lên đập xuống hoài vẫn chạy. “Đồ chơi thì Nhật vẫn là số một. Bán cùng thế giới hết. Rẻ nhất, mề đay giả, dây chuyền. Rẻ, mau hư. Đức, Anh, Mỹ làm đồ bền chặt. Tàu bắt chước, bán chiếc xe lửa, 7,80 ngàn. Nó kiếm tiền từ những người như tôi. Nhật thua đồ Tàu vì đắt hơn”. Ông cười như nhận lỗi: “Tôi hay để ý lắm. Làm báo phải biết những gì con người quan tâm. Độc giả thường thích cái lạ, cái chưa quen thuộc. Có ba loại đề tài luôn được người ta đón đọc, đó là viết về các vấn đề xã hội, việc gia đình, và viết về bản thân mình, câu chuyện cuộc đời cá nhân…”

Ông đang nghiên cứu những vấn đề mới của kinh tế thị trường, cho nên “cái nhìn đồ chơi” của ông cũng có màu sắc tìm hiểu thương trường theo cái liên tưởng mọi vật một cách tự nhiên. Phải xây dựng một tầng lớp người mới qua kinh tế thị trường. Có những người dị ứng khi dùng chữ Tư bản. Nhưng thật ra thị trường là sản xuất theo nhu cầu con người, không đặt cao giá trị sản xuất mà chú trọng vào giá trị sử dụng và thị hiếu. Còn tư bản thì một xu nó cũng tính, lợi nhuận là trên hết.

Ông nói chơi chơi như tâm sự với bạn bè về những điều quan tâm chung. Phải xây dựng những lớp người mới có trình độ khoa học - kỹ thuật. Còn tác giả Thăng trầm quyền lực nói tiếng Tàu giỏi, nó bảo tài nguyên cũng lớn nhưng tài nguyên lớn nhất vẫn là con người. Việt Nam nhìn lại cũng sẽ rõ: Hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua đã thắng lợi trong các điều kiện không ai làm nổi. Không có một nước thuộc địa nào giành được độc lập theo cách như vậy. Toàn là chịu thuộc địa kiểu mới. Đánh thiện chiến như chúng ta là phải có con người. Hậu cần theo kiểu đường mòn Hồ Chí Minh, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, chỉ có Việt Nam làm. Do con người sáng tạo.

Bây giờ cứ thử dòm trên ti vi là sợ liền: mâu thuẫn ly khai, sắc tộc các nơi triền miên. Việt Nam vẫn làm theo cách của mình. Theo ông, phải vận động tinh thần đường mòn Hồ Chí Minh vào kinh tế xây dựng đất nước thì không thế lực nào “ăn” nổi. Kinh tế thị trường là khách quan, có từ trước Chủ nghĩa tư bản. Bây giờ thị trường là chiến trường, chúng ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên nó. Còn Tư bản xây dựng Chủ nghĩa tư bản bảo vệ quyền lợi đại tư bản. Đấu tranh này cực, cực vô giới hạn. Những suy nghĩ có tính “vĩ mô” này, ông nói ra rất tâm tình, như là đang tự nghĩ.

Ông vẫn thường bị ký giả phương Tây phỏng vấn về dân chủ, tự do, với tư cách là một người đã nếm trải cả những cay đắng ngay trong chế độ mà ông đã hết lòng.

Thật ra bọn họ không hiểu - Morley đã viết: “Ẩn chẳng phải là người biện hộ cho những nguyên do mà anh phục vụ… không giống Athur - Koestler và những người say mê chủ nghĩa Mác, tôi nghĩ Ẩn chưa bao giờ sùng tín… Điều mà tôi nghi ngờ là anh đã không phân biệt rõ ràng đâu là chính bản thân, đâu là chính trị và xứ sở anh. Tôi nghĩ rằng anh đã hành xử một cách tự nhiên, chứ không chỉ vì can đảm. Không phải tính chất thánh thần mà chính vì chất con người đã khiến anh thất bại”. Cái nhìn riêng biệt ấy đã cho rằng Ẩn đã không được tin cậy do việc ông Ẩn đã đi “học tập cải tạo” dành cho những người của Đảng cần được uốn nắn về tư tưởng.

Ông cũng không suy xét về việc đó lâu. Ông lý giải về dân chủ một cách sáng sủa như một sự hợp lý hiển nhiên. Ông nói với ký giả Mỹ rằng dân chủ kiểu Mỹ chỉ là dân chủ cấp thấp: cơ chế để kiểm soát đa nguyên chỉ là cơ chế giúp không nổi loạn. La hét kệ, cả triệu người cũng không sao. Cho nó la mà biết để sửa. Công đoàn Mỹ cũng biểu tình la hét mạnh mẽ nhưng họ không bao giờ được tham gia vào đường lối chính sách. Dân chủ chỉ là đường lối để cai trị dân. Còn dân chủ xã hội chủ nghĩa mới là dân chủ cấp cao. “Cứ lấy cái thí dụ kinh tế chia phần cái bánh - Dân chủ xã hội chủ nghĩa vì đa số dân chia phần bánh lớn. Chứ tư bản: chia đều thì tao đi ăn mày à. Chuyện đó không có”. Vẫn giọng hài hước và diễn giải lý luận cao siêu ra thành hình ảnh đơn giản. Ông Ẩn thường chinh phục người khác bằng sự uyên bác nhưng rất giản dị và hóm hỉnh.

Chắc phải sửa lại câu nói của Morley: không phải chất cao siêu thánh thần mà chính vì chất người, chính chất người đậm chất khôn ngoan, chân thành của người Việt đã giúp ông thành công.

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên